VnReview
Hà Nội

Phần lớn chính phủ Mỹ vẫn dùng những công nghệ 'hết đát'

Mặc dù là quốc gia đang có trình độ khoa học công nghệ hàng đầu thế giới, song không phải lúc nào người Mỹ cũng tiên phong trong việc áp dụng chúng. Một bài phân tích của tạp chí Epoch Times cho thấy thực tế chính phủ Mỹ cũng rất quan liêu và chậm chạp.

Quan liêu, yếu kém

Tình trạng quan liêu, lề mề của bộ máy hành chính dường như không chỉ là đặc sản của riêng quốc gia nào. Ngay tại Mỹ, người dân nước này vẫn thường xuyên than thở hoặc tán gẫu với nhau về tính kém hiệu của các văn phòng chính phủ liên bang. Trong đó, Cơ quan quản lý phương tiện đường bộ (DMV) là cái tên hay bị lấy làm ví dụ nhiều nhất cho các kinh nghiệm mệt mỏi vì "hành chính".

Xanh đậm là những người tin tưởng vào chính phủ Mỹ, xanh nhạt là toàn bộ phần còn lại

Một bản điều tra do Pew Research Center công bố hồi đầu năm nay, thu thập ý kiến của hơn 3.200 người Mỹ trên 18 tuổi, cho thấy chỉ có 23 % những người được hỏi tin rằng chính quyền liên bang làm việc đúng trong "phần lớn thời gian". Tức phần còn lại, gần 80 %, hoàn toàn không tin tưởng năng lực làm việc của chính phủ. Thậm chí ngay trong 23 % này, họ cũng không hoàn toàn tin các dữ liệu của chính phủ có thể đem lại lợi ích thực tế cho người dân.

Điều tệ hơn là trong vụ scandal bảo mật hồi đầu tháng Sáu vừa qua, các hacker Trung Quốc đã có thể trích ra những thông tin nhạy cảm của 18 triệu nhân viên hiện đang hoặc từng làm việc cho Văn phòng Quản lý Nhân khẩu (OPM) của Mỹ. Sự cố này càng khiến sự tín nhiệm của dân Mỹ với chính phủ giảm sút và họ càng dè dặt hơn trong việc cung cấp thông tin cá nhân với chính quyền liên bang.

Vì đâu nên nỗi?

Vừa mới đây, Hải quân Mỹ là cái tên bị báo giới giễu cợt khi có thông tin cho rằng cơ quan quốc phòng này vẫn trả 9 triệu USD/năm cho Microsoft để sử dụng Windows XP, một hệ điều hành đã 14 năm tuổi và không còn được hỗ trợ vá các lỗi an ninh. Điều có nghĩa nếu Windows XP có thêm các lỗ hổng bảo mật mới, các hacker có thể lợi dụng chúng để tấn công vào hệ thống của Hải quân Mỹ hoàn toàn không quá khó khăn.

Hải quân Mỹ vẫn sử dụng Windows XP dù nó đã hơn 10 năm tuổi

Nhưng Hải quân Mỹ không phải cơ quan duy nhất vẫn tiếp tục sử dụng những công nghệ "cổ lai hy". Trên thực tế, hầu hết các văn phòng chính phủ nước này cũng vậy. Và đây gần như là "văn hoá chung" của cả hệ thống, có rất ít cơ quan liên tục cập nhật công nghệ mới.

Thậm chí ngay cả trong những cơ quan quân sự trọng yếu, tính "cổ lỗ" cũng không kém là bao. Hồi 2014, một tour du lịch ở một hầm chứa tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tại bang Wisconsin cho thấy những dòng lệnh dùng để phóng những tên lửa này vẫn được lưu trên... ổ đĩa mềm! Đây là công nghệ lưu trữ của thập niên 80 thế kỷ trước và giờ đây, chúng ta gần như không còn thấy máy tính dân sự nào còn tồn tại thiết bị này nữa. Chưa kể là đĩa mềm có rủi ro hỏng hóc dữ liệu khá cao. Thật khó hình dung được các nhân viên ở đây sẽ xử lý thế nào nếu chẳng may đĩa kích hoạt tên lửa bị hỏng ngay lúc "cần thiết".

Chiếc đĩa mềm 5.25 inch này được dùng để... phóng tên lửa hạt nhân!

Hoặc có lẽ chăng, vũ khí hạt nhân chỉ mang tính răn đe ước lệ nên thực sự việc có xài được chúng hay không cũng không cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Nhất là khi Chiến Tranh Lạnh đã kết thúc và kinh phí quốc phòng bị cắt giảm. Do vậy mà các tướng lĩnh quân đội Mỹ phải cân não để xem nên chi tiền vào việc gì và không nên vào việc gì.

Dù vậy thì mới đây, bắt đầu từ 2012, Quân đội Mỹ cũng bắt đầu việc nâng cấp lên Windows 7, từ Windows XP. Vista đã được bỏ qua khỏi kế hoạch nâng cấp. Song điều vẫn đáng nêu ra là Windows 7 đã được ra mắt từ 2009, và không phải cơ quan quân đội nào cũng đã "lên đời" hệ điều hành này, như Hải quân Mỹ chẳng hạn. Và nếu Windows XP có thể được "tín nhiệm" lâu đến thế, thì kịch bản tương tự với Windows 7 hoàn toàn có thể xảy ra tiếp. Ai biết được liệu tới 2020, chính phủ nước này còn trả tiền cho Microsoft để dùng tiếp phiên bản này nữa hay không?

Cội rễ của sự chậm chạp

Có thể nói, tính ù lỳ và tình trạng quan liêu có ở mọi nơi, kể cả ở chính phủ hay doanh nghiệp. Điều nó lệ thuộc vào kích thước của tổ chức, đơn vị. Tổ chức càng lớn và cấu trúc càng phức tạp thì mức độ trì trệ càng cao. Những tập đoàn khổng lồ cũng gặp tình trạng tương tự.

Những cơ quan chính phủ thường có rất nhiều nhân sự

Điều này cũng không quá khó hiểu vì ở các tổ chức lớn, chi phí mua sắm mới cho toàn bộ nhân viên là cực kỳ lớn. Chưa tính tới chi phí đào tạo và vận hành toàn bộ các thiết bị mới. Chỉ tính riêng sự khác biệt về mức độ bảo mật giữa các phiên bản Windows cũng đã khiến cho bộ phận IT "xây xẩm mặt mày" mỗi khi triển khai một dịch vụ mới. Sẽ có máy chạy được rất "ngọt ngào" nhưng có những máy cứ "trơ" ra, mà nguyên nhân thì có thể liệt ra hàng tá.

Vì vậy, quy mô của tổ chức càng lớn, bộ phận quản lý càng muốn chuẩn hoá mọi thứ. Tim Lynch, chủ cửa hàng linh kiện máy tính Psychsoftpc, đơn vị chuyên cung cấp vật tư các văn phòng chính phủ và Bộ Quốc phòng ở địa phương trong hàng năm qua, nhận xét: "Các cơ quan này có một niềm tin rằng sử dụng những công nghệ mới sẽ rất tốn kém nên họ chỉ tập trung vào việc thay thế những linh kiện (bị hỏng) hơn là mua sắm thiết bị mới".

Cụ thể hơn là các văn phòng trên thường hỏi mua những thứ "lặt vặt" như các bộ switch hay router mạng. Thậm chí là những sản phẩm đã không còn được sản xuất trên thị trường.

Cố nhiên vẫn có một vài cơ quan cấp tiến hơn, nhưng đó cũng là do đặc trưng vì họ phải làm việc với những công nghệ mới. Còn phần đông vẫn rất khó chuyển đổi. "Phải tốn rất nhiều công để các hợp đồng được các uỷ ban thông qua trước khi những món hàng mới được phép cho mua. Tổ chức càng lớn, tính quan liêu càng nhiều, các công ty càng ít chuyển mình hơn trước các công nghệ mới", Lynch cho biết.

Kể cả ở mảng tư nhân, điều tương tự cũng diễn ra khi có tới 95% các máy ATM của các ngân hàng vẫn còn chạy Windows XP.

Hậu quả nhãn tiền

Một vấn đề gây nhức nhối không chỉ ở các cơ quan vẫn dùng những công nghệ cũ kỹ, mà còn ở những lỗ hổng an ninh vốn đã được phát hiện, nhưng lại bị... bỏ qua!

Những vụ tấn công mạng quốc gia không còn là chuyện trên màn ảnh

Và vụ việc của OPM nêu trên chính là một trong các trường hợp đó. Trên thực tế, Văn phòng Tổng Thanh tra (OIG) trong báo cáo kiểm toán hồi 2014 đã cảnh báo OPM hãy tắt 11 trong tổng 47 máy tính của cơ quan này vì chúng không có các xác thực về mặt an ninh. Nhưng OPM đã "bỏ ngoài tai" lời cảnh báo trên. Kết quả là thông tin nhạy cảm của 18 triệu nhân viên đã và đang làm việc cho OPM lọt vào tay các hacker Trung Quốc, đến nỗi nhiều phương tiện truyền thông đã ví sự việc như "thảm hoạ an ninh 11/9". Trong báo cáo kiểm toán 2014, OIG đã nhấn mạnh những máy tính thiếu bảo mật trên tiềm ẩn rủi ro "nguy hại an ninh quốc gia".

Rõ ràng, điều nguy hại đó đã trở thành sự thật. Và vấn đề sẽ tệ hơn nếu giả sử Mỹ xảy ra xung đột với các cường quốc như Nga hay Trung Quốc, các hệ thống văn phòng chính phủ dựa trên Internet sẽ là mục tiêu bị tấn công đầu tiên bởi các chiến binh mạng.

Có những quốc gia đào tạo cả một đội quân "chiến binh mạng"

Tuy vậy, một trong những đặc tính tự nhiên của tấn công mạng là chúng không tuân theo các quy luật giống như các cuộc chiến tranh truyền thống. Rất khó đoán biết kẻ tấn công sẽ xuất phát từ đâu và quy mô lớn đến mức nào. Do đó, hầu hết các nạn nhân chỉ bắt đầu đổ tiền vào an ninh mạng sau khi cuộc tấn công diễn ra và gây nhiều tổn thất cho đơn vị. Chi phí dành cho an ninh mạng cũng chỉ được ước tính và duyệt sau đấy.

Song vì an ninh mạng thường không đem lại giá trị nào cho tổ chức (kể cả chính phủ lẫn doanh nghiệp), nên nếu đơn vị cần cắt giảm chi phí hoạt động, IT sẽ là bộ phận bị cắt giảm trước tiên. John Prisco, CEO của Triumfant - một công ty chuyên cung cấp các dịch vụ an ninh, theo dõi và khắc phục các rủi ro mã độc - cho biết: "Khi ngân sách bị cắt giảm, họ thường cắt trước ở mảng an ninh mạng. Cùng lúc đó, những thiết bị công nghệ cao sẽ phải ngưng hoạt động vì các cơ quan không còn tiền để vận hành chúng".

Windows XP hiện diện ở nhiều nơi trong chính phủ Mỹ, kể cả lực lượng không quân

Logic này cũng không quá khó hiểu. Tương tự như khối IT, các đơn vị vũ trang của một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ cũng thường bị cắt giảm nếu quốc gia đó không ở trong tình trạng chiến tranh. Chỉ khi nào bước vào một cuộc chiến (hoặc chuẩn bị cho chiến tranh), số lượng quân nhân mới được động viên nhiều và chi phí mua sắm vũ khí mới tăng lên. Còn trong thời bình, các nước chỉ duy trì một số lượng hạn chế nhằm giảm mức ngân sách xuống thấp nhất.

Dĩ nhiên không chỉ ở chính phủ mới có tình trạng trên, ngay ở các tổ chức tư nhân cũng vậy. Sự cố Sony Pictures Entertainment bị hacker tấn công và tống tiền trong 2014 là một điển hình. Quy mô doanh nghiệp càng lớn và sự lệ thuộc vào mạng càng nhiều thì rủi ro có lỗ hổng khai thác càng cao. Thậm chí kể cả khi doanh nghiệp đã trang bị những biện pháp an ninh tốt nhất thì rủi ro chính yếu vẫn nằm ở con người - những nhân viên đang hàng ngày làm việc và thường không được cập nhật những thông tin mới nhất.

Nếu Chiến tranh Thế giới Lần 3 diễn ra, đó sẽ là cuộc chiến về an ninh mạng?

Do đó, nếu có một ngày nào đó phải tiếp xúc với những dịch vụ "hành chính" chậm chạp và lề mề, bạn hãy "thông cảm" cho những hệ thống trên. Kể cả khi nhân viên muốn xử lý mọi thứ nhanh hơn, nhưng vì máy của họ đang bị hỏng, hoặc driver máy in không hoạt động, hoặc vì sức ì của toàn bộ cơ quan khiến mọi thứ giống như đang ở giữa vụ kẹt xe, thì hãy nên lạc quan rằng "đợi chờ là hạnh phúc"...

Huyền Thế

Theo Epoch Times

Chủ đề khác