VnReview
Hà Nội

Nhật Bản chính thức “giương cờ trắng” ở thị trường màn hình LCD

Tiếng chuông báo tử cho ngành công nghiệp màn hình một thời sôi động của Nhật Bản đã vang lên. Japan Display đã chấp nhận trao cho nhóm đầu tư nước ngoài gần 50% cổ phần.

Vì Apple, công ty màn hình Nhật sắp rơi vào tay Trung Quốc.

Theo Nikkei, công ty đã đồng ý gói cứu trợ 717 triệu USD từ nhóm công ty Đài Loan - Trung Quốc. Nhóm này bao gồm hãng sản xuất linh kiện điện tử TPK Holdings (Đài Loan), công ty tài chính Fubon Group (Đài Loan), Harvest Fund Management (Trung Quốc). Sau khi thương vụ hoàn tất, họ sẽ nắm gần 50% cổ phần trong Japan Display, cổ đông lớn nhất hiện tại là INCJ sẽ giảm 25,3% cổ phần xuống còn một nửa. Nhóm đầu tư nước ngoài dự tính sử dụng công nghệ của Japan Display để xây dựng một nhà máy ở Trung Quốc.

JDI chấp nhận đánh đổi gần 50% cổ phần để có tiền cứu trợ

Nhật Bản từng thống trị thị trường màn hình từ những năm 1970, khi Sharp tiên phong sản xuất hàng loạt tấm nền LCD. Hơn 10 công ty Nhật đã nhảy vào sau đó, như Sony, Panasonic, Hitachi,... Tuy nhiên, đến đầu những năm 2000, Hàn Quốc và Đài Loan nhanh chóng giành quyền kiểm soát thị trường, thông qua những khoản đầu tư khổng lồ. Thị phần của Nhật Bản nhanh chóng giảm xuống chỉ còn 20%.

Năm 2012, chính phủ Nhật thông qua quỹ đầu tư nhà nước INCJ đã hợp nhất bộ phận màn hình LCD của Sony, Toshiba và Hitachi thành Japan Display với niềm hy vọng đây sẽ là chìa khóa để khôi phục vị thế của Nhật trong thị trường màn hình. Họ đã xây dựng một cơ sở hiện đại ở tỉnh Chiba. Tuy nhiên, đã quá muộn cho ông vua một thời.

Chính phủ Trung Quốc đổ tiền tấn cho các công ty nội đầu tư vào sản xuất hàng loạt. Giá tấm nền LCD rớt nhanh sau đó, khiến doanh thu của Japan Display ngày càng giảm. Cùng với đó, họ còn phải cạnh tranh về quy mô sản xuất mà thực sự thì không thể lại được với Trung Quốc, ngay cả các công ty Đài Loan như AUO cũng phải lo ngại điều này. Một quan chức của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết: "Công nghệ LCD giờ đã phổ biến khắp nơi, đây không còn là một ngành công nghiệp mà Nhật có thể cạnh tranh chỉ với năng lực công nghệ được nữa".

Tiến bộ công nghệ cũng không cạnh tranh lại được quy mô sản xuất lớn và chi phí rẻ hơn

Trong khi Trung Quốc dần chiếm lĩnh thị trường màn hình LCD, Nhật Bản cũng bị Hàn Quốc đánh bật khỏi thị trường OLED. Samsung Electronics đã trang bị màn hình OLED cho rất nhiều smartphone Galaxy, từ bình dân đến cao cấp, tận dụng vị thế là nhà sản xuất màn hình OLED vừa-và-nhỏ lớn nhất thế giới để giảm chi phí và mở rộng quy mô. Họ thậm chí còn giành được đơn hàng cung cấp cho iPhone của Apple. Còn LG Display đang là công ty độc tôn ở thị trường OLED cỡ lớn, cung ứng tấm nền cho các hãng TV hiện nay như Sony, Panasonic, LG Electronics,...

Japan Display cũng từng cố thương mại hóa màn hình OLED, nhưng họ quá chậm và không có tiền đầu tư, cũng như quá phụ thuộc vào đơn hàng iPhone. Apple chiếm đến gần một nửa doanh thu và khi Táo Khuyết dần xa rời màn hình LCD, "ánh sáng cuối đường hầm" của công ty xem như đã tắt. Mẫu iPhone XR sử dụng màn hình LCD từ Japan Display có doanh số không khả quan, khiến Apple phải liên tục điều chỉnh sản lượng.

Công nghệ màn hình LCD của Panasonic, tuy nhiên chỉ phục vụ cho loại màn hình siêu cao cấp

Tuy nhiên, chưa rõ thương vụ này có thành công hay không. Vì Japan Display đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng của Apple. Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) hoàn toàn có thể chặn đứng nếu họ thấy có những nguy cơ về an ninh quốc gia. Gần đây tình hình giữa Mỹ và Trung Quốc khá căng thẳng, các nhà quan sát có thể can thiệp họ thấy việc này giúp cho Trung Quốc bành trướng, gây ảnh hưởng xấu cho nước mình. Về phía Japan Display, họ tin rằng sẽ nhận cứu trợ suôn sẻ, nhưng không chắc nếu Mỹ cho rằng nó có liên quan đến tham vọng của Bắc Kinh.

Sau Sharp, đến lượt Japan Display rơi vào tay công ty nước ngoài. Nhật Bản không còn công ty nào tham gia thị trường màn hình LCD nữa. Chỉ còn Sony hay Panasonic vẫn duy trì cơ sở sản xuất của riêng mình, phục vụ cho các dòng màn hình siêu cao cấp. Ở đây thì các công ty Trung Quốc không thể đe dọa họ vì chênh lệch về trình độ kỹ thuật.

Ambitious Man

Chủ đề khác