Bật máy tính suốt ngày đêm không tắt: Liệu có nên hay không?


Một trong những vấn đề tranh luận dai dẳng nhất trong việc sử dụng máy tính: Để máy hoạt động thâu ngày đêm hay tắt khi không dùng?

Mỗi người dùng sẽ đưa ra những lập luận đanh thép của riêng mình theo cả hai cách tiếp cận, như vậy câu trả lời thỏa đáng sẽ phụ thuộc vào cách thức và mức độ sử dụng máy tính của bạn. Chúng ta hãy cùng điểm qua một vài ưu và nhược điểm của cả hai cách sử dụng này.

A. Tại sao nên để máy tính luôn bật?

Có một số lý do hữu ích để lý giải cho việc tại sao nên để máy tính hoạt động liên tục, không chỉ để khởi động thiết bị nhanh hơn mà có thể tăng cường chức năng của máy tính.

1. Tiện lợi hơn

Lý do chính cần nhắc đến ở đây có lẽ là sự thuận tiện. Thay vì phải tốn thời gian chờ đợi các công đoạn khởi động rườm rà thì máy tính sẽ luôn trong trạng thái sẵn sàng để làm việc.

Một hệ thống thông thường với ổ SSD sẽ cần khoảng 30 giây để khởi động hệ điều hành, những ổ cứng thế hệ cũ thậm chí còn "ngốn" đi của bạn 1 phút hoặc nhiều hơn, nếu để một lượng lớn chương trình được thiết lập để khởi động cùng hệ thống thì sẽ càng mất thời gian.

Để máy tính luôn bật sẽ giúp bạn tránh gặp phải vấn đề này. "Đánh thức" máy tính từ chế độ Sleep sẽ chỉ mất vài giây, đồng thời tất cả các ứng dụng đã khởi chạy trước đó vẫn sẽ tiếp tục làm việc.

2. Máy tính của bạn sẽ luôn được cập nhật nền

Có vô số tác vụ cần thiết để duy trì sự ổn định của máy tính cũng như dữ liệu cá nhân của người dùng, khi đó việc để tác vụ tự thực hiện vào ban đêm sẽ thuận tiện hơn.

Cài đặt bản cập nhật hệ điều hành, tạo bản sao lưu, quét vi-rút hoặc tải lên đám mây một lượng lớn dữ liệu như nhạc hoặc ảnh, tất cả hoạt động này đều tốn thời gian, sử dụng nhiều băng thông và tài nguyên hệ thống.

Để máy tính luôn bật khi bạn không sử dụng hoặc hẹn giờ để các tác vụ "tự thân vận động" vào ban đêm sẽ giúp các ứng dụng có thể tự cập nhật đầy đủ mà không làm ảnh hưởng đến tiến độ công việc của bạn.

3. Truy cập từ xa

Luôn bật máy tính cho phép bạn tránh việc bị giới hạn khỏi một số phần mềm nhất định, chẳng hạn như phần mềm điều khiển máy tính từ xa (ví dụ như Remote Desktop trên Windows). Bạn sẽ không phải trải qua cảm giác tệ hại khi bất cẩn để quên một file tài liệu quan trọng trên máy tính ở nhà, thay vào đó có thể dễ dàng đăng nhập từ xa trên smartphone, máy tính bảng hoặc máy tính làm việc cá nhân để kết nối điều khiển.

B. Tại sao lại không tốt khi để máy tính luôn bật?

Chúng ta hầu như sẽ tắt tất cả các thiết bị khác của mình khi sử dụng xong và với máy tính, bạn cũng có một số lý do tương tự.

1. Làm giảm tuổi thọ của linh kiện

Một thực tế "đau lòng" là tất cả phần cứng đều có tuổi thọ hữu hạn. Đèn nền của màn hình thường có tuổi thọ vào khoảng vài chục nghìn giờ, dung lượng pin laptop sẽ bị "chai" đáng kể sau khoảng 300 chu kỳ sạc, trong khi đó một số ổ SSD chỉ hoạt động tốt trong khoảng 3000 chu kỳ ghi/xóa.

Trên thực tế, bạn cần phải nâng cấp chiếc máy tính "già nua" của mình trước khi nó chạm đến bất kỳ ngưỡng giới hạn nào đã đề cập ở trên. Tuy nhiên, khi để máy tính hoạt động liên tục, bạn đã đặt phần cứng vào trạng thái "stress" liên tục, dù chỉ là với một tác vụ nhỏ. Việc bật máy không ngừng như thế cũng sẽ sinh ra nhiệt, một trong những kẻ thù lớn nhất làm giảm tuổi thọ phần cứng.

2. Hao phí điện

Chẳng cần phải nói chúng ta cũng biết rằng việc để một thứ gì đó luôn hoạt động khi không sử dụng là một sự lãng phí năng lượng. Nhưng cụ thể là lãng phí bao nhiêu?

MacBook Air 13 inch 2018 tiêu thụ 25W ở mức sử dụng vừa phải, giảm xuống 8W khi ở trạng thái chờ (Idle) và ở chế độ ngủ (Sleep) thì giảm mạnh xuống còn 0.3W.

Vì vậy, có một sự khác biệt rất lớn giữa mức tiêu thụ điện năng của một máy tính đang hoạt động bình thường, ở chế độ Idle hoặc chế độ Sleep. Tắt màn hình sẽ tiết kiệm được một lượng lớn điện năng và chuyển sang chế độ Sleep sẽ còn tiết kiệm nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, ở chế độ Sleep, bạn sẽ mất nhiều lợi thế của việc bật máy tính, chẳng hạn như khả năng truy cập từ xa.

Bạn cũng cần lưu ý rằng một máy tính đã tắt nguồn nhưng vẫn cắm điện sẽ tiếp tục tiêu thụ một lượng nhỏ năng lượng. Vì vậy, nếu muốn giảm lượng điện năng sử dụng của PC, hãy rút hẳn phích cắm sau khi tắt máy.

3. Rủi ro khi điện tăng áp đột ngột hoặc sập nguồn

Hiện tượng quá áp đột ngột hay mất điện hiếm khi xảy ra nhưng lại là sự cố dễ làm hỏng máy tính.

Điện áp tăng vọt thường liên quan đến hiện tượng sét đánh, nhưng cũng có thể do các thiết bị gia dụng có công suất cao trong gia đình gây ra như là tủ lạnh. Nếu mức tăng quá lớn, nó có thể gây hư hỏng cho các thiết bị điện, đặc biệt là các bộ phận nhạy cảm trong máy tính.

Bạn có thể đề phòng bằng cách cắm máy tính vào thiết bị chống sét lan truyền. Biện pháp này luôn được khuyến khích, đặc biệt nếu để máy tính chạy xuyên suốt ngày đêm.

4. Khởi động lại máy giúp cải thiện hiệu năng

Trước đây, việc khởi động lại máy tính thường xuyên là một phần không thể thiếu nhằm tránh để xảy ra tình trạng máy bị "vắt kiệt sức" dẫn đến ngừng hoạt động. Bây giờ mọi thứ đã khác, các hệ điều hành hiện đại rất thành thạo trong việc quản lý nguồn tài nguyên và cho dù không tắt máy tính đi nữa, thì hiệu năng cũng không bị suy giảm nhiều.

Tuy nhiên, khởi động lại máy vẫn là cách hiệu quả nhất để giải quyết các lỗi cơ bản mà bạn thường gặp phải. Cho dù đó là ứng dụng bị treo hoặc máy in ngừng hoạt động, khởi động lại thường sẽ khắc phục được sự cố.

Việc tắt máy tính vào cuối ngày sẽ góp phần làm sạch hệ thống và đảm bảo rằng bạn sẽ có khởi đầu tốt hơn với hy vọng một ứng dụng nào đó sẽ không bất ngờ dở chứng vào sáng hôm sau.

5. Gây ồn

Cuối cùng, tùy thuộc vào vị trí đặt máy tính trong căn phòng của mình, mà có lẽ bạn sẽ muốn tắt nó để có không gian yên tĩnh hơn. Bạn hoàn toàn có thể tắt hết mọi âm thanh thông báo dễ dàng, dù vậy tiếng ồn từ quạt hay tiếng hoạt động của ổ cứng vẫn sẽ gây khó chịu.

Thông thường, đây sẽ không phải là vấn đề gặp phải đối với các mẫu laptop hiện đại, không dùng quạt tản nhiệt, có CPU tiết kiệm điện và ổ SSD. Nhưng đối với hệ thống máy tính để bàn truyền thống, tắt hẳn máy vẫn mang lại cảm giác dễ chịu hơn.

Kết luận

Việc bật và tắt máy tính nhiều lần trong ngày thực sự không mang lại lợi ích gì cả, trong khi để nó chạy qua đêm cũng chẳng có hại gì đáng kể. Thỉnh thoảng, việc khởi động lại máy tính cũng đem đến một số lợi ích nhất định, nhất là vào những tháng mùa hè oi bức thì nên tắt đi sẽ tốt hơn.

Vậy, cuối cùng nên bật liên tục hay tắt máy tính khi không dùng? Câu trả lời vẫn sẽ phụ thuộc vào nhu cầu cá nhân của bạn. Nếu sắp đi một vài ngày mà không có nhu cầu sử dụng, thì tốt nhất là nên tắt nguồn. Nhưng nếu bạn cần nó luôn hoạt động và sẵn sàng để sử dụng mọi lúc, thì cũng có rất ít tác hại miễn là nó đáp ứng được nhu cầu của bạn.

Giang Vu theo MakeUseOf

Thành viên mới đăng
Top