Tấn công mạng do nhà nước tài trợ: Làm thế nào để nhận diện và phòng tránh?

Duy Linh
Duy Linh
Phản hồi: 0

Duy Linh

Writer
Các mối đe dọa mạng ngày nay không còn đơn thuần là những cuộc tấn công quy mô nhỏ. Các tổ chức được nhà nước tài trợ lẫn các nhóm phi nhà nước đang sử dụng vũ khí mạng tinh vi để xâm nhập và phá hoại cơ sở hạ tầng quan trọng. Trong bối cảnh an ninh mạng và an ninh vật lý ngày càng gắn kết, các phần mềm độc hại như mã độc, virus hay mối đe dọa dai dẳng nâng cao (APT) đang khai thác lỗ hổng trong hệ thống SCADA, hệ thống điều khiển công nghiệp (ICS) và các thiết bị IoT.
1752549574925.png

Chiến tranh mạng hiện đại đã vượt xa các cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DoS), trở thành những đòn tấn công chính xác nhằm vào lưới điện, mạng viễn thông, hệ thống tài chính và cơ sở dữ liệu y tế. Một ví dụ nổi bật là virus Stuxnet, được thiết kế để phá hoại các bộ điều khiển logic lập trình (PLC) trong máy ly tâm hạt nhân của Iran bằng cách can thiệp vào phần mềm Siemens Step7. Nó làm hỏng thiết bị vật lý bằng cách thay đổi mô-men xoắn và tốc độ quay, cho thấy một cuộc tấn công mạng có thể gây hậu quả như vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD).

Các chuyên gia, trong đó có các nhà nghiên cứu từ Học viện Chiến tranh Không quân, phân loại vũ khí mạng theo tiêu chí WMD: được thiết kế nhằm phá hủy, có khả năng gây ảnh hưởng diện rộng như tai nạn hạt nhân hoặc gián đoạn hàng không, và đang được đề cập trong các khung pháp lý quốc tế như báo cáo của Nhóm chuyên gia chính phủ Liên hợp quốc (UNGGE).

Cơ chế hoạt động và các vụ tấn công điển hình​

Vũ khí mạng hiện đại thường có kiến trúc mô-đun, gồm ba phần: phương tiện truyền tải, hệ thống định vị và tải trọng. Chúng được phát tán qua lừa đảo trực tuyến, khai thác lỗ hổng zero-day hoặc thông qua chuỗi cung ứng – như trong vụ tấn công SolarWinds, nơi mã độc được cài vào bản cập nhật phần mềm.

Các cơ chế điều hướng sử dụng lỗ hổng bảo mật phổ biến (CVE) và cấu hình sai để lén xâm nhập hệ thống. Tải trọng có thể đánh cắp dữ liệu, cài trojan truy cập từ xa (RAT), hoặc xây dựng botnet tự sao chép để mở rộng quy mô tấn công. Một số vũ khí còn tích hợp khả năng ẩn mình bằng rootkit, thích ứng linh hoạt nhờ trí tuệ nhân tạo và có thể tự lan truyền sang các thiết bị khác.

Ví dụ, ransomware NotPetya đã khai thác lỗ hổng EternalBlue để lan truyền theo chiều ngang, mã hóa bản ghi khởi động chính (MBR) và gây thiệt hại hàng tỷ USD (hàng chục nghìn tỷ VNĐ) trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tính tinh vi này khiến việc truy vết nguồn gốc rất khó khăn. Kẻ tấn công có thể sử dụng kỹ thuật giả mạo IP, định tuyến qua Tor hoặc dùng mã đa hình để né tránh hệ thống phát hiện dựa trên chữ ký.

Một số ví dụ điển hình:
  • "Đại pháo" của Trung Quốc (2019): chiếm quyền điều khiển lưu lượng HTTP qua Tường lửa Vĩ đại, chèn mã JavaScript độc hại để phát động cuộc tấn công DDoS vào diễn đàn LIHKG tại Hồng Kông. Hệ thống phải xử lý hơn 1,5 tỷ yêu cầu trong một ngày, làm gián đoạn hoạt động của phong trào dân chủ.
  • Vụ tấn công lưới điện Ukraine (2015): phần mềm độc hại BlackEnergy đã truy cập vào giao diện SCADA, điều khiển máy cắt từ xa, khiến 230.000 người bị mất điện.
  • WannaCry (2017): lây lan qua lỗ hổng SMB, mã hóa hồ sơ bệnh án và buộc nhiều bệnh viện tại Anh phải dừng các dịch vụ y tế quan trọng.
Những sự cố này cho thấy sự nguy hiểm của hệ thống cũ kỹ không có mã hóa, rủi ro từ nhân viên bị thao túng qua kỹ thuật xã hội, và nguy cơ từ điện toán lượng tử – nơi thuật toán Shor có thể phá giải RSA và ECC, cho phép giải mã các dữ liệu đã bị đánh cắp.

Để đối phó, các tổ chức cần triển khai hệ thống phòng vệ theo lớp: kiến trúc không tin cậy (zero trust), xác thực đa yếu tố (MFA), kiểm tra xâm nhập định kỳ, dùng SIEM tích hợp AI để phát hiện bất thường.

Hợp tác quốc tế như Đạo luật chia sẻ thông tin an ninh mạng (CISA) giúp chia sẻ thông tin tình báo kịp thời. Ngoài ra, chuẩn hóa mật mã an toàn lượng tử theo tiêu chuẩn NIST sẽ giúp chuẩn bị cho giai đoạn hậu lượng tử.

Việc tăng cường vệ sinh mạng – như cập nhật bản vá thường xuyên và đào tạo nhân viên nhận diện các hình thức lừa đảo – là yếu tố then chốt để giảm thiểu rủi ro.

Đọc chi tiết tại đây: https://gbhackers.com/threats-actors-use-sophisticated-hacking-tools/
 
Được phối hợp thực hiện bởi các chuyên gia của Bkav, cộng đồng An ninh mạng Việt Nam WhiteHat và cộng đồng Khoa học công nghệ VnReview


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
http://textlink.linktop.vn/?adslk=aHR0cHM6Ly92bnJldmlldy52bi90aHJlYWRzL3Rhbi1jb25nLW1hbmctZG8tbmhhLW51b2MtdGFpLXRyby1sYW0tdGhlLW5hby1kZS1uaGFuLWRpZW4tdmEtcGhvbmctdHJhbmguNjQ4NjAv
Top