VnReview
Hà Nội

3 sản phẩm công nghệ Việt nổi bật 2011

Thực sự không có nhiều để cạnh tranh lựa chọn nhưng những sản phẩm công nghệ này cũng ít nhiều để lại dấu ấn trong năm 2011 và hứa hẹn trong những năm tiếp theo.

Năm 2011 sắp qua đi và cũng là thời điểm chúng ta bận rộn tổng kết những gì đã làm được trong năm như là một cách phác họa nên bức tranh tổng thể của một ngành, một lĩnh vực.

Đối với lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là sản phẩm công nghệ, năm 2011, Việt Nam tiếp tục là một thị trường có sức tiêu thụ lớn. Theo hãng nghiên cứu thị trường IDC dự báo đến cuối năm 2011, số lượng smartphone tiêu thụ tại Việt Nam tăng 44% so với năm ngoái và mức tăng năm 2012 sẽ lên đến 51%. Về PC, IDC dự đoán Việt Nam tiêu thụ khoảng 2 triệu chiếc trong năm 2011.

Mặc dù vậy, có thể thấy sản phẩm công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam vẫn chật vật tìm chỗ đứng trên thị trường lớn như vậy. Bằng chứng là số sản phẩm công nghệ Việt tiêu biểu của năm 2011 chỉ đếm chưa hết trên năm đầu ngón tay. Tiêu chí để chúng tôi đánh giá sản phẩm "tiêu biểu" trước hết là sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, sản phẩm đầu tiên, phổ biến trên thị trường và có triển vọng lớn.

Bộ sản phẩm chiếu sáng thông minh

SmartHome

Vào cuối tháng 10/2011, công ty SmartHome, một thành viên thuộc công ty Bkav chính thức ra mắt bộ sản phẩm chiếu sáng thông minh SH-D2 và SH-D4. Sở dĩ thiết bị nhỏ bé này được gọi là "thông minh" vì khác với các thiết bị bật, tắt đèn tự động hiện có trên thị trường, nó không chỉ tự động bật khi phát hiện có người đi vào vùng cảm ứng và tắt khi không có người mà còn có thể thiết lập thời gian bật tắt đèn theo điều kiện ánh sáng hay theo thời gian mong muốn.

Sản phẩm SH-D2 thích hợp sử dụng tại văn phòng làm việc, phòng khách, phòng ngủ, phòng bếp, nhà vệ sinh, cầu thang… có phạm vi cảm ứng tối đa 5m, vùng cảm ứng khả dụng 20m2. Tính năng chính của thiết bị gồm bật tắt đèn tự động, bật tắt đèn bằng công tắc, tự động bật đèn khi điều kiện ánh sáng tối hơn mức sáng được cài đặt trước.

Sản phẩm SH-D4 thích hợp sử dụng trong nhà cao tầng, văn phòng, cầu thang nhà thông minh… có phạm vi cảm ứng tối đa 2m, vùng cảm ứng khả dụng 2m2. Sản phẩm này gồm thiết bị Master với tính năng khi phát hiện người dùng trong vùng cảm ứng và điều kiện ánh sáng môi trường nhỏ hơn giá trị cài đặt trước thì thiết bị sẽ bật đèn trong khoảng thời gian được cài đặt trước; Thiết bị Slave có nhiệm vụ gửi tín hiệu cho thiết bị Master khi phát hiện người sử dụng trong vùng cảm ứng để bật đèn.

SmartHome

Mọi thiết bị trong ngôi nhà được điều khiển từ một màn hình cảm ứng như máy tính bảng

SmartHome cho biết công ty đã đầu tư nghiên cứu sản phẩm này trong khoảng ba năm và khi được tích hợp thêm module truyền thông, nó có thể kết nối với các thiết bị gia dụng khác tạo thành một hệ thống điều khiển đồng thời nhiều thiết bị, hoạt động theo các kịch bản tiết kiệm năng lượng khác nhau cho hộ gia đình và điểm công cộng. Đây chính là mô hình nhà thông minh đang trở nên phổ biến trên thế giới.

Có thể hình dung ngôi nhà thông minh là từ các thiết bị di động màn hình cảm ứng có kết nối Internet, chủ nhân ngôi nhà dù ở đâu cũng có thể dễ dàng kiểm soát toàn bộ ngôi nhà: điều khiển hệ thống ánh sáng, rèm cửa, điều hòa, âm thanh cho đến hệ thống an ninh, tưới cây, chăm sóc bể cá…

SmartHome đã dành hơn 8 năm nghiên cứu và phát triển ngôi Nhà thông minh – sản phẩm thông minh đầu tiên do một doanh nghiệp Việt Nam sản xuất nhằm thỏa mãn nhu cầu có một cuộc sống thoải mái, tiện nghi và tiết kiệm, an toàn hơn của người tiêu dùng hiện nay. Mặc dù còn mới mẻ trên thị trường nhưng bộ sản phẩm chiếu sáng thông minh nói riêng và hệ thống ngôi nhà thông minh SmartHome là những sản phẩm hứa hẹn với tiềm năng thị trường rộng lớn.

Điện thoại Android Q-mobile S10

Q-mobile S10

Vào giữa tháng 4/2011, công ty viễn thông An Bình (Abtel), sở hữu thương hiệu Q-mobile, đã bán ra thị trường điện thoại Q-mobile S 10. Đây là điện thoại đầu tiên chạy hệ điều hành Android mang thương hiệu Q-mobile của Abtel được ra mắt để cạnh tranh với các smartphone giá rẻ của các hãng lớn như Samsung, LG và Nokia.

Q-mobile S10 sử dụng hệ điều hành Android 2.2 Foryo, chipset 7227 của Qualcomm với bộ vi xử lý 600 MHz, bộ nhớ RAM 162 MB và máy ảnh 5.0 megapixel. Smartphone này có màn hình cảm ứng điện dung 3.2 inch, hỗ trợ kết nối 3G, khả năng đồng bộ hóa với máy tính, tính năng chia sẻ Wi-Fi hotspot và bộ cảm biến chuyển động giúp người dùng dễ dàng xoay chuyển màn hình khi chơi các game đua xe, lăn bi, đá bóng. Sản phẩm có giá bán 4 triệu đồng.

Q-mobile lâu nay được đánh giá là thương hiệu điện thoại nội địa cạnh tranh rất tốt với các hãng ở phân khúc điện thoại cơ bản giá rẻ, chiếm tới 25% thị trường di động trong nước vào năm 2010 chỉ đứng sau Nokia về thị phần, theo công bố độc lập của Abtel. Ra mắt Q-mobile S 10, Abtel đã chính thức tham gia vào thị trường smartphone, phân khúc đang tăng trưởng nhanh nhất trong thị trường điện thoại, với kỳ vọng có được thành tích tương tự như ở phân khúc điện thoại cơ bản.

Q-mobile S10

Sau khi Q-mobile S10 ra mắt, đến FPT nhảy vào thị trường smartphone với sản phẩm FPT F5 chạy hệ điều hành Android 2.2. Smartphone của FPT có giá rẻ hơn (2,75 triệu đồng) và cấu hình thấp hơn so với Q-mobile S10.

Tuy nhiên, chặng đường chinh phục thị trường smartphone trong nước có vẻ không dễ dàng với các sản phẩm Việt. Tầm giá của Q-mobile S10 và FPT F5 hiện có khá nhiều sản phẩm có cấu hình tương tự của các nhà sản xuất hàng đầu thế giới như LG (Optimus One, Optimus Me, Optimus Pro), Samsung (Galaxy mini, Galaxy Y) và Sony Ericsson (X10 mini và X10 mini pro). Phải chăng đó là lý tại sao đến nay vẫn chưa thấy các smartphone Android tiếp theo từ Abtel và FPT?

Máy tính bảng FPT Tablet

FPT gia nhập thị trường máy tính bảng bằng việc ra mắt chiếc FPT Tablet vào ngày 25/10/2011 tại TP.HCM. FPT Tablet có màn hình TFT LCD cảm ứng điện dung 7 inch, độ phân giải WVGA (800x480 pixel), chạy hệ điều hành Android 2.2. Máy được trang bị chip xử lý Qualcomm MSM 7227 tốc độ 600MHz, bộ nhớ RAM 512MB, ROM 512MB, khe cắm thẻ nhớ microSD; kết nối Wi-Fi, Bluetooth 2.0 EDR, USB 2.0, GPS; máy ảnh số 5 megapixel với khả năng tự động lấy nét.

Khác biệt đáng kể nhất của FPT Tablet so với các máy tính bảng khác tại Việt Nam là nó được tích hợp kho ứng dụng Việt F-store, cho phép người dùng xem, tải các ứng dụng, trò chơi… được thường xuyên cập nhật. FPT Tablet còn có thể được sử dụng như một chiếc điện thoại thông thường với chức năng nghe gọi, nhắn tin. Máy có giá bán 4,99 triệu đồng (đã bao gồm VAT).

máy tính bảng FPT Tablet

Sự ra mắt của FPT Tablet có thể xem là một sự kiện đáng chú ý khi trên thị trường hiện nay, các sản phẩm công nghệ mang thương hiệu Việt còn rất ít ỏi. Mức giá 5 triệu đồng cũng là hấp dẫn với một máy tính bảng có chức năng nghe gọi điện thoại.

Tuy nhiên, ngay sau khi FPT Tablet ra mắt được ít ngày, hãng Amazon tung ra dòng máy tính bảng Kindle Fire với thiết kế và tính năng "hàng hiệu" và mức giá chỉ nhỉnh hơn FPT Tablet chút ít (giá bán tại Mỹ chỉ 199 USD, tương đương 4,2 triệu đồng, giá nhập về Việt Nam từ 5,2-5,6 triệu đồng), khiến lập tức thị trường đưa ra sự so sánh với FPT Tablet và sản phẩm mang thương hiệu Việt này trở nên yếu thế hơn. Có lẽ vì vậy mà dấu ấn của máy tính bảng FPT Tablet trên thị trường thời gian qua khá mờ nhạt. Để thành công hơn trên mảng thị trường đang khá sôi động này, FPT Tablet cần có cải tiến tốt hơn về cấu hình, tốc độ xử lý, thiết kế và một mức giá hấp dẫn hơn nữa.

Ban biên tập vnReview

Chủ đề khác