VnReview
Hà Nội

VnReview mổ điện thoại Lenovo Vibe X (S960)

Đây là chiếc smartphone cận mức cao cấp của Lenovo vừa bán ra thị trường Việt Nam vào đầu tháng 12/2013 với giá 9,6 triệu đồng.

VnReview đã có bài trên tay chiếc Lenovo Vibe X với những thông tin đánh giá sơ bộ về điện thoại này trong sử dụng thực tế. Nhìn chung, máy có hình thức đẹp, mỏng nhẹ (7,3mm và nặng 122g), vỏ nhựa phía sau có vân được thiết kế cong vát nên cầm rất ôm tay. Màn hình độ phân giải Full-HD của máy thể hiện màu sắc rực rỡ với độ sáng cao. Các thông số cấu hình khác cũng tương đối ấn tượng như camera chính 13MP phía sau và camera phụ 5MP phía trước, bộ nhớ trong 16GB, bộ vi xử lý MT6589T lõi tứ 1.5GHz của MediaTek và 2GB RAM.

Tuy nhiên, điểm yếu đáng tiếc nhất ở Vibe X là máy chạy không mượt trong trải nghiệm thực tế. Có vẻ như bộ vi xử lý lõi tứ MT6589T chưa đủ sức đáp ứng tốt màn hình độ phân giải Full-HD hoặc cũng có thể là do giao diện tùy biến của Lenovo trên điện thoại này quá nặng nề.

Cách đây khoảng 2 tháng, VnReview đã từng mổ chiếc smartphone cao cấp K900 của Lenovo. So với chiếc K900 thì việc mổ chiếc Vibe X khó khăn hơn và các thành phần linh kiện bên trong của hai máy cũng khác nhau rất nhiều.

Chất lượng thiết kế và lắp ráp

Dường như định hướng chủ đạo trong thiết kế chiếc Vibe X của Lenovo là mỏng nhẹ và nhà sản xuất cố gắng tìm mọi cách để đạt mục tiêu nay, chấp nhận cả việc máy sẽ rất khó tháo lắp và sửa chữa. Thực tế, chúng tôi thấy việc mổ điện thoại này còn khó hơn cả chiếc Huawei Ascend P6, cũng là chiếc điện thoại được đánh giá là khó tháo lắp khi được mổ vào tháng 8/2013. Quá trình lắp ráp sử dụng nhiều băng dính để định vị các mạch flex, vỏ, pin, hộp âm (tích hợp chung cả loa thoại và loa ngoài) và sử dụng nhiều ốc ẩn phía dưới các mạch flex, khiến việc tháo ốc không cẩn thận có thể làm đứt mạch flex (mạch flex là cáp mỏng nối linh kiện như màn hình và pin với bo mạch).

Máy có thiết kế mỏng (7,29mm) và nhẹ (122,2 gam), riêng chỗ camera lồi lên dày hơn 1mm (8,3mm)

Nắp nhựa mỏng ốp phía mặt sau được gắn với thân máy qua các mối gài nhưng dường như thấy chưa đủ chắc chắn nên Lenovo đã sử dụng băng dính hai mặt để cố định nó với thân máy. Vì vậy, việc tháo nắp nhựa ra khá là vất vả. Pin và cụm màn hình cũng khó tháo do chúng được gắn với thân máy bằng băng keo. Pin có thể dùng dụng cụ để cạy ra được nhưng tháo cụm màn hình thì cần có thiết bị chuyên dụng làm lỏng lớp băng keo bằng nhiệt nếu không sẽ rất dễ làm nứt vỡ tấm màn hình.

Vỏ máy được gắn chặt với thân điện thoại bằng các mối gài và cả băng dính hai mặt

Pin được gắn keo khá chặt với thân máy

Bo mạch của máy được thiết kế và bố trí khá gọn gàng theo phong cách của iPhone 4/4s và cũng khá giống với chiếc Huawei Ascend P6.;Các thành phần linh kiện trên bo mạch được bảo vệ bằng các tấm chống nhiễu điện từ (EMI Shield). Trong đó, tấm chống nhiễu lớn bảo vệ hệ thống vi xử lý, RAM và bộ nhớ trong sử dụng kiểu mối gài nên tháo ra dễ dàng, còn các tấm nhỏ bảo vệ các thành phần khác được hàn thẳng lên bo mạch giống như chiếc Lenovo K900. 

Bo mạch của máy có thiết kế khá giống với chiếc Huawei Ascend P6 chúng tôi mổ vào tháng 8/2013

Tấm chống nhiễu điện từ lớn nhất được gắn lên bo mạch bằng mối gài, còn các tấm chống nhiễu nhỏ được hàn thẳng vào bo mạch 

Mặt khác của bo mạch

Phím âm lượng được hàn thẳng vào bo mạch, không dùng đầu nối (connector) như nhiều máy cao cấp khác 

Một chi tiết đáng chú ý trong thiết kế của Vibe X là loa ngoài được tích hợp chung với loa thoại. Thông thường thì các điện thoại khác có 2 loa riêng, một loa thoại đặt phía trên và loa ngoài được đặt phía dưới máy. Nhưng có thể do phần phía dưới không đủ không gian nên Lenovo đưa loa ngoài lên nằm chung với loa thoại vì phần bên trên của máy còn nhiều không gian hơn. Việc tích hợp chung hai loa có ưu điểm là khiến máy gọn nhẹ hơn nhưng có nhược điểm là khó sửa chữa vì hộp âm của loa chung phức tạp hơn nhiều. Khi tháo hộp âm này, chúng tôi phải tháo các lớp băng keo và khi lắp lại có thể sẽ ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh.

Vibe X tích hợp chung loa ngoài vào loa thoại đặt phía trên đỉnh máy (ô đánh dấu đỏ)

Nhìn chung, đây là thiết bị được thiết kế đảm bảo mục tiêu mỏng nhẹ, hình thức khá đẹp mắt nhưng đạt điểm rất thấp về mức độ dễ sửa chữa do sử dụng nhiều băng keo trong quá trình lắp ráp.

Các thành phần linh kiện

Lenovo Vibe X sử dụng nền tảng phần cứng của MediaTek. Tương tự như Qualcomm, MediaTek là nhà cung cấp giải pháp nền tảng phần cứng cho các nhà sản xuất điện thoại, trong đó thành phần cốt lõi là hệ thống vi xử lý tích hợp (SoC - System on Chip). Các máy sử dụng hệ thống xử lý tích hợp SoC của MediaTek cũng thường sử dụng nhiều thành phần khác đi kèm của hãng này.

Cụ thể, trên bo mạch của chiếc Lenovo Vibe X, chúng ta có thể thấy sản phẩm của MediaTek xuất hiện ở rất nhiều nơi, gồm: SoC MT6589T; chip quản lý năng lượng; chip tích hợp Wi-Fi, Bluetooth, FM và GPS; và bộ truyền nhận sóng vô tuyến (RF Transceiver).

Ngoài các thành phần của MediaTek, một số thành phần quan trọng khác trên chiếc Vibe X là sản phẩm của các nhà cung cấp lớn, ví dụ như bộ nhớ trong 16GB (bộ nhớ NAND flash) và RAM 2GB của Samsung, màn hình Full-HD của LG, kính bảo vệ màn hình Gorilla Glass của Corning. Camera của Vibe X sử dụng sản phẩm của hai nhà cung cấp khác nhau, trong đó chiếc camera chính 13MP của Sony còn camera trước 5MP lại đến từ nhà cung cấp linh kiện ít tên tuổi Sunny Optical Technology của Trung Quốc.

SoC MT6589WTK tích hợp 3 thành phần gồm: 4 lõi xử lý (CPU) ARM Cortex-A7 tốc độ 1.5GHz, nhân đồ họa (GPU) PowerVR SGX-544 tốc độ 357MHz và chip 3G.

Đây là bộ chip tích hợp Wi-Fi, Bluetooth, GPS và FM của MediaTek. Trên các máy dùng SoC MT6582 như Lenovo S650 thì bộ chip này được tích hợp luôn vào trong SoC.

Bộ truyền nhận sóng vô tuyến (RF Transceiver) của MediaTek

Thành phần này là chip quản lý năng lượng cho điện thoại, cũng của MediaTek

Đây là mô-đul tích hợp bộ nhớ trong (bộ nhớ NAND flash) dung lượng 16GB và RAM 2GB của Samsung. Máy không có khe cắm thẻ nhớ ngoài.

Camera sau (bên trái) và camera trước của Vibe X. Thông tin trên chiếc camera phía sau không thể hiện rõ là của hãng nào nhưng theo Lenovo thì do Sony cung cấp. Còn camera trước 5MP là của Sunny Optical Technology, nhà cung cấp linh kiện camera ít tên tuổi của Trung Quốc.

Các dữ liệu để lại trên tấm màn hình và cáp cảm ứng của màn hình không thể hiện rõ của nhà cung cấp nào. Có thể đây là linh kiện được nhà sản xuất đặt riêng nên không thể hiện rõ xuất xứ nhà cung cấp giống như chiếc Lenovo K900 (sử dụng tấm màn hình LG và cảm ứng của hãng Synaptics). Tuy vậy, theo Lenovo thì tấm màn hình của  Vibe X cũng là do LG Display cung cấp. 

Pin của máy có dung lượng 2050 mAh

Nhìn chung, Lenovo Vibe X là smartphone được thiết kế theo định hướng mỏng nhẹ nhưng để có sự được mỏng nhẹ này thì máy đã sử dụng nhiều băng keo trong quá trình lắp ráp, nên việc tháo lắp để sửa chữa sẽ rất khó khăn. Máy sử dụng nhiều linh kiện của MediaTek và cả nhà cung cấp ít tên tuổi từ Trung Quốc kết hợp với một số thành phần quan trọng như màn hình, camera chính từ các nhà cung cấp lớn như Samsung và Sony. Với sản phẩm dùng nền tảng của MediaTek, mức giá 9,6 triệu đồng của Vibe X có thể nói là khá cao, tiệm cận mức giá của nhiều smartphone cao cấp trên thị trường hiện nay như OPPO Find 5, Google Nexus 5 và Nokia Lumia 925. 

Toàn bộ linh kiện của Lenovo Vibe X

BBT

Chủ đề khác