VnReview
Hà Nội

ARM ngưng hợp tác với Huawei, “vỡ mộng” tự sản xuất chip riêng

Công ty thiết kế chip có trụ sở tại Vương quốc Anh ARM đã thông báo với các nhân viên rằng công ty của họ buộc phải ngừng công việc kinh doanh với công ty công nghệ Trung Quốc Huawei, theo các tài liệu nội bộ mà hãng tin BBC vừa có được.

Google rút giấy phép sử dụng Android của Huawei, buộc dùng bản nguồn mở không có các dịch vụ của Google

Google, Qualcomm, Intel và Broadcomm cùng đồng loạt ngưng làm ăn với Huawei

Microsoft loại laptop Huawei khỏi cửa hàng trực tuyến, chưa rõ có cấm Windows không

ARM đã yêu cầu các nhân viên của mình ngừng "mọi hợp đồng đang có hiệu lực, các thoả thuận hỗ trợ và tất cả các cam kết" với Huawei và các công ty con, nhằm tuân thủ các lệnh cấm vận thương mại mới được phía Mỹ ban hành.

Thiết kế của ARM là cơ sở cốt lõi của đa số tất cả những bộ vi xử lý dùng trong các thiết di động trên toàn cầu.

Trong một bức thư lưu hành nội bộ, có ghi rõ các thiết kế của ARM cũng chứa "một số công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ". Và do đó, công ty có trụ sở tại Vương quốc Anh tin rằng họ cũng nằm trong phạm vi sắc lệnh của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Một nhà phân tích đã mô tả về động thái này rằng, nếu sự việc này kéo dài, sẽ trở thành một chướng ngại "không thể vượt qua nổi" đối với hoạt động kinh doanh của Huawei. Ông cho biết động thái của ARM sẽ tác động sâu sắc đến khả năng tự phát triển và sản xuất các dòng chip riêng của Huawei. Nhiều bộ vi xử lý do Huawei phát triển được xây dựng dựa trên công nghệ nền tảng do ARM cung cấp, và phía Huawei phải trả tiền để có giấy phép sử dụng chúng.

Không có công nghệ của ARM, liệu Huawei còn có thể ra mắt những chiếc smartphone "đỉnh cao" như thế này nữa hay không?

Trước đây, ARM được coi là công ty công nghệ lớn nhất Anh quốc, cho tới khi bị mua lại bởi một quỹ đầu tư Nhật Bản. Công ty có trụ sở tại thành phố Cambridge này có 6000 nhân viên và 8 văn phòng đại diện tại Mỹ.

Trong một thông báo được đưa ra sau sắc lệnh của Tổng thống Mỹ, ARM cho biết hãng sẽ "tuân thủ một quy định mới nhất của chính phủ Hoa Kỳ", nhưng từ chối bình luận chi tiết.

Đại diện của phía Huawei cho biết công ty "chưa thể đưa ra bình luận ở thời điểm này".

ARM là gì?

ARM là một công ty thiết kế chip được thành lập vào năm 1990. Hồi tháng 9 năm 2016, công ty này được gã khổng lồ viễn thông Nhật Bản Softbank mua lại, nhưng vẫn tiếp tục duy trì trụ sở chính tại Cambridge, Vương quốc Anh.

Công nghệ của ARM đang là "xương sống" của gần như mọi thiết bị di động trên toàn thế giới.

ARM không tự mình sản xuất các bộ vi xử lý máy tính, nhưng công ty lại "sống" bằng việc cấp phép các công nghệ bán dẫn của mình cho các nhà sản xuất khác.

Trong một số trường hợp, các nhà sản xuất chỉ mua giấy phép sử dụng kiến trúc của ARM, hay các "tập lệnh", yếu tố quyết định đến cách thức các CPU xử lý lệnh. Lựa chọn này cho phép các nhà sản xuất được tự do hơn trong việc tuỳ biến thiết kế chip của riêng mình.

Còn trong các trường hợp khác, các nhà sản xuất phải mua giấy phép sử dụng các thiết kế cốt lõi của bộ vi xử lý từ phía ARM – mô tả cách thức sắp xếp các bóng bán dẫn (transistor) trên bề mặt chip. Các thiết kế này vẫn cần phải kết hợp các yếu tố khác – chẳng hạn như bộ nhớ và bộ thu sóng radio – để hình thành nên một hệ thống system-on-a-chip (SoC) tiêu chuẩn.

Vì vậy, khi bạn nghe nói trên các phương tiện truyền thông rằng mẫu điện thoại mới nhất của một hãng X nào đó sử dụng bộ vi xử lý Samsung Exynos, Qualcomm Snapdragon hay Apple A11 – hoặc ngay cả chip xử lý sử dụng trong những chiếc điện thoại thông minh của Huawei – thì bên trong những con chip ấy đều có chứa công nghệ của ARM.

Trụ sở chính của ARM tại Mỹ nằm ở thành phố California. Ngoài ra công ty còn có văn phòng tại các bang Washington, Arizona, Texas và Massachusetts.

‘Một tình huống không may'

Các nhân viên của ARM được thông báo về quyết định trên từ ngày 16 tháng 5, ngay sau động thái của Bộ Thương mại Mỹ về việc đưa Huawei vào "danh sách đen", theo đó các doanh nghiệp Mỹ không được phép có các hoạt động hợp tác kinh doanh.

Phóng viên hãng tin BBC cũng đã được tiếp cận với một bức thư nội bộ của công ty, đề ngày 18 tháng 5, diễn giải chi tiết các hệ quả của sắc lệnh cấm xuất khẩu công nghệ với Huawei.

Vào ngày thứ ba, 21 tháng 5, các quan chức chính phủ Mỹ đã ra quyết định tạm hoãn các lệnh cấm đối với Huawei trong vòng 90 ngày nhằm giảm thiểu sự tác động tiêu cực tức thời do sắc lệnh này gây ra. Nhưng một nguồn tin nội bộ của ARM cho hay các nhân viên công ty chưa được thông báo về việc họ có thể nối lại hoạt động với Huawei hay các công ty con của họ, kể cả trong thời hạn tạm thời kéo dài 90 ngày trên.

Người phát ngôn của ARM từ chối cung cấp thông tin chi tiết hơn về hiện trạng của các bản hợp đồng giữa ARM với Huawei vào thời điểm này.

Theo một lá thư nội bộ khác, các nhân viên ARM được yêu cầu ngừng ngay tất cả các hoạt động giao dịch với Huawei và các công ty con của công ty công nghệ Trung Quốc. Bức thư đưa ra lời khuyên với các nhân viên ARM, hãy gửi thông báo tới các nhân viên (chính thức hoặc có liên quan tới) Huawei và nói rằng do một "tình huống không may" mà họ không được phép tiếp tục "hỗ trợ, chuyển giao công nghệ (bao gồm phần mềm, mã nguồn hay các bản cập nhật), tham gia các cuộc thảo luận về kĩ thuật hay các vấn đề kĩ thuật khác với phía Huawei, HiSilicon hay bất kỳ thực thể nào có liên quan".

Các nhân viên ARM đang có liên hệ với các nhân viên Huawei tại các sự kiện của ngành công nghiệp chip được yêu cầu phải "lịch sự từ chối và ngừng ngay" các cuộc đối thoại về hoạt động kinh doanh. Bản hướng dẫn dành cho các nhân viên cũng nhấn mạnh rằng các nhân viên có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý cá nhân nếu cố tình vi phạm các quy định thương mại.

Lệnh cấm cũng được áp dụng với ARM China, công ty có trụ sở tại Trung Quốc mà ARM Holdings nắm giữ 49% cổ phần. Công ty này được thành lập trên cơ sở hợp tác giữa ARM và một tập đoàn đầu tư Trung Quốc, nhằm cho phép ARM phát triển, bán và cung cấp dịch vụ hỗ trợ đối với các sản phẩm của hãng tại quốc gia tỷ dân này.

'Trở ngại không thể vượt qua được'

Hôm thứ ba vừa qua, Huawei trả lời phỏng vấn báo chí cho biết công ty đã có "kế hoạch B" đối với mảng phần mềm, rằng họ đang phát triển một hệ điều hành riêng, và hoạt động này đã diễn ra trong một thời gian dài. Tuy nhiên, việc tìm nguồn cung linh kiện từ các công ty quê nhà với số lượng và chất lượng phù hợp với nhu cầu sản xuất của Huawei là một việc vô cùng khó khăn

Huawei hiện đang sử dụng nguồn chip sản xuất bởi một trong những công ty con của mình là HiSilicon. Tuy nhiên, mặc dù được sản xuất ở Trung Quốc, song các con chip của HiSilicon vẫn sử dụng công nghệ cốt lõi của ARM.

Mặc dù cả HiSilicon và Huawei đều được phép sử dụng và sản xuất các thiết kế chip hiện có, nhưng lệnh cấm đồng nghĩa với việc công ty công nghệ Trung Quốc sẽ không nhận được sự hỗ trợ từ phía ARM trong việc phát triển các linh kiện tiếp theo trong tương lai.

Bộ vi xử lý thế hệ tiếp theo của HiSilicon, Kirin 985, được lên kế hoạch sẽ xuất hiện trong các thiết bị của Huawei ra mắt trong nửa cuối năm nay. Theo một nguồn tin từ phía ARM, việc ra mắt và ứng dụng con chip này sẽ không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm. Tuy nhiên, dòng chip tiếp theo của HiSilicon vẫn chưa được hoàn thành, và có thể sẽ phải làm lại từ đầu sau khi lệnh cấm có hiệu lực.

Tất cả chip di động của Huawei đều phụ thuộc vào công nghệ cốt lõi được ARM cấp phép sử dụng. Phía ARM còn hợp tác trong việc tư vấn, hỗ trợ HiSilicon (công ty con của Huawei) thiết kế và sản xuất chip.

Mối quan hệ giữa ARM và các kĩ sư Huawei từ trước đến nay luôn rất chặt chẽ. Hồi đầu tháng 5 vừa qua, Huawei công bố kế hoạch xây dựng một trung tâm nghiên cứu chỉ cách trụ sở của ARM ở Cambridge (Anh) có 15 phút di chuyển.

"ARM là nền móng cho tất cả các thiết kế chip dùng cho smartphone của Huawei, do đó, lệnh cấm này sẽ gây ra một trở ngại không thể vượt qua được đối với công ty công nghệ Trung Quốc," nhà phân tích Geoff Blaber đến từ CCS Insight nhận định.

"Điều đó có nghĩa rằng, với việc đa số các công ty nằm trong chuỗi cung ứng của Huawei đã có động thái tuân thủ lệnh cấm của chính phủ Mỹ, khả năng vận hành của Huawei đã bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng."

Hiện vẫn chưa rõ phía ARM tự đưa ra quyết định trên theo "cách diễn giải" của công ty về lệnh cấm từ phía chính phủ Mỹ, hay họ đã nhận được sự tư vấn trực tiếp từ phía Bộ Thương mại Hoa Kỳ (cách diễn giải của ARM ở đây là: do những thiết kế của ARM có chứa một số công nghệ đến từ Mỹ, nên ARM đương nhiên cũng phải tuân thủ các sắc lệnh thương mại của phía Mỹ).

Sau "cú sốc" đến từ phía Google hồi đầu tuần, việc ARM ngừng hợp tác với Huawei có thể khiến công ty Trung Quốc không thể tự mình sản xuất chip được nữa.

"Nếu cách hiểu của phía ARM là đúng, thì lệnh cấm của Mỹ đối với Huawei sẽ phải áp dụng với tất cả các công ty sản xuất chất bán dẫn trên toàn thế giới," nhà phân tích kỳ cựu Lee Ratliff đến IHS Markit cho hay.

"Huawei sẽ không thể dễ dàng thay thế các linh kiện này bằng những thiết kế mới "cây nhà lá vườn", bởi đơn giản, ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc mới chỉ ở mức độ "sơ sinh" mà thôi," Ratliff kết luận

Quang Huy (theo BBC)

Chủ đề khác