VnReview
Hà Nội

Đánh giá HTC One A9: liệu có trở thành "người hùng" của HTC?

HTC One A9 là chiếc điện thoại mà HTC gọi là "người hùng" (hero), đặt kỳ vọng sẽ là sản phẩm đưa công ty trở lại thời kỳ thành công. Vì vậy dễ hiểu nhà sản xuất điện thoại Đài Loan đã ưu ái dành cho chiếc điện thoại này những thứ tốt nhất mà HTC đang có.

Điện thoại này vừa được bán chính thức tại Việt Nam với giá 11,99 triệu đồng. Mang theo kỳ vọng của nhà sản xuất, do đó One A9 đã được HTC đầu tư khá toàn diện về thiết kế, phần mềm và cả những tính năng công nghệ mới.

One A9 là smartphone đầu tiên của HTC được trang bị cảm biến vân tay ở mặt trước, là smartphone đầu tiên sử dụng vi xử lý Snapdragon 617 tám lõi của Qualcomm và cũng là smartphone đầu tiên không phải điện thoại Nexus được tích hợp sớm phiên bản Android 6.0 Marshmallow mới nhất của Google. Và một điểm nữa gây chú ý lớn hơn ở điện thoại này là thiết kế mới kết hợp giữa mặt lưng phẳng của dòng Desire và thân nhôm nguyên khối của dòng One lại khiến sản phẩm có những nét khá giống với iPhone 6. Tuy nhiên, phía HTC vẫn cho rằng One A9 là thiết kế nguyên thuỷ, đi đầu từ hãng này và thậm chí Apple mới là hãng đi sao chép HTC.

Với kỳ vọng và nhiều yếu tố tiên phong như vậy, liệu One A9 có thể trở thành "người hùng" của HTC hay không?

Thiết kế

Điểm gây chú ý đầu tiên khi nhìn vào One A9 là ngôn ngữ thiết kế hoàn toàn mới. HTC đã mạnh dạn mang mặt lưng phẳng của dòng Desire (xuất phát từ Desire 816) kết hợp với thiết kế nguyên khối nhôm của dòng One cùng những đường cắt quen thuộc trên dưới mặt lưng để tăng khả năng bắt sóng.

Loa kép BoomSound phía mặt trước đã không còn để nhường chỗ cảm biến vân tay và HTC cũng bù đắp điểm thiếu hụt này bằng việc cải thiện chất lượng âm thanh khi nghe qua tai nghe, trang bị cho máy cả âm amply hi-fi tích hợp và DAC có khả năng giải mã nhạc 24b/192khz. Các thay đổi này cùng với cách sắp xếp loa, cổng âm thanh, màn hình cong 2.5D, dải nhựa và các góc bo trên One A9 khiến cho sản phẩm mang một phong cách thiết kế mới so với các smartphone của HTC nhưng cũng có một số nét giống với các mẫu iPhone mới của Apple.

One A9 và ịPhone 6s màu vàng hồng

Bên cạnh kiểu dáng thiết kế mới, chất lượng hoàn thiện của One A9 phải nói là rất ấn tượng. Thân kim loại nguyên khối của máy có độ dày khá mỏng (7,3mm) với trọng lượng nhẹ (143g). Mặt lưng được xử lý mịn, có vân xước mờ trong khi cạnh viền có bề mặt bóng loáng trông đẹp mắt. Các chi tiết trên máy như phím nguồn, âm lượng, khe loa… và các đường ghép nối đều được hoàn thiện tốt, không thấy có kẽ hở nào dù nhỏ.

Phím nguồn có các đường gờ dễ bấm cả khi không nhìn vào điện thoại

Phím nguồn có thể sờ vào để bấm dễ dàng mà không cần nhìn vào điện thoại do bề mặt của nó có các đường gờ phân biệt với bề mặt trơn mịn của vỏ điện thoại. Phím Home tích hợp cảm biến vân tay của One A9 bấm vào không lún xuống như phím Home trên iPhone và các máy Samsung, chỉ cần chạm ngón tay lên để mở. Nhưng có một chi tiết hơi thiếu nhất quán là máy vẫn có phím Home ảo nữa bên cạnh phím đa nhiệm và Back ở trên màn hình. Sẽ hợp lý hơn nhiều nếu như HTC đưa các phím đa nhiệm và Back trên màn xuống bên cạnh phím Home cứng (cảm biến vân tay) trên viền màn hình.

Nút Home tích hợp cảm biến âm lượng. Máy cũng có nút Home ảo nữa trên màn hình cảm ứng.

Nhìn chung, cả chất liệu, độ hoàn thiện và cảm giác cầm trên tay đều cho thấy One A9 là một sản phẩm cao cấp dù mức giá chính hãng của máy chưa thuộc phân khúc đầu bảng. Tuy nhiên, cũng lưu ý là chất liệu kim loại mang lại cảm giác cao cấp và chắc chắn nhưng nó có điểm hạn chế chung là cầm trơn tay, nhất là khi tay khô.

Loa ngoài, cổng micro-USB, mic đàm thoại và giắc âm thanh. One A9 chỉ có một loa ngoài, không còn loa kép BoomSound nữa mà tập trung vào cải thiện âm thanh khi nghe qua tai nghe.

Màn hình

Vẻ đẹp của máy được tôn thêm đáng kể qua việc lựa chọn màn hình AMOLED thay cho màn hình IPS LCD như các dòng One cũ. Màn hình 5 inch của One A9 có màu sắc, độ tương phản và góc nhìn rất ấn tượng, những điểm đặc trưng của công nghệ tấm nền AMOLED. Nhiệt màu của màn hình cũng cân bằng, không bị ngả xanh hay ám hồng nhiều. Màn hình này có thể nhìn rõ ngoài trời nhờ có độ tương phản tốt và độ sáng tối đa ở mức khá, kém hơn màn hình của Galaxy S6 một chút.

HTC cung cấp cho người dùng hai chế độ hiển thị màu: chế độ AMOLED có màu sắc nịnh mắt với độ bão hoà cao và chế độ sRGB có màu sắc hiển thị chính xác. Khi đo bằng thiết chuyên dụng, màn hình của One A9 ở chế độ sRGB chỉ bị lệch nhẹ ở màu xanh đậm và đỏ, còn các màu khác đều chuẩn.

Không gian màu đo ở chế độ AMOLED: độ chính xác màu bị lệch nhiều

Không gian màu đo ở chế độ sRGB: độ chính xác chuẩn hơn nhiều, chỉ lệch nhẹ ở màu đỏ và xanh lam.

Về mật độ điểm ảnh, con số 441 PPI của One A9 không mấy ấn tượng khi so với các màn hình 2K nhưng độ chi tiết này đã là mức cao, đạt ngưỡng mắt người không nhận ra điểm ảnh. Hay nói cách khác là sự khác biệt giữa màn hình 2K và Full-HD ở kích cỡ 5 inch là không đáng kể và khó nhận thấy với thị lực của hầu hết mọi người khi nhìn ở khoảng cách nhìn thông thường.

Bảng kết quả đo màn hình của HTC One A9 ở hai chế độ màu (AMOLED và sRGB) cùng với một số sản phẩm khác.

Âm thanh

Chiếc One A9 không còn loa kép BoomSound nữa có lẽ là để dành chỗ cho cảm biến vân tay nhưng bù lại sản phẩm được đầu tư rất nhiều về âm thanh cho tai nghe khi trang bị cho máy amply hi-fi tích hợp và DAC có khả năng giải mã nhạc 24b/192khz.

Tôi đã thử đánh giá chất âm của máy qua các mẫu tai nghe Phonak 112, Sony XBA A3, Beats Solo 2 cùng các bản nhạc M4A 256 kbps/320 kbps MP3 và một số file lossless 24bit.

Điểm đầu tiên có thể thấy là One A9 chạy rất tốt các file nhạc 24bit, không bị lỗi hay có hiện tượng gì như một vài mẫu máy nghe nhạc khi mới ra mắt. Âm thanh có độ chi tiết tốt và cũng như các máy dòng One (One M8 và M9), One A9 có nhiều bass và được nhấn nhiều hơn ở phần sub bass. Dải treb cũng được nhấn hơn ở phần low treb, trong khi dải trung rất mượt và nịnh tai.

Khi so sánh với iPhone 6s, chất âm của điện thoại này nhỉnh hơn ở độ chi tiết, lượng bass và có dải trung mượt hơn. Tuy nhiên, âm trường và độ tách lớp nhạc cụ kém hơn song sự khác biệt là không nhiều. Về tổng thể, One A9 có chất âm nhiều điểm nhấn nhá, nịnh tai và "fun" trong khi âm thanh từ iPhone 6s thể hiện trung tính.

Phần mềm: Android 6 và Sense 7.0 UI

HTC One A9 là smartphone đầu tiên không thuộc dòng Nexus chạy Android 6.0 Marshmallow, phiên bản Android mới nhất của Google hiện nay cùng với phần mềm HTC Sense 7 UI đặc trưng của nhà sản xuất điện thoại Đài Loan.

HTC ngày càng đơn giản hoá giao diện người dùng theo hướng của Android nguyên bản. Giao diện Sense 7 UI trên One A9 trông rất thoáng, mặc định chỉ có ứng dụng tổng hợp tin tức BlinkFeed và widget Sense Home tự động hiển thị các nhóm ứng dụng hay dùng dựa trên thời gian và vị trí của người dùng. Ở phía bên trong, HTC cũng đưa vào One A9 những tính năng quen thuộc của mình như các thao tác điều khiển bằng cử chỉ (chạm hai lần đánh thức màn hình, vuốt lên để mở khoá hay đưa máy lên tai để nhận luôn cuộc gọi…), chế độ tiết kiệm pin cao cấp chỉ chạy 5 ứng dụng cơ bản khi kích hoạt và nhiều bộ theme để người dùng thay đổi giao diện.

HTC One A9 và ịPhone 6s

Ngoài những đặc trưng riêng của HTC kể trên, tất nhiên One A9 cũng có đầy đủ các tính năng mới của phiên bản Android 6.0 Marshmallow. Trong đó, tính năng mới đáng chú ý nhất là cảm biến vân tay lần đầu được Google hỗ trợ chính thức. Cảm biến vân tay trên One A9 chỉ cần chạm tay vào giống như iPhone và Galaxy S6 của Samsung, chứ không phải là dạng quét tay giống như chiếc HTC One Max trước đây. Cảm biến này hoạt động chính xác và nhạy tương đương cảm biến trên iPhone 6s và trong vài ngày trải nghiệm máy để viết bài, tôi hầu như chưa thấy lần nào chạm không thành công. Cảm biến vân tay của One A9 có thể hoạt động ngay cả khi màn hình đang tắt chứ không cần phải sáng màn hình mới kích hoạt được vân tay như nhiều sản phẩm khác.

Android 6.0 áp dụng mô hình quản lý quyền truy cập ứng dụng tương tự iOS, đề nghị cấp quyền truy cập vào các vùng như bộ nhớ, ảnh, danh bạ… ở lần sử dụng đầu tiên.Trước đây, Android yêu cầu người dùng chấp nhận các yêu cầu cho ứng dụng lúc cài đặt ứng dụng.

Bên cạnh cảm biến vân tay, Android 6.0 còn có một số tính năng mới khác như Now on Tab (hiển thị thông tin liên quan đến nội dung đang xem), quản lý quyền truy cập ứng dụng sau khi cài đặt ứng dụng, quản lý bộ nhớ RAM trực quan như quản lý pin và có lựa chọn chia sẻ trực tiếp đến những người bạn tương tác gần đây… Nhìn chung, bản Android 6.0 không phải là bản nâng cấp lớn nhưng nó có những tinh chỉnh nhỏ hoàn thiện trải nghiệm và cải thiện độ mượt mà của điện thoại.

Tính năng Now on Tab trên Android 6 hỗ trợ tìm kiếm thông tin liên quan đến nội dung đang xem, chỉ cần bấm giữ nút Home để Google đưa ra các thông tin liên quan. Tuy nhiên, bạn cần chuyển ngôn ngữ trên thiết bị sang tiếng Anh để sử dụng tính năng này.

Giao diện quản lý bộ nhớ RAM hiển thị lượng bộ nhớ đang dùng và những ứng dụng nào đang chiếm nhiều RAM trên máy.

Hiệu năng và thời lượng pin

HTC One A9 có hai phiên bản khác nhau ở bộ nhớ lưu trữ và RAM: phiên bản RAM 2GB/bộ nhớ 16GB và phiên bản RAM 3GB/bộ nhớ 32GB. Hiện tại, HTC mới bán chính hãng phiên bản RAM 2GB/bộ nhớ 16GB (còn trống hơn 10GB cho người dùng) và đây cũng là phiên bản chúng tôi trải nghiệm để viết bài đánh giá.

Ở bên trong, One A9 sử dụng SoC Snapdragon 617 tám lõi nâng cấp từ Snapdragon 615 và là smartphone đầu tiên dùng SoC này của Qualcomm. Snapdragon 617 gồm 4 lõi Cortex A53 tốc độ 1.5GHz và 4 lõi Cortex A53 tốc độ 1.2GHz nhưng không như Snapdragon 615, vi xử lý này có thể dùng cả 8 lõi đồng thời nên hiệu năng xử lý đa nhân ấn tượng hơn nhiều các máy dùng Snapdragon 615. Điểm đo hiệu năng CPU đa nhân trên Geekbench cho thấy rõ điều này.

Điểm Geekbench đánh giá khả năng xử lý của CPU

Tuy nhiên, khi đánh giá hiệu năng chung của cả CPU, GPU và bộ nhớ qua phần mềm Antutu thì điện thoại chỉ tương đương với các sản phẩm dùng Snapdragon 801, kém Snapdragon 808, 810 hay Exynos 7420. Riêng về sức mạnh xử lý đồ hoạ thì máy cũng có điểm thấp hơn các sản phẩm cao cấp dùng Snapdragon 808 hay Exynos 7420.

Điểm Antutu đánh giá hiệu năng chung của CPU, GPU và bộ nhớ

Điểm GFXBench Manhattan đánh giá khả năng xử lý của GPU

Trong trải nghiệm thực tế, HTC One A9 chạy mượt mà không kém sản phẩm cao cấp nào trong hầu hết các hoạt động thường ngày, ngoại trừ khi chạy một số ứng dụng nặng đồ hoạ như các game 3D. Trên một số game cho phép điều chỉnh chế độ đồ hoạ như Asphalt 8, One A9 chơi ở chế độ đồ hoạ trung bình rất mượt nhưng khi nâng lên chế độ đồ hoạ cao thì khung hình có bị chậm và lag hơn một chút. Việc máy chạy mượt có lẽ là nhờ rất nhiều vào nền tảng Android 6.0 mới được tinh chỉnh tốt cùng với giao diện Sense 7 UI gọn nhẹ và SoC Snapdragon 617 tám lõi chạy đồng thời.

Về thời lượng pin, One A9 có viên pin dung lượng 2150 mAh, hơi nhỏ so với nhiều máy Android khác có thể do nhà sản xuất muốn ưu tiên cho độ mỏng của sản phẩm. Do chưa đủ thời gian đánh giá các bài test pin quen thuộc của VnReview nên tôi mới đánh giá thử thời lượng pin khi sử dụng hỗn hợp 4 hoạt động liên tục: xem phim HD offline trên máy, lướt web, xem video trên YouTube và chơi game Asphalt 8.

Các hoạt động này đều được thực hiện trong điều kiện độ sáng và âm lượng ở mức 70%, có bật Wi-Fi trong quá trình tính thời lượng pin. Kết quả, máy trụ được 5 giờ 53 phút tính từ lúc sạc đầy đến khi còn 5%. Đáng lưu ý là hoạt động chơi game tốn thời lượng pin gấp đôi so với 3 hoạt động còn lại. Thời lượng pin này đủ dùng khá thoải mái trong một ngày với nhu cầu sử dụng thông thường.

Lưu ý, One A9 chạy Android 6.0 nên có chế độ ‘ngủ" Doze sẽ tự động tắt các ứng dụng gây hao pin khi điện thoại ở trạng thái nghỉ như khi sạc qua đêm, khi máy nhận biết có những ứng dụng đang chạy ngầm nhưng chưa được sử dụng tới. Ngoài ra, điện thoại cũng hỗ trợ công nghệ sạc nhanh HTC Rapid Charger 2.0.

Camera

Camera chính của One A9 có độ phân giải 13MP với ống kính khẩu f/2.0 có phủ sapphire chống xước, khả năng chống rung quang học và đèn flash kép hai màu (trắng và vàng) hỗ trợ chụp thiếu sáng. Camera này cũng lồi nhẹ ở phía sau giống như iPhone 6s. Ở phía mặt trước, máy sử dụng camera 4MP UltraPixel với ống kính cũng có khẩu mở f/2.0.

Giao diện ứng dụng camera trông đơn giản, có nhiều chế độ chụp: tự động, chuyên nghiệp (điều chỉnh được ISO, cân bằng trắng, bù trừ sáng, lấy nét khoảng và thời gian phơi sáng tới 2 giây cùng lựa chọn chụp ảnh RAW), chế độ ảnh toàn cảnh, quay phim chuyển động chậm và hyperlapse. Khi chụp ở chế độ RAW, máy hỗ trợ thêm tính năng tự động cải thiện ảnh RAW, giúp cải thiện ảnh một cách dễ dàng.

Bạn có thể cải thiện ảnh RAW ngay trên One A9

Điểm gây ấn tượng ở One A9 là tốc chụp và lấy nét rất nhanh với cả camera trước và sau. Máy chỉ mất khoảng 5-8 giây từ lúc mở điện thoại và ứng dụng camera, chọn điểm lấy nét đến khi chụp xong một bức ảnh. Cả khi chụp ảnh HDR thì máy cũng xử lý nhanh, nhỉnh hơn chiếc HTC One M9.

Về chất lượng, một số ảnh chụp thử từ camera sau cho thấy ở môi trường đủ sáng One A9 ra ảnh nhiều chi tiết đủ để hiển thị trên màn hình lớn, độ sáng và tương phản rất tốt, các màu sắc tươi tắn, đậm hơn thực tế một chút nên trông nịnh mắt người xem.

Dưới đây là một số ảnh chụp từ camera sau của máy. Các ảnh ngoài trời được chụp vào hôm thời tiết Hà Nội mùa đông, trời nhiều mây (bấm vào ảnh để xem cỡ lớn).

Tương tự One M9, camera của One A9 cũng hỗ trợ định dạng ảnh RAW khi chụp ở chế độ Pro. Chế độ Pro sẽ có 2 lựa chọn định dạng ảnh là RAW hoặc JPG ngay trên giao diện chụp. Khi chụp ảnh RAW, máy sẽ tạo ra một file RAW dung lượng khoảng 25MB mỗi ảnh dành cho những người am hiểu muốn chỉnh sửa ảnh theo ý mình cùng với một file ảnh JPG. Bạn cũng có thể xử lý file RAW ngay trên One A9. File ảnh xử lý này được hiệu chỉnh về phơi sáng, trông khá giống với ảnh chụp ở chế độ HDR.

Ảnh JPG chụp ra cùng với file ảnh RAW. Ảnh chụp vào hôm thời tiết Hà Nội mùa đông, nhiều mây.

Đây là bức ảnh RAW được xử lý cải thiện chất lượng phơi sáng ngay trên điện thoại.

File JPG xuất ra từ ảnh RAW gốc bằng;chế độ mặc định (default) của Photoshop

Còn ở môi trường thiếu sáng, nhờ có chống rung quang học, One A9 tự tin đẩy thời gian phơi sáng khá lâu tới 1/5 giây nên các ảnh chụp đêm sáng hơn khá nhiều. Bạn có thể đẩy thời gian phơi sáng lâu hơn tới 2 giây trong chế độ chuyên nghiệp (Pro) nhưng lưu ý là cần có chân đỡ (tripod) hoặc có điểm tỳ để chống rung. Ảnh chụp thiếu sáng có màu sắc, độ chi tiết khá ổn và tất nhiên do máy đẩy ISO lên cao nên một số ảnh thấy nhiễu khá rõ.

Hai ảnh trên chụp ở chế độ tự động

Bức ảnh này phơi sáng 2 giây tạo được vệt sáng trong khi độ chi tiết và độ sáng khá ổn.

Đây là bức ảnh được xử lý cải thiện chất lượng từ file ảnh RAW ngay trên điện thoại.

Kết luận

Liệu One A9 có thể trở thành "người hùng" thực sự giúp HTC trở lại thời kỳ tươi sáng hay không chỉ thời gian mới có câu trả lời chính xác nhất. Còn ở khía cạnh sản phẩm, One A9 có thể nói là một sản phẩm toàn diện nhất của HTC hiện nay, hội tụ đầy đủ các yếu tố từ thẩm mỹ, hiệu năng đến chất lượng camera và âm thanh.

Thiết kế của máy tuy có những nét giống với iPhone 6/6s nhưng sở hữu chất liệu kim loại nguyên khối mỏng nhẹ và có độ hoàn thiện rất tốt. Các yếu tố còn lại của sản phẩm đều ở mức khá hoặc tốt. Màn hình đẹp, âm thanh thú vị khi nghe qua tai nghe, hiệu năng mượt với hầu hết hoạt động, camera chụp nhanh và chất lượng ảnh tốt hơn các sản phẩm dòng One (One M9 và M8).

TP

Chủ đề khác