VnReview
Hà Nội

5 thông số smartphone Android đang dần sánh ngang thiết bị chuyên dụng

Đây dường như sẽ là xu hướng bùng nổ trên điện thoại Android vào năm 2020. Từ tần số quét màn hình đến độ phân giải camera, khả năng quay phim, dung lượng RAM hay bộ nhớ, tất cả đều sẽ nhanh chóng bắt kịp với loại thiết bị chuyên dụng.

Cuộc ‘chạy đua vũ trang' của smartphone Android không bao giờ có hồi kết. Mỗi khi có một hãng nào đó chạm đến một cột mốc mới, những người khác cũng lần lượt tìm cách bắt kịp và thậm chí vượt qua. Năm 2020, bạn sẽ thấy cuộc đua cấu hình trên điện thoại Android trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Những con số ‘khủng bố' nhằm gây ấn tượng với khách hàng sẽ liên tục được đưa ra. Thậm chí, chạm tới ngưỡng các loại thiết bị chuyên dụng.

1. Tần số quét màn hình

Thực ra màn hình có tần số quét cao không phải thứ mới mẻ với smartphone. Từ tận 4 năm về trước, Sharp đã ‘đi trước thời đại' với hai mẫu Aquos Compact SH-02H và Aquos Zeta SH-01H, bán độc quyền cho nhà mạng NTT Docomo tại Nhật Bản. Những ai từng chơi keitai (điện thoại nội địa Nhật) hẳn đều biết, Sharp không chỉ là người tiên phong về tối ưu viền màn hình, mà còn cả tần số quét 120Hz trên điện thoại.

Khởi nguồn từ Sharp, bùng nổ nhờ gaming phone, điện thoại Android dần có tần số quét cao ngang màn hình chuyên gaming (ảnh: GSMArena).

Điều khiến Sharp ít được biết tới là họ không bán rộng rãi ra bên ngoài quê nhà. Hơn nữa, tại thời điểm cách đây 4 năm thì màn hình tần số quét cao còn thiếu tính ứng dụng, hệ điều hành Android chưa hỗ trợ đầy đủ, dẫn đến thành tựu công nghệ của Sharp bị nhiều người lãng quên. Phải đến bây giờ khi làn sóng gaming phone nổi lên, người ta mới tìm đến tần số quét cao như một công nghệ cần thiết. Razer nổ phát súng với mẫu;Razer Phone năm 2017, trang bị màn hình IGZO LCD từ Sharp có tần số quét 120Hz.

Và như các bạn thấy, bây giờ thì điện thoại từ Google, Xiaomi, Oppo, OnePlus, Asus đang dần biến màn hình có tần số quét cao 90Hz hay 120Hz thành thứ nhiều người thèm muốn. Sharp thậm chí đã ra mắt mẫu Aquos Zero 2 có màn hình 240Hz vào tháng 9/2019. Tin đồn cho biết Samsung cũng sắp tung dòng flagship Galaxy S20 hỗ trợ tần số quét 120Hz. Không nghi ngờ gì nữa, năm 2020 chắc chắn sẽ là cuộc đua về tần số quét màn hình.

Trong khi đó, màn hình máy tính chuyên gaming từ lâu đã cung cấp tần số quét cao từ 75Hz đến 144Hz, đem đến trải nghiệm chơi game tuyệt vời hơn loại 60Hz thông thường. Như vậy là chỉ trong năm 2020, rất nhiều smartphone trên thị trường sẽ có tần số quét sánh ngang với các mẫu màn hình gaming. Không chỉ giúp việc chơi game trở nên mượt mà hơn, ngay cả thao tác hàng ngày cũng trở nên mau lẹ. Nhiều người dùng cho biết một khi dùng quen, bạn sẽ không muốn quay về loại 60Hz thông thường.

Khi đã quen với màn hình tần số quét cao, bạn sẽ không muốn dùng lại máy màn hình 60Hz

2. Độ phân giải camera

Trước đây, Nokia từng tung ra vài mẫu như 808 PureView, Lumia 1020 từ tận những năm 2012, 2013 có camera lên đến 41MP, hay dòng Sony Xperia có camera 23MP từ Z1 (2013) cho tới Z5 (2015). Phần còn lại hầu như trung thành với con số 12MP hoặc 16MP. Tuy nhiên, kể từ sau mẫu Huawei P20 Pro có camera 40MP với cảm biến Sony IMX600, dường như các hãng lại nóng lòng đưa cuộc đua số Megapixel trở lại trên smartphone. 

Điểm bùng nổ nằm ở chính Sony và Samsung, hai hãng cảm biến hình ảnh lớn nhất thế giới. Tháng Bảy năm 2018, Sony tung ra mẫu IMX586 với độ phân giải 48MP sử dụng công nghệ gộp điểm ảnh. Đây chính là sản phẩm đã tạo nên cuộc cách mạng megapixel mà các hãng điện thoại mong muốn. Hàng loạt smartphone trong năm 2019 đã áp dụng cảm biến này, đưa 48MP trở thành con số phổ biến trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Sony chính là 'tác giả' đứng sau cuộc chạy đua số Megapixel của điện thoại Android (ảnh: PetaPixel)

Về phần Samsung, để lỡ mất cơ hội định hình cuộc chơi vào tay Sony nhưng công ty Hàn Quốc đã âm thầm chuẩn bị phản công. Tháng Tám năm 2019, Samsung ra mắt ISOCELL HMX 108MP, cảm biến đầu tiên dành cho smartphone vượt quá mốc 100MP. Sau đó, Xiaomi là hãng tung ra điện thoại đầu tiên dùng cảm biến này. Tuy nhiên, sản phẩm ‘dẫn đầu công nghệ' của Samsung và Xiaomi lại vấp phải sự hoài nghi của giới công nghệ. Rất nhiều người hoài nghi cho rằng dư thừa với smartphone.

Điển hình là so với các thiết bị nhiếp ảnh của Sony cũng ra mắt trong 2019, đó là mẫu mirrorless Alpha A7R IV với cảm biến full-frame 61MP, trước đó là ống kính FE 135mm F1.8 GM. Phía chuyên gia cho rằng cảm biến di động quá nhỏ, 108MP chẳng có ý nghĩa gì khi cảm biến máy ảnh full-frame mới đạt tới 61MP. Hệ thống quang học cũng không thể tốt như ống SEL135F18GM, vốn có thể đáp ứng độ phân giải tới 90MP. Họ tin rằng với smartphone, chỉ cần camera 12MP là quá đủ!

Còn Samsung là người đã đẩy cuộc đua lên mức cực đoan nhất: cảm biến 108MP cho smartphone (ảnh: GSMArena)

3. Khả năng quay video

Tính đến hết 2019, camera smartphone chủ yếu dừng lại ở độ phân giải 4K, tốc độ 30fps hoặc 60fps, có HDR. Một số hãng tuyên bố ra mắt điện thoại quay được 8K nhưng rồi nhanh chóng ‘chìm xuồng' sau đó. Dường như ít ai quan tâm đến tính năng này. Tuy nhiên, tin rò rỉ cho biết sắp tới, Samsung sẽ tung ra dòng Galaxy 20 với khả năng quay video 8K, không rõ cả ba phiên bản hay chỉ ở bản Ultra xịn nhất. 

Việc này chắc chắn sẽ lại thổi bùng tranh cãi không kém gì chụp ảnh 108MP trên smartphone có cần thiết. Ngay cả với các máy quay phim chuyên nghiệp, quay 8K cũng không phổ biến. Ví dụ RED MONSTRO 8K VV 54.500 USD hay RED HELIUM 8K S35 giá 24.500 USD là những máy hiếm hoi hiện nay hỗ trợ quay 8K. Ngay cả một số phim bom tấn như Avatar phần 2 (2021), Top Gun: Maverick (2020) cũng đều đang quay bằng máy Sony CineAlta VENICE 6K.

Máy quay 8K của RED 

Hoặc với dòng máy quay vác vai chuyên làm phóng sự, bản tin, phim quảng cáo ngắn, video ca nhạc,... XDCAM FS7 của Sony, độ phân giải video tối đa cũng chỉ dừng ở 4K. Đây là máy quay Super35 bán chạy nhất trong lịch sử, rất được giới quay phim tín nhiệm. Trên thị trường, loại phổ thông rất ít trang bị quay 8K. Những mẫu như Sony Alpha A7S II (2015) hay Panasonic GH5 (2017) vẫn đang dừng ở 4K. Chưa rõ Samsung có thực sự mang đến khả năng quay 8K trên điện thoại mới hay không, nhưng nếu là thật, nó sẽ bị nhiều người đặt dấu hỏi về tính thực tiễn.

4. Dung lượng RAM.

Đây chắc chắn là thông số gây tranh cãi nhiều nhất. Trong khi nhiều người dùng còn chẳng biết máy mình có bao nhiêu RAM, những người biết đến lại hay tranh cãi nhau về việc bao nhiêu RAM là đủ. Một số tin ‘thừa còn hơn thiếu', và họ đặc biệt chuộng các máy có mức RAM cao. Trong khi số khác lại nói ngược lại, smartphone chỉ cần 4GB đến 6GB RAM là đủ sử dụng hàng ngày, nếu chơi game đồ họa nặng mới cần mức RAM cao từ 8GB trở lên.

Hiện tại, hầu như mức RAM phổ biến đang dừng ở 4GB hoặc 6GB, ngay cả các máy dưới 6 triệu đồng cũng có lượng RAM dồi dào. Nhưng với việc ‘chạy đua vũ trang' không ngừng nghỉ, dung lượng RAM đang được đẩy lên 12GB. Lenovo ‘nổ phát súng' đầu tiên với Z5 Pro GT cuối 2018, RAM 12GB. Sau đó, Samsung OnePlus, Xiaomi, Asus đều áp dụng trang bị này lên máy cao cấp nhất của mình. Không khó hiểu nếu trong 2020, 12GB RAM trở thành tiêu chuẩn của máy cao cấp.

Nhiều mẫu điện thoại Android đang có mức RAM sánh ngang hoặc vượt cả laptop (ảnh: Digi-wo)

Và cũng như trường hợp ba thông số ở trên, mức RAM của smartphone Android đang trở nên ngang hoặc vượt máy tính. Rất nhiều laptop được bán ra với 8GB RAM cài đặt sẵn, hay nhiều người vẫn còn đang dùng máy bàn chỉ có 4GB RAM. Và trong khi smartphone đã tiến đến 12GB, chỉ số ít người mới nâng cấp máy tính lên mức 16GB. Mới đây lại xuất hiện tin đồn về smartphone 16GB RAM sắp ra mắt. Có nghĩa khi 12GB còn đang thành chuẩn, các hãng Android đã ‘nhăm nhe' đẩy RAM lên cao hơn nữa. RAM nhiều để làm gì?

5. Bộ nhớ lưu trữ.

Cùng với RAM, bộ nhớ cũng là thứ đang dần trở nên sánh ngang với đồ chuyên dụng. Máy tính thường hay bán ra với ổ cứng HDD 512GB hoặc SSD 120/256 GB, tùy chọn đắt tiền hơn có thể là HDD 1TB cùng ổ SSD. Còn với smartphone Android, 128GB đã là chuẩn phổ biến trên nhiều máy tầm trung. Ở phân khúc cao cấp, các hãng không ngại tăng lên mức 256GB hoặc 512GB, tức có thể dùng làm ổ cứng di động cũng tạm được.

Năm 2018, một hãng Trung Quốc tung smartphone có 1TB bộ nhớ đầu tiên, Smartisan R1. Và đến 2019, Samsung cũng đưa tùy chọn 1TB lên làm bản cao nhất của S10 và Note 10. Trong năm 2020, không rõ có hãng Android nào muốn chạy đua về bộ nhớ hay không, nhưng có lẽ mức 128GB vẫn đang cân bằng tốt nhất cho cả nhu cầu sử dụng lẫn chi phí. Dù sao người dùng cũng còn nhiều biện pháp lưu trữ khác như đám mây, thẻ nhớ (nếu máy hỗ trợ). Không cần thiết phải nâng lên 512GB hay 1TB.

Nhiều flagship Android có mức lưu trữ ngang với ổ cứng máy tính (ảnh: Internet)

Kết luận

Tần số quét sánh ngang với các màn hình chuyên gaming, camera có độ phân giải vượt cả máy ảnh full-frame, quay được video 8K mà nhiều máy chuyên dụng phải ‘bó tay', RAM dư thừa hơn cả máy tính, và cuối cùng là bộ nhớ tương đương ổ cứng lưu trữ. Có những xu hướng người dùng hưởng ứng như cái đầu tiên, nhưng cũng có những cuộc chạy đua bị hoài nghi như số 2, 3 và 4. Còn mở rộng bộ nhớ, người dùng dường như không quá quan tâm bởi bây giờ, họ chẳng còn phải lo thiếu không gian lưu trữ nữa.

Vậy với các bạn, ủng hộ hay hoài nghi xu hướng chạy đua nào ở trên? Bạn nghĩ sao nếu các tin đồn thành thật, Galaxy S20 sẽ trở thành 'cỗ máy chạy Android' hội tụ đủ 5 xu hướng ở trên? Xin mời chia sẻ ý kiến!

Ambitious Man

Chủ đề khác