thumbnail - Màn hình OLED năm 2021: Lỗi “burn-in” có còn đáng lo?
Minh Bảo
Hà Nội

Màn hình OLED năm 2021: Lỗi “burn-in” có còn đáng lo?

OLED TV hay điện thoại với màn hình OLED thường dễ bị hư hỏng vĩnh viễn bởi hiện tượng “burn-in” hay còn gọi là ám màn, lưu ảnh… Tuy nhiên, với công nghệ hiện nay, chúng ta không còn phải quá lo lắng về vấn đề này nữa.

Màn hình OLED năm 2021: Lỗi “burn-in” có còn đáng lo? 

Ảnh: David Katzmaier/CNET

Nếu bạn đang tìm một chiếc TV hay một chiếc điện thoại thông minh có chất lượng hình ảnh tốt nhất có thể, thì hãy mạnh dạn chọn màn hình OLED. Hiện tại, các dòng OLED TV tốt nhất trên thị trường có thể kể đến các hãng như LG hay Sony. Đối với điện thoại thông minh, cả Apple, Google hay Samsung đều đã trang bị màn hình OLED cho các sản phẩm flagship của mình. Thậm chí một số dòng máy tính xách tay, máy tính bảng và ngay cả thiết bị chơi game cầm tay Nintendo Switch thế hệ mới nhất cũng đã trang bị màn hình OLED. Với ưu điểm vượt trội về chất lượng hình ảnh và độ tương phản tuyệt vời, công nghệ màn hình OLED lại có một nhược điểm lớn, đó là hiện tượng ám màn. Hiện tượng ám màn xảy ra khi một phần hình ảnh (thường là những ảnh tĩnh như phím điều hướng, logo đài truyền hình, bảng tỉ số trận đấu…) vẫn tiếp tục tồn tại dưới dạng bóng mờ trên màn hình bất kể bạn đang mở ứng dụng hay kênh gì.

Vấn đề ám màn luôn có khả năng xảy ra đối với màn hình OLED. Ngay cả trên trang hỗ trợ của Apple cũng cho biết hãng đã chủ động trong thiết kế để giảm thiểu nguy cơ xảy ra hiện tượng ám màn, dù trong một số “trường hợp cực đoan” thì hiện tượng này vẫn có thể xảy ra. Trang hỗ trợ dành cho điện thoại Pixel của Google cho biết hiện tượng ám màn có thể xảy ra “khi một hình ảnh hiển thị trên màn hình trong một thời gian dài với độ sáng cao” và khuyến cáo một số cách để giảm thiểu tình trạng này.

Đối với màn hình TV, trang sản phẩm của LG cho biết “Một người dùng bình thường hiếm khi tạo ra được môi trường thích hợp dẫn đến hiện tượng ám màn”. Tuy nhiên, những trường hợp người dùng khiếu nại về hiện tượng này lại không hề hiếm có trên mạng, từ kênh Youtube cho đến các diễn đàn và các phương tiện truyền thông đều đã có nhiều bài viết về vấn đề này. Thậm chí một số trang đánh giá sản phẩm như RTings đã thử nghiệm khả năng xảy ra hiện tượng ám màn với OLED TV của LG trong một bài kiểm tra dài hạn.

Thực tế là mọi màn hình OLED đều có nguy cơ bị ám màn, và từ tất cả những gì chúng ta biết, màn hình OLED dễ hư hỏng hơn so với màn hình tinh thể lỏng (LCD) hiện đang được sử dụng trên các dòng TV còn lại. Tuy nhiên, màn hình OLED mang lại chất lượng hình ảnh vượt trội hơn nhiều so với màn hình LCD.

Vậy nếu điều khiến bạn phải bận tâm nhất là nguy cơ bị ám màn, thì giải pháp đơn giản thôi: Hãy mua một chiếc TV sử dụng màn hình LCD. Nhưng nếu bạn muốn mua một chiếc màn hình có chất lượng hình ảnh xứng đáng với từng đồng tiền mình bỏ ra, thì hãy cân nhắc đến một số thông tin như sau:

- Hiện tượng “ám màn” luôn là một vấn đề với màn hình OLED, nhưng với người dùng phổ thông thì ít có khả năng gặp phải hơn.

- Hầu hết hiện tượng “ám màn” chỉ là hiện tượng lưu ảnh và nó sẽ biến mất sau vài phút.

- Chắc chắn người dùng sẽ nhận thấy hiện tượng lưu ảnh xuất hiện với khoảng thời gian ngày càng lâu cho đến khi nó thực sự bị “ám màn”.

- Nói chung, “ám màn” là một vấn đề người dùng nên cân nhắc, nhưng cũng không cần quá bận tâm về nó.

Màn hình OLED năm 2021: Lỗi “burn-in” có còn đáng lo? 

Lơi khuyên của chúng tôi là: Đối với hầu hết người dùng phổ thông thì “ám màn” không phải là một vấn đề quá to tát.

Sau khi cân nhắc các yếu tố thì chúng ta không nên xem “ám màn” là vấn đề gì đó quá nghiêm trọng. Đó cũng là lý do vì sao chúng tôi vẫn luôn khuyên người dùng lựa chọn các loại màn hình sử dụng công nghệ OLED, từ TV, điện thoại cho đến các thiết bị khác. Với những bằng chứng xác thực, hiện tượng ám màn chỉ xảy ra khi người dùng để một ảnh tĩnh duy nhất, liên tục trong một thời gian rất dài trên màn hình.

Nếu bạn, cũng như đa số những người dùng khác, thường xem nhiều loại nội dung trên TV, điện thoại hay các thiết bị khác có màn hình OLED thì bạn không việc gì phải bận tâm về hiện tượng này.

Làm thế nào để màn hình OLED không bị lưu ảnh?

Bạn có thể làm gì để phòng tránh sự cố này? Như đã đề cập ở trên, điều này phụ thuộc vào loại nội dung bạn xem trên thiết bị. Đặc biệt là bạn đừng mở những nội dung có cùng một ảnh tĩnh trong cùng một khu vực trên màn hình liên tục trong nhiều ngày liền không nghỉ.

Một số khu vực bạn cần chú ý như logo đài truyền hình, hay thanh tin nhanh trên các kênh tin tức, đó là những ảnh tĩnh không bao giờ di chuyển. Như vậy, nếu bạn mở những kênh tin tức như Fox News, CNN, MSNBC hay ESPN suốt cả ngày dài mà không chuyển kênh khác, thì khả năng cao chiếc TV của bạn sẽ gặp phải hiện tượng ám màn. Hoặc nếu bạn chơi cùng một trò chơi liên tục 8 tiếng một ngày, bảng trạng thái trên màn hình cũng có thể gây ra hiện tượng ám màn.

Tất nhiên, bạn hoàn toàn có thể xem truyền hình, chơi trò chơi hoặc làm bất cứ thứ gì theo đúng chức năng của một chiếc TV, hay một chiếc điện thoại. Nhưng chỉ có điều là bạn không nên xem một kênh duy nhất từ ngày này qua tháng khác. Dù nghe có vẻ cực đoan, nhưng một số thắc mắc của những người dùng gặp phải sự cố này đều ghi rằng “tôi chỉ xem đúng một kênh đó 5 tiếng mỗi ngày thôi mà”. Nếu bạn trong trường hợp này, tốt nhất hãy sắm cho mình một chiếc TV sử dụng màn hình LCD.

Miễn là bạn đa dạng hóa nội dung và các kênh truyền hình thì bạn sẽ chẳng bao giờ phải lo ngại về vấn đề ám màn. Việc xem những nội dung đa dạng sẽ giúp tuổi thọ của cả màn hình hao hụt đồng đều nhau. Vì vậy, trong khoảng thời gian 24 giờ, bạn xem một bộ phim, chơi một số trò chơi, say sưa với một số chương trình truyền hình, như vậy là đã đủ đa dạng rồi.

Trong bài kiểm tra của RTings, thời gian kiểm nghiệm tương đương khoảng 5 năm sử dụng và họ vẫn kết luận rằng “Chúng tôi vẫn giữ nguyên lập trường rằng chúng tôi không nghĩ hầu hết người dùng OLED TV xem nội dung đa dạng và không có vùng ảnh tĩnh sẽ gặp phải tình trạng ám màn”.

Đó là lời khuyên ngắn gọn của chúng tôi, nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn nữa, hãy cùng đọc tiếp nào.

Hiện tượng lưu ảnh – Hiện tượng ám màn

Đầu tiên, chúng ta cần hiểu đúng khái niệm. Mặc dù hai khái niệm này thường được sử dụng thay thế cho nhau, tuy nhiên, “lưu ảnh” và “ám màn” lại không hoàn toàn giống nhau.

- Lưu ảnh là hiện tượng tạm thời, nó sẽ biến mất sau một thời gian ngắn.

- Ám màn là sự cố vĩnh viễn, nó sẽ tồn tại rất lâu cho đến mãi mãi.

Hiện tượng lưu ảnh xuất hiện khi một phần hình ảnh tạm thời “đứng yên” trên màn hình sau khi hình ảnh đó mất đi. Ví dụ như bạn dành một một tiếng đồng hồ để ngắm nhìn hình của ai đó chẳng hạn. Sau đó bạn quyết định thôi không ngắm nữa và đi xem phim. Nhưng dù đã mở phim lên thì bạn vẫn nhìn thấy bóng mờ của tấm hình kia xuất hiện, trông nó như bóng ma trên màn hình và đang nhìn chằm chằm vào bạn vậy.

Đương nhiên là không phải do bạn bị điên rồi. Đó chính là một ví dụ cho hiện tượng lưu ảnh. Bóng mờ đó sẽ từ từ biến mất sau một thời gian, miễn là bạn xem thứ khác chứ không phải ảnh của ai kia nữa.

Màn hình OLED năm 2021: Lỗi “burn-in” có còn đáng lo? 

Đây là ảnh chụp một phần màn hình OLED TV LG C8 2018 hiển thị màu xám sau 5 giờ đồng hồ mở kênh CNN ở chế độ sáng nhất (Vivid mode). Cả hai bên là cùng một hình, nhưng ở bên phải, chúng tôi đánh dấu vị trí logo của CNN để bạn có thể thấy được sự khác biệt. Để xem rõ hơn, bạn có thể tăng độ sáng màn hình lên tối đa. Khi nhìn trực diện, một số vùng ảnh tĩnh hiển thị tối hơn, trong khi những vùng ảnh động lại cho màu xám sáng hơn. Tuy nhiên, sau khi chạy chương trình Pixel Refresher của LG thì sự khác biệt hoàn toán biến mất. Đây là ví dụ cho hiện tượng lưu ảnh mà không phải ám màn (Ảnh: Sarah Tew/CNET)

Giờ hãy tưởng tượng bạn mở cùng một hình ảnh trên TV trong nhiều ngày, nhiều tuần liền thay vì chỉ vài giờ đồng hồ. Lúc này thiết bị của bạn sẽ gặp rắc rối lớn đấy. Với hiện tượng lưu ảnh, bạn chỉ việc xem những thứ khác một lúc thì bóng mờ sẽ biến mất. Nhưng khi đã bị ám màn, bóng mờ sẽ sẽ tồn tại một quãng thời gian rất dài. Dù có thể không bị mãi mãi, nhưng ít nhất là dài đến mức bạn cảm thấy khó chịu.

Đó chỉ là một ví dụ cực đoan hóa để bạn có thể hình dung được vấn đề. Nhưng trong thực tế, mọi chuyện diễn ra có chút khác biệt. Tôi tự hỏi liệu có ai chỉ xem một kênh duy nhất như CNN không? Chắc chẳng người dùng nào lại có thể làm được điều đó. nhưng cứ tạm cho là có người như vậy đi nhé, thì logo của đài truyền hình là ứng cử viên hàng đầu cho vị trí bị lưu ảnh và cuối cùng là dẫn đến ám màn. Và cả thanh tin nhanh chạy phía dưới màn hình cũng vậy.

Nếu bạn thường xuyên chơi một tựa game duy nhất từ ngày này qua tháng nọ, các bảng thông tin hay bảng chỉ số cố định trên màn hình cũng có thể bị ám màn. Về cơ bản, bất cứ hình ảnh nào xuất hiện trên màn hình một thời gian dài mà không có sự thay đổi đều có thể gây ra hiện tượng lưu ảnh, và nặng hơn là hiện tượng ám màn.

Với điện thoại thông minh, chính bản thân hệ điều hành dường như là ứng cử viên hàng đầu gây ra hai hiện tượng trên. Chiếc điện thoại Samsung Galaxy S6 Edge trước đây của tôi bị ám màn sau hơn một năm sử dụng. Ban đầu, những bóng mờ xuất hiện rất mờ nhạt, nhưng sau 18 tháng, thì dù có mắt kém thì cũng có thể nhìn thấy chúng. Thanh trạng thái ở cạnh trên màn hình và một phần ba màn hình phía dưới tại vị trí bàn phím xuất hiện bị lão hóa chậm hơn phần ở giữa. Vì có độ sáng cao hơn nên phần màn hình ở giữa lão hóa nhanh hơn, vì thế khu vực này bị “ám màn” nặng hơn. Tôi sẽ nhận ra sự khác biệt khi xem cái gì đó ở chế độ tràn màn hình và hình ảnh có màu đồng nhất. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm sử dụng Google Pixel 2 cũng với màn hình OLED, thì hoàn toàn không bị ám màn. 6 năm sau, chiếc S6 Edge của tôi được một người bạn không mấy cẩn thận lắm sử dụng thì dường như hiện tượng ám màn vẫn không khác mấy so với hồi giữa năm 2017.

Apple cũng cảnh báo người dùng iPhone các dòng trang bị màn hình OLED, như X, 11, 12 và 13, là có khả năng xuất hiện hiện tượng ám màn. Dưới đây là cảnh báo của Apple:

“Sau một thời gian dài sử dụng, màn hình OLED có thể xuất hiện một số thay đổi nhỏ về hiển thị. Đây là hiện tượng đã được ghi nhận, có thể bao gồm hiện tượng “lưu ảnh” và “ám màn”, là phần màn hình hiển thị bóng mờ của hình ảnh trước đó dù đã chuyển sang hình ảnh mới. Điều này có thể xảy ra trong những trường hợp đặc biệt, như khi hiển thị cùng một hình ảnh có độ tương phản cao liên tục trong một thời gian dài. Chúng tôi đã thiết kế màn hình  Super Retina và Super Retina XDR với khả năng giảm thiểu tình trạng ám màn tốt nhất trong ngành công nghiệp này”.

Thật ra, hiện tượng ám màn thường được nhắc đến chính là sự lão hóa không đồng đều của màn hình OLED. Các điểm ảnh trên màn hình OLED mờ đi rất rất chậm khi chúng được sử dụng. Trong nhiều trường hợp, đây không phải vấn đề quá quan trọng vì bạn đang xem nhiều nội dung khác nhau và tính trung bình thì tất cả các pixel đều được sử dụng gần như nhau. Nhưng nếu bạn chỉ xem một kênh duy nhất, nó sẽ làm các điểm ảnh lão hóa không đều. Về mặt hiển thị, vả cả về tên gọi, hiện tượng lão hóa không đều này được gọi là “ám màn”. Sử dụng cách gọi “lão hóa không đồng đều” dù chính xác hơn, nhưng nó lại có quá nhiều âm tiết.

Ngoài ra, công nghệ OLED đã trở nên tốt hơn. Hàng tỷ USD đã được sử dụng cho sản xuất, nghiên cứu và phát triển công nghệ OLED, và mọi thứ vẫn đang tiếp tục thay đổi. Vì vậy, những chuyện bạn đã nghe qua về hiện tượng “ám màn” có thể từng là trào lưu của nhiều năm về trước với những thế hệ màn hình OLED cũ hơn. Dường như chúng ta ít nghe thấy về sự cố này với các thế hệ màn hình OLED mới hơn. Nếu có thì chắc hẳn nó đã tràn ngập trên mạng vì hai nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới, và rất nhiều các hãng khác, đã sử dụng màn hình OLED trên hàng triệu thiết bị trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, “ám màn” [thường] không được bảo hành

Trong chính sách bảo hành của LG và Sony, hai hãng tuyên bố rõ ràng rằng hiện tượng lưu ảnh và ám màn không nằm trong diện được bảo hành của các sản phẩm OLED TV. Chúng tôi đã liên hệ với LG để tìm hiểu lý do và đây là câu trả lời:

“Nói chung thì các công ty sản xuất TV và màn hình không bảo hành đối với hiện tượng lưu ảnh. Hiện tượng này có thể là hậu quả của việc người dùng sử dụng sản phẩm trong điều kiện bất thường, và hầu hết các nhà sản xuất đều không hỗ trợ bảo hành cho trường hợp này, bất kể là loại màn hình nào”, Tim Alessi, giảm đốc phụ trách sản phẩm mới của LG, cho biết.

Sony cũng có câu trả lời tương tự: “Chế độ bảo hành của chúng tôi áp dụng cho lỗi sản phẩm và lỗi do nhà sản xuất. Ám màn không được bảo hành vì nó bị gây ra bởi quá trình sử dụng của người dùng, không phải do sản phẩm bị lỗi”.

Cả chế độ bảo hành iPhone và AppleCare đều không đề cập cụ thể đối với hiện tượng ám màn mà chỉ nhắc đến những “hao mòn thông thường”, và trang hỗ trợ của Apple cũng đề cập rõ ràng rằng hiện tượng ám màn là “có thể xảy ra”.

Ngoài ra, chế độ bảo hành của LCD TV cũng không hỗ trợ cho hiện tượng ám màn và hầu hết các hãng đều không đề cập đến nó. Ví dụ như chế độ bảo hành cho dòng sản phẩm QLED TV của Samsung cũng loại trừ trường hợp “liên quan đến độ sáng do hao mòn thông thường và các vấn đề khác trong trường hợp TV được sử dụng cho mục đích thương mại hoặc trong điều kiện khác thường. Samsung không bảo hành cho sản phẩm hoạt động liên tục hoặc sản phâm không phát sinh lỗi trong quá trình sử dụng”.

Khi chúng tôi liên hệ Samsung để có thêm thông tin, đại diện hãng cho biết “sử dụng trong điều kiện bình thường”“người dùng sử dụng sản phẩm trong gia đình để xem các nội dung và/hoặc chơi trò chơi điện tử một cách thông thường. Điều này không bao gồm sử dụng cho mục đích kinh doanh”. Nói cách khác, nếu chiếc TV bị ám màn tại vị trí logo của đài ESPN và nó được đặt trong một quán nhậu chuyên phục vụ để xem bóng đá thì nó sẽ không được bảo hành.

Ngay cả các chế độ bảo hành mở rộng cũng không bảo hành cho hiện tượng ám màn. Một trong số đó là SquareTrade của Amazon, Walmart và một số cửa hàng khác. Chính sách của SquareTrade nêu rõ rằng họ không bảo hành cho hiện tượng ám màn. Tuy nhiên, chính sách của Geek Squad Protection Plan của Best Buy lại cho phép bảo hành tùy vào thời điểm bạn mua thiết bị. Chính sách mới nhất của Best Buy là chỉ bảo hành cho hiện tượng ám màn đối với điện thoại di động.

Màn hình OLED năm 2021: Lỗi “burn-in” có còn đáng lo? 

Bạn nên đối mặt với điều này như thế nào?

Thực tế là nếu màn hình OLED của bạn đã bị ám màn thì bạn buộc phải sống chung với nó. Vì vậy, cách tốt nhất là phòng ngừa ngay từ đầu. Nhưng phòng ngừa bằng cách nào?

Sony và LG cho biết cách tốt nhất để tránh hiện tượng lưu ảnh và ám màn trên các dòng TV của họ là tránh các hình ảnh tĩnh.

“Để hạn chế khả năng bị ám màn, người dùng nên tránh trình chiếu ảnh tĩnh trên màn hình OLED trong thời gian dài. Ví dụ, bạn nên tránh bấm dừng trò chơi và để màn hình như thế vài tiếng đồng hồ hoặc nhiều ngày”, người phát ngôn của Sony cho biết.

Nếu bạn nhận thấy thiết bị của mình xuất hiện tình trạng lưu ảnh, đừng quá hoảng loạn. Nếu bạn mở nội dung khác, có thể hiện tượng này sẽ tự biến mất sau một thời gian. Nếu bạn vẫn cứ tiếp tục xem cùng một nội dung bị lưu ảnh, thì điều đó mới đáng phải lo ngại.

Giảm độ sáng màn hình sẽ khắc phục phần nào, đặc biệt là khi bạn xem các nội dung gây ra hiện tượng lưu ảnh. Bạn cũng có thể chọn chế độ màu dịu hơn, như chế độ phim ảnh thay vì chế độ sống động. Bạn chỉ cần làm như vậy với những nội dung có thể gây lưu ảnh, như khi chơi trò chơi điện tử 6 tiếng mỗi tối hoặc khi mở kênh tin tức 24/24.

Màn hình OLED năm 2021: Lỗi “burn-in” có còn đáng lo? 

Hiện nay, các dòng OLED TV đều có nhiều cách để phòng tránh và khắc phục hiện tượng lưu ảnh (Ảnh: Sarah Tew/CNET)

Hầu hết các dòng OLED TV đều được trang bị một số tính năng để giảm thiểu thấp nhất nguy cơ lão hóa điểm ảnh không đều hay ám màn. Một vài tính năng, như Screen Shift của LG hay Pixel Shift của Sony, cho phép dịch chuyển hình ảnh trên màn hình. Ngoài ra, các TV cũng được tích hợp chế độ bảo vệ màn hình sau một thời gian không sử dụng. Bạn cũng nên kích hoạt chế độ bảo vệ màn hình trên các thiết bị kết nối như game consoles và streamer.

Để loại bỏ hiện tượng lưu ảnh, một số TV có thể “làm mới” hằng ngày hoặc trong chu kỳ lâu hơn. Với TV Sony, tính năng này có tên Panel Refresh, còn LG thì gọi nó là Pixel Refresher. Người dùng có thể kích hoạt tính năng này khi nhận thấy có hiện tượng lưu ảnh, hoặc với LG, chiếc TV sẽ nhắc bạn chạy tính năng này sau 2.000 giờ sử dụng.

LG cũng trang bị thêm tính năng Daily Pixel Refresher cho phép “tự động khởi chạy khi người dùng tắt TV sau tổng cộng 4 giờ hoạt động. Ví dụ, nếu hôm trước người dùng xem TV trong 2 giờ đồng hồ và hôm nay tiếp tục xem 3 giờ nữa (tổng cộng vượt quá 4 giờ), thì khi người dùng tắt TV, tính năng Daily Pixel Refresher sẽ tự động được kích hoạt và bắt đầu tính thời gian lại từ đầu. Quá trình này sẽ được kích hoạt khi TV tắt đi sau mỗi 4 giờ hoạt động cộng dồn, và ngay cả khi đủ 4 giờ trong một lần sử dụng”.

Dù mang tên gọi là gì đi nữa thì tính năng làm mới điểm ảnh khi hoạt động sẽ xuất hiện một đường ngang chạy từ trên xuống trong khoảng 1 giờ hoặc hơn. Tính năng này được thiết kế để đảm bảo tất cả các điểm ảnh đều có độ hao mòn như nhau.

Màn hình OLED năm 2021: Lỗi “burn-in” có còn đáng lo? 

Tính năng Panel Refresh trên OLED TV của Sony (Ảnh: David Katzmaier/CNET)

Còn đối với điện thoại sử dụng màn hình OLED thì bạn không cần quá lo lắng. Vì hầu hết người dùng đều đã đổi điện thoại mới trước khi vấn đề lưu ảnh/ám màn thực sự làm phiền đến họ. Hay đối với chiếc điện thoại Galaxy S6 Edge cũ của tôi, dù nhận thấy hiện tượng lưu ảnh nhưng nó cũng không quá ảnh hưởng đến quá trình sử dụng. Và sau khi được chuyển cho người chủ thứ hai, thì anh ấy đã sử dụng nó với khoảng thời gian dài gấp đôi tôi và thứ duy nhất được thay thế là pin điện thoại. Như vậy, rõ ràng vấn đề lưu ảnh hay ám màn cũng không hẳn là nguyên nhân sẽ khiến bạn thay một chiếc điện thoại mới. Khi người bạn của tôi thay điện thoại sau 4 năm sử dụng chiếc Galaxy S6 Edge, anh ấy vẫn chọn Google Pixel 4a, một chiếc điện thoại với màn hình OLED.

Quay trở lại với TV, ngoài các biện pháp đã nói ở trên thì không có quá nhiều thứ bạn có thể làm để cứu chữa chiếc TV một khi đã bị ám màn. Giả sử bạn có thể sử dụng Photoshop để tạo ra một hình ảnh nghịch đảo và mở trên màn hình một thời gian. Bằng cách này có thể khiến các phần còn lại trên màn hình lão hóa đồng đều hơn với khu vực bị ám màn. Để làm được điều này thì bạn phải khá thành thạo trong việc sử dụng phần mềm Photoshop đấy.

Vậy còn Nintendo Switch?

Màn hình OLED năm 2021: Lỗi “burn-in” có còn đáng lo? 

Ảnh: James Martin/CNET

Thiết bị chơi game cầm tay Switch thế hệ mới của Nintendo đã có vài nâng cấp, trong đó phải kể đến màn hình OLED. Sự thay đổi này đã mang lại trải nghiệm hình ảnh tốt hơn nhiều so với loại màn hình sử dụng trên các phiên bản cũ hơn. Như đã nói ở trên, việc chơi trò chơi điện tử là một nguy cơ tiềm năng dẫn đến hiện tượng lưu ảnh, hay tệ hơn là ám màn. Dưới đây là câu trả lời của Nintendo khi chúng tôi phỏng vấn về vấn đề này:

“Chúng tôi thiết kế màn hình OLED để mang lại thời hạn sử dụng dài nhất có thể, nhưng màn hình OLED vẫn có thể bị lưu ảnh nếu trình chiếu hình ảnh tĩnh trong một thời gian dài. Tuy nhiên, người dùng có thể phòng ngừa [bằng cách] sử dụng các tính năng mặc định có sẵn trên Nintendo Switch, như tính năng tự động điều chỉnh độ sáng để ngăn màn hình hiển thị ở độ sáng quá cao, và tính năng tự động kích hoạt chế độ ngủ sau một thời gian ngắn”.

Như vậy, có thể thấy Nintendo thực sự lo ngại về nguy cơ này và đã có biện pháp để giảm thiểu rủi ro. Bên cạnh đó, mặc dù có rất nhiều trò chơi có bảng thông số cố định trên màn hình, bạn cũng sẽ phải chơi duy nhất một trò đó trong nhiều giờ liền ở độ sáng cao nhất, từ ngày này qua ngày khác mà không mở bất cứ thứ gì khác, thì rủi ro mới thật sự hiện diện.

Nếu bạn rơi vào trường hợp này và thường xuyên chỉ chơi một trò duy nhất với độ sáng màn hình tối đa, hãy chọn phiên bản Switch không sử dụng màn hình OLED, và nó cũng giúp tiết kiệm một khoảng kha khá. Với những người dùng còn lại, việc lựa chọn nâng cấp lên phiên bản với màn hình OLED sẽ mang lại trải nghiệm rất đáng đồng tiền bát gạo đấy.

Vậy còn những bài kiểm tra ám màn trên màn hình OLED?

Chúng tôi chưa có bài kiểm nghiệm dài hạn thật sự nào về hiện tượng ám màn trên màn hình OLED. Với trải nghiệm cá nhân, chúng tôi nhận thấy hiện tượng lưu ảnh trên màn hình OLED biến mất rất nhanh, ví dụ như sau khi chạy một loạt ảnh họa tiết tĩnh để kiểm tra, nhưng nó không xuất hiện thường xuyên.

Bài kiểm tra độc lập và toàn diện nhất về vấn đề ám màn trên TV được thực hiện bởi trang RTings mà chúng tôi đã nhắc đến ở trên. Vào tháng 8/2017, họ đã bắt đầu một bài “tra tấn” với cả màn hình LCD và OLED, và đến năm 2018 thì họ bắt đầu thực hiện bài “tra tấn” trong quá trình sử dụng thực tế. Trang RTings đã ngừng cập nhật về kết quả bài kiểm tra từ năm 2020, dù vậy nó đã tương đương với 5 năm sử dụng với mục đích thông thường. Và RTings vẫn cho rằng hầu hết người dùng sẽ chẳng bao giờ gặp phải vấn đề với hiện tượng ám màn.

Trước khi xem các bài kiểm tra của trang RTings, bạn cần nhớ rằng những cách họ làm không phải là cách sử dụng sản phẩm thông thường. Bạn sẽ phải cố gắng tìm cách đập phá chiếc TV để nó trông nát như vậy, và đó là điều họ đã làm theo đúng nghĩa đen. Dù vậy, thông tin có được vẫn rất giá trị, và điều rút ra là màn hình OLED dễ bị ám màn hơn màn hình LCD.

Kết luận

Khi bạn nhận thấy có bóng mờ trên điện thoại hoặc màn hình TV, nếu nó biến mất sau một vài phút xem thứ khác, thì đó chỉ là hiện tượng lưu ảnh và bạn không cần phải quá lo lắng. Nếu nó tồn tại lâu hơn, hoặc bạn liên tục thấy bóng mờ của cùng một hình, thì đó là hiện tượng ám màn. Với điện thoại, bạn có thể sẽ phải thay màn hình mới trước khi nó thật sự gây bất tiện.

Với OLED TV, bạn chỉ cần quan tâm nếu bạn là người nghiện xem kênh tin tức hoặc chỉ chơi một trò chơi điện tử duy nhất. Hãy để ý đến sự xuất hiện của hiện tượng lưu ảnh và hao mòn không đều. Nếu bạn phát hiện ra chúng, có lẽ bạn cần thay đổi các nội dung thường xem, điều chỉnh cài đặt, hoặc chạy tính năng làm mới điểm ảnh một vài lần. Còn trong trường hợp bạn mở các kênh tin tức liên tục trong ngày thì tốt nhất là nên chọn LCD TV.

Cuối cùng, nếu bạn có thói quen sử dụng TV như bao người khác, thì ám màn không thực sự là vấn đề đáng phải lo ngại.

Theo Cnet

Chủ đề liên quan

Chủ đề khác