VnReview
Hà Nội

Đánh giá điện thoại Motorola Moto G

Moto G là điện thoại giá rẻ có cấu hình rất hấp dẫn của Motorola, được giới thiệu vào giữa tháng 11 năm ngoái. Moto G hiện được bán ở nhiều quốc gia nhưng đáng tiếc là điện thoại này không được bán chính thức ở Việt Nam nên chúng ta chỉ có thể mua hàng xách tay.

Điểm đáng chú ý nhất của Moto G chính là giá bán hấp dẫn so với cấu hình của máy, trong đó thị trường có giá tốt nhất là Mỹ: 179 USD (khoảng 3,8 triệu đồng) với phiên bản 8GB và 199 USD (4,2 triệu đồng) với phiên bản 16GB. Ở các thị trường khác, đặc biệt là châu Âu, giá Moto G đắt hơn một chút so với ở Mỹ. Ở thị trường Việt Nam, giá hàng xách tay của Moto G hiện được một số cửa hàng rao bán trong khoảng gần 5-6 triệu đồng tùy phiên bản.

So với mức giá, cấu hình của Moto G khá là ấn tượng. Máy có màn hình 4.5 inch độ phân giải HD, bộ vi xử lý lõi tứ 1.2GHz của Qualcomm, RAM 1GB, camera 5MP và 1.3MP cùng với thiết kế tương đồng với máy cao cấp Moto X và chạy phiên bản hệ điều hành Android gần như nguyên bản của Google.

Thiết kế

Chiếc Moto G chúng tôi sử dụng để viết bài đánh giá, sau đó tặng lại bạn đọc, là hàng xách tay từ thị trường châu Âu (Bỉ). Máy có màu đen, đi kèm hộp phụ kiện chỉ có cáp USB và sách hướng dẫn, không có củ sạc và tai nghe. Có lẽ đây là cách Motorola cắt giảm chi phí để duy trì mức giá tốt nhất có thể cho sản phẩm. Về màu sắc, Moto G có màu mặc định là màu đen, ngoài ra người dùng có thể sắm thêm vỏ màu (6 lựa chọn màu, giá 15 USD mỗi chiếc vỏ) và tấm ốp (có 2 loại giá 20 USD và 30 USD, mỗi loại cũng có nhiều màu sắc khác nhau).

Máy có nhiều lựa chọn vỏ màu, giá 15 USD với vỏ và 20-30 USD với tấm ốp

Khi cầm trên tay Moto G, cảm giác đầu tiên là máy khá nặng (143 gam) và dày (11,6 mm) so với các smartphone cùng kích cỡ hiện nay. Nhưng độ dày và trọng lượng của Moto G không gây khó chịu mà mang lại cảm giác đầm tay và chắc nịch dù nó sử dụng chất liệu vỏ nhựa.

Thân máy khá dày 911,6mm) nhưng mặt sau được thiết kế cong, cảm giác cầm rất ôm tay

Có thể nói điểm cộng trong thiết kế của Moto G là ở kiểu dáng chứ không phải là chất liệu.;Máy cầm dễ chịu nhờ kích cỡ máy không to, tấm vỏ được thiết kế cong và bề mặt nhám, tương đối bám tay. Vỏ máy tháo rời được để lắp SIM thuộc loại SIM nhỏ (micro-SIM) và để cho người dùng thay vỏ màu nếu muốn. Tấm vỏ tuy tháo được nhưng viên pin 2.070 mAh của máy lại là pin liền.

Moto G sử dụng các phím điều hướng cảm ứng ngay trên màn hình giống như Nexus 4

Phía mặt trước của điện thoại này có nhiều nét giống với Nexus 4, nhất là chi tiết bo tròn ở các góc máy và việc sử dụng 3 phím điều hướng cảm ứng (Back, Home và phím mở danh sách ứng dụng gần đây) ở trên màn hình cảm ứng. Các phím nguồn và âm lượng trên cạnh phải được thiết kế gọn gàng, khá trau chuốt và dễ bấm. Loa ngoài được đặt ở phía mặt sau, bên cạnh camera. Mặt sau của máy vát, tạo ra khoảng trống đủ để loa ngoài không bị ảnh hưởng âm lượng khi đặt máy trên các mặt phẳng như mặt bàn.

Nhìn chung, Motorola đã rất nỗ lực trong việc thiết kế Moto G, sản phẩm được coi là máy giá rẻ nhưng vẫn mang dáng dấp của sản phẩm tương đối cao cấp. Điểm hạn chế đáng bận tâm nhất ở điện thoại này là không có khe cắm thẻ nhớ ngoài. Phiên bản 8GB chúng tôi sử dụng còn khoảng hơn 5GB trống dành cho người dùng. Sau khi đồng bộ dữ liệu từ tài khoản Google (danh bạ, Gmail…), cài đặt một số ứng dụng đọc tin, Facebook và một vài game trong đó có game nặng Asphalt 8 thì máy chỉ còn lại gần 2GB bộ nhớ trống. Tuy vậy, những người dùng có nhu cầu chụp ảnh, nghe nhạc và cài đặt nhiều ứng dụng trên điện thoại có thể lựa chọn phiên bản Moto G dung lượng 16GB, giá cao hơn 20 USD (hơn 420.000 đồng) theo giá của thị trường Mỹ.

Màn hình

Màn hình của Moto G có kích cỡ 4.5 inch, độ phân giải 1280 x 720 pixel với mật độ điểm ảnh 326 PPI. Đây là màn hình khá ấn tượng, không có những vấn đề hay gặp trên màn hình của những thiết bị giá rẻ như góc nhìn hẹp, mật độ điểm ảnh thấp, độ tương phản thấp và độ sáng yếu.

Moto G có mật độ điểm ảnh tốt so với tầm giá, tương đương số điểm ảnh của iPhone 5/5s. Góc nhìn của màn hình rộng, màu sắc chỉ thay đổi chút ít khi nhìn vào từ các góc – đây là chi tiết quan trọng đối với những người thích chơi các game cần nghiêng màn hình như game đua xe hay đua thuyền. Độ sáng tối đa trên màn hình của Moto G cũng được xếp ở mức tốt, chúng tôi đo được là 445 cd/m2, tương đương các smartphone cao cấp cũ như bộ ba Google Nexus 4, LG Optimus G và HTC One X. Về độ tương phản thì Moto G kém hơn khá nhiều so với 3 máy trên, song vẫn ở mức khá khi so sánh với các smartphone tầm giá 5 triệu đồng như Samsung Galaxy Win, HTC Desire 500 hay thậm chí cả Sony Xperia C.

Màn hình của Moto G có độ chi tiết và độ sáng tốt

Về màu sắc, nhiệt độ màu trên màn hình của Moto G hiển thị trông hơi lạnh, ngả nhiều sang màu xanh (người dùng có thể nhận ra khi mở ảnh hoặc trang web có nền màu trắng chuẩn) nhưng khả năng hiển thị các màu sắc cơ bản tương đối chính xác. Khi đo trên các thiết bị chuyên dụng, độ chính xác màu của Moto G có điểm số tương đương với Optimus G và HTC One X, là những sản phẩm được đánh giá tốt về chất lượng hiển thị màu.

Camera

Moto G có hai camera, chiếc phía sau 5MP và chiếc phía trước 1.3MP. Chiếc camera chính phía sau có ống kính khẩu f/2.4, đèn flash trợ sáng, khả năng lấy nét tự động và có khả năng quay phim HD. Ứng dụng camera của điện thoại này kế thừa từ máy cao cấp Moto X, sử dụng cử chỉ quét trên màn hình cảm ứng để mở phần thiết lập và zoom khi chụp (quét dọc tay trên mép màn hình chụp ảnh).

Quét tay từ trái sang trên màn hình camera sẽ mở ra phần thiết lập, cho phép điều chỉnh các lựa chọn chế độ HDR, bật tắt tính năng chạm để lấy nét/phơi sáng, đèn flash, quay phim chuyển động chậm (slow-motion), chụp khung ảnh rộng (panorama), địa điểm, tỷ lệ khung ảnh (16:9, ảnh 4MP và 4:3, ảnh 5MP) và âm thanh chụp.

Các thiết lập trên ứng dụng camera, nhiều tùy chỉnh về chất lượng như ISO, cân bằng trắng, thời gian phơi sáng... được ẩn để áp dụng cơ chế tự động

Nhìn chung, ứng dụng camera của Moto G được thiết kế theo hướng đơn giản cho người dùng theo kiểu iPhone và một số máy của OPPO. Motorola ẩn đi các tùy chỉnh liên quan đến chất lượng như chỉnh ISO, cân bằng trắng, thời gian phơi sáng… để áp dụng cơ chế tự động. Ngoài cơ chế lấy nét tự động, bạn có thể tự lấy nét bằng cách di vòng tròn trên màn hình đến điểm cần lấy nét.

Chỉnh điểm lấy nét bằng cách di vòng tròn đến điểm cần lấy nét trên màn hình

Tốc độ chụp ảnh trên Moto G lâu hơn các máy cao cấp hiện nay nhưng không quá chậm, chỉ chênh lệch ở con số phần trăm giây. Máy cũng hỗ trợ chụp nhiều ảnh cùng lúc bằng cách giữ ngón tay trên màn hình đến khi ngừng thì thả tay giống như trên các thiết bị chạy iOS 7.

Khi chụp ở môi trường ngoài trời, ảnh có màu sắc tươi, độ sáng tốt và ít nhiễu. Khi chụp ở trong nhà có ánh sáng đèn, màu sắc ảnh vẫn khá tươi tắn, thường sáng hơn một chút so với độ sáng thực tế và có nhiễu nhưng ở mức chấp nhận được. Nhìn chung, chất lượng ảnh của Moto G ở mức khá so với các smartphone cùng tầm giá sử dụng camera 5MP. Tuy vậy, vấn đề lớn nhất với chiếc camera 5MP của điện thoại này là tốc độ lấy nét khá chậm, cả với lấy nét tự động hoặc chỉnh tay, vì vậy những bức ảnh chụp các đối tượng chuyển động dù không phải là nhanh cũng rất dễ bị mất nét, khó bắt được những khoảnh khắc muốn chụp.

Một số ảnh chụp từ camera của Moto G:

Bức ảnh này chụp ở chế độ HDR

Ảnh này chụp trong nhà ở điều kiện ánh sáng đèn

Chụp đêm ở điều kiện ánh sáng đèn yếu

Phần mềm

Khi ra mắt vào cuối tháng 11 năm ngoái, Moto G được cài Android 4.3 nhưng hiện tại thì máy đã được cập nhật lên phiên bản Android 4.4 KitKat mới nhất kể từ tháng 1/2014, tốc độ cập nhật Android phải nói là rất nhanh. Lý do máy được cập nhật phần mềm nhanh có lẽ là bởi Motorola là công ty thuộc Google và quan trọng hơn là phiên bản Android trên điện thoại này sử dụng gần như là phần mềm nguyên gốc.

Giao diện của Moto G trông đơn giản, giống với Nexus 4 và 5 sử dụng phiên bản Android nguyên gốc. Motorola chỉ đưa vào máy một vài tính năng riêng như Assist, Device ID, Moto Care (cung cấp các thông tin hướng dẫn cơ bản về cách sử dụng điện thoại), Motorola Migrate (chuyển dữ liệu như danh bạ, tin nhắn cũ và hình ảnh từ máy cũ sang Moto G) và ứng dụng camera như đã cập ở trên.

Assist là tính năng cho phép người dùng tắt chuông và có thể cả chức năng rung của điện thoại khi bạn đang họp, lái xe hay ngủ. Giống như iOS 7 trên iPhone, trong khi bật tính năng Assist, bạn vẫn có thể thiết lập nhận cuộc gọi bình thường từ một số người trong danh bạ hoặc những số gọi đến 2 lần trong vòng 5 phút; hoặc trả lời tự động bằng tin nhắn mẫu tự tạo (hạn chế là chỉ có 1 tin nhắn mẫu) tới các số gọi đến trong lúc bận.

Tính năng Assist cho phép người dùng tắt chuông hoặc cả rung các cuộc gọi, trả lời cuộc gọi tự động bằng tin nhắn khi đang bận hoặc vào giờ ngủ

Còn Device ID là dịch vụ của Motorola cho phép người dùng Moto G sử dụng tài khoản Google của mình để bảo vệ điện thoại trong trường hợp bị thất lạc như định vị điện thoại, khóa hoặc xóa dữ liệu từ xa trong điện thoại thông qua website của Motorola. Dịch vụ này còn cho phép bạn ra lệnh qua web (website của Motorola) để điện thoại đổ chuông hoặc hiển thị tin nhắn trên màn hình đề nghị người căn trộm/nhặt trước trả lại máy.

Moto G có tính năng định vị, khóa hoặc xóa dữ liệu trên điện thoại qua website của Motorola trong trường hợp bị thất lạc

Ngoài ứng dụng camera có giao diện mới mẻ và một số tính năng riêng như đề cập ở phía trên, Moto G có thể coi là phiên bản Nexus do Motorola sản xuất, cũng sử dụng hệ điều hành Android nguyên gốc với giao diện đơn giản và tương lai có thể sẽ được cập nhật phần mềm nhanh.

Hiệu năng hoạt động và thời gian pin

Trái tim của Moto G là hệ thống vi xử lý Snapdragon 400 MSM8226 gồm 4 lõi Cortex-A7 tốc độ 1.2GHz và nhân đồ họa Adreno 305 tốc độ 450 MHz cùng với bộ nhớ RAM 1GB. So với tầm giá của máy, đây là cấu hình ấn tượng, tương đương với các smartphone tầm giá khoảng 7 triệu đồng hiện nay như HTC Desire 700 hay Sony Xperia SP.

Trong sử dụng thực tế, Moto G đáp ứng tốt các công việc chúng ta sử dụng trên điện thoại như lướt web, lên Facebook, kiểm tra email… Điện thoại này cũng xử lý tốt phim Full-HD và các game có đồ họa ở mức vừa phải. Khi chơi các game nặng đồ họa như Asphalt 8, Moto G chạy khá tốt nhưng không mượt được như các máy cao cấp HTC One hay Xperia Z1.

Khi đo trên các phần mềm đánh giá hiệu năng (benchmark), Moto G cũng thể hiện sức mạnh tương đương hoặc thậm chí nhỉnh hơn các máy cao cấp của 1-2 năm trước như Nexus 4 và HTC One X.

Đánh giá Motorola Moto G

Đánh giá Motorola Moto G

Điểm số benchmark hiệu năng tổng thể qua hai ứng dụng là Quadrant và AnTuTu Benchmark

Đánh giá Motorola Moto G

Điểm số đánh giá hiệu năng đồ họa qua ứng dụng GFXBench. Moto G cho điểm số nhỉnh hơn một chút so với HTC One Mini (sử dụng SoC Snapdragon 400 lõi kép 1.4GHz)

Chức năng cơ bản của điện thoại là gọi điện cũng hoạt động tốt trên Moto G, âm lượng nghe gọi to và rõ, không có hiện tượng bắt sóng kém khi sử dụng máy ở Hà Nội trên dịch vụ của nhà mạng VinaPhone. Loa ngoài cũng có âm lượng khá, đặc biệt là dù đặt ở phía mặt sau nhưng âm lượng của loa phát vẫn không bị ảnh hưởng khi đặt máy trên bàn (lý do như trên đã đề cập là vì độ cong ở mặt sau của máy tạo ra khoảng trống giữa loa với bề mặt phẳng phía dưới).

Mặc dù có thân máy dày nhưng Moto G cũng có hiện tượng bị nóng máy sau khi lướt web hoặc chơi game sau khoảng nửa tiếng. Tuy vậy, mức độ nóng máy không tới mức khó chịu, kể cả khi sử dụng máy liên tục trong thời gian dài hơn.

Về thời gian pin, viên pin 2070 mAh mang lại thời gian sử dụng ở mức trung bình khá, nhỉnh hơn HTC Desire 500 nhưng đuối hơn các máy Optimus G và HTC One X, những sản phẩm có giá bán tiệm cận với Moto G. Máy xem được 4 giờ 11 phút liên tục phim HD từ lúc đầy đến khi còn 10% trong điều kiện tắt kết nối (3G/Wi-Fi), âm lượng và độ sáng đặt ở mức 70%. Khi đánh giá về khả năng chơi game giả lập ở điều kiện độ sáng màn hình cao nhất và tốc độ khung hình 60fps trên phần mềm GLBenchmark 2.5.1, máy chạy được 3 giờ 16 phút từ lúc đầy đến khi còn 10%.

Kết luận

Moto G là smartphone khá toàn diện, đặc biệt là khi so sánh với mức giá của sản phẩm. Máy có thiết kế dễ cầm, hình thức ổn; màn hình có độ phân giải, độ sáng và chất lượng hiển thị màu tốt; hiệu năng đủ đáp ứng các hoạt động trên điện thoại, kể cả chơi game nặng; phần mềm cập nhật nhanh và sử dụng giao diện đơn giản của phiên bản Android nguyên gốc.

Điểm hạn chế đáng kể nhất của điện thoại này là việc thiếu vắng khe cắm thẻ nhớ, một vấn đề lớn với phiên bản 8GB và camera dù có nước ảnh đẹp nhưng tốc độ lấy nét chậm, khiến ảnh dễ bị mất nét trong quá trinh chụp.

Nếu Moto G được bán chính thức ở Việt Nam với giá tương tự ở Mỹ hoặc nhỉnh hơn một chút thì đây chắc chắn sẽ là sản phẩm hút khách. Nhưng đáng tiếc là Motorola không có dự định quay trở lại phân phối điện thoại ở Việt Nam nên mức giá xách tay, thường đắt hơn 1 triệu đồng so với giá chính hãng (tương đương giá xách tay của LG Optimus G có cấu hình mạnh hơn và màn hình lớn hơn), đã khiến Moto G giảm đi rất nhiều sức hút. Có lẽ đó là lý do nhiều cửa hàng thường bán điện thoại xách tay cũng không mặn mà với việc nhập Moto G về bán.

TP

Chủ đề khác