VnReview
Hà Nội

Chỉ là ông lớn ở "vùng đất chết", Nikon có thể là cái tên tiếp theo rút khỏi thị trường máy ảnh

Theo báo cáo thị trường máy ảnh mới nhất, thị phần của Nikon tại phân khúc không gương lật đã giảm còn 7,5%. Họ đang xếp thứ 5 sau cả Olympus, công ty vừa tuyên bố rút lui khỏi thị trường máy ảnh.

Báo cáo từ Hiệp hội Máy ảnh & Sản phẩm Hình ảnh (CIPA) tiết lộ, sản lượng máy ảnh kỹ thuật số xuất xưởng toàn cầu vào năm ngoái là 8,88 triệu đơn vị, giảm 42% so với năm 2019. So với năm 2010 phát triển rực rỡ nhất, quy mô doanh số đã thu hẹp chỉ còn 1/14 lần từ mức 121,46 triệu sản phẩm. Trong đó, loại không gương lật chiếm ưu thế với 2,93 triệu chiếc, còn SLR chỉ là 2,37 triệu.

Khi xếp hạng các công ty camera, Techno System Research cho biết tại phân khúc mirrorless chủ chốt, Sony và Canon lần lượt dẫn đầu với thị phần 35% và 30%. Theo sau lần lượt là Fujifilm (12%), Olympus (8%) và Nikon (7,5%). Ở DSLR, Canon và Nikon vẫn lần lượt là hai hãng dẫn đầu. Đây là những con số tồi tệ cho Nikon bởi theo Peta Pixel, doanh thu và lợi nhuận của loại DSLR đều không bằng mirrorless.

Có nghĩa, công ty Nhật Bản đang tỏ ra yếu thế ở phân khúc sôi động nhất. Đó là còn chưa kể đến xu hướng suy giảm chung của thị trường, theo báo cáo của CIPA ở trên thì trong một năm đi xuống của cả ngành, số bán mirrorless giảm 29% nhưng DSLR thì giảm tới 47%. Về lâu dài, việc Nikon có thứ hạng cao ở phân khúc DSLR cũng không mang lại lợi ích kinh tế nhiều nếu không thể cải thiện vị trí ở sân chơi mirrorless.

Nikon đang rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất lịch sử (ảnh: Tokyo Keizai)

Và điều đó đang trở thành sự thật. Theo tạp chí Tokyo Keizai, trong sáu tháng đầu năm tài khóa 2020, Nikon bị lỗ gần 450 triệu USD. Triển vọng cả năm đưa ra con số dự báo thâm hụt khoảng 720 triệu USD. Còn ít tháng nữa hãng mới công bố báo cáo đầy đủ cho năm tài khóa 2020, nhưng tạp chí kinh doanh Nhật Bản Business Journal đã đặt ra câu hỏi: Liệu Nikon có thể duy trì kinh doanh máy ảnh hay sẽ đi theo Olympus?

Tình hình ngày một xấu đi

Nikon sẽ kết thúc năm tài chính 2020 vào tháng Ba năm 2021, có nghĩa khoảng một đến hai tháng nữa hãng mới đưa báo cáo đầy đủ. Tuy nhiên, dự báo hiện tại khá ảm đạm khi doanh thu có thể giảm 24% trong khi lại ghi nhận khoản lỗ cao nhất lịch sử. Tổng doanh thu của tập đoàn Nhật Bản được cho là đã giảm tới 46% trong vòng 5 năm, kể từ năm tài khóa 2016.

Nguyên nhân chính xuất phát từ hoạt động kinh doanh máy ảnh, doanh thu hiện nay đã giảm hơn 70% so với 5 năm trước. Doanh số của loại máy ảnh hoán đổi ống kính lẫn ống kính rời đều giảm tới 47%, loại compact thì giảm 70% và gần như không còn đóng góp đáng kể cho doanh thu nữa. Do kinh doanh camera là mảng đóng góp doanh thu lớn nhất, khi suy yếu đã kéo cả tập đoàn cùng đi xuống.

Thủ phạm khiến Nikon thua lỗ nặng nề chính là đơn vị máy ảnh số (ảnh: Business Journal)

"Gánh nặng" từ khách hàng Intel

Tuy nhiên, Business Journal lưu ý rằng vẫn còn một nguyên nhân khác khiến Nikon lao đao. Công ty Nhật Bản cùng với Canon từ lâu đã được xem là những hãng sản xuất thiết bị bán dẫn hàng đầu. Từng có thời điểm, hai công ty dẫn đầu về thiết bị chính xác sử dụng để chế tạo chip bán dẫn. Theo triển vọng hiện tại, đây là mảng duy nhất có thể sinh lời.

Tuy nhiên, doanh thu và lợi nhuận của đơn vị này vẫn giảm thê thảm, lần lượt ít hơn 22% và 92% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiệu suất yếu kém khiến phần thặng dư của thiết bị chế tạo LCD và bán dẫn không thể bù đắp cho phần thâm hụt mà camera gây ra. Chính sự sa sút của khách hàng chủ chốt Intel là nguyên nhân dẫn tới việc này. Ước tính, Intel chiếm khoảng 70-90 phần trăm đơn hàng máy đúc chip của Nikon.

Khi Nvidia hay AMD ngày càng phất lên với các dòng sản phẩm card đồ họa, chip xử lí, Intel lại trở nên hụt hơi và phải cắt giảm đơn hàng mua từ Nikon. Từ đó, doanh thu của công ty Nhật ngày càng giảm so với trước. Theo dự báo, nếu Intel tiếp tục thu hẹp hoạt động đúc chip và tăng cường thuê ngoài những công ty như TSMC, Nikon lại càng lâm nguy.

Intel sa sút góp phần kéo Nikon chìm sâu hơn vào vũng bùn (ảnh: Intel)

"Họa vô đơn chí", đúng lúc Nikon đang khốn đốn vì Intel sa sút ở thị trường bán dẫn, thiết bị chế tạo màn hình của họ cũng lại không gặp thời. Nếu như Canon là công ty hàng đầu thế giới về máy lắng chân không dùng để chế tạo OLED, Nikon lại chỉ có loại thiết bị phục vụ sản xuất LCD. Thị trường màn hình toàn cầu đang chuyển dịch xu hướng sang OLED ở phân khúc cao cấp, như TV và smartphone, nên LCD dần thất thế.

Có phải Nikon nên đi theo Olympus?

"Vừa phải gồng gánh máy ảnh số lại vừa chống chọi với máy móc bán dẫn đang sa sút, thực sự là cú đấm kép giáng xuống Nikon" - Business Journal nhận xét. Theo quan điểm của tạp chí, chịu trách nhiệm lớn nhất cho tình trạng thua lỗ chính là kinh doanh camera, vậy nên quyết định cố gắng níu kéo đơn vị này có thể là sai lầm. Bản thân Nikon thì đang cố vớt vát những gì có thể.

Hãng thông báo cắt giảm 2.000 việc làm tức khoảng 10% lực lượng lao động, chuyển sản xuất máy ảnh từ Nhật Bản về Thái Lan, kỳ vọng tiết kiệm được 63 tỷ yên chi phí vận hành. Một số nhà máy sản xuất ống kính rời trong nước bị đóng cửa, dồn lại vào một cơ sở ở thành phố Otawara, tỉnh Togichi. Nhìn chung, tất cả những gì có thể làm lúc này là giảm bớt gánh nặng chi phí, đồng thời "tất tay" vào máy ảnh mirrorless.

Công ty đặt cược vào kế hoạch tái cấu trúc để vực dậy (ảnh: PetaPixel)

Nhìn vào sự rút lui của Olympus, được cho là đã hết hy vọng vực dậy mảng camera sau ba năm thua lỗ, không khỏi khiến nhiều người lo lắng cho Nikon. Họ đang bị mất thị phần mirrorless vào tay Sony và Canon, thậm chí bây giờ đã xếp sau cả Fujifilm và Olympus. Phân khúc DSLR tuy làm chủ vững chắc nhưng lại được ví như "vùng đất chết" vì không có tương lai tăng trưởng.

Trang PetaPixel cho rằng Nikon vẫn còn khả năng vực dậy, nếu kế hoạch tái cấu trúc của họ thành công. Có khả năng rất thấp công ty sẽ rút lui tại thời điểm này lẫn tương lai ngắn hạn. Về lâu dài, sẽ mất vài năm để chúng ta thấy được thành quả của kế hoạch tái cấu trúc, lúc ấy Nikon hoàn toàn có thể trở lại đường đua.

Cho tới khi ấy, nếu những rắc rối tài chính vẫn tiếp tục đeo bám công ty, có thể những gì mà Business Journal nhận định sẽ trở thành sự thật. Sau Olympus, liệu Nikon có phải cái tên tiếp theo rời khỏi thị trường máy ảnh?

Ambitious Man

Chủ đề khác