Chủ thẻ tín dụng nợ 8,8 tỷ có bị ngân hàng thu tài sản khác để siết nợ

myle.vnreview
Mỹ Lệ
Phản hồi: 0
Theo luật sư, trong vụ việc chủ thẻ tín dụng nợ 8,5 triệu đồng, sau 11 năm thành 8,8 tỷ, nếu không có quyết định của tòa án, ngân hàng sẽ không được siết tài sản để thu hồi nợ.
Chủ thẻ tín dụng nợ 8,8 tỷ có bị ngân hàng thu tài sản khác để siết nợ
Vụ việc một khách hàng tại Quảng Ninh nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng, sau 11 năm "quên trả" bị ngân hàng đòi nợ hơn 8,8 tỷ đồng đang gây xôn xao dư luận. Theo luật sư, trong thực tế các giao dịch phát sinh dư nợ quá hạn, không phải trường hợp nào cách tính lãi của ngân hàng cũng được tòa án công nhận.
Chia sẻ với Tri thức - Znews, tiến sĩ, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, cho biết trong trường của chủ thẻ tín dụng kể trên, cần phải lập tức xem lại mức lãi suất ngân hàng áp dụng đối với khoản nợ thẻ tín dụng và hợp đồng mở thẻ đã đúng với quy định của pháp luật hay chưa.

Xem lại lãi suất quá hạn của thẻ tín dụng​

Theo ông Thái, với hợp đồng tín dụng nếu lãi suất không đúng, vượt quá mức cho phép của cơ quan quản lý thì có thể xem xét đến yếu tố hình sự do hình thức cho vay quá lãi suất quy định, trở thành dạng cho vay nặng lãi.
Vị luật sư dẫn quy định tại Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 201 Bộ Luật Hình sự 2015 và việc xét xử vụ án hình sự về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự định nghĩa cho vay lãi nặng là trường hợp bên cho vay tiền với mức lãi suất gấp 5 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại Bộ Luật Dân sự 2015.
"Theo đó, lãi suất tối đa được quy định tại Khoản 1, Điều 468, Bộ Luật Dân sự 2015 là không vượt quá 20%/năm, tức 1,66%/tháng. Trong trường hợp cho vay với mức lãi suất gấp 5 lần mức này trở lên thì được coi là cho vay nặng lãi”, luật sư Nguyễn Hồng Thái trích dẫn.
Với số tiền gần 9 tỷ đồng trong vụ việc của khách hàng tại Quảng Ninh và Eximbank, theo vị luật sư, nếu chia ra thì mỗi năm phía khách hàng phải trả hơn 818 triệu đồng bao gồm cả gốc và lãi, vượt quá 20%/năm theo quy định, và có dấu hiệu cho vay nặng lãi.
Chủ thẻ tín dụng nợ 8,8 tỷ có bị ngân hàng thu tài sản khác để siết nợ
Tiến sĩ, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. Ảnh: NVCC.
Mặt khác, luật sư Thái cho biết hiện tại chưa có mức trần về việc áp dụng lãi suất trong hợp đồng tín dụng nhưng trong Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP có quy định lãi suất trong hợp đồng tín dụng phải phù hợp với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn liên quan tại thời điểm xác lập hợp đồng và thời điểm tính lãi suất.
"Căn cứ vào những quy định trên, các bên khi vay mượn sẽ tự thỏa thuận lãi suất, nhưng tối đa không được quá 20%/năm, hay 1,66%/tháng. Nếu như bên cho vay lấy lãi suất cao quá 5 lần mức này, thì là hành vi cho vay lãi nặng", ông Thái nói.
Với trách nhiệm của người vay - trong trường hợp này là chủ thẻ tín dụng - nếu quá thời hạn thỏa thuận trong hợp đồng mà không trả tiền thì phải chịu thêm khoản lãi phát sinh theo hợp đồng 2 bên đã ký. Trường hợp không thực hiện theo hợp đồng có thể bị truy cứu về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định của Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017).
Trong đó, mức xử lý cao nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm (nếu số tiền trong khoảng 4-50 triệu đồng).
"Tóm lại, chủ thẻ tín dụng cần xem lại hợp đồng và phần lãi suất cho vay trong hợp đồng tín dụng đã ký kết với ngân hàng, trường hợp có dấu hiệu của tội cho vay nặng lãi và phần lãi quá hạn trái quy định của pháp luật có thể bị hủy bỏ", luật sư Nguyễn Hồng Thái phân tích.

Không phải cách tính lãi nào của ngân hàng cũng được tòa án chấp nhận​

Về việc cách tính lãi của Eximbank có phù hợp trong trường hợp này, khi khoản dư nợ thẻ tín dụng ban đầu chỉ là 8,5 triệu đồng, nhưng sau 11 năm nợ gốc và lãi phát sinh đã lên tới hơn 8,8 tỷ, vị luật sư cho biết không phải trường hợp nào cách tính lãi của ngân hàng cũng được tòa án chấp nhận.
“Chúng ta đều cho rằng các giao dịch liên quan tới tiền thì ngân hàng là đơn vị nắm rất rõ và xử lý chính xác, nhưng tôi cho đấy là khái niệm đã cũ. Tôi đã từng xử lý 2 vụ kiện của ngân hàng liên quan đến vấn đề lãi phát sinh từ nợ quá hạn và kết quả là tòa án đều đã hủy cách tính lãi của ngân hàng”, luật sư Thái nói và cho rằng đây là một kinh nghiệm thực tiễn.
Ngoài ra, trong trường hợp khách hàng không trả được nợ lãi phát sinh từ thẻ tín dụng, ngân hàng sẽ phải khoanh vùng nợ.
Tức là trường hợp khách hàng không có tài sản đảm bảo để thực hiện được việc trả nợ thì ngân hàng buộc phải khoanh nợ “để đấy", và khoản nợ này trở thành nợ xấu, ngân hàng sẽ có thời hạn cho việc khoanh nợ và xóa nợ sau này.
Theo vị luật sư, trường hợp của chủ thẻ tín dụng kể trên và Eximbank vẫn đang thuộc giao dịch dân sự, chứ không phải giao dịch lừa đảo. Do đó, tùy theo hợp đồng tín dụng mà khách hàng này ký với ngân hàng, nhưng trường hợp muốn siết tài sản của khách hàng để thu hồi nợ, ngân hàng phải có quyết định của tòa án.
"Nếu không có quyết định của tòa án, ngân hàng không được quyền thực hiện việc siết tài sản của khách hàng", luật sự nhấn mạnh.
Nguồn: Hồng Nhung/Znews
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top