VnReview
Hà Nội

Cao trào quyết đấu Moca - MoMo đang đến gần...

Ngày 28/8 Grab đã công bố sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD vào thị trường Việt Nam trong khoảng thời gian 5 năm tới. Với người dùng và nhiều đối tác của Grab, đây quả là thông tin tốt lành. Song với các đối thủ trực tiếp và những đối thủ tiềm tàng tiềm năng của Grab, đó chính là một nỗi lo sẽ lớn dần theo thời gian.

Đổ tiền vào ví Moca...

Trong năm 2019, Grab đã cho thấy quyết tâm... đổ tiền vào ví điện tử Moca để thu hút người dùng. Đó là những ưu đãi khi thanh toán không dùng tiền mặt qua ví Moca cho các khoản chi tiêu GrabBike, GrabCar, GrabFood... lên đến 50% giá trị đơn hàng hay những khoản tặng tiền và ưu đãi. Gần nhất, Grab còn tặng tiền và ưu đãi giá trị vài trăm ngàn đồng cho người dùng thanh toán hóa đơn điện nước qua Moca.

Trong thông tin công bố sẽ đầu tư tiếp 500 triệu USD, Grab đã chỉ rõ một trong các lĩnh vực nóng mà ứng dụng này tiếp tục đổ tiền vào chính là để phát triển các giải pháp công nghệ tài chính (fintech). Grab tham gia vào lĩnh vực mới này với ví điện tử Moca đã đạt tăng trưởng 150% về giá trị thanh toán trong nửa đầu năm 2019,; trong khi đó với số lượng người dùng tương tác hàng tháng cũng tăng đến hơn 70%.

Có thể nói, ví Moca từ trạng thái "ngoi ngóp" sau khi về với Grab đang có những tiến triển lớn trong lộ trình đến với người dùng. Yếu tố tổng lực tạo ra sự thúc đẩy này trước hết là nhờ vốn đầu tư Grab đổ vào, sau đó mới là cách triển khai, bộ máy điều hành và vận hành ứng dụng. Gắn với ứng dụng Grab, Moca cũng có môi trường rộng mở và chất xúc tác mạnh mẽ hơn để kích thích người dùng sử dụng.

500 triệu USD đầu tư thêm vào thị trường Việt Nam trong đó fintech là một trong những trọng điểm, có thể nói Grab đã "bắn tín hiệu" sẽ tiếp tục đổ tiền vào Moca trong khoảng thời gian tương lai 5 năm tới.

Có thể xem câu nói sau đây của ông Nguyễn Tuấn Anh – CEO của Grab Financial Group Việt Nam – như là một "tuyên ngôn" về hướng đi và cách thu hút người dùng của Moca: "Tiện thôi chưa đủ, phải thấy lợi hơn người dùng mới chọn". Cái lợi mang đến cho người dùng thể hiện ở nhiều thứ nhiều kiểu khác nhau, nhưng xét về bản chất đều có thể qui giá trị về tiền.

cuộc chiến moca momo

Theo một bài viết trên CafeBiz, ví điện tử GrabPay by Moca có phần lấn lướt ví Momo trên quầy thanh toán của một quán cafe. 

... để đấu với MoMo?

Với việc đổ tiền vào Moca như vậy, chắc chắn Grab không chỉ kì vọng mà phải đưa ra mục tiêu trở thành ví điện tử số 1 Việt Nam về người dùng trong tương lai.

Tại Việt Nam hiện có 27 ví điện tử được cấp phép nhưng để thực sự được xem là có "máu mặt" thì chỉ có vài ví: MoMo, Moca (sau khi về với Grab), ViettelPay, ZaloPay, Payoo... Nhưng nếu để chọn đối thủ cho cuộc đấu đường trường, MoMo có lẽ chính là đối thủ xứng tầm với Moca của Grab.

MoMo đang có trên 10 triệu người dùng, có một đội ngũ nhân sự khá hùng mạnh và tinh nhuệ. Năm 2018, MoMo đã được bơm khoản vốn đầu tư lên đến hàng trăm triệu USD đủ để chi dài dài trong 1-2 năm tới. Với tiềm lực từ Grab, Moca chọn MoMo để đấu cũng là điều bình thường. Gói 500 triệu USD đã được tổng hành dinh Grab tại Singapore chuẩn y, vấn đề là cách tiêu làm sao cho hiệu quả trong thời gian tới mà thôi. Mảng tài chính của Grab có một CEO cũng rất năng động và tháo vát là ông Nguyễn Tuấn Anh, nguyên là CEO của Grab Việt Nam.

Tại Việt Nam hiện nay, Grab và MoMo cũng đang là hai siêu ứng dụng điển hình. Có thể kể thêm cái tên thứ ba chính là Zalo. Tuy nhiên, Zalo ngoài tính năng của một ứng dụng truyền thông có hơn trăm triệu người dùng, các dịch vụ còn lại trong nội hàm "siêu ứng dụng" như gọi xe, đặt thức ăn, mua sắm.v.v... đang khá "èo uột". Zalo không còn được thoải mái "đốt" tiền như giai đoạn 2012-2015 để kích người dùng sử dụng các dịch vụ ngoài tính năng chat, gọi điện, quảng bá thông tin..., vì thế rất khó khăn trong cuộc đua siêu ứng dụng.

Cùng Ccông y mẹ với Zalo, song ZaloPay đang cho thấy sự hụt hơi dần về mọi mặt so với MoMo.  

Yếu tố "hụt hơi" thứ nhất là về đội ngũ nhân sự. Cho dù VNG không thiếu tiền để trả lương cho các tài năng, nhưng trên thực tế ZaloPay đang thiếu những người giỏi vượt trội để vực lên, đặc biệt là việc đưa ra các ý tưởng mới có khả năng thực thi cao để thu hút người dùng. Thứ hai, có những dấu hiệu cho thấy ZaloPay khó đọ với MoMo và Moca về cuộc đấu "đốt" tiền thu hút người dùng. ZaloPay đang rất cần những chương trình, chiến dịch marketing gây tiếng vang vượt khỏi mặt bằng chung giúp thu hút người dùng đột biến thì mới mong thu hẹp khoảng cách với MoMo. Song như đề cập ở trên, để triển khai cũng sẽ phải "đốt" lắm tiền. ZaloPay không được đổ nhiều tiền như thời Zalo mới ra đời để vượt qua KakaoTalk, LINE và cả Viber. Trong tình hình như vậy, ZaloPay nếu không bứt phá được thì sẽ rơi vào cái bẫy "thường thường bậc trung" sẽ rất khó bứt phá về sau.

Chính vì thế, cặp đấu Moca – MoMo đang được lựa chọn cho vị trí số 1 thị trường ví điện tử.

Dạ Thảo

Chủ đề khác