"Train to Busan": Sự thực đau lòng về cách con người vượt qua đại dịch từ bộ phim 4 năm trước


'Train to Busan' là một bộ phim về zombie chứ không phải bệnh cúm nhưng những gì mà nó mô tả về cách con người vượt qua đại dịch khiến nhiều chúng ta phải suy ngẫm vào thời điểm này.

'Contagion (2011)': Lạnh gáy với bộ phim tiên đoán chuẩn xác về Covid-19 từ 9 năm trước

'Train to Busan' (tựa tiếng Việt: Chuyến tàu sinh tử) là một bộ phim về đại dịch zombie của Hàn Quốc, được đạo diễn bởi Yeon Sang-ho và có sự tham gia của các diễn viên Gong Yoo, Jung Yu-mi và Ma Dong-seok,... Tác phẩm điện ảnh này không chỉ thành công ở Hàn Quốc hay khu vực châu Á và còn ghi dấu ấn trên thế giới với những ý nghĩa ẩn sâu trong nội dung. 'Train To Busan' cũng là một trong những tác phẩm của châu Á hiếm hoi lọt top những bộ phim và chương trình truyền hình về đại dịch nổi tiếng nhất theo đánh giá của IMDb.

Toàn bộ tác phẩm là câu chuyện về việc một nhóm người trên chuyến tàu tới Busan (Hàn Quốc) cố gắng thoát khỏi đại dịch zombie. Ở đó, họ đấu tranh với cả những người bị bệnh trên chuyến tàu và chiến đấu với cả những người còn sống với đầy đủ cả sự nghi kỵ, thù ghét nhau mang đầy kịch tính. Khi 'Train To Busan' kết thúc, người xem có thể cảm nhận được ý nghĩa sâu xa của nó và đặt ra câu hỏi 'liệu nếu không chết vì đại dịch zombie thì con người có chết vì chủ nghĩa cá nhân, chỉ nghĩ cho mình, vì lợi ích của bản thân mà hãm hại người khác?'. Bộ phim có kinh phí 8,5 triệu USD và thu về 72,7 triệu USD trên toàn cầu.

Một bộ phim khác lạ về đại dịch zoombie

"Train to Busan" kể về hành trình của một người đàn ông có tên Seok-woo (Gong Yoo) và con gái Su-an (Kim Su-an) trên chuyến tàu tới Busan. Ở đó, họ gặp một người chồng lực lưỡng Sang-hwa (Ma Dong-seok) và người vợ đang mang thai Seong-kyeong (Jung Yu-mi), một đội bóng chày của trường trung học, một giám đốc tên Yong-suk (Kim Eui-sung) giàu có và tự cao tự đại, 2 chị em In-gil (Ye Soo-jung) và Jong-gil (Park Myung-sin),...

Khi tàu khởi hành, một cô gái trẻ bước lên với vết thương ở chân. Sau đó, cô gái biến thành thây ma và cắn một tiếp viên. Virus nhanh chóng lan ra khắp đoàn tàu khiến nhiều người biến thành zombie. Những người còn sống phải trốn sang toa khác, co cụm với nhau để tìm cách sống sót. Từ đây, những câu chuyện về chiến đấu sinh tồn, giành giật sự sống, tình yêu thương và cả sự nghi kỵ, ghen ghét, hãm hại nhau giữa người với người liên tục xuất hiện. Đến cuối cùng, chỉ còn Su-an và Seong-kyeong sống sót và đến được Busan. Họ đi bộ qua một đường hầm xe lửa, nơi có những người lính đang đóng quân để bảo vệ con người khỏi thây ma.

Nhìn chung, nội dung của bộ phim vẫn là câu chuyện con người chiến đấu với zombie để giành giật sự sống vốn xuất hiện rất nhiều trên màn ảnh rộng. Những cảnh chiến đấu để giành giật sự sống liên tục xuất hiện. Điểm khác biệt trong bộ phim là những 'anh hùng' trong việc chống lại zombie lại không phải là người chuyên nghiệp. Họ chiến đấu bằng tất cả bản năng sinh tồn của mình chứ không hề có chút tài cán nào về võ thuật, cũng không phải là người dùng vũ khí thiện xạ như nhiều bộ phim cùng nội dung. Ở đó, những nhân vật chính hiện lên với vẻ ngoài hiền lành nhưng khi chiến đấu thì lại rất mãnh liệt bởi đã bị đẩy đến đường cùng, hoặc là chiến đấu, hoặc là chết.

Nhịp phim của 'Train to Busan' diễn ra rất kịch tính từ đầu đến cuối. Hàng loạt những cuộc đụng độ giữa người và thây ma xảy ra khiến người xem cảm thấy hồi hộp, căng thẳng theo từng phân đoạn. Khán giả sẽ bị cuốn vào nhịp phim bởi nó lôi cuốn và thôi thúc sự tò mò rất lớn để tìm ra ai sẽ là người sống sót trên chuyến tàu định mệnh đó. Đặc biệt hơn, sự khác biệt của 'Train to Busan' với những bộ phim đến từ Hollywood đó là nó đã lồng ghép vào những tình huống lấy nước mắt người xem về tình cha con, tình chị em, tình vợ chồng. Cứ thế, câu chuyện của bộ phim càng xem càng cuốn hút, đan xen giữa hành động và tình cảm khiến người xem rất khó rời mắt khỏi bất kỳ một chi tiết nào.

Những 'anh hùng' trong Train to Busan rất đặc biệt. Họ không 'tiêu diệt thây ma, giải cứu thế giới' mà chiến đấu vì chính bản thân mình, vì người thân yêu của mình. Đó là những 'anh hùng' bình dị như một người chồng cao to nhưng hết lòng yêu vợ mình, một người cha lạnh lùng nhưng theo sát con gái, sẵn sàng hy sinh tính mạng vì con.

Điểm yếu trong kịch bản của Train to Busan chính là việc câu chuyện không có tính bước ngoặt với các tình tiết diễn ra rất nhanh nhưng lại thiếu điểm nhấn đặc biệt sâu sắc. Nhân vật phản diện là vị giám đốc tên Yong-suk chưa có lý do thuyết phục cho việc hãm hại hết người này đến người khác để giành lấy sự sống của mình. Cùng với đó, tác phẩm cũng có một lỗi logic rất lớn đó là nhân vật người vợ mang tên Seong-kyeong dù đang có thai, bụng rất to nhưng chạy rất nhiều, lanh lẹ, thanh thoát như người bình thường.

Tuy nhiên, nhìn chung các tình tiết trong bộ phim được làm rất chắc chắn, hợp lý, tự nhiên chứ không hề vội vàng dù nhịp phim nhanh. Hầu như không có một chi tiết thừa nào xuất hiện trong phim và kịch bản được làm rất cẩn thận.

Câu chuyện đáng suy ngẫm về cách con người vượt qua đại dịch

Như đã đề cập, 'Train to Busan' là một bộ phim về Zombie chứ không phải bệnh cúm nhưng những gì mà nó mô tả về cách con người vượt qua đại dịch khiến chúng ta phải suy ngẫm lúc này.

Tác phẩm của đạo diễn Yeon Sang-ho không chỉ là trận chiến giữa người với thây ma còn là sự đấu tranh giành quyền được sống giữa chính những con người có mặt trên chuyến tàu. Khi thảm họa xảy ra, bản chất của từng người mới được bộc lộ một cách rõ nét. Ai cũng cần được sống và họ làm mọi cách dù có ích kỷ hay tàn bạo thế nào. Xoay quanh câu chuyện của 'Train to Busan' là phương pháp từng cá tính khác nhau tìm cách tồn tại trong đại dịch. Để rồi, những người đó phần lớn đều chết để Su-an và Seong-kyeong được sống.

Bộ phim dù nói về đại dịch zombie tuy không có thật nhưng những câu chuyện trong đó có thể sẽ rất thật khi một đại dịch toàn cầu xảy ra. Ở đó, có những người như vị giám đốc Yong-suk bỏ qua hết mọi tôn ti, phép tắc của cuộc đời và chỉ mong muốn giữ lại mạng sống cho mình. Ông dùng đủ mọi cách, hãm hại hết người này đến người khác với lý do cuối cùng trước khi chết là vì 'mẹ đang chờ ở nhà'. Nhân vật phản diện này đặt ra một câu hỏi hóc búa cho người xem: 'Khi đại dịch xảy ra, chúng ta có nghĩ về người khác hay chỉ cần quan tâm đến chính bản thân mình?'. Chẳng phải đến nhân vật 'anh hùng' Seok-woo đầu phim cũng dặn dò con gái mình: 'Vào những lúc như thế này, con hãy chỉ lo cho chính mình thôi, hiểu chưa'?

Một chi tiết nữa cũng rất đáng chú ý trong bộ phim đó là khi Seok-woo, Seong-kyeong, Su-an, Sang-hwa... liều mạng sang toa tàu số 15 để gặp những người còn sống. Họ đã phải chiến đấu, hy sinh để vào đến đó nhưng lại bị đuổi đi bởi những con người ích kỷ. Trong lúc đó, tiếng nói của nhân vật phản diện Yong-suk lại được đám đông đồng tình, ủng hộ. Đám đông khi đó chỉ quan tâm đến mạng sống của mình bởi đại dịch đang tràn lan ngay toa tàu bên cạnh, còn sự an nguy những người khác thì không phải chuyện của họ. Nhưng rồi, cuối cùng phần lớn đám đông trên toa tàu đó cũng chết bởi zoombie sau khi đã đuổi nhóm của Seok-woo đi. Vậy phải chăng, trong nghịch cảnh con người nên đoàn kết lại, cùng nhau vượt qua mọi chuyện, bớt chủ nghĩa cá nhân đi thì sẽ có cơ hội sống cao hơn? Đám đông trên toa tàu 15 cũng là đại diện của xã hội hiện tại với những nghi kỵ, ghen ghét nhau để giành lợi ích cho riêng mình.

Chuyến tàu sinh tử đến Busan chính là một xã hội thu nhỏ. Ở đó có đủ mọi lứa tuổi và thành phần xã hội. Họ có chung một mục tiêu là sống sót qua đại dịch nhưng lại không thể đoàn kết với nhau để thực hiện mục tiêu đó. Mỗi người một câu chuyện, lai lịch, số phận khác nhau và không thể đoàn kết lại, thậm chí còn hãm hại nhau. Để rồi, cuối cùng cả một chuyến tàu chỉ còn 2 người sống sót đến được Busan. Câu chuyện trong bộ phim cũng chính là bài học cho con người trong dịch Covid-19 hiện tại.

Cuối cùng, vượt qua tất cả, điều đọng lại trong bộ phim vẫn là tình cảm giữa cha và con, giữa vợ và chồng, thậm chí là giữa những người không quen biết nhau. Hình ảnh một người vô gia cư sẵn sàng hy sinh sự sống của mình để cứu Su-an và Seong-kyeong đang mắc kẹt đủ để chứng minh được rằng, trong nghịch cảnh thì chẳng còn ai hơn ai. Một người vô gia cư sẵn sàng hy sinh để bảo vệ người khác còn một vị giám đốc thì vì mạng sống của mình mà hãm hại hết người này đến người kia. Phải chăng, chỉ trong nghịch cảnh thì bản chất thật sự của con người mới được bộc lộ?

Kết

'Train to Busan' ra đời năm 2016, tức là đã cách đây được 4 năm. Tuy nhiên, bạn nên xem bộ phim này trong thời điểm đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên thế giới hiện nay. Với cấu trúc chặt chẽ, liền mạch, nhịp phim hồi hộp, gay cấn và cũng có tình tiết cảm động, chắc chắn bộ phim sẽ cho bạn những cảm xúc và bài học đáng giá cho chính bản thân mình.

T.T

Thành viên mới đăng
Top