Cuộc vui đã tàn: các công ty tiền mã hóa quay cuồng trong cơn bão sa thải

Không ai muốn bỏ lỡ cơn sốt tiền mã hóa (crypto).
Trong hai năm qua, khi giá Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác vọt tăng, số lượng các startup trên lĩnh vực crypto cũng nở rộ như nấm sau mưa. Các nhà đầu tư bị lôi cuốn bởi vô số quảng cáo tiền số trên sóng truyền hình và những nền tảng cho vay mới lạ hứa hẹn lãi suất cao ngất trời khi nạp vào tiền mã hóa; trong khi những sàn giao dịch như Coinbase, nơi các nhà đầu tư có thể trao đổi tài sản số, thì liên tục tuyển dụng nhân lực với mức lượng đầy cám dỗ cùng một tương lai không thể sáng lạn hơn.
Chỉ trong một đêm, cả một ngành công nghiệp toàn cầu trị giá hàng trăm tỷ đô trỗi dậy. Nay, nó đang trên đà sụp đổ.
Sau nhiều tuần chứng kiến giá tiền mã hóa cắm đầu, Coinbase vào thứ ba vừa qua đã thông báo sẽ cắt giảm 18% đội ngũ nhân viên, theo chân các công ty tiền mã hóa khác như Gemini, BlockFi, và Crypto.com. Những startup danh tiếng như Terraform Labs gặp rắc rối, thổi bay khối tài sản tích lũy hàng năm ròng của các nhà đầu tư trên toàn thế giới. Hôm Chủ nhật tuần trước, một ngân hàng tiền mã hóa nổi tiếng là Celsius cũng đột ngột ngừng mọi hoạt động rút tiền.
Cuộc vui đã tàn: các công ty tiền mã hóa quay cuồng trong cơn bão sa thải
Bảng quảng cáo của BlockFi về việc nạp Bitcoin lên nền tảng của họ để kiếm lãi suất lên đến 3,5%.
Sự chững lại của hệ sinh thái tiền mã hóa là minh chứng cho tính bất ổn của một cấu trúc được xây dựng dựa trên các loại tài sản số đầy rủi ro và chưa được quản lý bởi các nhà chức trách. Tổng giá trị của thị trường tiền mã hóa đã giảm khoảng 65% kể từ mùa thu năm ngoái, và các nhà phân tích dự báo rằng đà giảm vẫn chưa dừng lại. Giá cổ phiếu của các công ty tiền mã hóa lao dốc không phanh, các trader nhỏ lẻ tìm cách rút lui, và các lãnh đạo tiếng tăm của ngành công nghiệp này thì liên tục dự báo một đợt sụt giá kéo dài có thể khiến thêm nhiều công ty nữa lâm vào thế bế tắc.
Thủy triều đang dần lùi trên thị trường tiền mã hóa, và chúng ta chợt nhận ra nhiều doanh nghiệp và nền tảng được xây dựng trên những nền móng không có khả năng chống đỡ” - theo Lee Reiners, một cựu quan chức của Cục Dự trữ liên bang Mỹ, hiện là giảng viên Đại học Luật Duke. “Nhạc đã dừng rồi”
Tiền mã hóa là những loại tài sản số được giao dịch thông quan những mạng lưới máy tính đảm nhiệm chức năng xác thực giao dịch, thay vì thông qua một thực thể tập trung như ngân hàng. Trong nhiều năm trời, chúng đã được quảng bá như một tài sản dự phòng chống lạm phát gây ra bởi tình trạng in tiền vô độ của ngân hàng trung ương. Bitcoin, đồng tiền mã hóa giá trị nhất thị trường, được tạo ra với nguồn cung hạn chế.
Nhưng nay, khi thị trường chứng khoán đang sụp đổ, lãi suất tăng cao và lạm phát cũng chưa có dấu hiệu suy giảm, giá trị tiền mã hóa tụt dốc không phanh là điều khó tránh khỏi, cho thấy chúng đã hình thành nên một mối liên hệ mật thiết với thị trường tổng thể. Và khi mọi người rút vốn khỏi các dự án đầu tư tiền mã hóa, nền móng bất ổn của nhiều công ty hàng đầu ngành công nghiệp này cũng dần bộc lộ.
Hơn 62 startup tiền mã hóa hiện có giá trị 1 tỷ USD hoặc cao hơn - theo CB Insights, công ty chuyên theo dõi tài chính tư nhân. Năm ngoái, ngành công nghiệp này nhận được hơn 25 tỷ USD tiền đầu tư từ các quỹ mạo hiểm, với gần 1.700 thỏa thuận được ký kết - theo nghiên cứu của The Block. OpenSea, chợ NFT lớn nhất thế giới, được định giá cao ngất ngưởng đến 13 tỷ USD. Và các ngân hàng Phố Wall như JPMorgan Chase, vốn trước đây dè bỉu tài sản mã hóa, cũng như nhiều công ty thuộc Fortune 500 như PayPal, lần lượt tung ra các chương trình liên quan tiền mã hóa.
Nhiều công ty trong số đó có những kế hoạch bài bản để tồn tại trong tình huống giá tiền mã hóa “quay xe”. Nhưng cắt giảm nhân lực là điều có thể tiếp diễn khi họ phải điều chỉnh chiến lược sau nhiều năm phát triển nóng. Hứng chịu rủi ro cao nhất trước biến động của thị trường không ai khác ngoài những startup tung ra tiền mã hóa của riêng họ, bởi toàn thị trường đang lao dốc chứ không riêng gì Bitcoin.
Một số chuyên gia trong ngành công nghiệp tiền mã hóa từ lâu đã nói rằng đà tăng trưởng mạnh mẽ trong hai năm qua sẽ không tồn tại mãi mãi, ví nó như bong bóng dot-com vào cuối những năm 1990. Vào thời điểm đó, hàng chục công ty dot-com đang chuẩn bị lên sàn chứng khoán giữa vô vàn những hứa hẹn mà thời đại internet mang lại, dù rất ít trong số này thực sự sản sinh lợi nhuận. Khi sự tự tin của thị trường bốc hơi vào đầu những năm 2000, nhiều bong bóng dot-com phát nổ, chỉ còn lại những tên tuổi lớn nhất - như eBay, Amazon, và Yahoo - trụ vững.
Lần này, các nhà đầu tư dự đoán số lượng startup đứng vững sẽ nhiều hơn. “Chắc chắn có một số công ty thùng rỗng kêu to nhưng nền tảng thì không có” - theo Mike Jones, một nhà đầu tư tại công ty đầu tư mạo hiểm Science Inc. “Nhưng cũng có một số công ty thực sự mạnh với giá trị cao hơn nhiều so với những gì hiện có”
Đã có nhiều dấu hiệu cảnh báo cho thấy một số công ty tiền mã hóa có cơ cấu không hề bền vững. Giới hoài nghi chỉ ra rằng nhiều trong số các công ty nổi tiếng đã và đang đưa ra những sản phẩm được xây dựng hời hợt dựa trên cơ chế tài chính đầy rủi ro.
Ví dụ, Terraform Labs, tổ chức cung cấp đồng TerraUSD, một stablecoin với giá trị được neo vào đồng USD của Mỹ. Đồng tiền mã hóa này được “tâng” lên mây bởi nhà sáng lập, Do Kwon, người trước đó kêu gọi được hơn 200 triệu USD từ các công ty đầu tư lớn như Lightspeed Venture Partners và Galaxy Digital, kể cả khi các chuyên gia cảnh báo rằng dự án này không hề bền vững.
Giá trị của TerraUSD được liên kết bằng thuật toán với một đồng tiền mã hóa cũng do Terraform Labs phát hành là Luna. Khi giá Luna lao dốc vào tháng 5, TerraUSD cũng bị ảnh hưởng theo - một tình huống mà giới tài chính gọi là “xoắn ốc tử thần”, khiến cả thị trường tiền mã hóa bị rung lắc dữ dội và đẩy các nhà đầu tư vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Tuần qua, công bố của Celsius về việc đóng băng rút tiền cũng tạo ra tác động tương tự. Celsius được quảng bá là một dịch vụ cho vay tương tự ngân hàng, với lãi suất khủng lên đến 18% nếu khách hàng nạp tiền mã hóa của họ vào đó.
Trong hàng tháng trời, các chuyên gia luôn thắc mắc bằng cách nào mà Celsius có thể duy trì được mức lãi suất cao đến vậy mà không mang tiền của người dùng vào những khoản đầu tư mạo hiểm. Công ty này cũng bị nhiều cơ quan chức năng tại Mỹ nhòm ngó. Cuối cùng, khi giá tiền mã hóa giảm đột ngột, công ty rơi vào tình trạng nguy cấp khi bị đè nặng dưới áp lực vượt mức chịu đựng.
Với giá Bitcoin đang “nhảy múa” ở mốc 2x, Celsius công bố hôm chủ nhật rằng sẽ đóng băng rút tiền “do tình hình phức tạp của thị trường”. Công ty hiện chưa phản hồi yêu cầu bình luận.
Sự bất ổn của thị trường cũng gây ra cuộc khủng hoảng tại Coinbase, sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất nước Mỹ. Từ cuối năm 2021 đến cuối tháng 3/2022, Coinbase đã mất 2,2 triệu khách hàng thường xuyên, tương đương 19% tổng số khách hàng, khi giá tiền mã hóa lao dốc. Lợi nhuận ròng của công ty trong 3 tháng đầu năm giảm 27% so với một năm trước đó, xuống mức 1,2 tỷ USD. Giá cổ phiếu của Coinbase thì giảm đến 84% so với giá lên sàn vào năm ngoái.
Tháng vừa qua, Coinbase cho biết sẽ ngừng tuyển dụng để đối phó với khủng hoảng kinh tế. Vào thứ 3, họ cho biết sẽ cắt giảm khoảng 1.100 nhân lực.
Brian Armstrong, CEO của Coinbase, thông báo với các nhân viên về vụ sa thải trong một thư ngỏ, nói rằng công ty đã “tăng trưởng quá nhanh” trong bối cảnh các sản phẩm tiền mã hóa trở nên phổ biến.
Hiện nay, tôi thấy rõ ràng rằng công ty đã tuyển dụng quá mức cần thiết” - anh nói. Người phát ngôn của Coinbase từ chối bình luận về vụ việc.
Công ty đã tăng trưởng bất chấp trong vài năm qua” - theo Ryan Coyne, chuyên gia phân tích về các công ty tiền mã hóa và công nghệ tài chính tại Mizuho Group. “Nay họ đang chuyển sang tăng trưởng có lợi”
Cuộc vui đã tàn: các công ty tiền mã hóa quay cuồng trong cơn bão sa thải
Anh em nhà Winklevoss tại Bitcoin Festival ở Miami (Mỹ) vào tháng 6 năm ngoái.
Gemini, sàn giao dịch tiền mã hóa đứng đầu bởi anh em tỷ phú Tyler và Cameron Winklevoss, vào tháng này cũng thông báo sẽ sa thải khoảng 10% nhân lực. Trong thư ngỏ gửi đội ngũ lãnh đạo, họ nói rằng ngành công nghiệp đã bước vào “mùa đông tiền mã hóa”.
Nhưng bộ đôi cũng bày tỏ sự lạc quan về tương lai của ngành công nghiệp. “Cuộc cách mạng tiền mã hóa đang diễn ra, và tác động của nó sẽ tiếp tục len lỏi sâu hơn nữa. Nhưng quỹ đạo phát triển thì không thể đoán trước được”
Năm ngoái, sàn giao dịch Crypto.com (trụ sở Singapore) đã tung ra một đoạn quảng cáo truyền hình đầy tai tiếng với sự tham gia của diễn viên Matt Damon, người nói rằng “sự may mắn thường đến với những người dũng cảm” khi cố thuyết phục các nhà đầu tư đặt cược tiền vào thị trường này. Tuần trước, CEO của Crypto.com công bố sẽ sa thải 5% nhân lực, tương đương 260 người. Hôm thứ hai, BlockFi, một công ty cho vay tiền mã hóa, cũng cho biết sẽ giảm số lượng nhân viên đến gần 20%.
Trong khi Gemini và BlockFi từ chối bình luận, thì người phát ngôn của Crypto.com nói rằng công ty vẫn tập trung “đầu tư các tài nguyên vào sản phẩm và năng lực kỹ thuật nhằm phát triển những sản phẩm đẳng cấp thế giới”
Tiền mã hóa từ lâu đã có tính biến động cao và cực kỳ dễ rơi vào các chu kỳ bùng phát rồi suy tàn. Năm 2013, lệnh cấm Bitcoin của Trung Quốc khiến giá trị của đồng này chao đảo. Năm 2017, hàng loạt công ty phát hành và bán các token của riêng họ dẫn đến một cuộc chạy đua giá tiền mã hóa, để rồi sau đó “nhuộm đỏ thị trường” khi các nhà chức trách ra tay thanh trừng những hoạt động gọi là “ICO”, hay “phát hành coin lần đầu”.
Theo các nhà đầu tư, hệ sinh thái tiền mã hóa chứa đầy những bong bóng chực chờ phát nổ như vậy. Chúng thu hút vô số tài năng vào ngành công nghiệp để xây dựng những dự án giá trị. Nhiều người có sức ảnh hưởng thì liên tục khuyến khích các nhà đầu tư “buy the dip” (một thuật ngữ chỉ việc mua thêm coin khi giá đã giảm sâu).
Chúng tôi đã từng ở trong những chu kỳ đi xuống trước đây và đã hồi phục” - một nhà đầu tư của Science Inc cho biết. “Chúng tôi đều tin tưởng vào nền tảng”
Một số công ty vẫn duy trì tinh thần lạc quan. Tối thứ 2 vừa qua, Coinbase lại tung ra một quảng cáo mới, ám chỉ việc vượt qua cơn bão đang càn quét cả thị trường.
Crypto đã chết” - họ nói. “Crypto trường tồn”.
Tham khảo:
NYTimes
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top