VnReview
Hà Nội

Trung Quốc đã sản xuất được chip x86 gần giống với bộ xử lý máy chủ AMD

Nhờ một thỏa thuận cấp phép với AMD và một liên doanh phức tạp, hãng sản xuất chip Trung Quốc là Chengdu Haiguang IC Design Co. (Hygon) sẽ bắt đầu sản xuất các vi xử lý máy chủ x86 không thể phân biệt được với vi xử lý EPYC của AMD.

Cụ thể, con chip được gọi là "Dhyana" này giống chip của AMD về mặt thiết kế đến nỗi các nhà phát triển nhân Linux chẳng cần mất công mấy trong việc đưa ra các bản vá nhằm hỗ trợ dòng vi xử lý mới này. Những con chip máy chủ do Hygon sản xuất sẽ chỉ được dùng trong nước - một phần của nỗ lực nhằm phá vỡ sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các công ty công nghệ nước ngoài.

Theo Arstechnica, kể từ khi Edward Snowden tiết lộ rằng Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) sử dụng các thành phần cấy ghép trong các sản phẩm công nghệ nhằm tiến hành hoạt động thu thập tin tình báo từ nước ngoài, Trung Quốc đã đẩy mạnh việc gây áp lực lên các hãng cung cấp công nghệ Mỹ. Quốc gia này hi vọng sẽ giúp ngành công nghiệp công nghệ trong nước phát triển thông qua các điều luật an ninh thông tin mới cực kỳ nghiêm khắc, cũng như đầu tư vào các hãng cung ứng nội địa.

Nhu cầu tìm kiếm một hãng sản xuất nội địa chuyên về vi xử lý máy chủ hiệu năng cao còn xuất phát từ lệnh giới hạn xuất khẩu Mỹ đặt ra với Trung Quốc. Theo đó, vào năm 2015, chính quyền Tổng thống Obama đã ngăn Intel bán vi xử lý Xeon cho siêu máy tính Tianhe-2 của Trung Quốc vì quan ngại rằng Trung Quốc có thể lợi dụng vi xử lý này để thực hiện chương trình vũ khí hạt nhân của mình. Kể từ đó, các hãng sản xuất Mỹ đã bị hạn chế xuất khẩu vi xử lý hiệu năng cao đến Trung Quốc, và chính phủ Mỹ còn thực hiện nhiều bước đi nhằm ngăn Trung Quốc thâu tóm các công ty công nghệ trong quá khứ vì lý do an ninh quốc gia.

Hệ quả không lường trước được của lệnh giới hạn này là chính phủ Trung Quốc đã đẩy mạnh đầu tư vào các vi xử lý nội địa - và nước này đã tìm ra cách để vượt qua lệnh giới hạn nhập khẩu: dàn xếp giấy phép và liên doanh. Suzhou PowerCore Technology Co. đã được IBM cấp phép kiến trúc Power8 vào năm 2015; Zhaoxin, một công ty công nghệ sở hữu nhà nước, đã thiết kế các vi xử lý x86 nội địa dành cho desktop thông qua liên doanh với VIA. Và hiện nay, thỏa thuận cấp phép với AMD - vốn tận dụng cả thỏa thuận cấp phép và hình thành liên doanh để cho phép Trung Quốc sử dụng tài sản trí tuệ x86 - đã giúp "hiện thực hóa" bước đi đầu tiên hướng đến một nền tảng máy chủ nội địa hiệu năng cao của Trung Quốc.

Dựa trên kiến trúc nhân "Zen" của AMD và EPYC, vi xử lý "Dhyana" trước mắt sẽ tập trung cho các ứng dụng nhúng. Chúng không phải là các vi xử lý socket, mà có thiết kế SoC giống như vi xử lý nhúng EPYC đang được sản xuất bởi AMD. Chúng giống nhau đến mức để có thể mang mã nhân Linux viết cho EPYC sang các chip của Hygon, các nhà phát triển chỉ cần ít hơn 200 dòng code mà thôi.

Tất nhiên, dù có thiết kế SoC, vi xử lý Dhyana vẫn không loại trừ khả năng được sử dụng trong các ứng dụng đám mây hiệu năng cao, hoặc trong các trung tâm dữ liệu vốn không đòi hỏi phải sử dụng Intel Xeon hay các vi xử lý máy chủ khác. Và xét việc Trung Quốc đang đẩy mạnh công nghệ thông tin và sản xuất trong nước, mặc cho các lệnh giới hạn thương mại của Mỹ, thì công nghệ máy chủ nhúng có lẽ sẽ phù hợp với nhu cầu nội địa hiện tại.

Tin tốt cho AMD là liên doanh này sẽ mang về cho công ty một dòng tiền bản quyền ổn định, bên cạnh khoản tiền mặt 239 triệu USD mà công ty được trả trong năm 2016 bởi Tianjin Haiguang Advanced Technology Investment Co. (THATIC) - một đơn vị đầu tư của Viện Khoa học Trung Quốc. Câu hỏi được đặt ra lúc này là mối liên hệ này sẽ kéo dài được bao lâu khi mà bầu không khí hiện tại giữa Washington và Bắc Kinh đang cực kỳ bất ổn. Nhưng dù sao, đây chắc chắn là một vụ đầu tư có lợi, đi kèm những nguy cơ tiềm tàng về an ninh quốc gia.

Minh.T.T

Chủ đề khác