VnReview
Hà Nội

NVIDIA đang quan tâm đến việc mua lại công ty thiết kế chip ARM

Theo Bloomberg, NVIDIA, một công ty nổi tiếng về GPU, đang quan tâm đến việc mua lại ARM – một trong những công ty thiết kế chip và bán dẫn hàng đầu trên thế giới. Nguồn tin cũng tiết lộ, NVIDIA đã liên hệ với ARM nhằm thỏa thuận thương vụ.

NVIDIA đang quan tâm đến việc mua lại công ty thiết kế chip ARM

Thông tin này cũng xác nhận rằng, có một số công ty khác cũng đang tham gia vào thương vụ này. Điều này diễn ra chỉ vài tuần sau khi thông tin SoftBank, công ty sở hữu ARM, đang lên kế hoạch ngầm bán tất cả hoặc một phần cổ phần ARM xuất hiện.

Nguồn tin cũng cho biết thêm rằng, có khả năng thương vụ mua lại này của NVIDIA không thành hiện thực, và ARM có thể chọn niêm yết công khai. Còn nếu thành hiện thực, đây có thể là thương vụ lớn nhất từ trước đến nay trong ngành công nghiệp chip.

NVIDIA đã tạo ra sự thống trị của mình trong thị trường chipset đồ họa, phần lớn được sử dụng cho chơi game và xử lý AI. Công ty này cũng tham gia vào thị trường xe tự lái thế nhưng vẫn còn rất non trẻ.

Việc mua lại ARM của NVIDIA có thể là một mối đe dọa lớn cho những ông lớn khác như Intel và Qualcomm cũng như nhiều công ty sản xuất chipset khác bởi hầu hết họ đều phải xin cấp phép công nghệ ARM cho các con chip của riêng mình. Đáng chú ý hơn, công nghệ của ARM cũng là nền tảng cốt lõi của Apple Silicon, vốn sẽ được Apple trang bị cho những chiếc MacBook trong tương lai.

ARM có trụ sở tại Anh và đã được SoftBank cũng như SoftBank Vision Fund mua lại với giá 32 tỉ USD hồi năm 2016. Trong khi đó, đầu tháng này, NVIDIA đã nhanh chóng vượt qua Intel về mức giá trị thị trường.

SoftBank đã phải bán hết tài sản của mình để vượt qua đại dịch COVID-19. Gần đây, ARM cũng đã chuyển 2 nhóm Internet of Things sang SoftBank nhằm thu hẹp trọng tâm của mình. Bán đứt ARM có thể giúp gã khổng lồ Nhật Bản này tập trung vào các mảng kinh doanh quan trọng khác.

Ngay cả khi cả 2 công ty đạt được thỏa thuận, thương vụ này có thể sẽ phải đối mặt với sự giám sát rất chặt chẽ và nghiêm ngặt từ các cơ quan quản lý. Các đối thủ cạnh tranh của họ có thể cũng sẽ phản đối thỏa thuận này với những điều khoản đối xử công bằng.

Minh Hùng theo GizmoChina

Chủ đề khác