Người dùng internet Trung Quốc không thể sử dụng Google Search nếu không có VPN, ấy thế nhưng Chrome lại nắm giữ thị phần cao nhất trên thị trường trình duyệt web nước này.
Russel Zeng sống tại thành phố Thâm Quyến ở phía nam Trung Quốc. Nhưng đối với anh, Google Chrome giống như cánh cửa sổ mở ra cả thế giới.
Từ văn phòng của mình tại thành phố được mệnh danh là "Thung lũng Silicon của Trung Quốc", Zeng - vốn là nhân viên một công ty công nghệ - đọc các trang tin tức tiếng Anh bằng trình duyệt web của Google trên máy tính. Với FireShot, một trong vô số những phần mở rộng miễn phí dành cho Chrome, anh chụp ảnh màn hình các bài báo có vẻ hữu ích và chia sẻ chúng với đồng nghiệp. Để cải thiện kỹ năng viết tiếng Anh, Zeng sử dụng phần mở rộng Grammarly để kiểm tra lỗi chính tả và nhận đề xuất từ chính xác.
"Tôi không nhớ chính xác tại sao tôi lại chuyển sang Chrome vài năm về trước. Tôi nghĩ tôi gặp khó khăn khi cài các phần mở rộng trên Safari và QQ Browser, và Chrome là cái tên mà tôi được nghe nhắc đến nhiều nhất bởi bạn bè mình khi tôi đề nghị họ giới thiệu một trình duyệt mới" - anh cho biết.
Zeng không phải là người duy nhất lựa chọn Chrome tại Trung Quốc.
Đây là trình duyệt được sử dụng nhiều nhất tại Trung Quốc đại lục - theo nhiều nguồn dữ liệu khác nhau.
Trên cả desktop và smartphone, Chrome nắm giữ từ 36 - 39% thị phần của thị trường trình duyệt trong năm 2020, theo dữ liệu phân tích của Baidu. Có tháng, nó đánh bại hai trình duyệt đối thủ nhiều tiềm năng nhất là Internet Explorer của Microsoft và QQ Browser của Tencent Holdings với mức chênh lệch thị phần lên đến hơn 28%.
Dữ liệu mới nhất từ CNCERT, cơ quan phản ứng khẩn cấp sự cố máy tính quốc gia của Trung Quốc, cho thấy kết quả tương tự. Cụ thể, báo cáo của CNCERT tiết lộ Chrome chiếm 30% thị trường trình duyệt di động trong quý III/2019.
Tất nhiên, mức độ phổ biến của Chrome tại Trung Quốc không thể bằng phần còn lại của thế giới được. Theo StatCounter, trình duyệt này chiếm 2/3 thị phần thị trường toàn cầu. Nhưng tại Trung Quốc đại lục, nơi hầu hết các dịch vụ của Google bị chặn, thì "miếng bánh" của Chrome đơn giản chỉ nổi bật hơn một chút so với các đối thủ mà thôi.
Bộ máy tìm kiếm của Google đã bị chặn tại Trung Quốc kể từ năm 2010, khi Google ngừng kiểm duyệt kết quả tìm kiếm sau một loạt các vụ tấn công mạng bắt nguồn từ nước này. Từ thời điểm đó, gần như mọi dịch vụ của Google đã bị chặn tại Trung Quốc, bao gồm cả cửa hàng ứng dụng Google Play. Dù rất nhiều ứng dụng Google vẫn hiện diện trên iOS của Apple và các cửa hàng ứng dụng Android tại Trung Quốc, hầu hết sẽ không hoạt động nếu không sử dụng mạng riêng ảo (VPN).
Nhưng Chrome không yêu cầu phải kết nối đến máy chủ của Google khi hoạt động. Tại Trung Quốc, bạn có thể tải Chrome trực tiếp từ địa chỉ www.google.cn/chrome. Ứng dụng này còn cho phép bạn chuyển bộ máy tìm kiếm mặc định từ Google sang các bộ máy khác như Baidu và Bing, vốn vẫn được phép hoạt động tại Trung Quốc.
"Tại Trung Quốc, mọi người chọn Google Chrome về cơ bản là bởi nó nhanh hơn và thân thiện với người dùng hơn" - theo lời Yuwan Hu, một nhà phân tích thuộc công ty nghiên cứu thị trường Daxue Consulting. "Tốc độ là lý do chính".
Trên một số cửa hàng ứng dụng, Chrome tồn tại bên cạnh nhiều đối thủ. Các trình duyệt của Microsoft và Mozilla đều có thể được cài đặt một cách dễ dàng. Và những gã khổng lồ công nghệ trong nước như Tencent, Sogou Alabama Group Holding...cũng đều sở hữu những trình duyệt của riêng họ. Các nhãn hiệu điện thoại trong nước là Xiaomi và Oppo cũng có trình duyệt riêng, được cài đặt sẵn trong các thiết bị bán ra thị trường.
Khi lựa chọn một trình duyệt để sử dụng, nhiều người dùng vẫn chọn Chrome. Và họ có vô vàn lý do giải thích cho việc đó.
"Google Chrome đơn giản hơn" - một người dùng viết trên trang Zhihu như vậy. "Nó cho phép bạn tập trung vào các trang web và quên đi bản thân trình duyệt".
Một người khác viết rằng: "Lý do tôi không thích hầu hết các trình duyệt Trung Quốc là chúng quá tập trung vào lợi nhuận. Về cơ bản, chúng không phải là các trình duyệt mà là những công cụ để các công ty quảng cáo và săn lùng người dùng".
Khi bạn lần đầu mở Google Chrome, bạn sẽ thấy một trang gần như trống, trừ một vài thứ: một thanh địa chỉ kết hợp tìm kiếm, vài shortcut đến các website phổ biến, và đôi lúc là một bài viết được đề xuất.
Một trình duyệt Trung Quốc đặc trưng trông khá khác biệt.
Thanh địa chỉ và tìm kiếm nằm trên cùng. Ngay bên dưới là một bài viết đề xuất từ một trang web thuộc nhà nước, tiếp đó là một tràng dài vô tận các bài viết trực tuyến khác từ nhiều nguồn khác nhau. Đó là chưa kể chúng còn có khá nhiều tab khác dẫn đến nhiều bài viết hơn nữa nhằm dụ dỗ người dùng đọc và xem video.
Bố cục như vậy sẽ xoá nhoà lằn ranh giữa một trình duyệt chính thống và một ứng dụng tin tức. Jinri Toutiao, một ứng dụng Trung Quốc đến từ ByteDance (công ty sở hữu TikTok), được biết đến như một ứng dụng tổng hợp tin tức với lối thiết kế tương tự. Bên cạnh việc cung cấp nhiều bài viết tin tức, ứng dụng còn kiêm luôn vai trò trình duyệt và bộ máy tìm kiếm, cho phép bạn gõ các từ khoá tìm kiếm và các địa chỉ web vào thanh tìm kiếm.
Thiết kế đó từ lâu đã là công thức thành công đối với những startup như ByteDance, vốn là chuyên gia trong việc lôi kéo người dùng dán mắt vào màn hình thông qua những luồng thông tin được cá nhân hoá xuất hiện liên tục. Nhưng đó có phải là một giải pháp lý tưởng để xây dựng một trình duyệt hay không lại là câu hỏi khác. Và một lượng lớn người dùng Trung Quốc dường như thích trình duyệt của họ ít rắc rối và có giá trị thực tế cao hơn, như Chrome vậy.
"Chrome đi trước khá xa các trình duyệt khác. Nó nhanh hơn thấy rõ, giao diện thì đơn giản hơn, và không có pop-up" - Zeng nói. Trên một số trình duyệt Trung Quốc, quảng cáo đôi lúc nhảy xổ ra sau một quãng thời gian bạn không đụng vào ứng dụng.
Từ trái sang: Google Chrome, UC Browser, QQ Browser, và 360 Browser
Kaiser Kuo, cựu giám đốc quan hệ quốc tế của Baidu, cho biết phản ứng của người tiêu dùng đối với các trình duyệt trong nước có thể nảy sinh từ chiến thuật lôi kéo người dùng gay gắt của chúng, ví dụ như khiến việc gỡ cài đặt trở nên cực kỳ khó khăn. Nhưng ông nói thêm rằng sự thay đổi trong sở thích của người tiêu dùng có lẽ cũng đóng một vai trò nào đó.
Khi các công ty internet Trung Quốc bắt tay vào thiết kế website và ứng dụng vào cuối những năm 1990, phong cách tối giản chưa phổ biến - Kuo nói.
"Người tiêu dùng Trung Quốc muốn các cửa hàng nơi mọi thương gia tập nhồi nhét hàng lên các kệ với số lượng tối đa, cùng những lối đi nhỏ hẹp mà người ta phải chen lấn với nhau. Điều đó mang lại cảm giác sôi động" - ông cho biết.
"Phong cách thiết kế đời đầu đó tồn tại trên mạng trong một quãng thời gian dài đáng ngạc nhiên, và tôi nghĩ rằng nó vẫn được chấp nhận ở Trung Quốc nhiều hơn là tại Mỹ hay các quốc gia phương Tây. Tôi nghĩ khi người tiêu dùng trở nên tinh thông hơn, họ sẽ tìm kiếm một trải nghiệm mua sắm không mang lại cảm giác như lúc nào cũng đang có đợt giảm giá nóng vậy".
Đặt trải nghiệm người dùng sang một bên, một số người tránh sử dụng các trình duyệt nội địa vì những lý do không liên quan đến thiết kế hay tính hiệu quả. Một số trình duyệt Trung Quốc hạn chế truy cập đến các website!
Năm ngoái, khi một nhóm các lập trình viên Trung Quốc tổ chức biểu tình trực tuyến chống lại nạn làm việc quá sức, kho Github của họ đã bị kiểm duyệt trên các trình duyệt của Tencent, Xiaomi và Qihoo. Tường lửa của chính phủ dường như không phải là nguyên nhân, bởi website vẫn truy cập được trên các trình duyệt quốc tế như Chrome và Firefox mà không cần VPN.
"Đó chủ yếu là vấn đề về lập trường" - một người dùng viết trên Zhihu nhằm trả lời câu hỏi tại sao một số người xem Chrome tốt hơn các trình duyệt Trung Quốc.
"Có một website trên GitHub mà các lập trình viên dùng làm nơi bày tỏ sự bức xúc của họ với quy định 996, và bạn sẽ thấy các trình duyệt nội địa thông minh đến mức chúng giúp bạn chặn ngay thông tin đó"
Tuy nhiên, càng phổ biến, Chrome càng phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày một tăng kể cả tại Trung Quốc.
Hồi tháng 1, Microsoft đã tung ra một phiên bản mới của trình duyệt Edge, được xây dựng dựa trên Chromium mã nguồn mở của Google, biến nó thành gần như tương tự Chrome. Edge có nhiều tính năng giống Chrome, và thậm chí còn hỗ trợ cả các phần mở rộng của Chrome nữa.
Một số người dùng Chrome tại Trung Quốc đã nhận ra điều đó.
"Tôi quyết định chọn Edge bởi mọi người ở Trung Quốc thường không thể sử dụng tài khoản Google, nhưng Edge có các tính năng như nhập bookmark và phần mở rộng của Chrome. Đó là lý do tại sao tôi chọn Edge" - người dùng Zhihu viết.
Một người dùng khác chỉ ra rằng các phần mở rộng của Edge có thể được tải về từ website của Microsoft, vốn có thể truy cập được từ Trung Quốc đại lục, không như cửa hàng của Chrome.
"Các phần mở rộng trên Edge giống hệt trên Chrome! Và điều quan trọng là, không cần phải dùng ‘thang'!" - một người viết. "Thang" là tiếng lóng được sử dụng bởi cư dân mạng Trung Quốc nhằm ám chỉ VPN.
"Tôi muốn nói là tôi sẽ không sử dụng Google Chrome nữa".
Minh.T.T (theo SCMP)