VnReview
Hà Nội

Hành trình 10 năm Apple tạo ra những con chip thách thức Qualcomm và Intel

Thành công trong 10 năm tự thiết kế chip chính là lời giải cho câu hỏi tại sao Apple có thể giữ được ngôi vương trong thị trường smartphone lâu đến vậy.

>> Tại sao chip của Apple luôn nhanh hơn Qualcomm?

Trong nhiều năm qua, Apple đã và đang tự thiết kế ngày càng nhiều hơn những con chip được dùng cho các thiết bị của họ. Điều này giúp Apple có lợi thế hơn so với các đối thủ và đem lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Gần đây, Apple lại càng có thêm động lực để trở thành số 1 trong lĩnh vực thiết kế chip khi chip của Intel, ARM và AMD bị phát hiện chứa lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng.

Steve Jobs luôn tin rằng Apple cần phải chủ động hơn trong việc thiết kế những linh kiện mang tính "xương sống" bên trong thiết bị, thay vì dựa vào các nhà cung ứng bên ngoài. Quay trở lại năm 2007, Apple khi đó đã sử dụng chip IBM và sau này là chip Intel cho các máy tính Mac và đồng thời sử dụng chip do Samsung thiết kế cho iPhone. Những con chip này có thể tốt nhất trong thời điểm đó nhưng không thể tạo nên sự khác biệt dành cho sản phẩm của Apple. Steve Jobs rõ ràng là hiểu rõ điều này hơn ai hết.

Vì vậy, trong năm 2008, Apple đã thực hiện một bước đi nhỏ nhưng cực kỳ quan trọng khi mua lại hãng chip P.A.Semi. Hai năm sau, Steve Jobs giới thiệu chiếc máy tính bảng iPad đầu tiên. Cả thế giới khi ấy đã dồn hết sự tập trung vào màn hình cảm ứng, ứng dụng đọc sách và kho ứng dụng được thiết kế sáng tạo của iPad. Tuy nhiên, chẳng mấy ai để ý tới thành tựu lớn nhất của Apple lại chính là con chip A4 tự thiết kế nằm bên trong iPad.

Kể từ chip A4, những con chip được Apple tự thiết kế đã ngày càng mạnh mẽ theo thời gian. Ngày nay, chip A-series của Apple còn được tích hợp cả trí thông minh nhân tạo, công nghệ theo dõi bước chân, bảo mật khuôn mật Face ID, bảo mật vân tay Touch ID, có khả năng kết nối Apple Watch với iPhone và giúp máy tính Mac hoạt động theo ý muốn. Cứ như vậy, chip do Apple sản xuất đang ngày càng đe dọa sự thống trị của Qualcomm hay thậm chí là Intel.

Hành trình tự thiết kế chip dành cho iPhone của Apple.

"Bằng cách tự thiết kế những con chip của riêng mình, Apple có thể cắt giảm chi phí, nhanh chóng hơn trong việc triển khai những tính năng mới vì họ kiểm soát được việc nghiên cứu và phát triển cũng như giữ bí mật công nghệ tránh xa khỏi các đối thủ như Samsung", chuyên gia phân tích Mike Olson của hãng Piper Jaffrey nói với trang tin Bloomberg.

Một điều cần phải lưu ý là Apple không phải là hãng đầu tiên nghĩ tới ý tưởng tự thiết kế chip cho thiết bị. Tuy nhiên, Táo khuyết là hãng thành công nhất. HP, Motorola, IBM và Philips đều đã từng thành lập một bộ phận chuyên về nghiên cứu và phát triển chip. Tuy nhiên, dần dần, những hãng này đều đã từ bỏ cuộc chơi khi nhận ra một thực tế phũ phàng: thiết kế chip tốn kém một cách khủng khiếp và đòi hỏi phải được đầu tư trên quy mô lớn.

Nếu so sánh với những cái tên kể trên, cách làm của Apple thông minh hơn. Bằng cách sử dụng thiết kế tham khảo từ ARM, Apple đã có được nền tảng vững chắc từ một trong những hãng sản xuất chip hàng đầu thế giới. Mặt khác, Apple không trực tiếp sản xuất chip nên không phải mất tiền đầu tư nhà máy. Các công đoạn sản xuất chip được giao cho những hãng như TSMC của Đài Loan và Apple chỉ đảm nhiệm việc giám sát.

Việc Apple tham gia sản xuất chip có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho thị trường smartphone hiện nay. Đó chính là thúc đẩy cạnh tranh. Qualcomm đang nỗ lực đầu tư vào chip 5G thế hệ tiếp theo, nhiều hãng như Huawei đang tạo ra những con chip AI ngày càng hoàn thiện hơn và Intel đang đẩy mạnh nghiên cứu chip di động. Trong khi đó, đối thủ lớn nhất của Apple là Samsung cũng có những kế hoạch riêng với chip Exynos.

Phó Chủ tịch Johny Srouji của Apple.

Apple có những cơ sở nghiên cứu và thử nghiệm chip bí mật nằm gần trụ sở chính tại thành phố Cupertino, California (Mỹ) và thành phố Herzliya của Israel, trung tâm công nghệ đang nổi của thế giới. Chịu trách nhiệm chính để điều hành các công việc liên quan tới thiết kế chip của Apple là Phó Chủ tịch Johny Srouji, người đã gia nhập hãng vào năm 2008 sau quãng thời gian làm việc tại Intel và IBM. Những thiết kế chip sáng tạo đã khiến những người trong ngành so sánh ông Srouji như là một "nghệ sĩ".

Trong những tháng gần đây, ông Srouji đang ra sức chiêu mộ những kỹ sư thiết kế modem chip của Qualcomm về làm việc cho Apple. Động thái này cho thấy Apple đang muốn đi thêm một bước nữa trong việc làm chủ công nghệ chip, đó là tự làm ra modem, bộ phận có tác dụng kết nối điện thoại với mạng di động.

Bê bối pháp lý với Qualcomm trong năm 2017 vừa qua đã thúc đẩy Apple tìm cách thoát khỏi sự lệ thuộc vào đối thủ. Tuy nhiên, việc tự nghiên cứu modem của Apple sẽ cần phải tốn một khoảng thời gian để có thể hoàn thành. Theo nguồn tin của Bloomberg, Apple có thể sử dụng modem được thiết kế bởi Intel và MediaTek để sử dụng tạm thời trên các mẫu iPhone trong năm 2018.

Trong năm 2017, Apple đã mở rộng thêm những lĩnh vực thiết kế chip khi làm ra chip W2 hỗ trợ kết nối không dây cho Apple Watch, thiết kế một chip AI có tên là Neutral Engine và tự nghiên cứu GPU dành cho iPhone 8 và iPhone X. Khi Apple ngày càng tự chủ hơn trong việc sản xuất chip, điều này đồng nghĩa với bước đường cùng dành cho các nhà cung ứng trước đây của hãng. Trong năm 2017, chúng ta đã được thấy ;Imagination Technologies, nhà cung ứng GPU lâu năm của Apple, phải bán mình sau khi bị Táo khuyết cắt hợp đồng.

Cho tới thời điểm hiện nay, mới chỉ có hai sản phẩm trong dòng máy tính Mac của Apple là được sử dụng chip A-series, đó là MacBook Pro phiên bản có Touch Bar và iMac Pro. Theo một nguồn tin, Apple đang lên kế hoạch sản xuất ít nhất 3 mẫu máy tính Mac sử dụng chip A-series trong năm 2018, bao gồm cả laptop cũng như máy tính để bàn.

Các nhà quan sát cho rằng, Apple chỉ cần mất một khoản thời gian nữa để có thể thiết kế toàn bộ CPU. Nếu điều này xảy ra, Intel sẽ mất đi khách hàng lớn thứ 5 của mình. Trong khi đó, đối thủ đáng gờm nhất của Qualcomm sẽ xuất hiện.

Nguyễn Long

Chủ đề khác