VnReview
Hà Nội

Với lòng tham, mất 15.000 tỉ cũng còn là ít…

Hơn 32.000 nạn nhân với số tiền bị mạng lưới lừa đảo đầu tư tiền ảo Ifan và Pincoin đa cấp của Công ty Modern Tech được cho là vụ lớn nhất từ trước tới nay trong lĩnh vực này. Song một khi lòng tham là vô đáy, thì con số 15.000 tỉ đồng cũng chưa phải là một giới hạn.

Nạn nhân của lòng tham…

Hơn 32.000 nạn nhân kia đang cho rằng họ bị lừa. Đúng vậy. Nhưng đối tượng lừa đảo là ai? Câu trả lời là: Công ty có tên Modern Tech đã tổ chức hàng loạt sự kiện quảng bá, lôi kéo người chơi đầu tư vào tiền ảo Ifan và Pincoin theo mô hình đa cấp.

Và còn ai nữa?... Còn. Đó là lòng tham. Lòng tham của chính hơn 32.000 người kia, đã lừa chính họ. Và cũng chính họ, là nạn nhân của lòng tham của chính mình. Nếu học không tham quá độ, thì sao có thể mắc bẫy của Modern Tech, thì sao có thể mất đến 15.000 tỉ đồng, thì sao mỗi người có thể dễ dàng "giao trứng cho ác" số tiền từ hàng chục ngàn cho đến hàng trăm ngàn USD…

Đây không phải là lần đầu. Mới cách đây chưa đầy 3 tháng về trước thôi, thời điểm sàn đầu tư và giao dịch tiền ảo Bitconnect (BCC) bị sập, số nạn nhân tại Việt Nam được cho là lên đến hơn 50.000 người, cũng vì lời hứa hẹn lãi suất hay lợi nhuận (chỉ là cách gọi) lên đến 30% mỗi tháng. Sau khi sàn sập và không còn chốn giao dịch, đồng BCC rơi tự do từ mức đỉnh khoảng 400USD xuống mức dưới 10USD. Còn vào thời điểm ngày 10/4/2018, giá trị đồng BCC không tới 1USD.

Tương tự,đồng Ifan vài tháng trước người chơi bị dụ lao vào mua với số lượng giới hạn tạo khan hiếm giả tạo, để sau đó phải trả mức giá lên tới 5USD/1 đồng Ifan. Nhưng sau khi lời hứa hẹn được rút lợi nhuận/lãi suất ra bằng tiền tươi thóc thật chỉ còn là lời hứa hão, thì giá đồng Ifan chỉ còn 0,01USD, tức giảm 500 lần, thế nhưng cũng chẳng thể lấy ra được bằng tiền mặt để gỡ gạc được chút nào hay chút đó. Tiền tươi đầu tư vào tiền ảo và bị mắc kẹt, bị ảo hóa không còn trở lại thành tiền thật được nữa.

Có thể thấy lòng tham trong mỗi con người có sức hủy hoại đến khủng khiếp. Trước hết nó hủy hoại tiền bạc, tài sản của những người lao vào chơi tiền ảo nói chung và mô hình đầu tư tiền ảo đa cấp nói riêng; rồi nó có sức biến tiền thật thành ảo mãi mãi không trở lại hình dáng và giá trị tiền thật được nữa; và hệ lụy nó gây ra có thể là những gia đình tan nát, dính nợ đầm đìa không thể nào trả nổi.v.v…

…đến lãi suất dành cho lòng tham

Vụ sập sàn Bitconnect gắn với mức lãi suất hứa hẹn là 30%/tháng; còn vụ Ifan mức lãi suất "đầu môi" lên đến 48%/tháng và được cho là tối thiểu, cùng với thời gian hoàn vốn là 4 tháng. Một mô hình đầu tư kiếm lãi trong mơ đã được vẽ lên cho những bầy đàn thiêu thân hám lợi. Bởi chỉ có những kẻ hám lợi và tham lam vô độ mới có thể tin vào những kiểu đầu tư "hớt" được mức lãi "khủng" đến thế, nếu không thì là những kẻ tâm thần.

Cách đây 28 năm, ngày 10/3/1990, vụ án "Nước hoa Thanh Hương" nổ ra tại TP.HCM khi "đại gia" siêu lừa Nguyễn Văn Mười Hai nhận tiền gửi của khách hàng với mức lãi suất 15%/tháng. Và nạn nhân, là những người gửi tiền về sau. Ông chủ "Nước hoa Thanh Hương" dùng tiền người gửi sau trả lãi cho người gửi trước và cho đến một ngày vỡ trận vì không thể chịu nổi mãi với mức lãi suất đó. Nếu so sánh, thì mức lãi suất của "Nước hoa Thanh Hương" chỉ bằng 31,5% so với mức lãi suất của Modern Tech đưa ra. Bài học từ vụ án "Nước hoa Thanh Hương" bao năm qua cũng đã có tác dụng răn đe nhất định đối với những người gửi tiền vào các tổ chức tín dụng. Thế nhưng đối với các mạng lưới như hụi hè, cho vay chợ đen với lãi suất cao hay bán hàng đa cấp và đầu tư tiền ảo đa cấp… ngoài xã hội, thì hầu hết những người tham gia vẫn đánh cuộc với lòng tham.

Bởi với những mức lãi suất 30% hay 48% mỗi tháng, chỉ có những người không kìm được lòng tham mới lao vào chứ với những người tỉnh táo và kìm chế được lòng tham trong mình, thì họ không tin và cũng chả dại gì vướng vào những mạng lưới lừa đảo như thế.;

Tất nhiên bọn lừa đảo cũng có chiêu để tạo niềm tin. Thường là chúng có một số vốn để trả lãi cao trước cho những người chơi đầu tiên. Những người này, được lợi cầm chắc trong tay, sẽ truyền miệng, lôi kéo người khác tham gia vào để kiếm lợi nhiều hơn. Cho đến khi số người chơi đủ lớn và số tiền quăng vào mạng lưới đầu tư tiền ảo đa cấp đủ nhiều, những kẻ chủ mưu lừa đảo mới kéo mẻ lưới và ôm tiền biến mất. Nhưng suy cho cùng, chiêu thức này cũng chả có gì mới hơn chiêu của Nguyễn Văn Mười Hai chủ "Nước hoa Thanh Hương" 28 năm trước. Thậm chí, trong vụ "Nước hoa Thanh Hương" ngày ấy, không ít người đã kiếm được lãi lớn từ "vua lừa" Nguyễn Văn Mười Hai.

Với lòng tham thì chẳng có thuốc gì chữa trị được, mà may ra đối tượng phải ít nhất một lần trở thành nạn nhân của chính lòng tham của mình thì mới sáng mắt ra. Và với lòng tham, con số nạn nhân hơn 32.000 người hay tổng số tiền bị mất mát 15.000 tỉ đồng cũng còn là ít…  

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác