Cảnh báo bẫy chat sex với người mẫu deepfake

Khôi Nguyên

Moderator
Tội phạm dùng công nghệ AI deepfake (giả âm thanh, hình ảnh) người mẫu nổi tiếng để dụ đàn ông chat sex, ghi lại toàn bộ hình ảnh, sau đó tống tiền.

Ngày 15/6, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) Công an TP HCM cho biết đang phối hợp các phòng nghiệp vụ điều tra việc nhiều người bị lừa đảo bằng công nghệ deepfake.

1718433017852.png

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cảnh báo hình thức lừa đảo bằng deepfake. Ảnh: Công an cung cấp.
Theo trình báo của anh Hùng, ngụ quận 10, tháng trước, một tài khoản Facebook có hình ảnh nữ người mẫu nổi tiếng chủ động kết bạn làm quen với anh. Lúc đầu anh cũng nghi ngờ, nhưng khi cô gái chủ động gọi video call, cho thấy mặt, cuộc sống sinh hoạt... thì tin tưởng tuyệt đối. Trong một lần say rượu, khi gọi video call, anh được "người đẹp" gợi ý chat sex nên làm theo.

Những ngày sau đó, Hùng liên tiếp bị tài khoản Facebook "người mẫu" gửi các clip đã chat sex để "xin tiền", nếu không cho sẽ tung lên mạng, gửi cho vợ, bạn bè, người thân... Lo sợ việc này sẽ mất hết danh dự, anh Hùng phải chuyển tiền vào số tài khoản "cô gái" chỉ định.

Tuy nhiên, tài khoản Facebook này tiếp tục khống chế, đe dọa, buộc anh Hùng phải chuyển thêm tiền, tổng cộng gần 500 triệu đồng. Không chịu nổi áp lực và lo sợ, anh Hùng trình báo công an.

Theo PA05 Công an TP HCM, trường hợp như anh Hùng không phải hiếm. Thời gian qua, lực lượng chức năng liên tục nhận được trình báo của người dân bị tội phạm sử dụng tính năng kết bạn, hẹn hò online của các nền tảng và ứng dụng mạng xã hội như Facebook, Tinder, Zalo, Viber... giả diễn viên hay người mẫu để làm quen, dụ dỗ rồi tống tiền.

Để tạo lòng tin, tội phạm sử dụng hình ảnh, thông tin thật của diễn viên, người mẫu đã chia sẻ trên mạng xã hội; sau đó sử dụng công nghệ AI deepfake (phương thức tạo ra các sản phẩm công nghệ giả dưới dạng âm thanh, hình ảnh, video bởi trí tuệ nhân tạo) để gọi video call theo thời gian thật, tương tác thật với nạn nhân.

Do tội phạm sử dụng các thuật toán tiên tiến, các công nghệ đảm bảo mỗi giao dịch hoán đổi duy trì vẻ ngoài tự nhiên, không có dấu hiệu rõ ràng về thao tác kỹ thuật số, nên người dân rất khó phát hiện bằng mắt thường.

Các nạn nhân khi bị tống tiền đều thực hiện theo, do sợ bị tiết lộ hình ảnh xấu xí sẽ ảnh hưởng đến uy tín danh dự, hạnh phúc gia đình. Một số người bị tội phạm buộc phải thực hiện các thao tác, sau đó bị chiếm quyền điều khiển điện thoại, mất hết tiền trong tài khoản ngân hàng.

Công an TP HCM khuyến cáo người dân không chia sẻ hình ảnh cá nhân quá nhiều lên mạng. Tuyệt đối không quay hoặc chia sẻ hình ảnh, video có nội dung nhạy cảm. Khi lỡ trở thành nạn nhân của các băng nhóm tội phạm thì không chuyển tiền, mà trình báo ngay với cảnh sát.

Hôm qua, tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ thành phố lần thứ 31, trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP HCM, cho biết Công an TP HCM sẽ triển khai ứng dụng (app) về an ninh trật tự, giúp người dân nhận diện các hành vi lừa đảo qua mạng để tự bảo vệ mình.

Theo tướng Nam, tình trạng lừa đảo qua mạng rất phức tạp, tràn lan, nhưng chỉ 20% vụ án được phá. Đặc trưng của loại án này là khi tội phạm tương tác sẽ lôi kéo, dụ dỗ, mê hoặc khiến người dân không biết mình bị lừa nên không báo công an. Đến khi tài sản bị chiếm đoạt nạn nhân mới báo công an thì tiền đã bị tội phạm chuyển qua nhiều ngân hàng, đã ra khỏi tài khoản, chuyển thành tiền mặt.

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong việc truy vết, đấu tranh thu hồi tài sản cho người dân vì tội phạm lừa đảo không chỉ ở trên địa bàn TP HCM mà còn ở nước ngoài, các tỉnh thành phía Bắc, khu vực miền Tây... Khi cảnh sát truy vết, tìm ra thì "tiền đã hết, tội phạm đã cao chạy xa bay".
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top