VnReview
Hà Nội

Chính phủ Mỹ chính thức tiến hành điều tra Facebook

Facebook có thể sẽ phải chịu án phạt rất lớn khi vi phạm một nghị định ưng thuận (consent decree) mà họ đã ký kết với Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ từ năm 2011.

> Mark Zuckerberg: "Chúng tôi đã mắc sai lầm"

Tuần vừa qua thực sự là những chuỗi ngày tăm tối nhất của Facebook, và trong tuần này có vẻ mọi chuyện vẫn chưa thể trở nên tươi sáng hơn. Vào sáng ngày hôm nay (27/3), Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) – một ủy ban chịu trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng và khuyến khích sự cạnh tranh – tuyên bố sẽ tiến hành điều tra nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới.

Những tin đồn liên quan đến cuộc điều tra này bắt đầu từ ngày 20/3, khi tờ Washington Post đưa tin rằng FTC đang xem xét việc đưa Facebook vào "tầm ngắm", sau khi vụ bê bối làm rò rỉ dữ liệu người dùng của công ty với Cambridge Analytica bị phanh phui. Tuy nhiên, khi đó nguồn tin chỉ là một người xin được ẩn danh và không được phép phát biểu về vụ việc, còn phát ngôn viên của FTC chỉ nói rằng cơ quan "có biết về vụ việc nhưng chưa thể bình luận liệu họ có thực hiện điều tra hay không".

Ngày hôm nay, ông Tom Pahl, Giám đốc Cục Bảo vệ Người tiêu dùng của FTC đã xác nhận những tin đồn này với tuyên bố có nội dung như sau:

"FTC cam kết sẽ sử dụng toàn bộ các công cụ của mình để bảo vệ quyền riêng tư của người tiêu dùng. Ở vị trí hàng đầu trong những công cụ này là các hành động cưỡng chế đối với các công ty không thực hiện đúng những cam kết về bảo mật của họ, bao gồm tuân thủ Privacy Shield, hoặc có hành vi bất bình đẳng gây ra thiệt hại đáng kể cho người tiêu dùng, vi phạm Đạo luật của FTC.

Những công ty đã dàn xếp các hành động trước đây của FTC cũng buộc phải tuân thủ các quy định về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu mà FTC đã áp đặt. Theo đó, FTC xem xét các bài báo gần đây về những hoạt động liên quan đến quyền riêng tư của Facebook một cách rất nghiêm túc. Hôm nay, FTC xác nhận cơ quan đã mở một cuộc điều tra không công khai về các hoạt động này".

Cuộc điều tra Facebook của FTC, theo như nhiều trang tin dự đoán, chủ yếu sẽ tập trung vào nghị định ưng thuận (consent decree) mà Facebook đã ký kết với Ủy ban vào năm 2011. Nghị định này yêu cầu Facebook phải có được sự đồng ý của người dùng trước khi họ có thể chia sẻ những dữ liệu cá nhân bên ngoài giới hạn mà người dùng đã thiết lập. Facebook đã vi phạm nghị định này khi để Cambridge Analytica thu thập thông tin cá nhân của hơn 50 triệu người dùng Facebook mà không được cho phép một cách trực tiếp. Cambridge Analytica hiện cũng đang phải đối mặt với những rắc rối về pháp lý khi công ty đã sử dụng những dữ liệu thu thập được để làm ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Về phía Facebook, cho đến nay công ty vẫn đang cố gắng giảm thiểu sự "liên quan" của mình với Cambridge Analytica, khi CEO Mark Zuckerberg khẳng định họ đã "thực hiện nhiều biện pháp từ năm 2014 để ngăn chặn kẻ gian truy cập dữ liệu của người dùng theo cách này".

Tuy nhiên, như vậy chắc chắn là chưa đủ để làm hài lòng FTC. Mỗi vi phạm của Facebook đối với nghị định năm 2011 sẽ khiến họ phải chịu số tiền phạt lên tới 40.000 USD. Như vậy, Facebook nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với án phạt lên tới 2.000 tỷ USD – khiến công ty chắc chắn phải tuyên bố phá sản. Chỉ vài phút sau khi tuyên bố của Pahl được đăng tải trên Internet, giá cổ phiếu của Facebook đã giảm tới 5%.

Rất khó để khẳng định cuộc điều tra của FTC sẽ kéo dài bao lâu. Nhưng một khi Ủy ban hoàn thành công việc, chúng ta sẽ có một bức tranh toàn cảnh rõ ràng hơn về trách nhiệm của Facebook trong vụ việc với Cambridge Analytica, và liệu có những vụ việc tương tự đã/đang xảy ra mà chưa bị phanh phui hay không.

Văn Hoàn

Chủ đề khác