Biến đổi khí hậu đã khiến nhiệt độ trung bình tại rừng Amazon tăng thêm 1,5 độ C. Và như một kết quả tất yếu của nạn tàn phá rừng và sự nóng lên toàn cầu, hạn hán xảy ra thường xuyên hơn. Chỉ riêng trong năm 2019, đã có hàng chục nghìn vụ cháy rừng, trong đó có hơn 900 nghìn hécta rừng Amazon bị thiêu trụi.
Theo số liệu từ tổ chức phi lợi nhuận Rainforest Foundation Norway, con người đã xóa sổ và làm suy thoái gần 2/3 diện tích rừng mưa nhiệt đới trên toàn thế giới. Một số nhà nghiên cứu lo ngại rằng các khu rừng mưa nhiệt đợi sẽ sớm vượt ngưỡng giới hạn, là ranh giới mà một khi đã vượt qua sẽ không thể quay trở lại, những cánh rừng xanh sẽ biến thành những vùng đất cằn cỗi.
Sông Iriri tại Amazonian, Brazil, ảnh chụp năm 2019 (Ảnh: CNN)
Dưới đây là 6 sự thật bạn cần biết về rừng mưa nhiệt đới, nơi chứa đựng nhiều sự sống nhất trên Trái Đất.
Rừng mưa là "điều hòa nhiệt độ" của Trái Đất
Hoạt động quang hợp của rừng mưa nhiệt đới chiếm khoảng 20% tổng số hoạt động quang hợp trên cạn. Chính vì vậy, cũng có thể nói rừng mưa là bồn chứa CO2 khổng lồ.
Người ta thường miêu tả rừng là "lá phổi xanh" của Trái Đất, nhưng thật ra, nói một cách chính xác hơn, thì rừng là chiếc "điều hòa nhiệt độ" của Trái Đất. Rừng giúp tách khí gây hiệu ứng nhà kính khỏi không khí, từ đó làm giảm hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Một số ý kiến cho rằng khi con người thải ra nhiều khí CO2 hơn thì các loài thực vật sẽ hấp thụ nhiều hơn. Nhưng một nghiên cứu năm 2015 phát hiện ra rằng khu rừng Amazon hấp thụ lượng khí CO2 ít hơn trước và thải ra nhiều khí CO2 hơn.
Sông Jurura tại Carauari, Brazil, ảnh chụp năm 2020 (Ảnh: CNN)
Rừng mưa nhiệt đới chỉ chiếm 6% diện tích đất, nhưng chiếm 50% sự đa dạng sinh học trên Trái Đất
Những cánh rừng mưa còn là nơi có độ đa dạng sinh học bậc nhất trên Trái Đất.
Các nhà khoa học tại Field Museum, Chicago, ước tính rằng chỉ riêng rừng Amazon đã là nơi trú ngụ của 16.000 loài thực vật. Hàng triệu loài thực vật, động vật và côn trùng sinh sống trong các cánh rừng mưa nhiệt đới. Và cứ mỗi ngày trôi qua, các nhà khoa học lại tiếp tục phát hiện thêm một số loài mới.
Một số loài thực vật được phát hiện trong các cánh rừng mưa đã góp phần quan trọng trong nghiên cứu, bào chế dược liệu. Các loài cây nhiệt đới chiếm một phần đáng kể trong các loại dược phẩm hiện đại, bao gồm cả những loại thuốc phổ biến như novocaine và quinine.
Có hơn 30 triệu người sinh sống trong rừng Amazon
Amazon là khu rừng nhiệt đới lớn rộng nhất thế giới, trải dài qua 8 quốc gia và che phủ 40% diện tích Nam Mỹ, tương đương khoảng 2/3 diện tích nước Mỹ. Thâm chí, rừng Amazon rộng hơn cả hai khu rừng xếp hạng kế sau nó cộng lại, Rhett Butler, một nhà nghiên cứu về rừng mưa nhiệt đới và là CEO của Mongabay, cho biết.
Đa số diện tích rừng Amazon nằm trong lãnh thổ của Brazil. Nhiều người đã chỉ trích rằng chính quyền của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro;không đủ quyết liệt để ngăn chặn nạn phá rừng. Trong một bản tin của CNN hồi tháng 4 đã trích dẫn rằng mục tiêu của chính quyền Brazil vào năm 2022 vẫn cho phép phá rừng nhiều hơn khoảng 16% so với những năm trước khi ông Bolsonaro nhậm chức.
Tình trạng chặt phá rừng ngày càng gia tăng
Theo một bài phân tích trên Tạp chí Nature, từ những năm 1970 đến nay, tình trạng chặt phá rừng đã làm giảm diện tích rừng Amazon khoảng 15%. Trong đó, hơn 19% diện tích bị chặt phá nằm trong lãnh thổ Brazil. Năm 2019, cũng là năm Amazon phải gánh chịu trận cháy rừng tồi tệ nhất lịch sử, nạn phá rừng tại Brazil tăng đến 30%.
Theo Butler, khoảng 70% diện tích rừng Amazon bị chặt phá là để lấy đất chăn thả gia súc.
Rừng mưa nhiệt đới sẽ mất độ ẩm khi cây cối bị chặt phá, từ đó sẽ làm tăng nhiệt độ không khí và dẫn đến tình trạng hạn hán.
Một trận cháy rừng Amazon tại Para, Brazil hồi tháng 8/2020 (Ảnh: CNN)
Năm 2019, nạn cháy rừng đã thiêu rụi hơn 900.000 hécta rừng Amazon
Đó cũng là trận cháy rừng tội tệ nhất lịch sử của rừng Amazon. Theo Viện nghiên cứu Không gian quốc gia Brazil, có những thời điểm, cứ mỗi phút trôi qua, một khu vực có diện tích gấp 1,5 lần sân bóng đá bị thiêu rụi.
Theo Christian Poirier, giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Amazon Watch, những người nông dân và người chăn nuôi gia súc thường sử dụng lửa để phát quang các khu vực rậm rạp, và có khả năng những đám cháy nhỏ này là nguyên nhân dẫn đến số trận cháy rừng tăng cao bất thường tại Amazon.
Minh Bảo theo CNN