Học trái tuyến là gì? Học trái tuyến là tình trạng học sinh không có hộ khẩu thường trú ở địa bàn trường muốn học.
Trên mỗi địa bàn dân cư (xã, phường, thị trấn) đều có trường học gồm tất cả các cấp (Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông) đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh mọi lứa tuổi. Việc này giúp các em đều có điều kiện học hành ở một ngôi trường gần nhà, đi lại thuận tiện. Những học sinh có hộ khẩu tại khu dân cư đó gọi là học đúng tuyến, học sinh hộ khẩu nơi khác chuyển đến gọi là học trái tuyến.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, thực tế rất nhiều học sinh, chủ yếu ở thành phố lớn, phải học trái tuyến. Nguyên nhân khiến học sinh phải học trái tuyến có nhiều: cha mẹ muốn con học gần nơi làm việc để tiện đưa đón, gia đình từ nơi khác mới chuyển tới chưa kịp chuyển hộ khẩu/ hoặc không muốn chuyển hộ khẩu tới, tâm lý cha mẹ chọn trường cho con theo thương hiệu, cha mẹ phải gửi con cho ông bà hoặc người thân chăm sóc…
Ở thành phố, tất nhiên tình trạng học trái tuyến vẫn rất phổ biến, vì đó là một nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, kéo theo đó biết bao nhiêu phiền nhiễu, nhiêu khê cho phụ huynh, và cho cả quản lý giáo dục.
Theo quy định các trường nhận đủ số lượng học sinh đúng tuyến ở đầu năm tuyển sinh, khi còn thiếu chỉ tiêu mới xét đến trái tuyến. Dân số ở đô thị ngày càng đông, nên số suất trái tuyến còn dư ngày càng ít đi, trong khi đó nhu cầu học trái tuyến lớn. Dẫn đến tình trạng cha mẹ chạy chọt, cạnh tranh để con vào được trường mong muốn, trong khi lớp học trường công ngày càng phình ra, ở Hà Nội có trường tiểu học công trung bình 60 học sinh/ lớp.
Chừng nào không còn tình trạng trái tuyến? Câu trả lời là chừng nào xin học không cần hộ khẩu nữa, mà điều đó chắc còn lâu lắm mới xảy ra.