VnReview
Hà Nội

Google, Qualcomm, Intel và Broadcomm cùng đồng loạt ngưng làm ăn với Huawei

Các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ từ Google, Qualcomm đến Intel đồng loạt tiến hành ngừng cung cấp phần mềm và các linh kiện quan trọng cho Huawei. Đây là động thái "tuân thủ" lệnh cấm của chính phủ Mỹ và nó có nguy cơ sẽ bóp nghẹt công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc.

>>;Google rút giấy phép sử dụng Android của Huawei, buộc dùng bản nguồn mở không có các dịch vụ của Google

>> Cơn ác mộng Android của Huawei tồi tệ hơn nhiều

Không chỉ Google, các nhà sản xuất chip bao gồm Intel, Qualcomm, Xilinx và Broadcom đã thông báo với nhân viên rằng họ sẽ không cung cấp linh kiện cho Huawei nữa cho đến khi có thông báo mới. Alphabet, công ty mẹ của Google đã cắt nguồn cung cấp phần cứng và một số dịch vụ phần mềm cho Huawei.

Theo hãng tin Bloomberg, các động thái "nghỉ chơi" với Huawei trên đã được dự đoán trước và sẽ gây ảnh hưởng lớn đến Huawei, hiện là nhà cung cấp thiết bị mạng lớn nhất và nhà sản xuất điện thoại thông minh số 2 thế giới. Chính phủ Mỹ hôm thứ Sáu đã liệt Huawei vào "danh sách đen" – danh sách những công ty bị cho là làm gián điệp cho Bắc Kinh - và đe dọa sẽ cấm cửa Huawei tiếp cận các phần mềm và sản phẩm bán dẫn của các công ty Mỹ, đó là những phần mềm và linh kiện Huawei cần để sản xuất các sản phẩm của mình. Việc cấm bán các linh kiện quan trọng cho Huawei cũng có thể phá vỡ hoạt động kinh doanh của các đại gia chip Mỹ như Micron Technology và trì hoãn việc triển khai thương mại mạng 5G trên toàn thế giới - bao gồm cả ở Trung Quốc. Điều đó cũng sẽ gây tổn thương cho các công ty Mỹ đang ngày càng phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Việc thực thi lệnh cấm của chính quyền Mỹ có thể sẽ gây ra những hiệu ứng mạnh mẽ với toàn ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Intel là nhà cung cấp chip máy chủ chính cho công ty Trung Quốc, Qualcomm cung cấp cho Huawei sản phẩm vi xử lý và chip sóng (modem) dùng trên nhiều smartphone hãng này, Xilinx bán chip lập trình được sử dụng trong mạng của Huawei và Broadcom là nhà cung cấp chip dành cho các sản phẩm switch (bộ chuyển đổi), một thành phần quan trọng trong hệ thống mạng viễn thông. Theo hãng tin Bloomberg, các nhà sản xuất chip Mỹ hiện đang từ chối bình luận về vụ việc.

Ryan Koontz, nhà phân tích của Rosenblatt Securities Inc, cho rằng "Huawei phụ thuộc nặng nề vào các sản phẩm bán dẫn của Mỹ và sẽ bị ảnh hưởng lớn nếu không có nguồn cung này". Nhưng lệnh cấm của Mỹ "cũng khiến Trung Quốc trì hoãn xây dựng mạng 5G, do đó tác động đến nhiều nhà cung cấp linh kiện toàn cầu".

Huawei được cho là đã dự trữ đủ chip và các thành phần quan trọng khác để duy trì hoạt động kinh doanh của mình trong ít nhất ba tháng. Huawei đã chuẩn bị cho tình huống này kể từ ít nhất là giữa năm 2018, tích trữ nhiều linh kiện trong khi đẩy mạnh việc thiết kế chip của riêng mình. Nhưng các giám đốc điều hành của Huawei tin rằng họ là một con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, và họ sẽ có thể tiếp tục mua linh kiện các nhà cung cấp Mỹ nếu thỏa thuận thương mại đạt được.

Động thái của các công ty Mỹ có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, dấy lên lo ngại về mục tiêu của Tổng thống Donald Trump nhằm kiềm chế Trung Quốc, gây ra cuộc chiến tranh lạnh kéo dài giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ngoài cuộc chiến thương mại làm náo loạn thị trường toàn cầu trong nhiều tháng nay, Mỹ đã gây áp lực cho các quốc gia đồng minh, kêu gọi các nước này không sử dụng thiết bị của Huawei trong mạng 5G.

Cuộc đàn áp của Mỹ cũng giáng đòn trực tiếp vào bộ phận thiết bị di động đang phát triển nhanh của Huawei. Huawei có thể sẽ chỉ có thể truy cập phiên bản Android nguồn mở được cung cấp miễn phí mà không có các ứng dụng và dịch vụ quan trọng của Google với nền tảng Android cũng như những hỗ trợ kỹ thuật, cập nhật phần mềm. Như vậy, các smartphone tới đây của Huawei có thể sẽ không thể tiếp cận các ứng dụng và dịch vụ độc quyền của Google từ bản đồ đến kho ứng dụng, trình duyệt và Gmail. Điều đó chắc chắn sẽ làm giảm đáng kể doanh số điện thoại thông minh Huawei ở thị trường quốc tế.

Huawei, thương hiệu điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, sau Samsung Electronics Co., là một trong số ít đối tác phần cứng toàn cầu có đặc quyền truy cập sớm vào các tính năng và phần mềm Android mới nhất từ ​​Google. Tuy vậy, công ty Trung Quốc vẫn sẽ có quyền truy cập vào các bản cập nhật ứng dụng và bảo mật đi kèm với phiên bản nguồn mở của Android. "Chúng tôi đang tuân thủ lệnh của chính phủ và xem xét mọi thứ", một đại diện Google cho biết và không giải thích thêm.

Hoàng Lan

Chủ đề khác