Trong cuộc chiến chip trị giá 2,5 nghìn tỷ đô la, ai là người dẫn đầu?

Christine May
Christine May
Phản hồi: 0

Christine May

Editor
Thành viên BQT
Cuộc chiến nghìn tỷ đô đang diễn ra ngay giữa lòng Thung lũng Silicon, và nó không phải là chuyện viễn tưởng. Đó là cuộc đua khốc liệt giành giật sức mạnh tính toán, yếu tố sống còn trong thời đại trí tuệ nhân tạo.
1753253968487.png

Mọi chuyện bắt đầu với một thông báo hôm 21/7 tưởng như đơn giản của Sam Altman, CEO OpenAI, rằng công ty ông sẽ có hơn một triệu GPU đi vào hoạt động trước cuối năm nay. Con số đó không chỉ gây sốc vì độ lớn, mà vì nó hé lộ quy mô thật sự của một cuộc chiến đang âm thầm diễn ra sau cánh gà, nơi mà các gã khổng lồ công nghệ như OpenAI, Microsoft, xAI của Elon Musk, Meta của Zuckerberg hay cả Nvidia đều đang lao vào một cuộc chạy đua tiêu tốn hàng trăm tỷ đô la chỉ để giành quyền kiểm soát một tài nguyên: sức mạnh xử lý của máy móc.
1753253988397.png

Vì sao GPU, tức những con chip vốn dành cho đồ họa, lại trở thành thứ vũ khí chiến lược trong thời đại này? Bởi AI, từ ChatGPT cho tới những mô hình tạo ảnh siêu thực, đều phải "ăn" năng lực xử lý như uống nước. Không có GPU thì không có AI. Và không có AI thì sẽ không có tương lai trong ngành công nghệ nữa.

OpenAI, ví dụ điển hình, từng phụ thuộc rất nhiều vào sức mạnh điện toán từ Microsoft Azure. Nhưng giờ, Altman muốn nhiều hơn – ông muốn chủ động hoàn toàn, tự kiểm soát cơ sở hạ tầng. Dự án Stargate, với mục tiêu xây dựng các siêu trung tâm dữ liệu trị giá hàng trăm tỷ USD, ra đời từ đó. Một nhánh ở Mỹ, một nhánh ở UAE, và Altman còn tính đến chuyện tự thiết kế chip riêng, Titan V.1, sẽ ra mắt năm 2026. Mục tiêu cuối cùng: không phụ thuộc ai cả, từ phần cứng cho đến năng lượng và cơ sở hạ tầng.
1753254071162.png

Nhưng ông không đơn độc trong cuộc đua này. Musk không chậm chân. Chỉ trong vài tháng, xAI của ông đã xây dựng siêu máy tính với 200.000 GPU, và hứa hẹn sẽ đạt 50 triệu trong vài năm tới. Meta cũng vào cuộc. Zuckerberg hé lộ rằng họ đang xây dựng các trung tâm dữ liệu Hyperion và Prometheus, mỗi cái có thể chứa nửa triệu GPU, tiêu thụ hàng tỷ kilowatt điện mỗi năm, tương đương một thành phố cỡ trung.

Với chi phí trung bình khoảng 40.000 đô mỗi GPU, một cụm như vậy dễ dàng ngốn tới hàng chục tỷ USD, chưa tính chi phí vận hành, điện năng và làm mát. Tổng chi tiêu vốn cho cơ sở hạ tầng AI trong riêng năm 2025 đã được ước tính vượt 360 tỷ USD, tăng gấp đôi so với hai năm trước. Phần lớn số tiền này nằm trong tay một nhóm nhỏ các ông lớn công nghệ. Đây là một “hiệu ứng Matthew” điển hình: ai đã mạnh thì lại càng mạnh hơn.
1753254089059.png

Ảnh chụp từ trên không của dự án Stargate tại Abilene, Texas.

Thực tế, việc các công ty thi nhau đốt tiền vào GPU không chỉ vì nhu cầu hiện tại. Họ đang đặt cược cho tương lai, cho một thời điểm mà AI đạt đến cấp độ AGI – trí tuệ nhân tạo tổng quát, có thể suy nghĩ và hành động như con người. Muốn đến được cánh cửa đó, điều kiện đầu tiên là phải có sức mạnh tính toán khổng lồ. Ai sở hữu sức mạnh đó, người đó kiểm soát tương lai.

Tuy nhiên, không phải ai cũng sẵn lòng chi tiền như vậy. Microsoft từng là “đồng minh thân cận” của OpenAI, nhưng gần đây đã tỏ ra dè dặt hơn. Trong khi Altman muốn mở rộng sức mạnh lên gấp 100 lần, thì Satya Nadella, CEO Microsoft, lại nói rằng cần sử dụng hiệu quả tài nguyên hiện có và không nên vội vàng đầu tư thêm nếu lợi nhuận không rõ ràng. Điều đó làm lộ ra những khác biệt chiến lược. Và rồi, OpenAI bắt đầu bắt tay với các bên khác như Oracle, SoftBank, thậm chí cả chính phủ UAE.

Có một tình tiết thú vị là khi OpenAI tung ra tính năng tạo ảnh theo phong cách Ghibli vào tháng 3, GPU của họ không đủ để xử lý khối lượng người dùng, buộc phải hạn chế số lần tạo ảnh mỗi ngày. Altman khi đó thậm chí còn nói đùa rằng “GPU của chúng tôi sắp tan chảy rồi”. Đó không chỉ là một câu quảng bá, mà còn phản ánh thực tế: nếu không kiểm soát được sức mạnh tính toán, thì ngay cả một tính năng đơn giản cũng có thể trở thành gánh nặng.
1753254121075.png

Dự án trung tâm dữ liệu Hyperion của Meta tại Manhattan

Còn Elon Musk thì nhìn nhận mọi thứ theo cách triệt để hơn. Ông cho rằng nếu phải chờ 18 đến 24 tháng để thuê GPU từ các nhà cung cấp đám mây, thì tức là đã thua rồi. Bởi vậy, xAI tự xây từ đầu, rút ngắn thời gian triển khai xuống chỉ còn 122 ngày.

Cuộc chạy đua sức mạnh tính toán giờ không khác gì cuộc chạy đua vũ trang. GPU giống như vàng trong thời đại AI. Và để sở hữu chúng, các công ty sẵn sàng vung tiền như thể không có ngày mai. Từ OpenAI đến Meta, xAI và cả Nvidia - tất cả đang đặt cược rằng ai xây xong “đường cao tốc điện toán” trước, người đó sẽ dẫn đầu kỷ nguyên tiếp theo.

Nhưng liệu có đáng để đổ hàng nghìn tỷ đô cho thứ tài nguyên vô hình này? Điều đó còn phụ thuộc vào một câu hỏi lớn hơn: Với hàng triệu GPU trong tay, liệu nhân loại có thực sự mở được cánh cửa bước vào thời kỳ của trí tuệ nhân tạo siêu việt?
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
http://textlink.linktop.vn/?adslk=aHR0cHM6Ly92bnJldmlldy52bi90aHJlYWRzL3Ryb25nLWN1b2MtY2hpZW4tY2hpcC10cmktZ2lhLTItNS1uZ2hpbi10eS1kby1sYS1haS1sYS1uZ3VvaS1kYW4tZGF1LjY1NjE2Lw==
Top