VnReview
Hà Nội

Apple HomeKit không như chúng ta trông đợi

Apple dấn thân vào cuộc cách mạng nhà thông minh muộn. Nhưng với việc ra mắt nền tảng HomeKit, Apple đã chứng tỏ chưa tận dụng được lợi thế của người đến sau, của hãng công nghệ đỉnh cao mà còn phản ánh một thực tế là có những thứ nếu không gắn liền với tên tuổi doanh nghiệp hạng A thì sẽ chẳng có gì đáng kể.

Một trong những xu hướng công nghệ mới nổi một vài năm trở lại đây là nhà thông minh. Tiềm năng của thị trường này lớn đến nỗi các đại gia công nghệ như Google, Samsung, Microsoft và mới đây nhất là Apple không thể trở thành kẻ đứng ngoài cuộc.

Đầu năm nay, Google đã chi 3,2 tỉ USD để mua công ty Nest, chuyên sản xuất nhiệt kế thông minh và máy phát hiện khói/carbon monoxide mà bạn có thể điều khiển từ smartphone thông qua Wi-Fi. Các sản phẩm của Nest có thể tự điều chỉnh cách hoạt động dựa trên thói quen của con người. Phía sau thương vụ này, Google đang tìm kiếm một vị trí thuận lợi hơn trong cuộc cách mạng kết nối tất cả các thiết bị gia dụng, khởi đầu là máy đo nhiệt độ và một ngày nào đó có thể là cả lò nướng của bạn.

Cũng trong thời gian này, Samsung ra mắt hệ thống Smart Home hỗ trợ người dùng có thể "điều khiển từ xa" các tiện ích bên trong ngôi nhà từ điện thoại thông minh. Với hệ thống này, người dùng có thể ra lệnh cho các thiết bị trong ngôi nhà thông minh tự động đóng và khóa trái tất cả các cửa, tắt toàn bộ đèn... Nhưng hạn chế của hệ thống này là sự khép kín trong các thiết bị của Samsung, TV thông minh, thiết bị gia dụng và điện thoại thông minh, máy tính của Samsung được kết nối và quản lý lẫn nhau.

Vào giữa tháng 5 vừa qua, Microsoft hợp tác với Insteon - một công ty sáng tạo ra nhiều tiêu chuẩn quan trọng cho thị trường nhà thông minh - để phát triển các ứng dụng mới cho Windows 8.1 và Windows Phone 8. Các sản phẩm từ thương vụ Insteon và Microsoft sẽ giúp cho người tiêu dùng có thể điều khiển đèn bàn, camera an ninh và máy đo nhiệt độ từ máy vi tính, tablet hoặc smartphone chạy Windows.

Và bây giờ đến lượt Apple. Tin đồn về nền tảng nhà thông minh Apple nhỏ giọt, nhưng ấn tượng Apple khi ra mắt sản phẩm nào thì sản phẩm đó là "cách mạng", "dẫn đầu" quá lớn nên nền tảng nhà thông minh của Apple được kỳ vọng sẽ là tuyệt vời, mới mẻ hơn so với những gì hiện có.

Thực tế không phải như vậy.

HomeKit

Apple ra mắt nền tảng HomeKit cho các nhà phát triển ứng dụng. Điều đó có nghĩa Apple chưa chính thức "đặt chỗ" trên thị trường nhà thông minh đang hot hiện nay

Rạng sáng ngày 3/6, theo giờ Việt Nam, tại Hội nghị các nhà phát triển Apple (WWDC 2014), Apple ra mắt nền tảng nhà thông minh HomeKit. Nó đơn giản hơn chúng ta nghĩ rất nhiều.

HomeKit là nền tảng phát triển phần mềm mới, cho phép các nhà phát triển tạo ra các ứng dụng iOS điều khiển từ xa các thiết bị trong nhà. Nói cách khác, thay vì làm ra các sản phẩm nhà thông minh và an ninh cho nhà thông minh, HomeKit sẽ là một khuôn khổ chứng nhận, hỗ trợ các sản phẩm của các công ty khác. Apple nhấn mạnh một số công ty đang hợp tác với họ phát triển ứng dụng trên HomeKit, gồm có August, hãng cung cấp khóa cửa thông minh, và Philips, hãng sản xuất đèn điện được kết nối.

Ông Craig Federighi, một giám đốc của Apple giới thiệu khi HomeKit hoạt động, chủ nhân ngôi nhà có thể thiết lập các "kịch bản điều khiển các thiết bị gia dụng". Một số kịch bản như: Có ứng dụng cho phép bạn bật tắt điều hòa từ xa không phải là mới, thậm chí kể cả tính năng ông Federighi tự hào khoe là đảm bảo "chỉ thiết bị của bạn mới có thể mở khóa cửa nhà", điều khiển đóng cửa gara, hạ nhiệt độ hoặc giảm bớt đèn bằng giọng nói...; cũng không ấn tượng.

Bởi vì họ vẫn là người đi sau. Không chỉ đi sau so với Google, Samsung, LG... mà ngay cả với một công ty Việt Nam – Bkav SmartHome.

Trả lời phóng viên VnReview sau khi Apple giới thiệu HomeKit, ông Vũ Thanh Thắng cho biết HomeKit là một nền tảng để quản lý và cho phép điều khiển thiết bị thì đúng hơn. Trong khi đó, Bkav SmartHome đã là một hệ thống hoàn chỉnh.

Giao diện điều khiển là hình ảnh 3D mô phỏng chính ngôi nhà của bạn

Giao diện điều khiển là hình ảnh 3D mô phỏng chính ngôi nhà của bạn. Ngoài khả năng hiểu và chấp hành nghiêm túc "mệnh lệnh" của chủ nhà với các lựa chọn mở/khoá cửa, tăng/giảm nhiệt độ, bật/tắt các thiết bị chiếu sáng, thiết bị điện... thì điểm tạo nên sự khác biệt của SmartHome là kịch bản ngữ cảnh thông minh - cụm từ xuất hiện nhiều lần khi giám đốc Apple giới thiệu HomeKit.

"Lâu nay Việt Nam toàn đi sau về công nghệ", ông Vũ Thanh Thắng nói. "Tuy nhiên, trong lĩnh vực nhà thông minh, chúng tôi tự hào vì mình là một trong những người đi đầu, như chị có thể thấy, gần đây các công ty công nghệ Google, Samsung, Apple mới tham gia".

Hệ thống nhà thông minh Bkav SmartHome đã được Công ty Bkav nghiên cứu và phát triển từ cách đây hơn 10 năm và bắt đầu thương mại hóa từ năm 2010. Với hệ thống nhà thông minh Bkav SmartHome, người sử dụng có thể điều khiển và kiểm soát ngôi nhà thông qua một giao diện điều khiển trực quan 3D mà ở đó các thiết bị trong ngôi nhà được mô phỏng giống như đang sử dụng thực tế. Các hệ thống điều khiển sáng sáng, rèm mành, hệ thống kiểm soát môi trường, hệ thống an ninh, hệ thống giải trí cho đến bình nóng lạnh… được phối hợp kịch bản hoạt động với nhau nhằm mang đến sự tiện nghi cao nhất cho người sử dụng.

Ông Vũ Thanh Thắng, Phó chủ tịch Công ty Bkav cho biết lĩnh vực nhà tự động hóa đã có nhiều công ty nổi tiếng như Siemens tham gia, tuy nhiên, bởi xuất phát điểm là các hãng phần cứng chế tạo nên nhà tự động hóa có hạn chế lớn nhất là không "hiểu" được ý của chủ nhân.

Trong khi đó, tự động hóa ngôi nhà từ khởi điểm phần mềm – mà các hãng công nghệ lớn trên thế giới như Bkav đã làm và Google, Samsung, Apple đang theo đuổi - khắc phục được nhược điểm nói trên. Lúc này, phần mềm giống như bộ não của ngôi nhà – thông qua công nghệ truyền dữ liệu không dây trong phạm vi nhỏ Zigbee hoặc công nghệ truyền dữ liệu trên đường dây điện PLC - kết nối và điều khiển các thiết bị trong nhà theo từng kịch bản linh hoạt phù hợp với nhu cầu sử dụng.

Theo đánh giá của các nhà phân tích, ngôi nhà sẽ là mặt trận lớn mới của các công ty công nghệ. Các hãng sẽ cạnh tranh để tìm giải pháp tốt nhất để kết nối tất cả các thiết bị - từ đèn chiếu sáng, máy giặt, lò vi sóng, tủ lạnh, điều hòa, hệ thống an ninh... – và kiểm soát chúng tùy theo nhu cầu.

Với thực tế như vậy, cùng dự đoán với tầm cỡ như Apple không thể chậm chân hơn các đối thủ trong thị trường nhà thông minh, nên việc Apple giới thiệu một nền tảng HomeKit đơn giản đã khiến không ít fan của Apple thất vọng.

Bài liên quan:

Apple biến iPhone thành bộ điều khiển nhà thông minh

Thanh Xuân

Chủ đề khác