Hạ Kiến Khuê, nhà khoa học từng chỉnh sửa gen thai nhi, vừa được ra tù

nhhgiap

Pearl
Nhà vật lý sinh học người Trung Quốc Hạ Kiến Khuê, người từng gây chấn động giới y học toàn cầu với tuyên bố ông đã dùng công nghệ chỉnh sửa gen với những đứa trẻ chưa sinh, vừa được tại ngoại sau bản án tù 3 năm, theo báo cáo mới nhất.
Hạ Kiến Khuê bị kết án tù vào năm 2019 với tội danh vi phạm các quy định y tế sau khi công bố thí nghiệm của mình tại một hội nghị năm trước đó.

Hạ Kiến Khuê, nhà khoa học từng chỉnh sửa gen thai nhi, vừa được ra tù
Chân dung Hạ Kiến Khuê
Theo hãng thông tấn Tân Hoa xã của Trung Quốc, một tòa án tại thời điểm đó phát hiện Kiến Khuê cùng một số đồng nghiệp của mình đã "vượt qua ranh giới của đạo đức trong nghiên cứu khoa học".

Thí nghiệm gây tranh cãi

Hiện tại vẫn còn rõ hậu quả mà thí nghiệm của Kiến Khuê để lại trên người những đứa trẻ, nhưng y tuyên bố đã sử dụng một quy trình chỉnh sửa gen có tên CRISPR-Cas9 để viết lại bộ gen của phôi thai. Mục đích của thí nghiệm này theo Kiến Khuê là khiến cho những đứa trẻ chưa thành hình có khả năng miễn nhiễm với HIV thông qua sửa đổi gen có tên CCR5.
Hai chị em sinh đôi, Lulu và Nana, cùng với một bé gái khác tên Amy, được 2 cặp bố mẹ tình nguyện cho tham gia vào nghiên cứu trong năm 2018. Kiến Khuê cho biết Lulu và Nana được sinh ra khỏe mạnh nhưng tình trạng hiện tại của hai bé vẫn là ẩn số.
Theo mô tả, CRISPR-Cas9 hoạt động như một chiếc kéo phân tử có thể cắt các sợi DNA tại một số vị trí nhất định trong bộ gen. Nhóm của Kiến Khuê sau đó tiến hành chỉnh sửa DNA ở giai đoạn này.
Một vấn đề luôn tồn tại với thí nghiệm chỉnh sửa gen là làm sao có thể nhắm chính xác đoạn gen muốn cắt. Phần lớn kỹ thuật chỉnh sửa trước đây sử dụng chất hóa học hoặc bức xạ có khả năng cao dẫn đến đột biến gen ở những đoạn gen khác. Mặc dù CRISPR có thể đã cải tiến về mặt này, nhưng nó vẫn chưa hoàn hảo.
Tiến sĩ Kiran Musunuru, giáo sư y khoa kiêm giám đốc của Chương trình bệnh tật có nguồn gốc di truyền và biểu sinh tại Trường Y Perelman, cho rằng việc mô tả như một chiếc kéo sẽ làm mọi người hiểu lầm về độ chính xác của CRISPR.
“Công nghệ CRISPR giống như khi bạn vô tình làm rách một trang giấy, bạn vội vàng dán nó lại nhưng không để ý mép của vết rách rất thô. Dù có dán lên thì nó không khớp 100%, lúc này ở vết dán một số từ bị biến mất, ý nghĩa của đoạn văn thay đổi. Nếu suy nghĩ theo hướng đó, bạn sẽ thấy công nghệ này thực sự nguy hiểm và tiềm ẩn nhiều hậu quả xấu. Chưa kể trong trường hợp bạn vô tình xé toạc cả trang giấy, bộ gen sẽ hoàn toàn biến đổi.
Khi Kiến Khuê cố gắng tắt gen CCR5, chúng tôi biết những đứa trẻ bị tắt gen có khả năng chống lại lây nhiễm HIV cao hơn. Đó là toàn bộ tiền đề, anh ta sử dụng phiên bản 1.0 CRISPR sơ khai này tiêm vào phôi thai, sau đó cầu nguyện nó có thể tắt đúng gen mà không để lại hậu quả gì”.

Vén màn bí mật

Dự án của Kiến Khuê không được biết đến rộng rãi trước hội nghị thượng đỉnh chỉnh sửa bộ gen quốc tế diễn ra tại Hong Kong vào cuối năm 2018.
Trước khi hội nghị thượng đỉnh khai mạc, Kiến Khuê đã gửi bản thảo khoa học của mình cho một số nhà báo. Các nhà báo phải nhờ đến ý kiến chuyên gia để thực sự hiểu thứ mình vừa nhận được.
Musunuru là một trong những chuyên gia đã xem qua những bản thảo đầu tiên. Anh cho biết bản thân thực sự rất sốc khi đọc những mô tả về thí nghiệm vô nhân đạo đó.
Thái độ của tôi rất rõ ràng, rất khó chịu. Bạn biết đó, tôi không hiểu chuyện điên rồ gì đã xảy ra với người đàn ông đó?
Sau khi bình tĩnh hơn, tôi nhận ra nó không phải trò chơi khăm của ai đó. Anh ta đã thực sự làm như tuyên bố của mình, đã có những đứa trẻ được sinh ra từ phôi thai bị chỉnh sửa bằng CRISPR. Có một sự thật cần lưu ý, He không có giấy phép hành nghề y tế, anh ta không phải bác sĩ và đương nhiên không được đào tạo y tế chuyên sâu nên thử nghiệm lâm sàng của y sẽ có vấn đề.
Đọc kỹ hơn, tôi nhận ra có chuyện gì thực sự sai trái đang diễn ra. Có những chỉnh sửa không đúng trọng tâm, như tôi đã nói trước đây, các phôi thai chỉ là một bản chỉnh sửa chắp vá, một số ô được chỉnh, số khác lại không.
Tôi vẫn hoàn toàn không biết liệu Kiến Khuê có hiểu ý nghĩa của những dữ liệu mà anh ta nộp lên không, theo những gì tôi thấy, trông có vẻ anh ta không hiểu gì về nó”
, Musunuru chia sẻ.
Do bị ràng buộc bởi một thỏa thuận bảo mật, Musunuru không thể công bố phát hiện của mình cho thế giới. Chỉ cách ngày diễn ra hội nghị vài ngày, Antonio Regalado, phóng viên của MIT Technology Review, đã phát hiện ra thí nghiệm của Kiến Khuê trên một trang web thử nghiệm lâm sàng. Sau đó, thế giới biết đến những việc làm của Kiến Khuê.

Hạ Kiến Khuê, nhà khoa học từng chỉnh sửa gen thai nhi, vừa được ra tù
Hạ Kiến Khuê trình bày slide thí nghiệm của mình tại hội nghị thượng đỉnh chỉnh sửa bộ gen quốc tế
Trong một video Youtube do Kiến Khuê đăng tải, anh tuyên bố: “Thí nghiệm đã thành công và an toàn. Gen của các em bé đã được giải trình tự trước và sau khi sinh để theo dõi bất kỳ thay đổi nào. Ngoài gen ngăn ngừa lây nhiễm HIV, chúng tôi không tác động đến mã gen khác”.
Bất chấp những tuyên bố của Kiến Khuê, việc làm của anh vấp phải sự phản đối của rất nhiều người, chính phủ Trung Quốc vào cuộc điều tra. Hãng thông tấn Tân Hoa Xã đưa tin rằng trong một cuộc điều tra của Ủy ban Y tế Trung Quốc Kiến Khuê đã "cố tình trốn tránh sự giám sát".
Đến tháng 1/2019, y đã bị Đại học Khoa học và Công nghệ Phương Nam (SUSTech) ở thành phố Thâm Quyến sa thải. Vào tháng 12 cùng năm, một tòa án ở Thâm Quyến đã kết luận Kiến Khuê phạm tội "thực hành y tế bất hợp pháp" và giả mạo các tài liệu kiểm điểm đạo đức.

Số phận của những đứa trẻ bị chỉnh sửa gen

Joy Zhang, nhà xã hội học kiêm giám đốc sáng lập của Trung tâm Khoa học Toàn cầu và Công lý Nhận thức tại Đại học Kent, chủ trì cuộc họp vào tháng 3 năm này để thảo luận về nghĩa vụ đạo đức cần có với 3 đứa trẻ trong thí nghiệm của Kiến Khuê.
“Theo tôi được biết, có ít thông tin đại chúng liên quan đến 2 gia đình và 3 đứa trẻ. Tuy nhiên, tôi hy vọng cuộc họp lần này sẽ giúp tạo điều kiện xã hội cần thiết để họ có cuộc sống tốt và tự chủ hơn”.
Robin Lovell-Badge, người đứng đầu Phòng thí nghiệm Sinh học Tế bào gốc và Di truyền Phát triển tại Viện Francis Crick, đã nói chuyện với Kiến Khuê ngay sau khi tin tức cùng với làn sóng chỉ trích đổ dồn về thí nghiệm của He. Ông cho biết: “Ba bé gái bị ảnh hưởng bởi thí nghiệm của Kiến Khuê nên được trưởng thành trong một môi trường bình thường như tất cả bạn bè đồng trang lứa. Chúng ta không nên dán bất kỳ loại nhãn đặc biệt nào với các bé. Hãy nghĩ rằng ai cũng có những “đột biến” đặc biệt xảy ra trong suốt quá trình phát triển của trứng, tinh trùng và phôi ở giai đoạn đầu”.
Chúng nên được lớn lên trong một môi trường an toàn, được hưởng sự chăm sóc cẩn thận và không phải chịu con mắt giám sát của bất kỳ ai - đó là điều nên xảy ra với tất cả trẻ em. Nếu các bé có bất kỳ đột biến có hại nào, chúng chắc chắn cần sự quan tâm và hỗ trợ đặc biệt nhưng đó phải là thứ mà bất kỳ xã hội nào cũng nên cung cấp”.

Số phận của Kiến Khuê

Sau khi tại ngoại, Musunuru không nghĩ rằng Kiến Khuê sẽ quay lại thí nghiệm của mình trước đây. “Với độ khét tiếng của y và sự giám sát chặt chẽ của chính phủ, mọi người không nên quá lo lắng về dự định tương lai của y”.
Nguồn: News Week

>>Giới khoa học bác bỏ dự án chỉnh sửa gen trên trẻ sơ sinh của Trung Quốc
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top