Starlink là gì, và internet vệ tinh hoạt động ra sao?


Dự án Starlink của SpaceX sẽ cung cấp cho người dùng kết nối internet từ các vệ tinh. Nhưng internet vệ tinh hoạt động ra sao, và liệu nó có hữu ích đối với những vùng sâu vùng xa?

Nếu bạn nhìn lên bầu trời đêm xinh đẹp vào một buổi tối của năm 2020, bạn có lẽ đã chú ý thấy một vài thứ mới mẻ vừa xuất hiện giữa các vì sao. Chúng ta không phải đang nói đến những vị khách ngoài hành tinh, mà là hàng trăm vệ tinh bay trên quỹ đạo thấp của Trái đất, góp phần tạo nên dự án Starlink của SpaceX.

Vậy Starlink là gì? Khi nào Starlink sẽ được triển khai cho người tiêu dùng thông thường? Và bằng cách nào mà internet vệ tinh có thể trở thành hiện thực?

Starlink là gì?

Starlink là một dự án chòm sao vệ tinh, trong đó có hàng ngàn vệ tinh cỡ nhỏ được phóng lên quỹ đạo thấp của Trái đất (viết tắt là LEO - Low Earth Orbit), nằm cách mặt đất 550km. Tín hiệu internet sẽ được bắn từ các vệ tinh thẳng xuống các thiết bị thu nhận trên mặt đất, sau đó những thiết bị này sẽ phát tín hiệu thông qua hệ thống cục bộ hoặc trực tiếp qua dây nối với router Starlink của bạn.

Starlink không giống như một tín hiệu điện thoại hay 5G. Nó cho phép một hộ gia đình, một doanh nghiệp, hay một cụm dân cư ở một khu vực hẻo lánh kết nối internet thông qua vệ tinh.

Ở thời điểm bài viết này lên sóng, đang có 800 vệ tinh Starlink bay trên quỹ đạo của Trái đất. SpaceX có kế hoạch triển khai ít nhất 12.000 vệ tinh, và trong tương lai sẽ là 30.000 nhằm đảm bảo khả năng phủ sóng internet trên khắp thế giới thông qua Starlink (một số thông tin cho biết số lượng vệ tinh có thể lên đến 42.000).

Internet vệ tinh hoạt động ra sao?

Internet vệ tinh hoạt động tương tự như internet cáp, trừ việc hệ thống này có nhiều thành phần dịch chuyển hơn (theo đúng nghĩa đen đấy!). Cơ chế hoạt động của nó được tóm tắt qua 4 bước sau:

1. Bạn vào trang VNReview để xem tin tức công nghệ mới nhất. Yêu cầu dữ liệu của bạn sẽ được chuyển từ máy tính đến một chảo internet vệ tinh gắn phía trên nhà bạn (hay một vị trí gần đó).

2. Chảo internet vệ tinh sẽ phát đi yêu cầu dữ liệu đến một vệ tinh đang quay quanh Trái đất. Lúc này, vệ tinh sẽ gửi yêu cầu vừa nhận được đến ISP.

3. Dữ liệu sẽ được gửi về cho bạn theo một quy trình đảo ngược: dữ liệu được truyền từ nhà cung cấp đến vệ tinh, sau đó từ vệ tinh đến chảo internet vệ tinh, xuống router của bạn, và đi vào máy tính.

4. Bạn đã vào được VNReview và bắt đầu xem tin thôi!

Đó chính là 4 bước tóm gọn cách thức hoạt động của internet vệ tinh.

Internet Starlink nhanh đến mức nào?

Starlink quảng cáo tốc độ tải về sẽ đạt mức 1Gbps khi dịch vụ được đưa vào hoạt động đầy đủ. SpaceX đang "nhắm đến mục tiêu độ trễ dưới 20ms, để người dùng có thể chơi được một tựa game đối kháng đòi hỏi phản ứng nhanh" khi sử dụng dịch vụ.

Vào tháng 8/2020, Starlink đã mở chương trình beta cho nhiều người dùng ở các vùng vĩ độ cao của Mỹ và Canada, như Seattle, Chicago và Portland tham gia. Có một số kết quả rất hứa hẹn trong số các bài test tốc độ được thực hiện qua các dịch vụ như Speedtest của Ookla và TestMy.;

- Theo đó, tốc độ nhanh nhất của Starlink là 203,74Mbps, với ping 29ms.

- Ping nhanh nhất là 18ms.

- Tốc độ tải lên nhanh nhất là 42,58Mbps.

Rõ ràng đó là những con số ấn tượng và sẽ còn tốt hơn nữa khi có thêm các vệ tinh Starlink được phóng lên quỹ đạo. Bởi những người dùng beta của Starlink đã ký một thoả thuận không tiết lộ thông tin về dịch vụ này, nên các kết quả test tốc độ nói trên đã mang lại một trong những thông tin đáng giá nhất về cách dịch vụ này vận hành.

Starlink có nhanh hơn cáp quang không?

Câu trả lời còn tuỳ thuộc vào nhà cung cấp. Internet cáp quang tiêu dùng hiện nay có tốc độ nhanh nhất khoảng 1Gbps. Hiện nay, Starlink chưa nhanh như cáp quang, nhưng vẫn nhanh hơn một số công nghệ internet thay thế. Xét lịch sử từng thực hiện những dự án lớn đầy táo bạo của SpaceX, thì có thể kỳ vọng Starlink sẽ trở nên ngày một nhanh hơn.

Bạn cũng nên lưu ý rằng Starlink không phải được tạo ra để cạnh tranh với các dịch vụ cáp quang. Thay vào đó, Starlink hướng đến người dùng ở vùng sâu vùng xa và các địa điểm hẻo lánh, mang lại cho họ internet nhanh hơn so với những gì người ta vẫn nghĩ trước đây (hoặc ít nhất là nhanh hơn và ít hạn chế hơn)

Ai có thể sử dụng Starlink?

Khi toàn bộ hệ thống vệ tinh Starlink được đưa lên quỹ đạo, dịch vụ này sẽ cung cấp "phạm vi phủ sóng gần như toàn cầu đến những nơi có dân cư". Còn ở thời điểm hiện tại, chỉ những người dùng được chọn ở Bắc Mỹ mới có thể sử dụng Starlink.

Tuy nhiên, vẫn có một số vấn đề cần xem xét. Ví dụ, Starlink có thể phủ sóng đến quốc gia bạn ở, nhưng bạn có sử dụng được nó hay không còn tuỳ vào quy định của quốc gia nữa.

Úc đã cho phép Starlink được hoạt động, và nhiều quốc gia khác cũng vậy. Nhưng các quốc gia như Trung Quốc và Nga sẽ yêu cầu dịch vụ này phải tuân theo những quy chế đặc biệt nếu họ cho phép Starlink phát sóng trên các tần số của mình. Một số quốc gia thì cấm hẳn việc mua bán và sử dụng các thiết bị tiếp nhận Starlink gắn trên mặt đất.

Do đó, không phải cứ sắm một thiết bị tiếp nhận vệ tinh Starlink khi biết bạn nằm trong vùng phủ sóng của nó là sẽ dùng được đâu nhé!

Liệu Starlink có thực sự mang lại lợi ích cho người dân vùng sâu vùng xa?

Starlink sẽ cung cấp internet vệ tinh với phạm vi phủ sóng toàn cầu. Đối với những người sống ở những vùng xa xôi hẻo lánh, Starlink có thể thay đổi hoàn toàn cách họ sử dụng internet. Tuy nhiên, Starlink mang lại lợi ích đến đâu thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Một lợi ích chắc chắn mà Starlink sẽ mang lại cho các khu vực xa xôi là độ trễ (thời gian phản hồi). Nếu bạn sống ở một nơi hẻo lánh, xây dựng một tuyến cáp dài là vấn đề rất tốn kém và đi kèm với nhược điểm là độ trễ cao. Quá trình truyền tải dữ liệu Starlink diễn ra một phần trong môi trường chân không, có thể giảm độ trễ. Như vậy, thời gian phản hồi của Starlink sẽ rất tốt ở những nơi xa xôi.

Starlink sẽ có chi phí ra sao?

Trong giai đoạn beta, người dùng phải bỏ ra 499 USD để mua ăng-ten và router Starlink, cộng thêm khoản phí 99 USD/tháng.

Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều thông tin về cơ cấu giá cuối cùng của Starlink, hay thậm chí là các gói cước sẽ bao gồm những gì.

Bạn có thể thấy các vệ tinh Starlink từ Trái đất không?

Hồi giữa năm 2020, Starlink bất ngờ nổi như cồn trên báo chí. Mọi người khi ở nhà vì cách ly xã hội chợt thấy một "màn trình diễn" khá thú vị trên bầu trời đêm. SpaceX đã phóng lên hàng trăm vệ tinh Starlink mới chỉ trong một thời gian ngắn. Trước khi các vệ tinh này đi vào LEO, bạn có thể dễ dàng phát hiện ra chúng trên bầu trời đêm, giống như một loạt các UFO đang bay vậy.

Một khi các vệ tinh đã vào vị trí ở 550km phía trên mặt đất, bạn sẽ khó có thể thấy chúng bằng mắt thường nữa, mà phải dùng kính viễn vọng.

Starlink sẽ ảnh hưởng đến ngành thiên văn học ra sao?

Tác động của Starlink đối với thiên văn học vẫn đang được tìm hiểu - nhưng những phản hồi ban đầu từ những người chuyên quan sát bầu trời đêm và các nhà khoa học là khá tiêu cực. Người ta lo ngại rằng Starlink sẽ gây ô nhiễm cho khu vực LEO với ánh sáng nhân tạo từ các vệ tinh.

Một thử nghiệm của SpaceX mang tên DarkSat được đưa ra nhằm giảm vấn đề ô nhiễm ánh sáng của các vệ tinh. SpaceX khẳng định đã giảm được ô nhiễm ánh sáng trên các vệ tinh thử nghiệm khoảng 55% so với các vệ tinh Starlink thông thường. Tuy nhiên, lượng ánh sáng này vẫn "quá sáng đối với những trang thiết bị siêu nhạy của các nhà thiên văn học, vốn dùng để quan sát các vật thể vũ trụ với độ sáng kém đến 4 tỷ lần so với ngưỡng của vệ tinh".

Bởi Starlink mới chỉ có 800 vệ tinh trên bầu trời, vấn đề vẫn chưa lớn lắm. Nhưng khi có đến 12.000, hoặc 40.000 vệ tinh, ô nhiễm ánh sáng nhân tạo có thể trở thành một vấn đề đáng quan ngại!

Starlink có an toàn không?

Starlink an toàn xét trên khía cạnh truyền tải dữ liệu. Nó không phải 5G, thứ một số người đang quan ngại. Nó cũng không như Wi-Fi. Starlink sử dụng các băng tần hiện hữu (băng tần Ka và Ku) mà từ lâu đã được sử dụng cho việc giao tiếp vệ tinh và không gặp vấn đề gì.

Thời đại Internet vệ tinh Starlink

Starlink sẽ tiếp tục đưa các vệ tinh lên quỹ đạo. Người dùng internet vệ tinh sẽ tận hưởng được tốc độ nhanh hơn, chi phí kết nối internet thấp hơn, dù họ đang sống ở đâu đi chăng nữa, hoặc đang đi đâu chăng nữa. Mức giá của dịch vụ này nhiều khả năng cũng sẽ giảm, khi mà quy mô sản xuất phần cứng tăng lên và các dây chuyền sản xuất được mở rộng hơn nữa.

Minh.T.T (theo MakeUseOf)

Thành viên mới đăng
Top