VnReview
Hà Nội

Uber tháo lui, rắc rối nợ thuế ở lại…

Cuộc "bán mình" ở khu vực Đông Nam Á và tháo lui của Uber tại thị trường Việt Nam đang để lại một hệ lụy đầy rắc rối: Khoản nợ thuế 53,3 tỉ đồng của Uber tại Cục Thuế TP.HCM, đang có nguy cơ bị thất thu…

Không phải trách nhiệm của tôi…

Trong một thông cáo phát đi mới đây, Grab Việt Nam đã tuyên bố với tinh thần như vậy. Theo giải thích từ phía Grab, thương vụ Uber Đông Nam Á sáp nhập vào Grab nhưng về khoản nợ thuế của Uber B.V tại Cục Thuế TP.HCM thì phía Uber nhận trách nhiệm tự giải quyết.

Số thuế đó, tính cả những khoản phạt, ban đầu là khoảng 68,8 tỉ đồng. Phía Uber cách đây vài tháng đã nộp 13,3 tỉ đồng, sau đó làm đơn kiện lại Cục Thuế lên Tòa án Nhân dân TP.HCM về việc bị áp khoản thu trên. Song trong lúc tòa đang thụ lí hồ sơ vụ kiện, thì xảy ra thương vụ Uber Đông Nam Á "bán mình" cho Grab. Tuy nhiên trong một động thái nhằm làm rõ sau thương vụ sáp nhập thì trách nhiệm nộp khoản nợ thuế thuộc về ai, Cục Thuế TPHCM đã có công văn yêu cầu Grab Việt Nam báo cáo, nhưng Grab chưa có phản hồi.

Không phải trách nhiệm của Grab, vậy trách nhiệm nộp khoản nợ thuế kia thuộc về ai, điều này không thể cứ phán bừa được một khi hồ sơ thương vụ sáp nhập cùng với các điều khoản thỏa thuận giữa hai bên chưa được làm rõ. Ngay cả các phân tích của luật sư, chuyên gia kinh tế về vấn đề này trong vài ngày vừa qua cũng chỉ dựa trên các nguyên tắc, qui định chung để đưa ra nhận định và phán đoán chứ chưa chắc đã chính xác. Bởi như đã nói, muốn có nhận định chính xác tình huống thì cần nắm rõ các điều khoản của thương vụ như thế nào trước đã.

… và nguy cơ không ai chịu trách nhiệm

Việc Grab cho rằng không có trách nhiệm nộp khoản nợ thuế của Uber cũng mới là ý kiến từ một phía. Để chứng minh rằng theo thỏa thuận, phía Uber nhận trách nhiệm tự giải quyết vấn đề nợ thuế, thì chí ít Grab cũng phải chứng minh được trên cơ sở một văn bản nào đó có thỏa thuận giữa hai bên trong bối cảnh phía Uber im hơi lặng tiếng, văn phòng Uber thì đã đóng cửa nhiều ngày nay, bộ máy nhân sự Uber tại Việt Nam thì hầu hết đã giải tán.

Trên thực tế trong lúc này, Cục Thuế TP.HCM nếu không "nắm" Grab Việt Nam thì cũng chẳng còn biết nắm ai khi Uber đã "vườn không nhà trống" tại Việt Nam, còn để liên hệ với Uber khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thì quá xa xôi và hoàn toàn phụ thuộc vào sự thiện chí của họ.

Tình huống rắc rối ở đây là Uber nợ thuế tại Việt Nam và đang theo đuổi một vụ kiện với Cục Thuế TP.HCM với pháp nhân Uber B.V (Hà Lan), trong khi thị trường cung cấp dịch vụ thì tại Việt Nam. Mặt khác, khi Uber Đông Nam Á sáp nhập vào TP.HCM, thì tới thời điểm này cũng chưa có thông tin làm rõ Uber Đông Nam Á là do Uber B.V tại Hà Lan điều hành hay là có một pháp nhân khác đặt ở một quốc gia Đông Nam Á nào đó, chẳng hạn tại Singapore. Nợ thì tính theo pháp nhân nhưng sáp nhập thì có thể tính theo thị trường. Hơn nữa, khoản nợ thuế 53,3 tỉ đồng đang là món tranh cãi giữa Uber B.V và Cục Thuế TP.HCM mà phía Uber không muốn nộp. Trường hợp Uber vẫn tìm mọi cách để tiếp tục trì hoãn việc nộp khoản nợ thuế này, thì cơ quan thuế cũng khó có biện pháp chế tài vì họ hoàn toàn không còn hiện diện ở thị trường Việt Nam.

Vấn đề cần nhấn mạnh ở đây là vai trò của Grab trong vụ việc này. Như đã nói, Grab cần phải chứng minh được rằng "không phải trách nhiệm của tôi". Sau khi đã chứng minh được như vậy, vai trò của Grab cũng rất quan trọng trong việc thúc đẩy Uber giải quyết cho xong vấn đề nợ thuế. Vì dù sao, Uber hiện cũng nắm đến 27,5% cổ phần và CEO Uber cũng nằm trong ban điều hành tại Grab. Nếu để Uber tiếp tục dây dưa vụ nợ thuế hoặc giả "xù" nợ thuế, thì ít nhiều sự điều tiếng cũng gây tiêu cực lan truyền ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của Grab trong bối cảnh lâu nay Grab luôn chọn cách tuân thủ nghĩa vụ thuế tại thị trường Việt Nam.

Trong trường hợp Grab Việt Nam không trưng ra được cơ sở chứng minh Uber nhận trách nhiệm giải quyết khoản nợ thuế, thì khả năng Grab sẽ phải gánh chịu việc nộp khoản nợ thuế còn lại 53 tỉ đồng chiếu theo các qui định hiện hành. Cơ quan thuế hoàn toàn có quyền đưa ra thời hạn cụ thể để Grab trình bằng chứng chứng minh, nếu không đáp ứng được thì có thể bị áp dụng các biện pháp chế tài. Grab có pháp nhân tại Việt Nam thì việc chế tài, xử lí cũng thuận lợi và dễ dàng hơn cho các cơ quan chức năng. Nhưng ngược lại, trường hợp Uber đã tháo lui, hay như Google, Facebook… những năm qua kinh doanh dịch vụ xuyên biên giới tại Việt Nam nhưng không đóng bất cứ một khoản thuế nào, trong trường hợp nếu xảy ra tranh chấp hay bất cứ vấn đề gì về kinh tế cũng khó có thể "nắm tóc" vì từ nhân viên đến bộ máy của họ đều không làm việc và đặt tại Việt Nam.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác