VnReview
Hà Nội

Ứng dụng Việt thừa gì và thiếu gì trong cạnh tranh với Grab?

Tính từ thời điểm ngày 9.4.2018 tới nay, ứng dụng Uber tại Việt Nam đã ngưng hoạt động hơn 50 ngày. Khoảng thời gian này được xem là "những ngày vàng" đối với các ứng dụng đặt xe Việt mà trong đó VATO là đại diện điển hình nhất. Song, "những ngày vàng" này dường như chưa được tận dụng theo cách tốt nhất.

Chính thức điều tra vụ Grab thâu tóm Uber tại Việt Nam trong 180 ngày

Những ứng dụng gọi xe của Việt Nam liệu có thể tận dụng được cơ hội của mình khi Uber rút lui?

Grab và… những căn bệnh cố hữu của kẻ mạnh

Đối ngược với "những ngày vàng" của ứng dụng Việt, Grab Việt Nam lại đang nằm trong tình trạng dính nhiều "phốt" tự thân và liên quan. "Phốt" đầu tiên là vụ thâu tóm Uber tại Việt Nam bị điều tra sơ bộ và chịu kết luận bước đầu là có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh, kéo theo bị quyết định điều tra chính thức trong 180 ngày tới. Dính "phốt" này Grab gặp sự không thuận lợi nhất định đối với cơ quan quản lí cũng như trong dư luận.

Nhưng những "phốt" tác động trực tiếp đến người tiêu dùng mới thực sự ảnh hưởng đến hình ảnh của Grab tại Việt Nam và dẫn đến hệ lụy là tác động tiêu cực đến niềm tin của người tiêu dùng. Dư luận thời gian qua đã có không ít lời phàn nàn Grab tăng giá cước, ứng dụng bị ngưng trệ, tài xế Grab bắt đầu "đỏng đảnh" không chịu đón khách trong một số hoàn cảnh.v.v... Những điều này, đã được ông Jerry Lim – Giám đốc Grab Việt Nam – giải thích phần nào và cho biết sẽ tăng cường chấn chỉnh. Phản ánh giá cước tối thiểu của GrabCar tăng là hoàn toàn chính xác khi ông Jerry Lim cũng đã xác nhận rằng mức cước tối thiểu của GrabCar tăng từ 20.000 đồng lên 25.000 đồng từ cuối năm 2017. Ông Lim cho rằng "chúng tôi đã gửi email thông báo tăng giá cước tối thiểu cho khách hàng". Nhưng trên thực tế, rất rất nhiều khách hàng không hề nhận được thông báo nào về việc này, cho nên khi thấy giá cước tăng họ mới ngỡ ngàng.

Grab Việt Nam đã phát triển mạnh hơn, qui mô lớn hơn, nhưng có nhiều việc liên quan trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng họ lại âm thầm hơn trong cách làm chứ không công khai, minh bạch ngay trong thời điểm đó.

"Phốt" gần đây nhất liên quan tới Grab khiến dư luận bàng hoàng là trường hợp tài xế Grab tên Phạm Văn H. thừa nhận hành vi dùng lời nói quấy rối tình dục bé gái 9 tuổi tại Hà Nội trên đường chở bé đi học. Tất nhiên đây không phải là lỗi của Grab và phía doanh nghiệp này cũng đã xử lí vụ việc có tình có lí nhưng dù sao qua trường hợp cũng đã gieo vào lòng khách hàng thêm một sự bất an.

Đó là những căn bệnh cố hữu của kẻ mạnh trên thị trường mà Grab Việt Nam đang có dấu hiệu sa vào.

Ứng dụng Việt đang "loay hoay như gà mắc tóc"?

Nếu không nhanh chân, các ứng dụng Việt hoàn toàn có thể đánh mất cơ hội và buộc phải nhường chỗ cho những ứng dụng của nước ngoài

Câu hỏi đặt ra là trong bối cảnh hiện nay của Grab Việt Nam, của thị trường kết nối dịch vụ đặt xe qua ứng dụng di động trên Internet: Ứng dụng Việt đang thừa gì và thiếu gì?

Thừa cơ hội và rất nhiều cơ hội, từ khoảng thời gian "những ngày vàng" khi Uber rời bỏ thị trường Việt Nam cho đến các tài xế bị dạt ra từ Uber mà Grab không thu nhận hết. Thừa cơ hội từ những phàn nàn gần đây của không ít khách hàng về các vấn đề tự thân và liên quan đến Grab đã nêu ở trên. Thừa sự ủng hộ của dư luận nói chung đối với ứng dụng Việt trong đó một yếu tố rất quan trọng giúp lan tỏa thông tin đến người dùng là các phương tiện thông tin – truyền thông.

Các ứng dụng Việt nói chung và VATO nói riêng đang dường như chưa xem trọng hoặc lãng phí sự ủng hộ của truyền thông đối với họ. Hoặc giả, trong hơn một tháng qua có thể họ cảm nhận đó là sự ủng hộ mang tính hiển nhiên nên xem nhẹ mà không biết trân trọng và vun đắp?

Nếu VATO phải học, thì hãy học con đường tận dụng sự ủng hộ của giới truyền thông thời đầu Grab mới bước chân vào Việt Nam với sự dẫn dắt của vị CEO tiền nhiệm – Nguyễn Tuấn Anh. Đó cũng là cái thiếu nằm sâu trong tư duy của nhóm làm ứng dụng VATO mà tiền thân có tên là FaceCar rồi đổi thành VIVU cũng như doanh nghiệp hậu thuẫn cho họ là Phương Trang.

Một tư duy "think small" (nghĩ nhỏ) thì khó mà "do big" (làm lớn) cho được, chứ đừng nói là "do bigger" (làm lớn hơn) trong lĩnh vực kinh tế số.

Ứng dụng VATO hiện vẫn bị nhiều người than phiền là hay bị lỗi, lượng xe ít rất khó đặt, hay đặt rồi mãi chẳng thấy tài xế liên lạc.v.v…; ban điều hành thì vẫn còn mang tính đội nhóm hơn là một doanh nghiệp có tổ chức bài bản. VATO đang thể hiện cho những nhà quan sát thấy họ như đang trong tình trạng "gà mắc tóc". Nếu VATO không tăng tốc được nhanh trong "những ngày vàng" còn lại, thì cơ hội dành cho họ cũng sẽ vuột qua một khi các ứng dụng Go-Jek (Indonesia) và MVL (Singapore) chính thức vào thị trường Việt Nam. ;

Cho dù là ứng dụng Việt hay ứng dụng đến từ nước ngoài đi nữa thì giá trị mang lại cho khách hàng mới là yếu tố quyết định hàng đầu. Giá trị đó không đồng nghĩa với việc chỉ cần có một ứng dụng với một vài tính năng hay là khách hàng sẽ tự tìm đến. Ứng dụng Việt nếu không làm được những gì cần làm, không mang đến giá trị phục vụ khách hàng được một 9 một 10 với ứng dụng ngoại, thì sớm muộn cũng sẽ bị người tiêu dùng dần rời bỏ. Về điểm này thì Grab đã và đang có quá nhiều kinh nghiệm, thế mạnh để triển khai và thực thi. Và đừng nghĩ rằng với những "phốt" mà Grab đang mắc phải hoặc liên quan là họ đang suy yếu…

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác