VnReview
Hà Nội

Triều đại bàn phím cánh bướm tồi tệ trên MacBook của Apple cuối cùng cũng đã kết thúc

Với việc ra mắt MacBook Pro 13 inch mới đây, Apple cuối cùng cũng đã ngừng cố gắng khắc phục một trong những thiết kế phần cứng tồi tệ nhất trong lịch sử của mình, đó chính là cơ chế switch cánh bướm trên các bàn phím MacBook.

Triều đại bàn phím cánh bướm tồi tệ trên MacBook của Apple cuối cùng cũng đã kết thúc

Sau 5 năm gắn bó với bàn phím cánh bướm, Apple chỉ trong vòng 6 tháng đã chuyển toàn bộ dòng laptop của mình sang Magic Keyboard, sử dụng dạng switch cắt kéo, chính thức khai tử thiết kế tồi tệ nhất trong lịch sử.

Việc chuyển đổi toàn bộ dòng sản phẩm sang một bàn phím mới trong 6 tháng quả thật là rất ấn tượng, nhưng quyết định thực hiện điều này lại quá muộn. Apple cố chấp duy trì thiết kế bàn phím này quá lâu, khiển hình ảnh của họ dần xấu đi, gây ra những rắc rối cũng như chi phí không đáng có cho khách hàng.

Triều đại bàn phím cánh bướm tồi tệ trên MacBook của Apple cuối cùng cũng đã kết thúc

Bàn phím Magic Keyboard mới của Apple trên MacBook Pro 16 inch. Ảnh: iFixit

Dẫu vậy, vẫn có rất nhiều người vẫn đang sử dụng một chiếc MacBook có bàn phím cánh bướm. Thế nên, dù bàn phím cánh bướm có thể biến mất khỏi cửa hàng của Apple, nó vẫn đang tồn tại dưới dạng đống tro tàn trong thế giới này.

Thời đại của bàn phím cánh bướm bắt đầu từ chiếc MacBook 12 inch 2015. Nó chỉ được gọi là MacBook (không có "Air" hay "Pro"), và được coi như là một loại laptop mới của Apple. Thiết bị này cũng là sự khởi đầu cho một ngôn ngữ thiết kế mới, sử dụng cổng USB-C và bàn phím cánh bướm. Dẫu vậy, chiếc MacBook này quá nhỏ, không đủ sức mạnh và quá đắt đỏ để trở thành dòng sản phẩm chính thống thực sự.

Chiếc MacBook đó đã bị ngừng sản xuất vào tháng 07/2019 và được thay thế bằng MacBook Air mới. Nhưng chiếc MacBook nhỏ bé đó thực sự có sức ảnh hưởng: cơ chế bàn phím cánh bướm đã lan sang MacBook Pro và phiên bản nâng cấp đầu tiên của chiếc MacBook Air được thiết kế lại. Rõ ràng, Apple tin tưởng vào đó và nghĩ rằng, lợi ích của nó mang lại vượt xa mọi vấn đề do nó gây ra.

Lợi ích chủ yếu của bàn phím cánh bướm đó chính là mỏng. Điều đó tạo ra nhiều không gian trống hơn cho những linh kiện khác hoặc giúp tổng thể chiếc laptop trở nên mỏng hơn. Nó cũng giúp các phím "ổn định" hơn khi nhấn xuống, mang lại cảm giác gần như tương tự nhau ở mọi vị trí trên keycap. Dễ nhận thấy, chiếc MacBook Pro 13 inch mới nặng và dày hơn một chút so với thế hệ trước.

Nhưng những lỗi xuất hiện bên trong nó đã khiến các lợi ích này bị lu mờ. Vấn đề lớn nhất chỉ đơn giản là nó không đáng tin cậy. Cơ chế này rất mỏng manh, đến nỗi dường như bất kỳ mảnh vụn nhỏ nào cũng có thể làm hỏng một phím, khiến nó ngừng hoạt động hoặc tạo ra 2 chữ cái khi gõ. Tồi tệ hơn, cấu trúc laptop của Apple khiến quá trình thay thế một nút không phải là một điều đơn giản. Điều đó yêu cầu người dùng cần phải đưa laptop đến trung tâm sửa chữa để có thể khắc phục.

Mãi đến tháng 11/2019, một thiết kế bàn phím "mới" được đưa vào MacBook Pro 16 inch, thế nhưng, Apple vẫn "cố đấm ăn xôi" và tùy chỉnh lại bàn phím cánh bướm. Họ đã tạo ra một phiên bản "thế hệ thứ 2" trong năm 2016. Đến 2018, "nhà Táo" tiếp tục bổ sung thêm một màng silicon bên dưới các phím để bụi không thể lọt vào (dù Apple tuyên bố rằng nó giúp cho bàn phím im lặng hơn). Các thế hệ sau đó, Apple đã mô tả rằng họ đã tinh chỉnh bàn phím này trở nên phức tạp hơn, cho đến thế hệ cuối cùng, họ chỉ xác nhận rằng sử dụng "các vật liệu mới" trên những chiếc MacBook 2019.

Triều đại bàn phím cánh bướm tồi tệ trên MacBook của Apple cuối cùng cũng đã kết thúc

Apple từng tuyên bố cơ chế cánh bướm sẽ mang lại cảm giác gõ tốt hơn so với switch cắt kéo truyền thống

Apple đã thừa nhận các vấn đề bàn phím này, nhưng lại tuyên bố rằng nó không phổ biến như mọi người nghĩ. Năm 2018, "Táo khuyết" mở một "chương trình dịch vụ bàn phím mở rộng", về cơ bản là mở rộng việc bảo hành cho bàn phím cánh bướm trong vòng 4 năm, thậm chí, họ còn xác nhận chương trình này cũng sẽ áp dụng cho những cỗ mới hoàn toàn mới khi công bố.

Chỉ có Apple thực sự mới biết được mức độ phổ biến của những vấn đề với bàn phím này và cũng chỉ họ mới biết liệu các vấn đó có ảnh hưởng đáng kể đến doanh số MacBook hay không.

Doanh thu MacBook mới chính là vấn đề của Apple, không phải người dùng. Nếu bạn đang sử dụng một chiếc MacBook, ảnh hưởng lớn nhất đó chính là liệu bàn phím có cho bạn gõ hay không. Điều đó rất quan trọng ở hiện tại, bởi các cửa hàng của Apple đã đóng cửa ở hầu hết mọi quốc gia do đại dịch COVID-19 và không rõ lúc nào mới có thể trở lại bình thường.

Mặc dù vậy, toàn bộ triều đại bàn phím cánh bướm đã là một "tiếng vang tiêu cực" lớn cho Apple. Thế hệ bàn phím này đã làm tổn hại đến danh tiếng bao nhiêu năm gầy dựng của Apple bởi những vấn đề nó gây ra cũng như cách mà "nhà Táo" phản hồi với một số khiếu nại từ người dùng về công ty.

Chúng ta có thể gọi các nỗ lực cứu bàn phím cánh bướm của Apple là cố chấp, nhưng đơn giản hơn, ta có thể xem đó là một sự kiêu ngạo. Nếu không phải thế, Táo khuyết đã không thể không nhận thấy, hoặc nhắm mắt làm ngơ, rằng mình vẫn đang bán ra một sản phẩm tồi tệ.

MacBook vẫn đang gặp những thách thức thật sự trước mắt. Do lộ trình các CPU thế hệ mới của Intel ngày càng khó hiểu, dường như, Apple đang dự định chuyển sang sử dụng những bộ xử lý dựa trên ARM của mình. Thực tế, khi iPad Pro đang ngày càng có thể xử lý nhiều chức năng tương tự máy tính truyền thống hơn, rất nhiều người đang cân nhắc nó để có thể thay thế laptop. Dẫu vậy, macOS vẫn đang phát triển chậm hơn so với iOS, cùng với hướng đi chưa rõ ràng trong vài năm qua. Liệu các ứng dụng Calalyst có phải là tương lai? Có phải là SwiftUI hay không? Việc chuyển đổi ARM sẽ ảnh hưởng đến các ứng dụng Mac trong tương lai như thế nào?

Đó là những thắc mắc về phần mềm cơ bản cho Mac, và việc trả lời chúng rõ ràng là một thách thức khó khăn đối với Apple. Hi vọng, Táo khuyết sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho hệ sinh thái Mac mà họ đang ngày đêm xây dựng.

Minh Hùng theo The Verge

Chủ đề khác