VnReview
Hà Nội

Vì sao bom tấn Black Panther khiến người Mỹ "lên đỉnh" còn người Việt dễ "tụt mood"?

Sau hai tuần công chiếu, bom tấn Black Panther (Chiến binh báo đen) đã mang về cho Disney doanh thu hơn 700 triệu USD trên toàn cầu, trong đó ở Việt Nam sau 5 ngày công chiếu đã cán mốc gần 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, dù bộ phim đã chinh phục được khán giả Mỹ nhưng lại khiến nhiều người Việt chưa thực sự thỏa mãn...

>;5 công nghệ siêu ảo trong phim "Black Panther" đang trở thành hiện thực

> Xem phim gì cuối tuần này: Bước chân an lạc, Điệp vụ chim sẻ đỏ, Tháng năm rực rỡ

Dù trước đây cũng từng có bộ phim anh hùng da màu là "Blade" (1998), nhưng phải đến Black Panther (tựa Việt là Black Panther: Chiến binh báo đen) mới có thể truyền tải đúng văn hóa người Mỹ gốc Phi và nỗi niềm của giai cấp này... Do vậy, không quá ngạc nhiên khi bom tấn mới nhất của Marvel và Disney dưới bàn tay nhào nặn của đạo diễn Ryan Coogler đã và đang gặt hái thành công mỹ mãn, ít nhất là về mặt doanh thu ở các phòng vé với hàng loạt kỷ lục được thiết lập.  

Trở lại với nội dung của "Black Panther", bối cảnh phim diễn ra được coi là mở màn cho Infinity War sắp tới. Cụ thể, sau khi bắt hung thủ sát hại vua cha trong Captain America: Civil War, hoàng tử T'Challa đã kế thừa ngai vàng của vương quốc Wakanda bí ẩn nhất thế giới vốn đang phát triển vượt bậc nhờ vào mỏ Vibranium - một chất liệu mang tính biểu tượng và đầy quyền năng. Nhưng bóng ma quá khứ đã quay lại đúng thời điểm chuyển giao quyền lực, khi thân phận của sát thủ giết mướn Erik Killmonger được tiết lộ đã khiến T'Challa phải lúng túng, nhân cơ hội đó Killmonger cùng tay sai - trùm buôn lậu vũ khí Ulysses Klaue đã mưu toan chiếm đoạt xứ Wakanda giàu có. Liệu một vị vua trẻ vừa lên ngôi như T'Challa có thể giữ vững ngai vàng để bảo vệ vương quốc cùng các thần dân của mình hay không? Bom tấn siêu anh hùng của Marvel - Disney sẽ ít nhiều giải mã câu hỏi đó cho người xem trên màn ảnh rộng...

Kỹ xảo ổn nhưng không phải là điểm nhấn của "Black Panther"

Thế giới đầy màu sắc trong "Black Panther"

Vai diễn báo đen T'Chala vẫn chưa thực sự thuyết phục

Vẫn giữ truyền thống, các phim siêu anh hùng của Marvel được chăm chút kỹ lưỡng về xây dựng bối cảnh. Trong "Black Panther", thế giới Wakanda được miêu tả chi tiết với nhiều đại cảnh như bầu trời hoàng hôn từ góc nhìn trên hang báo, vùng thảo nguyên bạt ngàn hay pháo đài Wakanda cũng như võ đài thác nước - nơi thách đấu của các ứng viên lên ngôi. Những hình ảnh gợi nhớ về một châu Phi hoang sơ nhưng giàu cảm xúc trong bộ phim hoạt hình Lion King của tuổi thơ 8x, 9x một thời...  Bên cạnh đó, các nhà làm phim còn biết kết hợp tinh tế những điểm nhấn của văn hóa châu Phi vào các chi tiết sáng tạo giả tưởng về xã hội, kiến trúc, tư tưởng và cả khoa học công nghệ.

Tuy nhiên, đáng tiếc là kỹ xảo CGI và thiết lập chung của "Black Panther" không thực sự đồng đều, có không ít cảnh phim có chất lượng kỹ xảo khá tệ so với mặt bằng chung của phim, nhất là các cảnh hành động của nhân vật chính. Bên cạnh đó, việc pha trộn giữa hiện đại (với các công nghệ tiên tiến nhờ vào Vibranium) và sự hoang dã của châu Phi vẫn chưa thuyết phục, nhất là các cảnh cố tình phối ghép các tòa nhà tạm bợ của châu Phi bên cạnh các tòa nhà/phương tiện di chuyển vượt thời đại của Wakanda. Bên cạnh đó, cũng khá khó hiểu khi một vương quốc có khoa học công nghệ vượt thời đại như Wakanda lại có các bộ tộc giao tranh bằng nhiều vũ khí thô sơ (giáo mác, dao kiếm.... ), trong khi họ chê súng ống của loài người là... đồ chơi?! 

Tương tự phần kỹ xảo, nhạc phim cũng khá rộn ràng và mang âm hưởng hoang dã của châu Phi nhưng lại không đồng đều. Có đôi lúc cảm giác như xem phim "chay" khi không có sự cộng hưởng của âm nhạc, còn có những cảnh nhạc phim tỏ ra khá ổn, cũng có thể do nhạc sĩ Ludwig Göransson còn quá trẻ để đảm trách vị trí sáng tác nhạc cho bộ phim. Có thể nói nhạc và hình ảnh/kỹ xảo của "Black Panther" dù có sạn nhưng nhìn chung đều ổn, tuy nhiên điểm nhấn chính của bộ phim lại không nằm ở các hạng mục này...

Nỗi niềm của người da màu ở Mỹ - điểm nhấn xuất sắc của phim

Hiếm có bộ phim bom tấn nào mà hầu hết các diễn viên trong phim đều là... da màu như Black Panther

Với phần lớn người Việt không am tường văn hóa Mỹ hoặc ít đọc truyện tranh của Marvel thì "Black Panther" có thể được coi là cuộc chiến của "hai đứa trẻ" miệng còn mùi sữa, bởi ở góc độ giải trí đơn thuần thì câu chuyện phim khá đơn giản, có mục tiêu rõ ràng và cụ thể. Dù đề cập tới lý tưởng và giai cấp nhưng lại được giải quyết bằng các màn đấm đá "trẻ trâu" giữa hai thanh niên đang tuổi ăn tuổi lớn, khiến diễn biến của nửa sau bộ phim không còn gây bất ngờ cho người xem nữa, theo motif tranh quyền đoạt vị và trả thù cổ điển, chưa kể nhân vật chính khá mờ nhạt so với vai phản diện. Đó cũng là lý do nhiều người Việt cảm thấy ít nhiều thất vọng sau khi xem bộ phim và cho rằng nhiều chuyên trang đã overatted (đánh giá quá cao), khi mà trước đó họ bị trailer "hớp hồn" và các đánh giá trên các chuyên trang đều cao ngút... 

Tuy nhiên, lần này thì có lẽ số điểm đánh giá Black Panther trên các chuyên trang IMDb, Roten Tomatoes hay Metacritic đã không sai. Bởi với khán giả Mỹ và đặc biệt là cộng đồng người da màu ở nước này, bộ phim được "xem" dưới một góc độ khác. Theo họ, "Black Panther" đã thể hiện được văn hóa và nỗi niềm của cộng đồng da màu ở nơi đây. Phim cũng giúp người xem hiểu được xuất xứ của Wakanda, của Black Panther và là tiền đề cho bom tấn "Captain Aamerica: Infinity War" sắp tới.

Bản thân đạo diễn Ryan Coogler (áo trắng bên trái) cũng là người da màu.

Quay lại với nỗi niềm của người da màu và cụ thể là cộng đồng người Mỹ gốc Phi, trong phim, "sát thủ" Killmonger có một khát khao trả thù cũ mèm nhưng đồng cảm với người da màu ở Mỹ, bởi ở đất nước này phần lớn dân da đen lớn lên không có cha mẹ dìu dắt, dù bị áp bức thì họ cũng không hề có nhiều sức mạnh/quyền lực để phản kháng. Do vậy, nếu có quyền chắc lẽ họ sẽ trả thù để giới "thượng đẳng" da trắng phần nào thấu hiểu được những khổ đau họ đã từng trải qua. Phim đề cập đúng tâm can của người da màu, đặc biệt trong bối cảnh 5 năm trở lại đây phong trào "Black Lives Matter" đang ngày càng lan rộng. Phong trào này lập ra với mục đích chống lại sự bất bình đẳng và các hành vi bạo lực của cảnh sát đối với người Mỹ gốc Phi, cũng như khuyến khích các cặp đôi da trắng và da màu lập gia đình để dần xóa nhòa ranh giới và nhận thức về chủng tộc.

Theo bạn Ngô Đức Anh đang sinh sống ở Mỹ, "Killmonger được nhiều khán giả Mỹ đánh giá là nhân vật phản diện xuất sắc nhất tính đến thời điểm này của Marvel, vì mục đích của anh ta khác hẳn với các nhân vật phản diện trước đó như Loki, Thanos hay Hydra...". Theo đó, nhân vật chính báo đen T'Chala đấu tranh theo truyền thống của Wakanda, thần tượng vị vua cha của mình và vẫn chưa cảm thấy sẵn sàng để dẫn dắt vương quốc của cha để lại, anh lộ rõ sự nhân từ và lúng túng khi đứng giữa hai lựa chọn phải cứu mật vụ CIA da trắng hay nhắm mắt làm ngơ (và thẳng tay) như vua cha khi "xử lý" người em trai (chú của T'Chala). Tuy nhiên, ở cuối phim nhận thức của T'Chala đã thay đổi, và câu nói "người khôn sẽ xây cầu, kẻ ngốc sẽ xây rào chắn" cùng hành động của anh đã phản ánh thay đổi tích cực đó.

Erik Killmonger - nhân vật phản diện xuất sắc trong Black Panther

Còn Killmonger lại lớn lên theo kiểu người da màu điển hình ở Mỹ, anh hiểu và cảm nhận được việc người da màu bị kỳ thị và áp bức như thế nào. Không những vậy, anh còn được quân đội và tình báo Mỹ đào tạo nên rất tinh anh. Do vậy Killmonger sớm nhận thức được sức mạnh của vật chất Vibranium sẽ giúp được "toàn bộ người da màu", và trách người Wakanda sống trên nhung lụa mà vô tâm hững hờ với những khổ cực của cộng đồng người da màu bên ngoài vương quốc. Killmonger sống chết vì lý tưởng của mình, kể cả khi T'Chala muốn cứu anh ở cuối phim, khi đó Killmonger có nói rằng, "Bury me in the ocean with my ancestors that jumped from the ships. Because they knew death was better than bondage", (tạm dịch: Hãy vứt ta xuống đại dương, như những người tổ tiên của ta khi xưa hiểu rằng thà chết chứ không cam chịu kiếp giam cầm). Cần nhớ rằng, những người da đen đầu tiên đã được đưa đến Mỹ (gọi là ancestor) trên các chuyến tàu buôn bán nô lệ, và nhiều người trong số đó thà nhảy xuống biển còn hơn là chịu kiếp nô lệ. 

Đây đơn giản là câu chuyện về chính trị và thời cuộc, nên khó mà hấp dẫn theo cách ly kỳ và bất ngờ như nhiều bom tấn giả tưởng khác. Bù lại, xuyên suốt bộ phim còn có 3 cốt truyện phụ (subplot) và phát triển nhân vật gắn liền với cuộc sống hiện nay, bao gồm: truyền thống và hiện tại (Okoye và Nakia), yêu tổ quốc hay yêu bản thân (phe Okoye cùng quân đội Wakanda và phe Nakia, Shuri, thân mẫu T'Chala), bế quan tỏa càng hay chia sẻ và hội nhập (Wakanda dưới quyền vua cha ở nửa đầu phim và dưới quyền T'Chala ở cuối phim). Rất đáng để suy ngẫm...

Đây chỉ là phim siêu anh hùng của Marvel thôi nên các thông điệp trong phim vẫn còn khá nhẹ nhàng, tuy nhiên nó vẫn đủ thấm vào lòng những người da màu ở Mỹ, vốn chiếm số lượng không nhỏ ở quốc gia này. Để có được một bộ phim hài hòa giữa yếu tố chính trị và giải trí như vậy, Marvel đã cố gắng thêm thắt nhiều tình tiết không có trong nguyên tác truyện tranh để tạo ra chiều sâu cho nhân vật cũng như tăng tính trào phúng, hài hước mà sâu cay của "Black Panther". Có lẽ đó cũng là lý do khiến khán giả Mỹ đánh giá bộ phim này rất cao, trong khi người xem ở các quốc gia khác không thực sự thấu hiểu được hết ý nghĩa sâu xa của nó. 

Phim không đơn thuần là cuộc đấu tay đôi "trẻ trâu" của báo đen T'Chala và sát thủ Killmonger như một số người lầm tưởng

Đáng để ra rạp?

Vẫn còn đó những hạt sạn về CGI, sự tham lam về chi tiết và đi sâu vào nhiều nhân vật cũng như việc phát triển tâm lý của "báo đen" T'Chala vẫn chưa thực sự thuyết phục. Nhưng xét cho cùng, ở góc độ trung lập thì "Black Panther: Chiến binh báo đen" vẫn là bộ phim khá xuất sắc khi truyền tải được thông điệp của người da màu ở Mỹ, giữ được sự trào phúng vốn có của Marvel cũng như hài hòa được yếu tố chính trị và giải trí - dù có thể vẫn khó hiểu với các khán giả ngoài nước Mỹ như bom tấn "Dealpool" ra mắt trước đó. Phim cũng chứa nhiều bối cảnh độc đáo và mới lạ, nhiều khung cảnh và kiến trúc hùng vĩ, trong khi âm nhạc khá sôi động và chứa nhiều âm điệu của thổ dân bản xứ.

Đáng chú ý, phim có một post-credit ở đầu phim và một after-credit ở cuối phim đáng để xem, bạn không nên bỏ lỡ. Đây cũng là một trong những tác phẩm mở màn trước khi chuyển qua cuộc chiến siêu anh hùng hoành tráng "Captain America: Infinity War" sắp tới. Do vậy, với fan của Marvel nói riêng và dòng phim siêu anh hùng nói chung thì đây là một tác phẩm điện ảnh không nên bỏ lỡ trong những ngày đầu năm 2018, dù khó có thể cảm nhận hết như góc nhìn của người Mỹ gốc Phi. Còn với những ai chưa có dịp xem truyện tranh Marvel hay đơn giản chỉ là khán giả trung lập - xem với mục đích giải trí thì "Black Panther" vẫn là lựa chọn thú vị để ra rạp.

Trailer chính thức của "Black Panther: Chiến binh báo đen"

TM

Chủ đề khác