VnReview
Hà Nội

Cuộc đua ứng dụng “tất cả trong 1”: Không có chỗ cho sự “ốm đói”!

Grab đang ngày càng thể hiện rõ chiến lược "siêu ứng dụng" (Super App) khi cứ một vài tuần lại tung ra một dịch vụ mới trên thị trường Đông Nam Á và thậm chí hợp tác cả ở phạm vi Châu Á. Với hàng chục tỉ USD vốn đầu tư đã gọi được, Grab đang chỉ việc… sáng tạo và tiêu tiền sao cho hiệu quả.

Một số ứng dụng "tất cả trong 1" tại Việt Nam

Trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, hiện những ứng dụng được đề cập với cách gọi là "siêu ứng dụng", "ứng dụng đa dịch vụ" hay "ứng dụng tất cả trong 1" còn khá ít ỏi.

Cách đây vài tháng, ông Jerry Lim – CEO của Grab Việt Nam – trong cuộc gặp gỡ báo chí đã đề cập tới khái niệm "ứng dụng tất cả trong 1" (all in one) được định vị là chiến lược dài hạn của Grab trong những năm tới. Tuy nhiên trong cuộc gặp gỡ báo chí ngày 22/8 tại TP.HCM, ông Đằng Trần – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Grab tại TP.HCM – lại đề cập tới khái niệm "siêu ứng dụng" (Super App). Sự khác nhau chỉ về mặt khái niệm còn thực chất chiến lược, sự định vị và triết lí sáng tạo và kinh doanh của Grab vẫn thế. Mới nhất ngày 23/8, Grab công bố dịch vụ GrabAds cung cấp môi trường quảng cáo trên ôtô, xe máy; trong ôtô và trên ứng dụng Grab.

Trên nền tảng ứng dụng Grab đã có hơn 100 triệu lượt tải phổ biến tại hơn 200 thành phố khu vực Đông Nam Á, việc Grab cung cấp thêm các dịch vụ mới chỉ là vấn đề thời gian, phụ thuộc vào kế hoạch kinh doanh và lộ trình nghiên cứu và phát triển mà thôi.

Ứng dụng thứ hai có mặt tại Việt Nam đề cập đến khái niệm "đa dịch vụ" chính là GoViet với sự hậu thuẫn gần như mọi mặt từ "đại gia" ứng dụng đặt xe Go-Jek (Indonesia). Hiện GoViet mới cung cấp hai dịch vụ di chuyển bằng xe máy và giao hàng bằng xe máy tại khu vực TP.HCM. Song GoViet cho biết, danh sách dịch vụ của ứng dụng này lên tới con số 18, vấn đề triển khai chỉ là thời gian theo lộ trình phát triển kinh doanh.

Ứng dụng thứ ba chính là Zalo. Zalo mới đây đưa vào thử nghiệm dịch vụ giao thức ăn sau khi tung ra dịch vụ kết nối người tiêu dùng với các hãng taxi tại Việt Nam. Zalo "khẽ khàng" đề cập tới khái niệm "ứng dụng tất cả trong 1" (all in one) khi thử nghiệm dịch vụ Zalo Food. Tuy nhiên, những dịch vụ mới của Zalo thay vì như trong thời kì "đại chiến OTT" được truyền thông một cách mạnh mẽ và bùng nổ thì 2-3 năm trở lại đây lại thường "im ắng", trái ngược với cách luôn tạo được sự "ồn ào" của Grab và thậm chí còn ít "kêu" bằng ứng dụng Việt còn non trẻ trong lĩnh vực đặt xe là FastGo.

"Tất cả trong 1" không có nghĩa là cho có tụ

Nếu xem ứng dụng "tất cả trong 1" là mô hình có tính xu thế thì cũng không có nghĩa là một sự dàn đều có mọi thứ nhưng thiếu các mũi nhọn.

Như đã nói ở trên, Grab đã vạch rõ chiến lược đầy tham; vọng là trở thành "siêu ứng dụng" và chắc chắn sẽ không chỉ dừng lại với các dịch vụ hiện đang cung cấp tại Việt Nam như di chuyển, giao thức ăn, giao hàng, ví điện tử. Từ dịch vụ di chuyển ban đầu, Grab đang xây dựng mình trở thành một nền tảng (GrabPlatform) cho các dịch vụ cũng như đối tác khác. Và hiện nay tại khu vực Đông Nam Á, Grab có mặt tại 8 quốc gia, với số lượng sử dụng ứng dụng đồng thời trong cùng thời điểm 1 phút đã lên đến hơn 10 triệu người.

Về mặt con số, với hơn 100 triệu người dùng, cộng đồng Zalo cũng tương đương với Grab. Nhưng cộng đồng Zalo chủ yếu chỉ dùng ứng dụng để gọi điện và nhắn tin là phổ biến nhất, còn các dịch vụ như shop, game, channel, eGovernment, taxi chưa được phổ dụng.

Cần khẳng định rằng, Zalo có cộng đồng trên 100 triệu người dùng nhưng hầu hết là người dùng dịch vụ miễn phí. Đây là điều khác biệt cơ bản với Grab. Có nghĩa là mức độ "bám rễ" của ứng dụng và thương hiệu của nó vào tâm trí người dùng có mức độ rất khác nhau. Tâm trí người dùng nhớ đến Grab để sử dụng dịch vụ trả tiền vẫn là mạnh mẽ hơn so với trường hợp tâm trí người dùng nhớ đến Zalo để dùng dịch vụ miễn phí.

Zalo đang muốn mở rộng thêm các dịch vụ mới theo xu thế "all in one" trên nền tảng ZaloPlatform nhưng như đã nói, ngoài tính năng gọi điện và nhắn tin miễn phí thì còn lại hầu như mờ nhạt. Đây chính là một cái bẫy "cái gì cũng có nhưng hầu hết không mạnh", dàn đều nhưng không có thứ gì đủ sắc nhọn để ghim vào tâm trí người dùng đồng thời với việc hái ra tiền. Zalo có mở ra thêm cả trăm dịch vụ mới cũng thế thôi nếu vẫn cứ nhịp đập quảng bá đều đều như 2-3 năm trở lại đây, sẽ không chỉ hụt hơi trước Grab mà Zalo còn có thể bị GoViet vượt mặt trong tương lai gần.

Bởi suy cho cùng, cộng đồng người dùng là rất quan trọng nhưng cũng mới chỉ là điều kiện cần. "Điểm chết" ở đây là trong ý thức người dùng, Zalo là phương tiện để dùng miễn phí, cũng đồng nghĩa nếu sử dụng dịch vụ có phí người ta sẽ có chọn lựa khác, cụ thể là ứng dụng khác. Vậy Zalo phải làm gì để thay đổi suy nghĩ này là cả một vấn đề.

Một vấn đề nữa là Zalo đang hoạt động và phát triển trong sự hạn chế nhất định về ngân sách. Đây là một bất lợi rất lớn so với Grab Việt Nam và GoViet với hàng trăm, hàng tỉ USD vốn đầu tư. Sẽ là một sai lầm nếu ban lãnh đạo Zalo và VNG nghĩ rằng có thể chắt bóp nhờ vào cộng đồng sẵn có hơn 100 triệu người dùng. Mà ngược lại có thể nói rằng, chính sự chắt bóp đó đã và đang kìm hãm sự phát triển của Zalo trong xu thế phát triển kinh doanh O2O và càng khó mà cạnh tranh trong cuộc đua đường dài ứng dụng "tất cả trong 1".

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác