VnReview
Hà Nội

Giá thành con người để làm ra iPad (V)

Apple đã được cảnh báo về điều kiện lao động mất an toàn tại nhà máy sản xuất iPad trước khi các vụ nổ xảy ra. Nhưng hầu như không ai biết điều này. Phần lớn người tiêu dùng Mỹ không thể nghĩ ra điều gì tiêu cực về Apple, có chăng là giá sản phẩm Apple quá đắt.

Bài liên quan:

Giá thành con người để làm ra iPad (I)

Giá thành con người để làm ra iPad (II)

Giá thành con người để làm ra iPad (III)

Giá thành con người để làm ra iPad (IV)

Phần cuối bài điều tra "In China, Human Costs Are Built Into an iPad" đăng trên New York Times hôm 25/1.

công nhân sản xuất iPad

Công nhân đang lắp ráp iPad ở một nhà máy Trung Quốc

Vụ nổ

Vào buổi chiều xảy ra vụ nổ ở nhà máy sản xuất iPad, Lai Xiaodong gọi điện cho bạn gái như thường lệ. Họ đã hẹn gặp nhau vào chiều tối hôm đó nhưng anh xin khất với bạn gái vì quản lý nói anh phải làm thêm giờ.

Lai đã được thăng chức nhanh chóng và chỉ sau vài tháng làm ở Foxconn, anh được giao quản lý một nhóm bảo dưỡng máy đánh bóng vỏ iPad. Khu vực chà vỏ iPad ồn ào và mù mịt bởi bụi nhôm. Công nhân đeo mặt nạ và bông tai nhưng bất kể họ có tắm rửa bao nhiêu lần, bụi nhôm vẫn lấp lánh sáng trên tóc và ở các khóe mắt họ.

Chỉ hai tuần trước khi xảy ra vụ nổ, một nhóm hoạt động ở Hong Kong đã công bố báo cáo cảnh báo điều kiện lao động không an toàn ở nhà máy Foxconn Thành Đô, bao gồm cả vấn đề bụi nhôm. Nhóm này đã ghi hình các công nhân trên người phủ toàn hạt nhôm nhỏ li ti. "Các vấn đề về sức khỏe nghề nghiệp và an toàn lao động ở Thành Đô là đáng báo động. Các công nhân cũng phản ánh vấn đề thông gió kém và thiếu thiết bị bảo hộ cá nhân", báo cáo này nêu rõ.

Một bản sao của báo cáo được gửi tới Apple. Nhưng "chẳng có phản hồi gì", Debby Chan Sze Wan, một thành viên của nhóm nói, "Vài tháng sau tôi đã đến trụ sở Apple ở Cupertino và vào đến hành lang của Apple nhưng chẳng có ai gặp tôi. Tôi chưa bao giờ nghe thấy từ bất kỳ ai từ Apple cả".

Buổi sáng ngày xảy ra vụ nổ, anh Lai đạp xe đi làm. Máy tính bảng iPad bắt đầu có bán trên thị trường chỉ vài tuần trước đó và công nhân nhận được thông báo cần phải đánh bóng hàng ngàn chiếc vỏ iPad mỗi ngày. Cả nhà máy như quay cuồng. Những hàng dài máy đánh bóng vỏ iPad khi công nhân nhấn nút. Ống dẫn khí quét qua từng trạm nhưng chúng không thể bắt kịp với ba dây chuyền máy đang đánh bóng liên tục. Bụi nhôm ở khắp mọi nơi.

Bụi được biết đến là một mối đe dọa nguy hiểm đối với sự an toàn. Trong năm 2003, một vụ nổ bụi nhôm ở bang Indiana (Mỹ) đã phá hủy một nhà máy sản xuất bánh xe và làm một công nhân thiệt mạng. Trong năm 2008, bụi nông nghiệp trong một nhà máy đường ở bang Georgia (Mỹ) là nguyên nhân dẫn đến một vụ nổ, làm 14 người thiệt mạng.

Anh Lai làm được hai giờ trong ca thứ hai thì tòa nhà bắt đầu rung như thể động đất sắp xảy ra. Các công nhân cho biết sau đó là một loạt tiếng nổ. Rồi những tiếng la hét nổi lên.

Khi các đồng nghiệp của anh Lai chạy được ra ngoài, tòa nhà ùn ra khói đen trộn lẫn với mưa nhẹ. Số người thiệt mạng trong vụ nổ này là bốn công nhân và có 18 công nhân khác bị thương.

Tại bệnh viện, bạn gái Lai thấy da của anh hầu như bị cháy mất hoàn toàn. "Tôi nhận ra anh ấy từ chân bằng không tôi không biết người đó là ai", cô gái kể lại.

Cuối cùng, gia đình Lai đến. Hơn 90% cơ thể anh bị băng bó. Em trai Lai kể: "Mẹ chạy khỏi phòng ngay khi nhìn thấy anh ấy. Tôi đã khóc. Không ai có thể chịu đựng nổi điều đó". Khi mẹ anh trở lại, bà cố tránh chạm vào con trai vì sợ con đau.

"Giá tôi biết thế này tôi đã chụp lấy tay nó, tôi đã chạm vào nó", mẹ Lai nói. "Nó rất kiên cường. Con tôi đã trụ được hai ngày".

Sau khi anh Lai qua đời, các công nhân Foxconn chở hộp tro của Lai về quê. Foxconn sau đó gửi một chi phiếu 150.000 USD cho gia đình anh.

Trong một thông cáo, Foxconn nói vào thời điểm vụ nổ xảy ra, nhà máy ở Thành Đô tuân thủ mọi quy định và luật pháp có liên quan và "sau khi đảm bảo rằng gia đình của các công nhân đã qua đời được hỗ trợ đầy đủ, chúng tôi đảm bảo tất cả công nhân bị thương được chăm sóc y tế tốt nhất".

Foxconn bổ sung rằng sau vụ nổ, hãng đã ngay lập tức dừng sản xuất ở tất cả các xưởng đánh bóng để cải thiện hệ thống thông gió và bụi thải, áp dụng các công nghệ để bảo đảm an toàn lao động.

Trong báo cáo trách nhiệm nhà cung cấp gần đây nhất, Apple viết sau vụ nổ ở nhà máy Thành Đô, hãng đã liên hệ với "các chuyên gia hàng đầu về an toàn sản xuất" và đã lập một đội điều tra, đưa ra các khuyến nghị ngăn ngừa tai nạn xảy ra trong tương lai.

Tuy nhiên, tháng 12 năm ngoái, 7 tháng sau khi vụ nổ đã làm anh Lai thiệt mạng, một nhà máy sản xuất iPad khác lại phát nổ. Lần này, nhà máy đóng tại Thượng Hải. Và nguyên nhân cũng tại bụi nhôm. Vụ nổ này làm 59 công nhân bị thương, trong đó 23 người phải vào bệnh viện.

"Thật là cẩu thả sau khi một vụ nổ xảy ra mà không nhận ra rằng mọi nhà máy cần được kiểm tra", Nicholas Ashford, chuyên gia an toàn lao động thuộc Viện công nghệ Massachusetts (Mỹ) nói. "Nếu việc đối phó với bụi nhôm cực khó tôi có thể hiểu được. Song anh có biết việc kiểm soát bụi dễ thế nào không? Đó gọi là thông gió. Chúng ta đã giải quyết được vấn đề này hơn một thế kỷ trước đây".

Đối với gia đình anh Lai, còn rất nhiều câu hỏi bỏ ngỏ. "Chúng tôi thực sự không rõ tại sao cháu nó chết", mẹ anh Lai đứng bên mộ con trai nói. "Chúng tôi không hiểu điều gì đã xảy ra".

Đánh xổ số Apple

Mỗi năm, khi các tin đồn về sản phẩm mới sắp ra mắt của Apple trỗi dậy, các báo và website bắt đầu suy đoán nhà cung cấp nào có thể giành được tấm vé xổ số của Apple. Nhận được hợp đồng từ Apple có thể tăng giá trị của doanh nghiệp đến hàng triệu USD bởi nó như một tấm bằng chứng nhận bằng vàng về chất lượng sản xuất. Song chỉ có một vài công ty khoe khoang về mối quan hệ với Apple. Nói chung Apple yêu cầu các nhà cung cấp cam kết không tiết lộ bất cứ điều gì, kể cả mối quan hệ đối tác.

Sự thiếu minh bạch đó đem lại cho Apple lợi thế giữ bí mật các kế hoạch sản phẩm. Nhưng nó cũng là rào cản để cải thiện điều kiện làm việc, theo nhận xét của các nhà hoạt động và các cựu giám đốc Apple.

Trong tháng 1/2012, sau vô số yêu cầu từ các nhóm hoạt động và cơ quan báo chí, gồm cả New York Times, Apple đã công bố danh tính 156 nhà cung cấp của mình. Trong một báo cáo đi kèm danh sách, Apple cho biết các nhà cung cấp này "chiếm hơn 97% những gì chúng tôi trả cho các nhà cung cấp để sản xuất các sản phẩm của chúng tôi".

Song Apple đã không tiết lộ hàng trăm công ty khác không hợp đồng trực tiếp với Apple mà chỉ cung cấp cho các nhà cung cấp của hãng. Danh sách trên cũng không tiết lộ các nhà máy đặt ở đâu và nhiều nhà máy rất khó tìm. Các tổ chức giám sát độc lập nói khi họ cố thanh tra các nhà cung cấp của Apple, họ đã bị nhà cung cấp ngăn chặn theo lệnh của Apple.

"Chúng tôi đã đối thoại như thế này hàng trăm lần", một cựu giám đốc ở nhóm trách nhiệm các nhà cung cấp của Apple nói, "Có một cam kết toàn công ty với bộ quy tắc ứng xử của Apple. Song đưa nó lên một tầm mới và tạo ra thay đổi thực sự lại xung đột với các mục tiêu kinh doanh và bí mật và do đó chúng tôi chỉ có thể đi tới mức đó". Các cựu nhân viên Apple nói họ nói chung bị cấm tham gia với hầu hết các nhóm bên ngoài Apple.

"Có một văn hóa bí mật thực sự ở đây và nó ảnh hưởng đến mọi thứ", một cựu giám đốc Apple nói. Một số công ty công nghệ khác hoạt động hoàn toàn khác.

"Chúng tôi nói chuyện nhiều với những người bên ngoài", Gary Niekerk, một giám đốc ở Intel nói. "Thế giới thì phức tạp và không đối thoại với các nhóm bên ngoài, chúng tôi sẽ bỏ lỡ rất nhiều".

Với vị trí dẫn đầu và nổi trội về sản xuất toàn cầu như Apple, nếu họ thay đổi triệt để cách hoạt động của mình thì họ có thể cải tổ cách kinh doanh được thực hiện thế nào. "Mọi công ty đều muốn được như Apple", Sasha Lezhnev, một thành viên thuộc nhóm hoạt động Enough Project tập trung vào trách nhiệm doanh nghiệp nói. "Nếu Apple cam kết xây dựng một chiếc iPhone không có xung đột, họ sẽ làm thay đổi công nghệ".

Nhưng các cựu giám đốc Apple cho biết, cuối cùng chỉ có vài sức ép thay đổi từ bên ngoài. Apple là một trong những thương hiệu được ngưỡng mộ nhất. Theo một khảo sát quy mô quốc gia do New York Times thực hiện hồi tháng 11/2011, 56% người Mỹ được hỏi nói họ không thể nghĩ ra điều gì tiêu cực về Apple. 14% nói điều tồi tệ nhất về Apple là sản phẩm của hãng quá đắt. Chỉ có 2% nhắc đến vấn đề lao động nước ngoài sản xuất sản phẩm cho Apple.

Những người cũng như như bà White ở đại học Harvard nói rằng trừ phi người tiêu dùng đòi hỏi điều kiện tốt hơn ở các nhà máy hải ngoại – như họ đã làm với các công ty như Nike và Gap, các công ty ngày nay đã cải tổ điều kiện làm việc ở các nhà cung cấp – hoặc các nhà quản lý hành động, thì có rất ít động lực cho sự thay đổi triệt để. Một số người đang làm cho Apple cũng đồng tình.

"Anh hoặc có thể sản xuất ở các nhà máy thân thiện, thoải mái với công nhân hoặc có thể tái sáng tạo sản phẩm mỗi năm và làm cho chúng tốt hơn, nhanh hơn, rẻ hơn – điều đòi hỏi các nhà máy có vẻ khắc nghiệt theo tiêu chuẩn Mỹ", một giám đốc Apple đương nhiệm nói.

"Và bây giờ, người tiêu dùng quan tâm về chiếc iPhone mới nhiều hơn là điều kiện lao động ở Trung Quốc".

Châu Giang

Chủ đề khác