VnReview
Hà Nội

Sống đến trăm tuổi và vẫn mạnh khoẻ, con người liệu có bao nhiêu cơ hội đó? (phần 2)

Với sự phát triển của khoa học công nghệ, một thiết bị dự báo tuổi thọ đã xuất hiện trên thị trường vào năm 2011. Và cuộc tìm kiếm sự trường sinh bất tử của con người trước giờ vẫn bị xem là hoạt động trong bóng tối thì gần đây đã trở thành những dự án công khai nghiêm túc nhận được số tiền đầu tư lên đến hàng triệu USD.

Thiết bị dự báo tuổi thọ nói trên là gì, hoạt động như thế nào? Thế giới đang có những chương trình nào theo đuổi giấc mơ con người sống đến ngàn năm tuổi? Mời bạn đọc đến với phần hai, cũng là phần cuối.

Sống đến trăm tuổi và vẫn mạnh khoẻ, con người liệu có bao nhiêu cơ hội đó? (phần 1)

Kéo dài tuổi thọ bằng cách chạy bộ

Sống lạc quan sẽ nâng cao tuổi thọ

Sai lầm khi ăn tối vừa sinh bệnh vừa giảm tuổi thọ, rất nhiều người Việt mắc

PHẦN 2: ĐỒNG HỒ TIÊN TRI TUỔI THỌ VÀ NHỮNG DỰ ÁN TRƯỜNG SINH BẤT TỬ CHO NHÂN LOẠI

Loạt bài tổng hợp từ bài viết của Amelia Hill, phóng viên cao cấp của báo Anh;Guardian và các nguồn khác. 

Bạn có thể biết mình sẽ sống thêm bao lâu?

Chiếc đồng hồ epigenetic mới nhất là DNAm PhenoAge sẽ sớm "lên kệ".

Đồng hồ epigenetic là một loại đồng hồ tiên tri ở cấp độ phân tử. Nó được phát triển lần đầu tiên vào năm 2011 và được tuyên bố có khả năng tiết lộ về tương lai. Dựa trên cơ chế phân tích mô hình chuỗi hóa học gắn với DNA tế bào, những chiếc đồng hồ này sẽ tiết lộ bạn đang già đi nhanh như thế nào, và thậm chí cả việc bạn sẽ sống lâu hơn bao nhiêu năm.

(Ảnh: The Scientist Magazine)

Điểm độc đáo của những thử nghiệm này là dù DNA là không đổi khi chúng ta được sinh ra, các mô hình epigenetic lại thay đổi theo lối sống. Hứa hẹn về việc sử dụng thương mại của các nhà sản xuất đồng hồ là chúng giúp chúng ta có thể điều chỉnh sự lão hóa của chính mình.

Các thử nghiệm này chưa được đánh giá độc lập và không cần FDA (Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa kỳ) thông qua, tuy vậy, điều đó không ngăn được một số công ty bảo hiểm nhân thọ sử dụng chúng để dự báo tuổi thọ. Các nhà nghiên cứu cũng đã vào cuộc, sử dụng loại đồng hồ mới để thử nghiệm các loại thuốc chống lão hóa, tìm kiếm một chế độ ăn chống lão hóa.

Epigenetic là ngành khoa học nghiên cứu những thay đổi trong biểu hiện gen và các chức năng khác của gen, những vấn đề có thể di truyền được nhưng không liên quan đến trình tự DNA. Epigenetic là ngành học nổi bật đang ngày càng quan trọng và được quan tâm trong nghiên cứu di truyền, đặc biệt là trong nghiên cứu về ung thư và các bệnh khác trên người.

Giấc mơ bất tử của con người trong lịch sử

Theo Kinh Thánh, con người có số mệnh bất tử. Trong vườn Địa Đàng có hai cái cây, một trong hai cây đó là cây cuộc đời mà Adam và Eve (hai con người đầu tiên được Chúa tạo ra) có thể ăn thức ăn từ đó. Cây còn lại là cây kiến thức - cây biết thiện và ác sinh ra trái cấm đã khiến Adam và Eve chuốc lấy sự đau khổ của cái chết. 

Theo Kinh Thánh, cây kiến thức thiện và ác trong vườn địa đàng đã khiến Adam và Eve chuốc lấy sự đau khổ của cái chết (Ảnh: I am not the Atheist)

Sự bất tử thể chất (ngược lại với sự tồn tại bất tử của một linh hồn đã chết và rời bỏ cơ thể) đã được con người theo đuổi từ thời xa xưa cho đến khi điều đó còn liên quan tới lịch sử nhân loại. Cuộc tìm kiếm sự bất tử đầy ám ảnh đã giết chết vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc khi chỉ mới 49 tuổi.

Năm 221 trước công nguyên, Tần Thủy Hoàng thống nhất 7 nước lớn của Trung Quốc thời đó và cai trị đất nước khi chỉ mới 38 tuổi. Quyết tâm tiếp tục triều đại của mình đến 10 ngàn thế hệ sau, Tần Thủy Hoàng kêu gọi các học giả, phù thủy và nhà thông thái trên cả nước đi tìm nước thánh của sự bất tử. Ông đã thực hiện mọi nỗ lực tìm kiếm: hiến 6.000 trinh nữ cho một phù thủy tuyên bố có thể đổi phụ nữ lấy nước thánh, tự mình lặn xuống biển để giết chết một con quái vật bí ẩn của đại dương, hành quyết 460 học giả không chế ra được nước thánh.

(Một phiên bản khác của chuyện hiến tế 6000 trinh nữ là theo lệnh Tần Thủy Hoàng, người thủ hạ Từ Phúc cùng 6000 đồng nam và trinh nữ dong thuyền ra biển đến núi Bồng Lai tìm thuốc trường sinh. Đoàn người này đã không bao giờ quay trở về.)

Bất chấp những nỗ lực này, hoàng đế Tần Thủy Hoàng đã qua đời chỉ 11 năm sau khi lên ngôi, có thể là do loại thuốc thủy ngân đem lại cuộc sống bất tử mà các nhà giả kim của ông kê đơn cho ông.

Quyết tâm sống bất tử nên Tần vương đã không chọn người kế vị. Sau khi ông mất đột ngột, xác ông được đưa về kinh thành trong một cỗ xe đậy kín, xung quanh là cá thối được gánh theo xe để che giấu mùi thối của xác người. Dù vậy, bí mật về cái chết của ông vẫn bị phát hiện. Trung Quốc rơi vào một cuộc chiến tranh dân sự chết chóc đến mức chỉ trong ba năm, đất nước Trung Quốc thống nhất lại bị chia rẽ, mọi thứ Tần Thủy Hoàng làm được đều bị phá hủy.

Tham vọng trường sinh bất tử trong thế kỷ 21

Mãi đến vài thập kỷ gần đây, các thảo luận về sự bất tử vẫn là một thứ "khoa học ngoài vòng pháp luật", nhưng giờ đây nó đang thu hút những sự chú ý nghiêm túc và những khoản tiền lớn:

Năm 2013, Google đầu tư 1,5 tỉ USD cho cả một bộ phận mang tên Calico được thành lập để "xử lý cái chết".

Quỹ De Grey (quỹ Sens) thì nhận được hàng triệu USD từ Peter Thiel, người sáng lập công cụ thanh toán trực tuyến nổi tiếng PayPal.

Thay vì tập trung lý giải vì sao chúng ta bị ung thư hay đột quỵ, làm cách nào để chữa trị mỗi tình trạng này riêng biệt, hướng nghiên cứu y khoa mới cho rằng, tất cả những tình trạng này đều là triệu chứng của một căn bệnh chết người lớn lao hơn nhiều: đó chính là sự lão hóa.

Thay vì cố gắng chữa trị các loại bệnh khác nhau phát triển khi con người già đi, ngành y học mới cho rằng, chúng ta nên cố gắng chữa trị một căn bệnh lớn. Nếu chúng ta làm được điều đó, tất cả những tình trạng liên quan đến tuổi tác hiện đang gây hại cho vô số người, tiêu tốn vô số tiền sẽ bị xóa sổ.

Không ai nói rằng mọi chuyện sẽ dễ dàng. Nhánh nghiên cứu mới cố gắng giải quyết sự lão hóa bên trong mỗi tế bào cơ thể. Nói cách khác là nó thay đổi toàn bộ cấu tạo di truyền của loài người. Có nhiều tuyên bố là chúng ta đã có thể làm chậm lại sự lão hóa tế bào, hay sự già đi, nhưng những người ủng hộ cấp tiến nhất thì tuyên bố là, con người đầu tiên sống tới 1.000 năm đã được sinh ra.

(Ảnh: MIT Technology Review)

Các đột phá khoa học và công nghệ có thể chấm dứt sự lão hóa trong vòng 20 năm tới, giúp con người sống tới 1.000 năm tuổi là tuyên bố của tiến sĩ sinh học người Anh de Grey.

Tiến sĩ de Grey tên đầy đủ là Aubrey David Nicholas Jasper de Grey, sinh năm 1963, tốt nghiệp ngành khoa học máy tính trường Cambridge năm 1985 và lấy bằng tiến sĩ sinh học của trường đại học hàng đầu nước Anh năm 2000. Từ một kỹ sư phần mềm, ông trở thành một chuyên gia lão khoa y sinh, đồng sáng lập và giám đốc khoa học của quỹ Sens (Sens Research Foundation), phó giám đốc phụ trách Khám phá Công nghệ Mới của AgeX Therapeutics, một công ty khởi nghiệp về tuổi thọ của Mỹ.

Quỹ Sens (đã được nhắc đến trong phần 1) là một quỹ nghiên cứu phi lợi nhuận được thành lập năm 2009 ở California, Mỹ với mục tiêu đảo ngược sự lão hóa sinh học ở con người. Sens được đặt theo tên các kỹ thuật trẻ hóa cơ thể và chấm dứt lão hóa (Strategies for Engineered Negligible Senescence-SENS) do tiến sĩ de Grey phát triển. Sens là một nhóm các phương pháp trị liệu được thiết kế để sửa chữa các loại thương tổn tế bào và phân tử do các quá trình chuyển hóa thiết yếu gây ra.

De Grey cũng là tổng biên tập Rejuvenation Research (Nghiên cứu về hồi xuân), tập san khoa học có bình duyệt duy nhất trên thế giới về đề tài can thiệp vào sự lão hóa.

Ngoài ra, de Grey còn là giáo sư kiêm nhiệm (adjunct professor) quốc tế của Học viện Công nghệ và Vật lý Moscow (Nga), thành viên hai Hiệp hội Lão hóa Hoa Kỳ, Hiệp hội Tuổi già Hoa Kỳ (Gerontological Society of America, American Aging Association). De Grey đã xuất hiện trong nhiều bài phỏng vấn trên các báo, tạp chí nổi tiếng thế giới của Anh, Mỹ như CBS 60 Minutes, BBC, New York Times, Washington Post, TED, Popular Science, Time, tạp chí Fortune…

Clip Youtube tiến sĩ de Grey nói về triển vọng công nghệ có thể giúp con người sống tới 1.000 năm tuổi

Linh Trần (Tổng hợp)

Chủ đề khác