VnReview
Hà Nội

Điều gì sẽ xảy ra khi Huawei bị cấm tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ?

Washington đang cân nhắc việc thêm Huawei Technology, nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, vào danh sách cấm tiếp cận với hệ thống tài chính của Mỹ.

CEO Huawei bạo miệng: Không có Google, Huawei vẫn sẽ sớm dẫn đầu thị trường smartphone

CEO Huawei Nhậm Chính Phi cho rằng con gái nên tự hào vì trở thành "con bài mặc cả" trong thương chiến Mỹ-Trung

Điều gì sẽ xảy ra khi Huawei bị cấm tiếp cận tới hệ thống tài chính của Mỹ?

Ảnh: SCMP

Đầu năm nay, Hội đồng Bảo an của Nhà Trắng đã tranh luận về việc có nên đưa gã khổng lồ viễn thông của Trung Quốc Huawei vào danh sách Chỉ định đặc biệt (SDN) của Bộ Ngân khố Mỹ hay không. Kế hoạch trừng phạt này sau đó đã phải hoãn lại để thay thế cho lệnh cấm Huawei mua công nghệ và dịch vụ của Mỹ. Tuy nhiên, theo nguồn tin từ hãng tin;Reuter thì rất có thể là trong vài tháng tới, Mỹ sẽ tiếp tục đưa hãng viễn thông Trung Quốc vào sách SDN.

Một khi được áp dụng, danh sách SDN sẽ là một đòn công kích vào công ty mà Mỹ luôn gán mác như một mối nguy tới an ninh quốc gia, Huawei sẽ gần như không thể thực hiện giao dịch bằng đồng đô la.

1. Vậy danh sách SDN là gì?

Đây là một loại danh sách được phát hành bởi Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC), nó chứa tên của những thực thể, các nhóm, tổ chức và cá nhân không được phép giao dịch bằng đồng đô la Mỹ. Ngoài ra, tất cả tài sản tại Hoa Kì do các đối tượng trên sở hữu cũng sẽ đều bị đóng băng.

Danh sách này hiện đã dài hơn 1300 trang gồm tên của nhiều cá nhân và công ty thuộc sở hữu, hoặc bị điều khiển, hoặc đại diện cho quốc gia bị nhắm tới. Ngoài mục tiêu là quốc gia thì nó cũng hướng tới các cá nhân và tổ chức ví dụ như khủng bố hay băng nhóm buôn ma túy.

Mọi công dân Mỹ đều không được phép phát sinh mối quan hệ kinh doanh với bất kì thực thể nào được nêu tên trong danh sách SDN. Cũng không sai khi nói rằng nó đại diện cho những công ty và cá nhân mà Mỹ coi là có ảnh hưởng xấu tới nền an ninh quốc gia của nước này.

2. Hiện có những đối tượng nào đã nằm trong danh sách này?

Danh sách SDN thường xuyên được cập nhật và bổ sung, trong đó phiên bản mới nhất của nó chỉ mới được công bố hai ngày (3/12/2019). Trong đó có tên của Rusal của Nga, công ty sản xuất nhôm lớn thứ hai thế giới, cùng những đầu sỏ Nga, chính trị gia Iran và nhiều ông trùm buôn ma túy của Venezuela. Ngoài ra cũng có một số cái tên từ Trung Quốc như công ty Vận tải Đại Dương Dalian và Công ty TNHH Công nghiệp Nhôm Henan Jiayun. Những cái tên được nêu lên trong danh sách này hiện tới từ nhiều quốc gia khác nhau như Nga, Trung Quốc, Iran, Anh và thậm chí là cả Mỹ.

3. Tại sao danh sách này lại quan trọng?

OFAC là một cơ quan có nhiều quyền lực của Chính phủ Hoa Kì nhưng rất ít người biết tới tổ chức này. Nó được thành lập vào năm 1950 và có thẩm quyền đưa ra các hình phạt đối với những thực thể không tuân theo chỉ thị của cơ quan này, hình phạt kể trên bao gồm phạt tiền và đóng băng tài sản.

Đây là một phần của chính sách trừng phạt chọn lọc của Bộ Ngân khố Hoa Kì. Trái với những biện pháp trừng phạt áp đặt lên cả một quốc gia, nó đặc biệt nhắm tới các cá nhân hoặc tổ chức có liên quan tới một vài hành vi nhất định vi phạm vào luật pháp nước này.

OFAC khẳng định rằng danh sách SDN có ý nghĩa như một công cụ để chống lại hành vi rửa tiền và tài trợ khủng bố. Mà cụ thể là trong Đạo luật Ái quốc của Mỹ ban hành năm 2001 có điều khoản quy định mọi hành cung cấp sự hỗ trợ về nguyên liệu cho hành vi khủng bố là vi phạm pháp luật.

Vào năm 2015, OFAC đã phạt ngân hàng BNP Paribas khoản tiền lên tới 963 triệu USD vì tổ chức này đã vi phạm vào những lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Sudan, Iran, Cuba và Myanmar.

4. Điều gì sẽ xảy ra nếu Huawei bị liệt tên vào danh sách SDN kể trên?

Một số quan chức Mỹ đã từng cảnh báo rằng việc ban hành những hạn chế đối với gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc này có thể gây ảnh hưởng xấu tới ngành công nghệ của Hoa Kì bởi vì tổng giá trị hàng hóa mà các công ty của nước này bán cho Huawei đã lên tới nhiều tỷ đô la. Tuy nhiên những cá nhân mang quan điểm cứng rằng thì vẫn tin rằng Trung Quốc và các tổ chức đại diện cho sức mạnh của quốc gia này vẫn là những mối đe dọa cần được loại bỏ đối với nền an ninh của Hoa Kì.

Tuy nhiên những biện pháp hạn chế ở hiện tại không thể ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng quốc tế nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ Mỹ. Điều này cho phép Huawei có thể tìm được nguồn cung thay thế tại Nhật Bản và châu Âu. Tuy nhiên, nếu Huawei bị thêm vào danh sách SDN, công ty này sẽ bị cấm hoàn toàn việc giao dịch bằng đồng đô la Mỹ.

Annie Fixler, một chuyên gia công nghệ, cho rằng động thái này "sẽ tạo ra sự ảnh hưởng rộng cho Huawei trên phạm vi toàn cầu", cô cũng nhấn mạnh rằng hoạt động kinh doanh của công ty này tại châu Âu và châu Á cũng sẽ "bị ảnh hưởng nặng nề".

Trung ND (Theo SCMP)

Chủ đề khác