Google can thiệp vào thuật toán để sửa kết quả. Phần 1: Sự thiên vị


Trái với những gì được hứa hẹn, gã khổng lồ về công cụ tìm kiếm này đã sử dụng những danh sách đen, thay đổi thuật toán và một đội quân nhân công giá rẻ để thay đổi thứ tự của kết quả tìm kiếm xuất hiện trên màn hình của người dùng.

Google can thiệp vào thuật toán để sửa kết quả (phần 1: sự thiên vị)

Dưới đây là kết quả đánh giá của báo Mỹ Wall Street Journal trong một khoảng thời gian dài về công cụ tìm kiếm của Google. VnReview xin được phép chuyển ngữ để chuyển tới bạn đọc. Bài viết sẽ được chia làm ba phần.

Mỗi phút, Có khoảng 3,8 triệu yêu cầu tìm kiếm được gửi tới Google về những nội dung trải dài từ giá phòng khách sạn, điều trị ung thư vú tới những tin tức nóng hổi nhất về tổng thống Donald Trump. Chẳng cần thêm dẫn chứng để ta thấy được rằng đây là những dòng mã (code) quyền lực nhất trong nền kinh tế toàn cầu. Chúng là thứ quyết định cách mà phần đông của thế giới truy cập vào dữ liệu tìm thấy trên mạng internet, và cũng đồng thời là điểm khởi đầu của cả một ngành thương mại trị giá nhiều tỷ đô la.

20 năm trước, công cụ tìm kiếm Google được khai sinh, nó nắm sứ mệnh thay thế con người trong việc tìm kiếm thông tin trên mạng dựa vào sức mạnh của máy móc. Các giám đốc điều hành của Google, trong nhiều phiên họp và điều trần, đều luôn khẳng định rằng thuật toán của họ hoàn toàn khách quan và không thể bị ảnh hưởng bởi thành kiến của con người hay những cân nhắc về mặt kinh doanh.

Trong một bài blog, công ty này viết rằng: "Chúng tôi không sử dụng nhân lực là con người để thu thập, chọn lọc hay sắp xếp kết quả tìm kiếm trên trang". Tuy nhiên, họ cho biết rằng mình không thể cung cấp chi tiết cách hoạt động của thuật toán bởi điều này sẽ ảnh hưởng tới quá trình hoạt động của công ty này về lâu dài và trở thành kẽ hở cho những kẻ muốn lợi dụng hệ thống này.;        

Dẫu vậy, lời tuyên bố trên lại mâu thuẫn với những gì đang xảy ra phía sau nơi hậu trường. Google đã tái thiết kế và can thiệp vào kết quả tìm kiếm nhiều hơn những gì mà các giám đốc điều hành của công ty này thừa nhận. Đây là những động thái phản ứng trước áp lực về kinh doanh, trước những nhóm lợi ích bên ngoài và trước mỗi chính phủ trên toàn thế giới. Năm 2016 là thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và cũng là dấu mốc cho sự xuất hiện của làn sóng thông tin sai sự thật trên mạng. Nhưng ít ai biết được rằng đó còn là điểm khởi đầu của sự bùng nổ về số lần công ty này can thiệp vào thuật toán của mình.

Hướng tiếp cận mới kể trên chính là bước chuyển dịch từ triết lí ban đầu của công ty này là "tổ chức hệ thống thông tin toàn cầu" sang một xu hướng mới: thường xuyên thay đổi cách thông tin được bày ra.

Dưới đây là kết luận từ cuộc điều tra dài kì của trang Wall Street Journal. Kết quả của hơn 100 cuộc phỏng vấn và thử nghiệm của trang tin này đã hé lộ những điểm sau:

  • Google đã thực hiện nhiều thay đổi về mặt thuật toán để thiên vị cho những công ty lớn. Công ty này cũng đã từng thực hiện thay đổi theo yêu cầu của eBay, một đối tác quảng cáo lớn, đây là hành vi trái với những gì mà Google công khai. Theo thông tin thu được từ những người trong cuộc thì ông lớn tìm kiếm này còn tìm cách để đẩy kết quả trỏ tới những trang web lớn như Amazon hay Facebook lên trên.
  • Ngoài kết quả tìm kiếm, các kĩ sư của Google còn thường xuyên điều chỉnh những thông tin khác bao gồm gợi ý nhanh, bảng kiến thức chung, nội dung trích dẫn từ một kết quả tiêu biểu và danh sách tin tức liên quan trả về. Hành động này cũng đã vi phạm vào những chính sách của công ty, giới hạn về phần nội dung có thể được thay đổi bởi kĩ sư.
  • Mặc dù Google luôn công khai phủ định, nhưng công ty này vẫn giữ một danh sách đen chứa tên của những trang web phải bị loại bỏ hoặc không được hiển thị vị trí cao cho một số loại kết quả trả về nhất định. Danh sách này không hề thuộc phạm vi yêu cầu bởi Mỹ hay bất kì điều luật quốc tế nào và nhắm tới những nội dung lạm dụng trẻ em hay vi phạm bản quyền và những trang web cố tình spam nhằm tăng thứ hạng một cách bất chính.
  • Trong tính năng gợi ý nhanh cụm từ, các kĩ sư của Google đã tạo ra những thuật toán và danh sách đen để loại bỏ những đề xuất có tính "kích động" cho những vấn đề gây tranh cãi như nạn nạo phá thai hay nhập cư.
  • Nhân viên và các giám đốc điều hành của Google trong đó có đồng sáng lập Larry Page và Sergey Brin đã có nhiều ý kiến trái chiều nhau về mức độ mà công ty này nên can thiệp vào kết quả tìm kiếm. Ngoài ra, nhân viên của Google cũng có quyền yêu cầu chỉnh sửa kết quả tìm kiếm cho một vài cụm từ cụ thể, trong đó có hai ví dụ là "tiêm chủng" và "bệnh tự kỉ".
  • Google đã sử dụng hàng ngàn nhân công giá rẻ cho mục đích đánh giá chất lượng thứ hạng tìm kiếm sắp xếp bởi thuật toán. Trong các cuộc phỏng vấn của Wall Street Journal, những kiểm duyệt viên này cho biết rằng họ phải làm việc theo những tiêu chí đánh giá  đề xuất bởi Google, kết quả đánh giá sau đó sẽ được xem xét bởi chính công ty này. Tập hợp những đề xuất và thứ hạng kể trên sau đó sẽ được sử dụng để điều chỉnh thuật toán.

Google can thiệp vào thuật toán để sửa kết quả (phần 1: sự thiên vị)

Những phát hiện bởi trang báo Wall Street Journal chính là một lát cắt ngang qua những biện pháp mà Google sử dụng để làm dịu đi những lo ngại ngày một leo thang bởi các nhà lập pháp trên toàn thế giới về cách mà công ty này sử dụng thứ sức mạnh khổng lồ của mình. Ví dụ về các vấn đề được quan ngại bao gồm hành vi cạnh tranh không lành mạnh, thiên kiến chính trị và làn sóng thông tin sai sự thật.

Trái ngược với "tôn chỉ" của mình, công ty này thường xuyên thay đổi, điều chỉnh thuật toán tìm kiếm của mình sao cho vừa đem tới kết quả tìm kiếm liên quan tới người dùng vừa khơi thông dòng chảy lợi nhuận, thứ giúp góp phần vào khoản lãi thường niên hiện đã vượt qua mốc 30 tỷ USD của công ty mẹ. Google hiện nay đã trở thành trang web có lưu lượng truy cập lớn nhất trên thế giới, đồng thời chiếm trên 90% thị phần chiếc bánh mang tên công cụ tìm kiếm. Công ty mẹ của Google, là Alphabet, hiện đang có giá trị vốn hóa thị trường trên 900 tỷ đô la.

Tính riêng trong năm 2018, Google đã thực hiện hơn 3.200 điều chỉnh cho thuật toán của mình, vượt xa con số 2.400 lần vào năm 2017 và 500 lần của năm 2010. Công ty này cho biết rằng 15% yêu cầu tìm kiếm mà họ nhận được là từ hoặc cụm từ mà thuật toán chưa bao giờ gặp phải. Điều này đỏi hỏi các kĩ sư phải luôn tìm cách để đảm bảo khả năng mang lại kết quả liên quan nhất cho người dùng.

Bày tỏ sự phản đối trước kết luận của Wall Street Journal, một phát ngôn viên của Google cho rằng: "Những gì mà chúng tôi làm hôm nay là mang lại những kết quả tìm kiếm liên quan nhất từ những nguồn đáng tin cậy nhất, tôn chỉ này vẫn luôn được duy trì cho đến tận ngày hôm nay".

Lara Levin, một phát ngôn viên của công ty, còn khẳng định rằng Google luôn rõ ràng, minh bạch trong những chỉ dẫn dành cho các kiểm duyệt viên và định hướng thiết kế thuật toán mà họ luôn theo đuổi.

Google can thiệp vào thuật toán để sửa kết quả (phần 1: sự thiên vị)

Google can thiệp vào thuật toán để sửa kết quả (phần 1: sự thiên vị)

Cuộc thử nghiệm của Wall Street Journal kéo dài một vài tuần, trong khoảng thời gian ấy, họ thử so sánh kết quả tìm kiếm bởi Google với Bing của Microsoft và DuckDuckGo, một công cụ tìm kiếm hướng tới tính bảo mật với bộ kết quả được cung cấp bởi dữ liệu từ các công ty khác trong đó có cả Yahoo.

Kết quả thử nghiệm đã cho thấy sự khác biệt lớn giữa cách mà Google xử lí các cụm từ gợi ý và giữa thứ tự các trang trang web được sắp xếp bởi thuật toán của công ty này sao cho liên quan nhất tới truy vấn từ người dùng.

Cô Levin, một người phát ngôn của Google, không đưa ra lời bình luận về kết quả chi tiết mà WSJ thu được. Nhưng cô khẳng định: "Hệ thống của chúng tôi nhắm tới việc mang lại những kết quả liên quan từ những nguồn có căn cứ", cô còn bổ sung thêm rằng kết quả của thuật toán tìm kiếm "không thể đại diện cho toàn bộ những thông tin có thể truy cập được từ công cụ tìm kiếm".

Tính năng gợi ý của Google hoạt động nhờ vào một cơ sở dữ liệu khổng lồ chứa thông tin tìm kiếm cùng những dữ liệu cá nhân như vị trí hay lịch sử tìm kiếm để dự đoán những gì mà người dùng sẽ nhập tiếp. Từ những số liệu thu được bởi WSJ, ta có thể thấy được cái giới hạn mà Google đặt ra cho những tính năng tự động gợi ý.

Nếu ta thử tìm kiếm bằng tên hai cái tên là "Joe Biden" và "Donald Trump", thì những từ xuất hiện trong phần gợi ý của Google có giọng điệu vô hại hơn các công cụ khác. Điểm khác biệt này cũng tiếp tục xảy ra nếu ta thay hai cái tên trên bằng những ứng cử viên tổng thống khác.

Ngoài sử dụng tên người, WSJ còn thử tìm kiếm những cụm từ khác như "nhập cư" hay "phá thai" để thử nghiệm tính năng gợi ý. Họ cũng nhận thấy rằng những gợi ý từ Google đều sẽ không mang tính kích động như các công cụ khác.

Gabriel Weinberg, giám đốc điều hành của DuckDuckGo, cho biết rằng công cụ này sẽ chặn toàn bộ gợi ý cho một số từ hoặc cụm từ nhất định được nhập vào ô tìm kiếm đặc biệt là nhóm từ mang tính công kích. Song, ông cũng bổ sung thêm là những từ sử dụng trong cuộc thử nghiệm của WSJ không hề nằm trong danh sách bị chặn kể trên.

Người phát ngôn của Yahoo thì khẳng định: "Chúng tôi cam kết đem lại trải nghiệm tìm kiếm an toàn, đáng tin cậy tới người dùng và những đối tác của mình. Đồng thời chúng tôi luôn làm việc chăm chỉ để đảm bảo rằng những gợi ý tìm kiếm của Yahoo Search sẽ luôn phản ánh cam kết ấy".

Microsoft cũng lên tiếng: "Chúng tôi luôn đảm bảo rằng kết quả tìm kiếm mà mình mang tới sẽ là liên quan, trung lập và đáng tin nhất có thể và nhìn chung, quy tắc của chúng tôi là hạn chế can thiệp vào hoạt động của thuật toán".

Trong các phần khác của cuộc thử nghiệm trên, kết quả tìm kiếm và tin tức hiển thị cho những cụm từ được nhiều người chú ý và tên của các chính trị gia đều được đến từ các hãng tin theo hai tư tưởng đối lập là bảo thủ và tự do.

Google can thiệp vào thuật toán để sửa kết quả (phần 1: sự thiên vị)

Thuật toán là một chuỗi những chỉ thị cho máy tính về cách thức để giải quyết mỗi vấn đề cụ thể. Nó là thứ vận hành không chỉ mạng internet mà còn cả những ứng dụng phổ biến trên điện thoại và máy tính bảng.

Thuật toán xác định bài viết của người ai sẽ hiển thị trên newfeed Facebook của bạn, xem bài đăng trên Twitter nào sẽ sớm nổi tiếng hay sự thay đổi về giá cả của cuốc xe Uber trong giờ cao điểm và vào nửa đêm. Chúng cũng được sử dụng bởi các ngân hàng để sàng lọc các đơn vay vốn; bởi nhà tuyển dụng để tìm kiếm ứng cử viên xin việc phù hợp; bởi các công ty bảo hiểm để ước tính tuổi thọ của một người bất kì nào đó.

Ban đầu, sức mạnh của thuật toán là chủ đề mà ít ai đặt ra nghi vấn. Google là một ví dụ, cái thuật toán mà công ty này mang tới chính là một đột phá trong việc xếp hạng nội dung của các trang web. Công ty này đã hướng tới việc giúp không gian mạng trở nên hữu dụng hơn chỉ với niềm tin rằng những dòng code ấy sẽ gánh vác vai trò lớn nhất trong việc tìm ra cách để đánh giá thứ hạng của thông tin.

Nhưng rồi số những kẻ xấu muốn lợi thao túng kết quả tìm kiếm ngày càng nhiều, các công ty cũng tìm đủ chiêu trò để vượt mặt nó, làn sóng thông tin sai sự thật dần nổi lên, nhấn chìm các nền tảng công nghệ. Google lúc này nhận ra rằng mình cũng đang phải đối mặt với cái thứ áp lực đã đè nặng lên vai của Facebook, nền tảng được sinh ra để kết nối con người nhưng bị biến tướng để rồi phải tìm đủ biện pháp mạnh tay để chấn chỉnh nội dung của mình.

Một cuộc đánh giá nội bộ thực hiện bởi Google vào năm 2016 cho thấy tỷ lệ số truy vấn có trả về thông tin sai sự thật dao động từ 0,1% đến 0,25%. Đây là chỉ là những con số rất nhỏ nhưng với lượng tìm kiếm khổng lồ thực hiện bởi công ty này thì phần tưởng chừng bé ấy cũng đủ để đạt tới con số gần 2 tỷ lượt mỗi năm. Trong khi ấy, chỉ vì sơ suất để những thông tin sai lệch từ Nga truyền tới màn hình của 126 triệu người dùng, Facebook đã phải đối mặt với những kiểm soát gắt gao từ Quốc Hội Mỹ.

Tuy vậy, phát ngôn viên Levin của Google không đồng tình với con số trên, cô cho rằng đây là phần bao gồm cả những thông tin sai sự thật cùng với "một lượng lớn nội dung được gắn mác chất lượng kém". Google không hề tiết lộ số liệu chi tiết về nền tảng tìm kiếm của mình.

Google đã thành lập một nhóm nhỏ có tên là Project Owl để khắc phục vấn đề kể trên. Mượn những chiến lược trước đó trong việc phòng chống nạn spam, nhóm này đã tìm ra nhiều yếu tố để đánh giá tính "đáng tin cậy" của nội dung, theo đó những trang không bộc lộc những đặc tính này sẽ bị đánh tụt hạng.

Những nền tảng công nghệ khác trong đó có Facebook, đã có nhiều cách tiếp cận mạnh mẽ hơn, bao gồm việc loại bỏ thủ công nội dung có vấn đề và đưa ra những bộ quy tắc định nghĩa thế nào là thông tin sai sự thật. Còn về phần của mình, Google cho rằng họ chỉ là công cụ để lập danh sách cho nội dung chứ không phải là nơi đăng tải chúng như Facebook, tức là công ty này sẽ không cần phải tích cực phản ứng trước những nội dung độc hại giống với các nền tảng khác.

Một giám đốc điều hành mảng tìm kiếm của Google cho rằng việc quyết định xem thông tin nào là đúng hay sai là việc rất khó, công ty này không hề muốn phải đi vào con đường khó khăn ấy.

Theo lời kể của những người trong cuộc, trong khoảng thời gian ông lớn này bắt đầu khắc phục làn sóng của thông tin sai lệch, nó bắt đầu giải quyết nhiều khiếu nại hơn, tới mức mà sự can thiệp của con người vào thuật toán trở thành "chuyện thường ngày". Đây là khoảng thời gian mà công ty này phải đặt mình vào vai trò đánh giá xem đâu là đúng, đâu là sai cho những vấn đề phức tạp nhất của xã hội. Theo đó, Google đã có một vài thay đổi tới kết quả tìm kiếm nhằm nâng cao thứ hạng cho những trang web đáng tin cậy như Đường dây nóng phòng chống tự tử của Mỹ, song công ty này chỉ tiết lộ rất ít thông tin về thời điểm hay lí do của những tinh chỉnh được thêm vào.

Sự công bằng và tính cạnh tranh tại nhiều thị trường nơi nằm trong tầm ảnh hưởng bởi quyền năng của Google chính là thứ mà các công ty, các nhà lập pháp và các công ty quảng cáo quan tâm nhất. Mối quan tâm này đã dần trở thành sự cảnh giác cao độ trước bất kì động thái dù to hay nhỏ của công ty này.

Đầu năm nay, Bộ Tư pháp Hoa Kì đã mở một phiên điều tra chống độc quyền mà một phần trọng tâm của cuộc mổ xẻ là chính sách tìm kiếm và hoạt động của Google. Năm trước, Quốc Hội Mỹ đã hai lần yêu cầu Google cho lời khai về vấn đề liên quan tới thiên kiến chính trị. Ở Liên Minh Châu Âu, công ty này đã lãnh án phạt với tổng số tiền trên 9 tỷ USD chỉ trong ba năm qua với những cáo buộc về hành vi chống cạnh tranh, và việc sử dụng công cụ tìm kiếm của mình để quảng bá cho chính sản phẩm của công ty này.

Đáp lại, Google cho rằng họ đã phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực công nghệ đầy năng động này và quyết định của họ chỉ là để đem lại cho khách hàng nhiều sự lựa chọn khác nhau chứ không phải để đối đầu với các công ty khác. Họ hiện đang kháng cáo về những quyết định của EU, đồng thời phủ định toàn bộ cáo buộc liên quan tới những thiên kiến mang tính chính trị.

Google can thiệp vào thuật toán để sửa kết quả (phần 1: sự thiên vị)

Google can thiệp vào thuật toán để sửa kết quả (phần 1: sự thiên vị)

Google hiếm khi công bố bất kì thông tin chi tiết nào về những thay đổi của thuật toán, chính những thay đổi ấy đã khiến các công ty khác và nhóm lợi ích khó chịu với cái tính cách "sáng nắng chiều mưa" của gã khổng lồ này.

Từ một cuộc thảo luận sôi nổi trong nội bộ công ty này, các kĩ sư đã nhất chí rằng sẽ điều chỉnh kết quả tìm kiếm nhằm ưu tiên các công ty lớn hơn, họ lập luận rằng khách hàng sẽ sẵn sàng bỏ tiền hơn cho sản phẩm của những hãng có tên tuổi. Một hệ quả của quyết định này chính là việc sản phẩm của Amazon xuất hiện dày đặc trong kết quả tìm kiếm, kể cả khi đó là sản phẩm đã bị ngừng kinh doanh.

Đây cũng là vấn đề được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các cuộc họp thường niên giữa các giám đốc điều hành của Google về những thay đổi trong thuật toán. Tuy nhiên họ đều quyết định vẫn sẽ duy trì thuật toán này.

Các kĩ sư của Google cho biết họ hiểu rằng đây là trò chơi một mất một còn: việc một kết quả được nâng lên thứ hạng cao hơn đồng nghĩa với việc một kết quả khác sẽ bị hạ bậc, để lại sau đó là những tác động đáng kể đến những công ty, doanh nghiệp có liên quan.

Phát ngôn viên Google khẳng định công ty này không hề có bất kì định hướng trong việc đánh giá kết quả nào tìm kiếm cho thấy rằng những trang web lớn là đáng tin hơn những nguồn nội dung nhỏ hơn. Cô cũng bổ sung: "Những cáo buộc về việc chúng tôi bàn quan trước vấn đề ‘leo top' của những kết quả trả về các sản phẩm đã ngừng kinh doanh là hoàn toàn không đúng sự thật".

Nhiều chỉnh sửa mà Google thực hiện lại trùng khớp với xu hướng phát triển của công ty này: từ một công ty chuyên về kĩ thuật thành một đế chế quảng cáo và với doanh thu thuộc hàng bậc nhất thế giới. Doanh thu tính riêng từ mảng này, bao gồm cả quảng cáo ở mục tìm kiếm và các ứng dụng khác, của Google đã cán mốc 116,3 tỷ đô la trong năm trước.

Có nguồn tin lân cận cho biết rằng một số công ty quảng cáo lớn thậm chí còn nhận được những hỗ trợ trực tiếp để giúp cải thiện vị trí của họ trên kết quả tìm kiếm, đây là một đặc quyền mà không phải công ty nào nằm ngoài mối liên hệ với Google có được. Thậm chí là có trường hợp cá biệt còn được liên hệ với nhóm kĩ sư của mảng tìm kiếm để trực tiếp giải thích một vấn đề cụ thể nào đó.

Jeremy Cornfeldt, giám đốc điều hành của iProspect trực thuộc công ty Dentsu Hoa Kì, tiết lộ rằng công ty của mình là một trong những đối tác quảng cáo lớn nhất của Google. Ông bổ sung: "Bất kể khi nào họ chỉnh sửa thuật toán, đội ngũ của tôi sẽ được giải thích trực tiếp qua điện thoại". Cornfeldt khẳng định: có những thông tin mà Google không hề chia sẻ công khai với toàn bộ các đối tác quảng cáo của mình. iProspect chỉ là một trong số những công ty có mối liên hệ lân cận với ông trùm tìm kiếm này, ngoài ra còn có những cái tên như Levi Strauss, Alcon và Wolverine World Wide.

Cựu giám đốc điều hành của một công ty trong danh sách Fortune 500, người từng nhận được lời khuyên trực tiếp từ Google, cho hay: gã khổng lồ này thường xuyên điều chỉnh cách mà họ thu thập dữ liệu và xếp hạng các trang mạng như một cách để hợp tác với các trang web lớn. Cũng có thông tin tiết lộ bởi người trong cuộc cho rằng Google thường xuyên cập nhật chỉ mục của mình về một số trang web lớn trong đó có Facebook và Amazon để đưa chúng lên thứ hạng cao hơn trong kết quả tìm kiếm.

Vị cựu giám đốc trên cũng khẳng định: "Mệnh đề cho rằng thuật toán tìm kiếm là trung lập và không bị tác động bởi con người đều chỉ là những lời nhảm nhí. Luôn có những trường hợp cá biệt được Google đặc cách xử lí".

Phát ngôn viên Levin của Google thì bác bỏ thông tin rằng công cụ tìm kiếm này đã cung cấp chỉ dẫn nội bộ cho chủ trang web. Cô cũng khẳng định thêm: quá trình tạo chỉ mục nhanh hơn không giúp tăng thứ hạng cho trang web đó. Levin nhấn mạnh: "Chúng tôi đánh giá kết quả dựa trên những tác động của nó chứ không trên bất kì mối quan hệ làm ăn nào".

Google can thiệp vào thuật toán để sửa kết quả (phần 1: sự thiên vị)

Trong một khoảng thời gian dài. Google góp tới hơn 30% lưu lượng truy cập vào trang bán hàng trực tuyến eBay. Tuy nhiên, lượng người truy cập vào trang này bỗng nhiên giảm mạnh vào năm 2014, hệ quả là làm bốc hơi 200 triệu USD doanh thu trong bản báo cáo thường niên của eBay. Google cho biết là họ đã quyết định hạ thứ hạng của một số lượng lớn đường dẫn tới chợ điện từ này, đây chính là nhân tố làm ảnh hưởng tới lưu lượng truy cập vào eBay.

Một nguồn tin lân cận tiết lộ rằng để phản ứng trước động thái kể trên, eBay đã rút toàn bộ khoản ngân sách quảng cáo có giá trị lên tới 30 triệu USD khỏi Google, công ty này sau đó còn tiếp tục tăng áp lực cho cả nhân viên lẫn quản lí của ông trùm tìm kiếm bằng việc yêu cầu một cuộc họp với nhóm kĩ sư của mảng tìm kiếm. Trước đó, một sự kiện tương sự cũng đã xảy ra. Khi ấy, eBay đã thành lập một nhóm để thuyết phục Google cho hướng dẫn về cách giải quyết vấn đề, họ còn mượn cả mối liên hệ từ một cựu nhân viên Google đang làm việc dưới chướng của mình để tăng tính tác động.

Lần ấy, Google đã đồng ý cải thiện thứ hạng cho một lượng lớn các kết quả bị hạ bậc nhưng đồng thời eBay cũng phải thực hiện nhiều thay đổi lên trang web của mình để khiến chúng trở nên "liên quan và hữu dụng hơn". Song việc thay đổi trên quy mô lớn này lại rất khó khăn và tốn kém, đây là là nguyên nhân xảy ra của lần tụt hạng diễn ra sau đó tới mức mà chính Google cũng bó tay.

Phát ngôn viên của eBay kể: "Chúng tôi đã phải trải qua việc bị liên tục mất thứ hạng của Google SEO trong nhiều năm trời, điều này đã gây ra nhiều bất lợi cho các doanh nghiệp nhỏ mà eBay đang hỗ trợ". Cụm từ SEO được nhắc tới trong trích dẫn trên chính là search-engine optimization (tối ưu hóa cho công cụ tìm kiếm), nó là tập hợp những cách thức để tăng lưu lượng truy cập trang web từ các công cụ tìm kiếm.

Phát ngôn viên Levin từ chối đưa ra bình luận về vụ eBay.

Tuy nhiên, eBay không phải là phía duy nhất bị ảnh hưởng, nhiều công ty khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, chỉ khác ở một chi tiết: cái kết có hậu.

Dan Baxter còn nhớ y nguyên cái thời điểm mà trang web của anh – DealCatcher – bị ảnh hưởng bởi sự điều chỉnh về thuật toán của Google. Đó là vào lúc 6 giờ tối Chủ Nhật, ngày 17/2. Sáng hôm sau, Baxter đã nhận được một cuộc gọi từ một trong 12 nhân viên của mình.

"Anh có đã xem qua lưu lượng truy cập của chúng ta chưa?", người nhân viên này tức tốc hỏi. Nguyên nhân cho sự nóng vội ấy chính là do trang web của họ đã mất tới 93% số người truy cập mà không rõ lí do. Mới chỉ một ngày trước đó, đã có khoảng 31.000 người truy cập DealCatcher từ tìm kiếm Google. Ấy vậy mà chỉ một ngày sau, con số ấy đã tụt giảm chỉ còn 2.400. Cái tên DealCatcher đã gần như biến mất hoàn toàn trên kết quả tìm kiếm của Google.

Baxter kể rằng khi ấy anh không quen ai ở Google để liên lạc, bởi vậy anh đã thuê một chuyên gia tư vấn để giúp mình tìm xem chuyện gì đã xảy ra. Người này sau đó đã tìm tới một mối quen ở Google nhưng cũng không thu thập được thông tin gì. Baxter cũng thử đăng tải nghi vấn của mình rằng liệu có phải một vài vấn đề liên quan tới kĩ thuật đã xảy ra hay không lên một diễn đàn vận hành bởi một nhân viên Google nhưng dường như ý tưởng này không nhận được sự tán thành bởi người chủ trang web.

Tròn một tháng kể từ ngày diễn ra sự cố, lưu lượng truy cập vào trang web của Baxter bỗng nhiên trở lại. Tới nay, đây vẫn còn là một nghi vấn tồn tại trong tâm trí của anh. Anh kể: "Điểm kì dị của trải nghiệm này, đối với tôi, chính là việc bạn không thể biết hay cảm nhận được điều gì đang diễn ra".

Google từ chối đưa ra bình luận về vụ việc xảy ra với DealCatcher.

Còn tiếp…

Trung ND theo Wall Street Journal

Top