VNR Content
Pearl
Dòng ổ cứng thể rắn (SSD) gắn ngoài T7 rất được yêu thích của Samsung đã chào đón sự xuất hiện của thành viên mới nhất hồi đầu năm nay, sản phẩm mang tên T7 Shield. Chiếc SSD này kế thừa tất cả những điểm mạnh của hai đàn anh T7 và T7 Touch - bao gồm mã hóa dữ liệu, kích thước nhỏ gọn và tốc độ truyền “siêu tốc” – nhưng bền bỉ hơn nhờ lớp vỏ bảo vệ chắc chắn và khả năng kháng nước/bụi IP65. Nếu công việc của bạn nằm ngoài văn phòng bàn giấy thông thường, hay bạn đơn giản muốn có sự yên tâm tuyệt đối với những dữ liệu của mình, thì T7 Shield chính là thứ dành cho bạn.
Samsung T7 Shield chỉ có hai tùy chọn dung lượng là 1TB và 2TB, với ba tùy chọn màu xanh, trắng và be. Phiên bản mình đánh giá và trải nghiệm có dung lượng 1TB, hiện được bán tại các đại lý với mức giá tham khảo 3,3 triệu đồng. Ngoại trừ dung lượng lưu trữ, phiên bản 1TB và 2TB không có gì khác biệt về cấu hình, tuổi thọ,…
Thiết kế và tính năng
Không có quá nhiều điều để nói về hình thức đóng gói của sản phẩm, và đó lại là một điều tốt: Samsung cho biết T7 Shield “sử dụng chỉ 1/3 nguyên liệu đóng gói nếu so với các thế hệ trước, đồng thời cắt giảm xả thải nhà kính qua tối ưu sản xuất”. Thật vậy, bên trong hộp chỉ có SSD, sách hướng dẫn sử dụng và hai sợi cáp kết nối, không có gì khác.
T7 Shield có kích thước lớn hơn các thế hệ trước nhưng chỉ tính bằng mm, vẫn chỉ xấp xỉ bằng vài cái thẻ ngân hàng xếp chồng lên nhau, và nặng hơn 40g. Thiết kế cơ bản của chiếc ổ không thay đổi – vẫn có hình khối chữ nhật với các góc bo tròn, vỏ kim loại, thực ra mình thấy khá giống triết lý của chiếc Galaxy S22 Ultra mà Samsung ra mắt hồi đầu năm.
Những thay đổi lớn của T7 Shield đến từ lớp vỏ cao su bao bọc bên ngoài chiếc SSD. Lớp vỏ này mềm, chống trơn trượt rất tốt, và các đường gờ vừa là điểm nhấn, vừa giúp cải thiện cảm giác cầm nắm. Lớp vỏ bảo vệ giúp T7 Shield có thể chống chịu va đập khi thả rơi từ độ cao 3m – so với 2m của T7 và T7 Touch. Lớp vỏ này thu hút rất nhiều bụi nhưng đổi lại dễ lau chùi.
Một khía cạnh nữa T7 Shield vượt trội so với đàn anh là khả năng kháng nước/bụi đạt chuẩn IP65. Tất nhiên, bạn sẽ không muốn thả chiếc SSD này xuống bãi biển hay ngâm dưới hồ, nhưng T7 Shield sẽ có thể chống chịu những cơn mưa bất chợt hay bụi bẩn trong quá trình bạn làm việc ngoài trời. Cần lưu ý, chính sách bảo hành 3 năm của T7 Shield sẽ không chấp nhận những sản phẩm hư hỏng do nước và bụi.
Cáp kết nối đi kèm có hai sợi, một sợi USB-C to USB-C và một sợi USB-A to USB-C. T7 Shield hỗ trợ các hệ điều hành Windows, MacOS và cả Android, nếu bạn có nhu cầu lưu trữ ảnh/video số lượng lớn. Dù vậy, để kết nối qua Android thì bạn sẽ cần format ổ sang định dạng FAT32, và tính năng bảo vệ bằng mật khẩu sẽ không hoạt động.
Giống như T7 và T7 Touch, chiếc T7 Shield cũng hỗ trợ phần mềm Samsung Portable SSD. Khi cài đặt xong, bạn có thể thiết lập mật khẩu để bảo vệ dữ liệu. Tất cả các dữ liệu trong ổ đều được mã hóa chuẩn AES 256-bit, nên trừ khi bạn để lộ mật khẩu, có tài thánh cỡ nào cũng không bẻ khóa được đâu. Ngay cả nhân viên của Samsung cũng không thể hỗ trợ bạn mở khóa, nên đừng quên mật khẩu bạn nhé!
Đo hiệu năng của Samsung T7 Touch, VnReview sử dụng hệ thống gồm: CPU: AMD Ryzen 5 3600 Bo mạch chủ: MSI B450m Mortar Max RAM: TeamGroup Xtreme 2x8GB 3200MHz Thiết bị thử nghiệm: Samsung T7 Shield, kết nối USB-C 3.2 Gen 2 Cũng cần lưu ý một chút là hệ điều hành, cách thức benchmark đã có những sự thay đổi khi thử nghiệm chiếc T7 Shield so với T7 Touch trước đây, nên sự so sánh giữa hai sản phẩm sẽ chỉ mang tính chất tham khảo. Những bài benchmark của T7 Touch trên lý thuyết sẽ nhẹ hơn so với những gì T7 Shield trải qua.
Mình nghĩ các photographer sẽ là những người tận dụng khả năng của T7 Shield tốt nhất, nên đã thử nghiệm tốc độ copy với một folder gồm khoảng 3.000 bức ảnh, với tổng dung lượng 23,2 GB. Mất khoảng chưa tới 1 phút để T7 Shield hoàn thành tác vụ, tốc độ duy trì phần lớn ở ngưỡng 350 MB/s, có lúc vọt lên 400 MB/s. Tiến trình copy cũng không trồi sụt lớn, cho thấy T7 Shield có bộ đệm (cache) lớn.
Không thể nhắc đến benchmark ổ cứng mà không nói tới Crystal Disk Mark, đây là phần mềm đo hiệu năng ổ cứng phổ biến nhất hiện nay và thường được các nhà sản xuất chọn để công bố tốc độ khi marketing. Sử dụng data kích thước 32GB, T7 Shield đạt tốc độ đọc/ghi tuần tự 984,87 MB/s và 969,53 MB/s, trong khi công bố của Samsung là 1050 MB/s và 1.000 MB/s. Cũng cần lưu ý là thông số công bố thường chỉ sử dụng dữ liệu 1GB để benchmark nên cache không bị dùng hết, việc mình dùng dữ liệu 32GB khiến bài benchmark nặng hơn và cho ra kết quả sát thực tế hơn, nhất là với những ai thường xuyên làm việc với các tệp dữ liệu lớn.
Tiếp theo là AS SSD, công cụ benchmark này sử dụng dữ liệu không nén thay vì nén như Crystal Disk Mark nên kết quả cũng thường sát với thực tế hơn. Chọn file benchmark tối đa 10GB, T7 Shield đạt tốc độ đọc/ghi tuần tự lần lượt 905,65 MB/s và 880.91 MB/s, tổng điểm 612. T7 Shield có tổng điểm thấp hơn nhiều so với T7 Touch (1927), chủ yếu là chênh lệch về tốc độ ghi dữ liệu 4K-64Thread.
ATTO Disk Benchmark là phần mềm bao gồm một loạt các kiểm thử nhằm xác định tốc độ đọc và ghi dữ liệu của ổ cứng với nhiều gói dữ liệu kích thước khác nhau. Với file-size 32GB, I/O size từ 512 Byte đến 64MB, T7 Touch đạt tốc độ lý tưởng với I/O Size từ 128KB trở lên và ổn định trong suốt phần còn lại của bài test.
Với nhu cầu chơi game on-the-go thì SSD tốc độ cao cũng sẽ giúp giảm thời gian phải load các màn chơi. Thông qua công cụ benchmark của tựa game Final Fantasy XIV: Endwalker, T7 Shield hoàn thành load tất cả các màn chơi sau tổng cộng 14.204 giây, so với 16.216 giây của T7 Touch.
Lớp vỏ cao su bên ngoài giúp T7 Shield tăng cường khả năng chống va đập, nhưng khả năng tản nhiệt cũng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng. Dù vậy, chiếc SSD di động vẫn hoạt động khá mát mẻ, sau bài benchmark với phần mềm EzIOMeter thì nhiệt độ tối đa ghi nhận của T7 Shield là 51 độ C, sờ vỏ bên ngoài chỉ thấy âm ấm.