VnReview
Hà Nội

Khoa học giải thích về cách biểu lộ cảm xúc ở con người

Nét mặt, âm vực hoặc ngữ điệu của giọng nói có thể thể hiện rất nhiều trạng thái cảm xúc của một người. Mức độ thể hiện của chúng phụ thuộc nhiều vào cường độ của cảm giác. Nhưng có đúng là cảm xúc càng mạnh thì càng dễ làm người ta thấu hiểu?

Để làm rõ điều này, một nhóm nghiên cứu quốc tế bao gồm các nhà khoa học đến từ Viện Max Planck nghiên cứu về Thẩm mỹ ứng dụng, Đại học New York và Trung tâm Ngôn ngữ, Âm nhạc và Cảm xúc Max Planck NYU (CLaME), họ đã phát hiện ra những nghịch lý giữa cường độ thể hiện cảm xúc và cách chúng ta nhận thức chúng.

Cảm xúc có các cung bậc, mức độ và cường độ khác nhau. Một người bị chó/mèo cắn có thể cảm thấy sợ hãi, nhưng chắc chắn nỗi sợ hãi đó vẫn chưa là gì nếu họ bị sư tử hoặc hổ tấn công. Vì vậy, cảm xúc của mỗi cá nhân thường khác nhau về mức độ mạnh mẽ. Nhưng điều này ảnh hưởng như thế nào đến khả năng nhận thức của chúng ta?

Các nghiên cứu về cảm xúc từ trước đến nay đã giả định rằng: "cảm xúc trở nên rõ ràng hơn khi cường độ của chúng tăng lên". Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Frankfurt am Main và New York đã tiến hành điều tra về vai trò của cường độ cảm xúc. Họ đã thu thập các âm thanh không lời bao gồm tiếng la hét, tiếng cười, tiếng thở dài, tiếng rên rỉ, v.v. Những âm thanh này bao gồm cả cảm xúc tích cực lẫn tiêu cực, từ cường độ thấp đến cường độ cao. Các nhà khoa học kiểm tra cách người nghe cảm nhận những âm thanh này theo các cường độ cảm xúc khác nhau.

Nhóm nghiên cứu đã đưa ra một kết luận đáng ngạc nhiên rằng: ban đầu, khi cường độ của cảm xúc tăng lên, khả năng đánh giá và nhận thức của những người tham gia được cải thiện rất rõ. Tuy nhiên, khi cảm xúc trở nên quá mạnh hoặc tăng cường độ đến mức tối đa, mức độ cảm nhận và ý thức về chúng giảm đi khá nhiều.;

Tác giả chính Natalie Holz - Viện Max Planck về Thẩm mỹ Ứng dụng giải thích: "Những cảm xúc mãnh liệt không phải là cách hay nhất để diễn đạt hoặc bày tỏ suy nghĩ, ngược lại sự mơ hồ và cường độ vừa phải khiến người tiếp nhận dễ tiếp thu và xử lý hơn".

Đối với những cảm xúc cực kỳ mãnh liệt như ngạc nhiên, đắc thắng hoặc dễ chịu và khó chịu; những loại cảm xúc này khó có thể được phân loại là tích cực hơn hay tiêu cực hơn. Tuy nhiên, cường độ và trạng thái kích thích đều được nhận thức một cách nhất quán và rõ ràng.

Nghiên cứu của nhóm được công bố trên tạp chí Scientific Reports, nhấn mạnh rằng cường độ cảm xúc là yếu tố chi phối nhận thức cảm xúc, nhưng chúng được xử lý một cách phức tạp hơn nhiều so với trước đây. Điều này đặt ra một thách thức đối với các lý thuyết phổ biến về cảm xúc. Nghiên cứu về cường độ cảm xúc, đặc biệt là những cảm xúc cao trào có thể làm phong phú thêm hiểu biết của chúng ta về trải nghiệm tình cảm và cách chúng ta truyền đạt cảm xúc.

Thanh Mai (Sciencedaily)

Chủ đề khác