VnReview
Hà Nội

Sự trỗi dậy và gục ngã của 5 đối thủ lớn nhất của Android trong thập kỷ qua

2020 đánh dấu sự khởi đầu của một thập kỷ mới, đồng thời là sự kết thúc của thập kỷ trước. Một trong những cách thú vị nhất để kỳ vọng về tương lai, trước tiên là phải nhìn lại quá khứ. Và hôm nay, chúng ta sẽ điểm lại một số hệ điều hành di động từng tìm cách soán ngôi nhưng cuối cùng đã bại trận trước Android (và iOS) trong 10 năm qua.

os

Một vài trong số các hệ điều hành này đã dọn dường cho Android mà chúng ta biết ngày nay, truyền cảm hứng cho một số tính năng và ngôn ngữ thiết kế mà sau này sẽ xuất hiện trên nền tảng của Google. Một số khác lại xuất hiện hơi quá muộn

Blackberry 10

bb

Blackberry 10 (BB10) ra mắt năm 2012 với tư cách kẻ kế vị cho Blackberry OS (BBOS) đã lỗi thời. Hệ điều hành này chính thức xuất hiện trên thị trường trên hai thiết bị Blackberry Z10 và Q10. BB10 có một vài tính năng khá hay, như hệ thống điều hướng cử chỉ trực quan, cùng Blackberry Hub cực kỳ hữu dụng, cho phép hiển thị mọi thông báo, cuộc gọi, và tin nhắn vào một ứng dụng duy nhất.

Blackberry (trước đây là Research in Motion) tiếp tục tung ra một vài thiết bị BB10 nữa trong vài năm sau đó, cho đến khi quyết định chuyển hướng. Hệ điều hành mới này đã không thể giành được thị phần từ Android và iOS. Thiết bị chạy BB10 cuối cùng – Blackberry Leap – được Blackberry tung ra năm 2015. Năm 2017, Blackberry công bố BB10 chính thức đi vào chế độ "bảo trì" cho đến cuối năm 2019 và chuyển giao nhãn hiệu Blackberry cho TCL Communication.

Trong hai năm tiếp theo, nhiều dịch vụ như cửa hàng ứng dụng Blackberry World, website Blackberry Travel, và dịch vụ gọi điện video Playbook dần dần bị ngừng hoạt động, nhưng người dùng Blackberry vẫn được đảm bảo sẽ sử dụng được các dịch vụ và cơ sở hạ tầng trọng yếu cho đến cuối năm 2019.

Loạt điện thoại mang thương hiệu Blackberry đầu tiên của TCL mở màn bằng chiếc Blackberry KeyOne chạy hệ điều hành Android thay vì BB10. Tất nhiên, đây không phải là chiếc Blackberry đầu tiên chạy Android – "vinh dự" đó thuộc về chiếc Blackberry Priv vào năm 2015.

Dù BB10 và BBOS không còn được hỗ trợ nữa, nhưng những đặc trưng của Blackberry vẫn được duy trì nhờ vào những chiếc điện thoại Android do TCL sản xuất với phần mềm Blackberry tích hợp bên trong, bao gồm Blackberry Hub. Xét cho cùng, BB10 là một hệ điều hành di động được đánh giá "ổn", nhưng vẫn thua kém nhiều so với Android và iOS. Dù vòng đời của nó khá ngắn, nhiều người hâm mộ điện toán di động trên toàn thế giới vẫn lưu giữ những ký ức đẹp về BB10 và Blackberry ngày xưa.

Firefox OS

fos

Firefox OS có lẽ là hệ điều hành thay thế Android gây thất vọng nhất trong danh sách, ra mắt năm 2013 và chỉ tồn tại trên các thiết bị thương mại được khoảng 2 đến 3 năm. Mozilla lần đầu tung ra Firefox OS dưới tên gọi "Boot to Gecko". Bởi hệ điều hành này tập trung vào các ứng dụng web nên công ty nhận thấy đặt tên nó theo engine của trình duyệt Firefox - Gecko - cũng là hợp lý. Sau đó, Mozilla đã đổi tên hệ điều hành này thành Firefox OS, và các thiết bị đầu tiên đã được tung ra ở Brazil, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, và Venezuela.

Phải đến năm 2014, người ta mới thấy các thiết bị Firefox OS xuất hiện tại Mỹ, và đến cuối năm đó, Mozilla cho biết đã có 14 smartphone Firefox OS được bán ra bởi 14 nhà mạng ở gần 30 quốc gia. Chỉ một năm sau, Mozilla công bố sẽ không phát triển hoặc bán các thiết bị Firefox OS nữa. Vài tháng sau đó, Mozilla chính thức công bố sẽ khai tử dự án để tập trung vào IoT – tất nhiên dự án mới cũng không duy trì được lâu.

Mozilla không bao giờ có ý định để hệ điều hành của mình cạnh tranh ở thị trường cao cấp. Hãng này cho rằng người dùng cần những thiết bị giá rẻ có tính cạnh tranh hơn trên toàn thế giới, và rằng Firefox OS có thể lấp vào khoảng trống đó. Tương tự Chrome OS của Google, Firefox OS tập trung vào các ứng dụng web. Có nghĩa là các nhà phát triển có thể dễ dàng hơn trong việc tạo ra các ứng dụng sử dụng các công nghệ như JavaScript, HTML5, và CSS.

Không may là, hệ điều hành của Mozilla quá đơn giản, không ổn định, và các thiết bị sử dụng nó lại quá yếu. Và bởi Mozilla nhắm vào các thị trường đang phát triển, họ chẳng kiếm được nhiều lợi nhuận cho lắm. Càng chua chát hơn là ngay cả những khu vực đó, người ta vẫn chuộng Android hơn. Do đó, dù Mozilla đã làm mọi thứ có thể cho Firefox OS, nhưng chúng ta có thể trông chờ gì từ một công ty phi lợi nhuận vốn chưa từng có kinh nghiệm phát triển các hệ điều hành di động trước đây chứ?

Một điều an ủi cuối cùng: bởi Firefox OS được phát triển dưới dạng một dự án mã nguồn mở, nó sau đó đã được rẽ nhánh để tạo ra thứ mà ngày nay chúng ta biết đến dưới tên gọi KaiOS – một hệ điều hành di động dành cho các feature phone khá thành công.

Tizen

tizen

Tổ chức Linux Foundation lần đầu phát triển Tizen vào năm 2011 để thay thế cho MeeGo - ở thời điểm đó là một dự án do Intel và Nokia hợp tác thực hiện được một năm. Samsung và Intel ban đầu là người lèo lái quá trình phát triển Tizen. Họ không chỉ muốn nhắm đến các smartphone, mà còn các nền tảng nhúng khác như netbook, tablet, smart TV, và các hệ thống giải trí xe hơi nữa.

Sau 2 năm phát triển, Samsung công bố sẽ tung ra nhiều điện thoại Tizen trong năm 2013, và rằng sẽ sáp nhập Bada OS của hãng vào Tizen. Kể từ đó, Samsung đã đưa Tizen lên hầu như mọi smartwatch, một vài smartphone, và các thiết bị IoT khác.

Dù Samsung đạt được thành công lớn với Tizen trên smartwatch và smart TV, mọi chuyện hoàn toàn ngược lại với smartphone – ít nhất thì chưa. Trên thực tế, Tizen lẽ ra không xuất hiện trong danh sách này bởi nó vẫn đang trong giai đoạn phát triển dành cho smartphone.

Chiếc điện thoại chạy Tizen gần đây nhất của Samsung – chiếc Samsung Z4 – ra mắt vào giữa năm 2017, và có thể Samsung sẽ tiếp tục phát triển xa hơn nữa, đặc biệt trong bối cảnh Huawei đã bị Mỹ cấm sử dụng Android. Nếu Samsung rơi vào tình thế tương tự, họ sẽ có kế hoạch dự phòng thay vì nháo nhào "nước đến chân mới nhảy".

Tuy nhiên, Tizen vẫn lọt vào danh sách, bởi dù có đang được phát triển hay không, Samsung cũng đã xem nó như một sản phẩm thay thế Android trong thập kỷ qua và không thực hiện được điều đó. Nhưng ai biết được, có lẽ khi năm 2030 sắp đến, chúng ta sẽ thấy cái tên Tizen xuất hiện trong một bài báo về những hệ điều hành di động hàng đầu đã đánh bại Android và iOS trong thập kỷ qua thì sao? Bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra!

webOS

webos

Nỗ lực tấn công thị trường di động của Palm bắt đầu từ năm 2007 với sự ra mắt của Palm OS. Hai năm sau, Palm công bố webOS – hệ điều hành di động mới của công ty – và thiết bị đầu tiên sử dụng nó là Palm Pre.

Palm sau đó tiếp tục tung ra một vài chiếc điện thoại nữa trước khi bị HP thâu tóm vào năm 2010, và mọi thứ…dậm chân tại chỗ kể từ đó. HP muốn phát triển webOS cho nhiều thiết bị chứ không phải mỗi di động, bởi họ tin rằng hệ điều hành này có thể thành công trên tablet và các thiết bị IoT khác nữa, nhưng HP chẳng làm được gì nhiều.

Cuối cùng, HP từ bỏ nhãn hiệu Palm đối với smartphone trước khi tung ra HP Veer và HP Pre 3. Công ty còn tung ra một chiếc tablet tên HP TouchPad vào năm 2011, và tung ra bản cập nhật cuối cùng cho các thiết bị này vào tháng 1/20212.

Trước khi HP tung ra bản cập nhật cuối cùng đó, hãng đã tung mã nguồn của webOS lên mạng theo một giấy phép nguồn mở. Nhờ đó, cộng đồng có thể phát triển hệ điều hành này xa hơn nữa. Năm 2013, LG mua lại webOS từ HP để dùng trên smart TV, và mở rộng webOS lên các thiết bị IoT khác. Dù sau này, TCL có tung ra một chiếc smartphone mang nhãn hiệu Palm khác, nhưng ngày nay không còn thiết bị di động nào chính thức được hỗ trợ bởi webOS nữa.

Nếu bạn chưa bao giờ thử webOS trước đây, bạn vẫn còn chút ít cơ hội. Vài năm trước, dự án này đã được rẽ nhánh, và nó vẫn còn tồn tại đến ngày nay dưới dạng LuneOS. Nhưng LuneOS chỉ hỗ trợ một vài thiết bị mà thôi, và cài đặt nó lên điện thoại của bạn cũng không phải là điều dễ dàng.

Windows 10 Mobile

w10

Danh sách các hệ điều hành thay thế iOS và Android không thể thiếu Windows Phone và Windows 10 Mobile. Phiên bản Windows Phone đầu tiên được ra mắt năm 2010; và sau đó nửa thập kỷ, Windows 10 Mobile xuất hiện, thay thế Windows Phone.

Windows 10 Mobile có thiết kế và chức năng rất giống Windows Phone, nhưng cung cấp các tính năng tích hợp sâu hơn với desktop, và được trau chuốt hơn. Điểm nhấn của Microsoft dành cho hệ điều hành di động của họ là tính tích hợp. Công ty này tin rằng một chiếc smartphone có thể biến thành một desktop PC chính là tương lai của điện toán di động.

Không may là cả thế giới không nhìn thấy tương lai như Microsoft nhìn thấy, và Windows Phone lẫn Windows 10 Mobile không bao giờ trở nên thịnh hành. Chỉ hai năm sau khi khai sinh, Microsoft đã chuẩn bị ngừng phát triển Windows 10 Mobile. Nền tảng này đã chính thức ra đi trong tháng cuối cùng của thập kỷ trước.

Tuy nhiên, Microsoft không hoàn toàn từ bỏ cuộc chơi di động. Mới đây, công ty đã giới thiệu chiếc Surface Duo, một chiếc smartphone màn hình gập chạy Android, với những tinh túy về phần cứng lẫn phần mềm từ Microsoft. Giá bán của thiết bị này, cũng như ngày ra mắt, vẫn chưa được công bố. Nhưng một khi xuất hiện trên thị trường, Surface Duo sẽ ở ra một thời đại mới đối với mảng di động của Microsoft. Hi vọng thiết bị lần này sẽ không đi vào vết xe đổ của những người tiền nhiệm.

Hệ điều hành di động của Microsoft có lẽ là sản phẩm khiến thế độc quyền kép của Google và Apple bị lung lay nhiều nhất. Chỉ tiếc là cũng như hầu hết các hệ điều hành thay thế Android khác, Windows 10 Mobile nay chỉ còn là hoài niệm xưa cũ. Nếu vẫn đang dùng một thiết bị Windows 10 Mobile, bạn thực sự nên cân nhắc chuyển sang Android.

Minh.T.T

Chủ đề khác