thumbnail - Hàn Quốc vẫn chưa tự chủ hoàn toàn vật liệu sản xuất chip và màn hình
Giáp Lê
Hà Nội

Hàn Quốc vẫn chưa tự chủ hoàn toàn vật liệu sản xuất chip và màn hình

Gần 3 năm sau khi Nhật Bản áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu đối với bộ ba nguyên liệu sản xuất chip, màn hình, Hàn Quốc vẫn chưa thể hoàn thiện chuỗi cung ứng nội địa hoàn toàn tách biệt với nước láng giềng, tự chủ công nghệ.

Cựu tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã sớm đề cập đến những xung đột thương mại giữa 2 nước trong bài phát biểu chia tay kéo dài khoảng 10 phút vào ngày 9/5. “Tôi sẽ không bao giờ quên cách chúng ta đã cùng nhau vượt qua cuộc khủng hoảng từ biện pháp kiểm soát xuất khẩu bất công của Nhật Bản”, cựu tổng thống cho biết.

Hàn Quốc vẫn chưa tự chủ hoàn toàn vật liệu sản xuất chip và màn hình 

Vào tháng 7/2019, chính quyền dưới thời Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã quyết định đưa Hàn Quốc ra khỏi danh sách trắng những quốc gia không bị kiểm soát xuất khẩu với một số sản phẩm, vì vấn đề an ninh quốc gia. “Mối quan hệ tin cậy giữa hai quốc gia trong lĩnh vực kiểm soát và quy định xuất khẩu đã bị lung lay đáng kể”, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) cho biết trong thông báo của mình.

Thay đổi này đồng nghĩa các công ty từ xứ sở hoa anh đào phải xin giấy phép xuất khẩu riêng cho mặt hàng như hydro florua, chất cản quang dùng cho kỹ thuật quang khắc và polyimide flo.

Xung đột vì một sự kiện trong lịch sử

METI nói rằng đây là những thủ tục đáng lẽ phải làm từ lâu. Tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc đã phản đối mạnh mẽ các biện pháp này vì họ nghĩ chúng không khác gì đòn trả đũa kinh tế của Nhật Bản, nhằm trả thù phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc vào tháng 10/2018 yêu cầu công ty Nippon Steel thuộc Nhật Bản phải bồi thường cho các công nhân từng bị bóc lột lao động trong suốt chiến tranh Triều Tiên. Nhật Bản cho rằng phán quyết này vi phạm luật pháp quốc tế vì vấn đề đã được giải quyết theo một hiệp ước năm 1965.

Hàn Quốc vẫn chưa tự chủ hoàn toàn vật liệu sản xuất chip và màn hình 

Người dân Hàn Quốc biểu tình đòi công bằng cho người thân từng bị Nippon Steel bóc lột 

Hàn Quốc sau đó cũng tẩy chay các sản phẩm từ Nhật Bản như một cách trả đũa. Căng thẳng trong mối quan hệ giữa Tokyo và Seoul ngày càng leo thang.

Ông Moon đã đến thăm nhiều nhà máy sản xuất vật liệu chế tạo chip của Hàn Quốc để động viên nỗ lực của tập thể doanh nghiệp và nhân viên. Chính quyền của ông đã dành khoảng 2 nghìn tỷ won (1,55 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại) mỗi năm để tài trợ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, hướng tới “biến khủng hoảng thành cơ hội”.

Không dễ để "nghỉ chơi" hoàn toàn

Song dữ liệu từ Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc mới đây lại không tích cực như phát biểu của tổng thống họ Moon. Hàn Quốc vẫn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu bán dẫn từ Nhật.

Đối với hydro florua, nhập khẩu từ Nhật Bản đã giảm mạnh về giá trị sau tháng 6 năm 2019, giảm 86% vào năm 2020 so với năm 2018, tăng trở lại 34% vào năm 2021. Trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4/2022, nhập khẩu tăng 30% so với năm 2018.

Hàn Quốc vẫn chưa tự chủ hoàn toàn vật liệu sản xuất chip và màn hình 

Nhập khẩu chất cản quang có mức tăng trưởng hai con số vào năm 2020, nhập khẩu polyimide flo chỉ giảm nhẹ. “Ngoài hydro florua, không có tác động nào đáng kể từ chính sách mới”, đại diện nhà sản xuất vật liệu Nhật Bản cho biết.

Nhập khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn - mặt hàng nhập khẩu hàng đầu của Hàn Quốc theo báo cáo Nhật Bản - đã tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 6,3 tỷ USD vào năm 2021. Thâm hụt thương mại của Hàn Quốc với Nhật Bản ngày càng tăng trong tất cả lĩnh vực.

Sự thiếu tiến bộ trong khả năng tự cung tự cấp của xứ sở kim chi được phản ánh rõ nhất trong thị trường chứng khoán. Soulbrain Holdings, công ty sản xuất hydro florua tại địa phương, đã có màn bức tốc về giá cổ phiếu từ tháng 6 năm 2019, có thời điểm đạt 70.000 won. Tuy nhiên, nó bắt đầu giảm sâu xuống dưới 20.000 won trong thời gian gần đây, chạm mức thấp nhất chưa từng thấy trong sáu năm.

Con dao hai lưỡi

Hàn Quốc vẫn chưa tự chủ hoàn toàn vật liệu sản xuất chip và màn hình 

Người dân Hàn Quốc biểu tình phản đối lệnh hạn chết xuất khẩu của Nhật (ảnh: Yonhap)

Song cùng lúc đó, những biện pháp trả đũa của chính phủ Nhật Bản có thể làm phật lòng nhiều công ty công nghệ Hàn Quốc và gây hại ngược lại cho kinh tế xứ Phù Tang. Nếu không thể nhập khẩu nguyên liệu từ Nhật Bản, hai ông lớn sản xuất chip Samsung Electronics và SK Hynix sẽ tìm những đơn vị sản xuất khác trong nước để họ hỗ trợ đầu tư và chuyển giao công nghệ.

Samsung kiếm được gần 100 tỷ USD doanh thu hàng năm từ chất bán dẫn và màn hình, gấp tám lần quy mô của Kioxia Holdings, nhà sản xuất chip lớn nhất Nhật Bản. Samsung là khách hàng chủ chốt của các nhà cung cấp Nhật Bản. Việc Hàn Quốc bắt đầu xuất hiện nhiều chuỗi cung ứng hơn có thể là đòn giáng mạnh mẽ vào nền công nghiệp Nhật Bản.


>>> Samsung sản xuất chip 3nm trước TSMC.

Nguồn: Nikkei Asia

Chủ đề liên quan

Chủ đề khác