VnReview
Hà Nội

'Truyền thuyết về Quán Tiên': Ám ảnh về nỗi cô đơn, sự giằng xé trong chiến tranh

Không phải là một bộ phim quá hoàn mỹ nhưng 'Truyền thuyết về Quán Tiên' là một bộ phim rất đáng xem tại thời điểm này bởi đề tài lạ và cách thể hiện đầy cảm xúc, tự nhiên, cuốn hút.

'Nắng 3: Lời hứa của cha' - Phim Việt Nam hiếm hoi đáng xem đầu năm 2020;

'Truyền thuyết về Quán Tiên' là bộ phim giành được giải thưởng Bông Sen Bạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 tại Vũng Tàu (tháng 12/2019) và danh hiệu Cánh Diều Bạc của Hội Điện ảnh Việt Nam ngày 12/5/2020 vừa qua. Tác phẩm nói về đề tài chiến tranh với cách tiếp cận rất mới, xoáy sâu vào cảm xúc và số phận của những con người đặc biệt trong thời chiến.

Làm phim về chiến tranh không phải dễ với những đạo diễn trẻ nhưng Đinh Tuấn Vũ (sinh năm 1989) lại thể hiện được tài năng và sự thành công với mảng đề tài này. Tác phẩm được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Xuân Thiều với câu chuyện về tình yêu của những cô gái thanh niên xung phong. Ở đó, mỗi người có một số phận, cách sống, cách suy nghĩ riêng nhưng tựu trung lại vẫn là nỗi khát khao về tình yêu, sự giằng xé về nội tâm sâu sắc, quyết tâm chiến đấu vì hạnh phúc của mình.

'Truyền thuyết về Quán Tiên': Ám ảnh về nỗi cô đơn, sự giằng xé trong chiến tranh

Bộ phim có thời lượng 120 phút, đáng lẽ được khởi chiếu vào đúng dịp 30/4 vừa qua nhưng do tác động của đại dịch Covid-19 nên được dời sang ngày 22/5. Tác phẩm do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đặt hàng, được dán nhãn C16 tức chỉ dành cho khán giả từ 16 tuổi trở lên do có một số cảnh 'nóng'.

Nỗi khao khát về tình yêu giữa thời chiến

'Truyền thuyết về Quán Tiên' là câu chuyện giữa thời chiến của 3 nữ thanh niên xung phong xinh đẹp tên Mùi, Phượng và Tuyết Lan. Họ được điều động đến một hang động sâu trong núi rừng Trường Sơn năm 1967. Giữa bom đạn, khói lửa ác liệt, 3 cô gái nhận nhiệm vụ đặc biệt là tiếp đón những người lính lái xe đến nghỉ chân mà theo lời chỉ huy là phải biến nơi này trở thành một 'Quán Tiên'.

Bộ phim được giới thiệu đi theo thể loại bí ẩn, kinh dị bởi có câu chuyện vô cùng ám ảnh của Tuyết Lan (Hoàng Mai Anh): những người phụ nữ sống trong rừng từng bị khỉ cưỡng bức và bắt làm vợ. Đáng sợ hơn, câu chuyện tưởng như hoang đường dần ám vào cuộc sống của nhân vật Mùi (Đỗ Thúy Hằng) khi có một con vượn luôn bám theo cô trong mọi hoạt động của cuộc sống.

3 cô gái thanh niên xung phong sở hữu những cá tính khác nhau nhưng khi hợp sức ở Quán Tiên họ bỗng trở thành huyền thoại với những người lính từng đến đây. Phượng (Hồ Minh Khuê) luôn yêu đời, tươi trẻ, thích nói đùa ngay cả trong những tình huống nghiêm túc và có tình yêu mãnh liệt với một người lính lái xe từng đến Quán Tiên. Mùi là mẫu phụ nữ nghiêm khắc, đầy trách nhiệm và ngày đêm nhớ mong người chồng đi B bao lâu nhưng vẫn 'bắt vô âm tín'. Tuyết Lan là cô gái mắc chứng cuồng loạn (hysteria) - một chứng bệnh khá hiếm gặp và rất ít được đề cập trong các bộ phim chiến tranh trước đây.

'Truyền thuyết về Quán Tiên' có thể nói là bộ phim đầu tiên của Việt Nam diễn tả trực diện vào vấn đề tình yêu của các nữ thanh niên xung phong trong chiến tranh. Đây cũng có thể là bộ phim đầu tiên và duy nhất của Việt Nam nói về chứng 'thiếu hơi đàn ông' của các nữ thanh niên xung phong ở trong rừng quá lâu. Nó khá nhạy cảm nên từ trước đến nay gần như không có bộ phim nào đề cập tới. Hình ảnh nhân vật Tuyết Lan lăn lộn, quằn quại vì chứng 'thiếu hơi đàn ông' rồi hồi tỉnh sau khi có bàn tay ấm áp của Ku Xê (Leo Nguyễn) gây ám ảnh mạnh ngay từ phần đầu của bộ phim.

Bộ phim không chỉ gây xúc động mạnh bởi lần đầu đề cập đến chứng 'thiếu hơi đàn ông' của nữ thanh niên xung phong trong chiến tranh. Nó còn đề cập đến những số phận những người phụ nữ yêu hết mình nhưng vẫn sống đúng với trách nhiệm của một người lính. Mùi nghiêm nghị, cần mẫn nhưng bất kỳ lúc nào cũng nhớ về người chồng mới cưới được 3 ngày đã phải chia xa để anh vào Nam chiến đấu. Nỗi nhớ ấy nhiều lúc dằn vặt cô, khiến cô khổ sở và từng có thời điểm định hôn Thiệt (Trần Việt Hoàng) trong cơn u mê. Cuối cùng, người có kết trọn vẹn nhất trong 3 nữ thanh niên xung phong lại là Tuyết Lan - cô gái mắc chứng 'thiếu hơi đàn ông' đầy khổ sở ở đầu phim. Bởi chưa biết tương lai ra sao thì cô cũng có một đứa con với Ku Xê, 2 nhân vật còn lại, dù dành nhiều tình cảm đến mấy thì cũng không có được điều đó với người mình yêu thương.

Bộ phim khắc họa thực sự rõ nét tình yêu của những con người trong thời chiến. Đó có thể là những giây phút thoáng qua nhưng ám ảnh đến cả cuộc đời. Phượng dù chỉ gặp Quỳnh (Lê Hoàng Long) một vài lần nhưng đã nhớ nhung để rồi khi anh hy sinh thì nguyện ở lại chăm sóc phần mộ người mình yêu. Sự cuốn hút của bộ phim không phải là yếu tố kinh dị đến từ con vượn mà chính là khoắc họa được rõ sự cô đơn, khắc khoải của những người phụ nữ trẻ phải sống giữa núi rừng. Sự cô đơn đó ám ảnh họ, khiến họ luôn trống trải, dằn vặt trong suy nghĩ. 

Là một bộ phim về chiến tranh nhưng đạo diễn Đinh Tuấn Vũ đã cho tác phẩm ít bi kịch nhất có thể. Mùi sau bao ngày tháng dằn vặt, sợ hãi vì con vượn đã có cái nhìn thiện cảm hơn về nó. Đáng tiếc rằng khi vừa 'làm lành' được với con vượn thì nó đã bị Thiệt bắn chết.

Nói chung, cốt truyện và diễn biến của 'Truyền thuyết về Quán Tiên' là rất độc đáo cũng như thuộc loại 'hiếm có khó tìm' của phim Việt. Nó vừa diễn tả được sự tàn khốc của chiến tranh, vừa làm nổi bật lên tình yêu nước của những con người thời chiến và vẫn diễn tả được số phận con người trong thời điểm đó. Ba cô gái với những tính cách khác nhau nhưng đều mang trong mình một tình yêu mãnh liệt. Thế nhưng, chiến tranh đã đẩy họ vào tận cùng đau khổ, tận cùng của sự thảm khốc.

Bộ phim có một số cảnh 'tắm tiên' giữa núi rừng, một số phân đoạn khá nhạy cảm và khá nhiều cảnh rùng rợn liên quan đến con vượn nên được gắn nhãn C16 là hoàn toàn chính xác.

Diễn viên có chiều sâu cảm xúc nhưng kỹ xảo quá yếu

Điểm yếu lớn nhất và gần như là duy nhất của bộ phim đến từ phần kỹ xảo. Khán giả xem tác phẩm này nhiều lúc sẽ thực sự rất bực mình bởi những cảnh khói lửa nhìn rất giả và chẳng khác gì phim hoạt hình. Thậm chí, một số bộ phim từ cách đây cả chục năm còn có thể làm tốt hơn 'Truyền thuyết về Quán Tiên' khi bom đạn rơi xuống mà chỉ diễn tả được bằng những đốm lóe sáng trên màn ảnh rộng.

Cùng với đó, hình ảnh của con vượn gây yếu tố ám ảnh nhưng lại quá giả và chỉ cần xem là biết đây là tác phẩm của 'dàn dựng vi tính'. Những cảnh bay nhảy, gương mặt, biểu cảm của chú vượn được làm rất vụng, không tỉ mỉ và đôi lúc gây ức chế cho người xem. Tuy nhiên, có thể hiểu và thông cảm cho những lỗi kỹ xảo của 'Truyền thuyết về Quán Tiên' vì kinh phí của bộ phim được tiết lộ là khá thấp.

Trái ngược với phần kỹ xảo, diễn xuất thật của tất cả các diễn viên trong phim lại được đánh giá rất cao. Nhân vật chính, đi theo xuyên xuốt tiến trình của bộ phim là Đỗ Thúy Hằng thể hiện rất tốt với gương mặt biểu cảm vừa có tính nghiêm nghị, từng trải nhưng vẫn đầy nhân hậu, giàu lòng thương. Đặc biệt, sâu trong ánh mắt của Đỗ Thúy Hằng, người xem có thể cảm nhận được tình yêu mãnh liệt mà cô dành cho người chồng 'bặt vô âm tín' của mình.

Vai diễn của Hồ Minh Khuê cũng rất đáng được ngợi khen bởi cô thể hiện được sự nhí nhảnh, hồn nhiên của một cô gái tuổi đôi mươi giữa núi rừng Trường Sơn. Tuy nhiên, trong những cảnh cần diễn nội tâm sâu sắc, cô vẫn thể hiện được sự cô đơn, trống trải của một phụ nữ luôn chờ người yêu trở về.

Hoàng Mai Anh vừa gây được sự chú ý sau khi xuất hiện ở bộ phim truyền hình đang rất nổi tiếng là Nhà trọ Balanha (vai cô giáo dạy bơi) đã cho khán giả một cái nhìn, cách diễn khác hẳn, có chiều sâu hơn ở 'Truyền thuyết về Quán Tiên'. Đặc biệt, trong những cảnh thể hiện bản thân mắc chứng hysteria, cô diễn rất tốt, giằng xé và đầy đau thương.

3 nhân vật nam phụ trong phim gồm Leo Nguyễn, Lê Hoàng Long và Trần Việt Hoàng mỗi người có một nét riêng nhưng tựu trung lại vẫn có thần thái của mình, đủ để gây ấn tượng cho khán giả.

Nhạc phim của 'Truyền thuyết về Quán Tiên' cũng gây ấn tượng mạnh mẽ khi không ghi âm bằng nhạc điện tử như đa số phim Việt khác mà dùng dàn nhạc giao hưởng, kinh phí lên đến 100.000 USD. Ấn tượng hơn, bộ phim giành được giải âm nhạc xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam 2019 với những giai điệu trầm lắng, gây cảm xúc mạnh về nỗi cơ đơn sâu sắc.

Kết

Dù không phải là bộ phim quá hoàn mỹ nhưng 'Truyền thuyết về Quán Tiên' là một bộ phim Việt Nam thực sự đáng xem bởi nội dung tốt và diễn xuất tinh tế của các nhân vật. Tác phẩm cho khán giả một cái nhìn rất khác về chiến tranh với nỗi cô đơn, khắc khoải chờ đợi của những cô gái thanh niên xung phong.

T.T

Chủ đề khác