VnReview
Hà Nội

VTVCab ngừng 23 kênh quốc tế của Q.net để thoát khỏi “độc quyền”?

Việc VTVCab đột ngột cắt 23 kênh truyền hình quốc tế và thay bằng một số kênh mới lạ lẫm với phần lớn người xem khiến khách hàng phản ứng dữ dội, có thông tin cho rằng VTVCab làm vậy để phá thế độc quyền phân phối kênh trong lĩnh vực truyền hình trả tiền.

Lâu nay, do quy định mỗi kênh truyền hình nước ngoài chỉ có duy nhất một đại lý được độc quyền phân phối tại Việt Nam, do đó đại lý nào sở hữu kênh nào sẽ được chi phối giá thuê kênh đó. Theo tin trên ICTNews dẫn nguồn số liệu từ Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Nhà nước cấp phép cho 70 kênh truyền hình quốc tế được phát sóng vào Việt Nam, nhưng mới chỉ có 60 kênh đã được phát sóng. Trong đó Q.net được cấp phép gần 30 kênh và đã phân phối 23 kênh trên thị trường Việt Nam. Còn lại 40 kênh nước ngoài do 9 đại lý phân phối khác cung cấp, mỗi đại lý phân phối một vài kênh, trong đó có Thảo Lê, BHD, Fox… Do sở hữu phần lớn các kênh nước ngoài quen thuộc và được khán giả Việt Nam ưa chuộng, nên Q.net được xem như ông trùm trong lĩnh vực truyền hình trả tiền, chi phối đáng kể thị trường này.

Theo thông tin tự giới thiệu trên website của Công ty TNHH Giải trí - Truyền thông Q.net , công ty này cung cấp quyền phát sóng các gói kênh nước ngoài cho tất cả các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam, bao gồm các công ty truyền hình cáp, truyền hình số vệ tinh, số mặt đất, truyền hình qua giao thức IP (IPTV) và các mạng di động Mobile TV. Do Q.net phân phối kênh theo gói, cho nên dù có những kênh không được nhiều người xem nhưng để cạnh tranh nên tất cả các đơn vị truyền hình trả tiền đều mua hầu như tất cả các kênh phổ biến của Q.net và kèm theo một số kênh kém phổ biến hơn, tương ứng với chi phí giá gói kênh mà họ lựa chọn.

100% các dịch vụ truyền hình trả tiền ở Việt Nam đều có các kênh do Q.net phân phối như HBO, MAX, AXN, WarnerTV, Discovery, Fox Sports, Cartoon Network, Disney Channel, CNN.... Đây đều là những kênh thu hút người xem nên việc hai đơn vị VTVCab và NextTV (Truyền hình Viettel, đối tác của VTVCab cung ứng giải pháp xem TV online) ngừng phát sóng các kênh này quả thực đã gây chấn động thị trường.

Theo thông tin từ VTVCab thì có thể thấy hợp đồng của công ty này với Q.net hết hạn vào ngày 31/3 nên từ trước đó hai bên đã có nhiều cuộc thương thảo về việc ký tiếp hợp đồng, nhưng do không tìm được tiếng nói chung nên VTVCab đã đánh liều hủy kênh cũ, thay kênh mới. Dù bước đi mạo hiểm này của VTVCab đang vấp phải sự phản đối của hàng triệu khách hàng, nhưng điều này cũng cho thấy họ đã sẵn sàng tuyên chiến với việc phụ thuộc quá nhiều vào một công ty trung gian độc quyền.;

Xét trên khía cạnh thị trường chung thì điều này cũng có mặt tích cực. Theo một số liệu cung cấp bởi Media Partners năm 2016, thị phần của VTVcab trên thị trường truyền hình trả tiền vào khoảng 24%, bám sát người dẫn dầu SCTV (29%) và duy trì cách biệt khá xa so với người chơi thứ 3 là K+ (11%) hay MyTV (11%), còn NextTV của Viettel thì đạt gần xấp xỉ 8%, với một thị trường khoảng 12,5 triệu thuê bao. Số liệu này đã cũ nhưng có thể ước đoán số thuê bao truyền hình trả tiền hiện nay khoảng 15 triệu, trong đó SCTV khoảng 5 triệu thuê bao do từ hơn 1 năm trước họ đã công bố có 4,5 triệu thuê bao, vậy VTVCab cộng với NextTV sẽ có khoảng 5,5-6 triệu thuê bao. Với việc mất đi hai khách hàng lớn cùng với số thuê bao khủng này, chắc chắn Q.net cũng sẽ bị thiệt hại không nhỏ và rất có thể công ty này sẽ phải xem xét điều chỉnh các điều khoản hợp đồng để thu hút trở lại hai khách hàng này, và có thể sẽ không dám làm căng với các đối tác khác nữa.

Trong giới truyền hình trả tiền, việc Q.net lợi dụng vị thế độc quyền để ép đối tác đã được nhắc đến từ lâu. Hồi cuối năm 2011, khách hàng của mạng truyền hình My TV (thuộc sở hữu của công ty VASC – VNPT) cũng đã từng bị cắt đột ngột các kênh truyền hình như HBO, MAX, ESPN, Star Sport, TLC, Disney, Discovery... Dư luận lúc đó cũng cho rằng My TV buộc phải làm vậy vì bị Q.net ép giá và Q.net cũng từng gỡ bỏ My TV khỏi danh sách đối tác trên website của công ty. Thực hư chuyện này chưa có thông tin nào rõ ràng, chỉ biết rằng sau đó My TV đã cung cấp trở lại gói kênh quốc tế của Q.net.

Khi trả lời báo chí về nguyên nhân khiến VTVcab phải thay đổi nội dung, ông Bùi Huy Năm, Tổng giám đốc Tổng công ty VTVcab hé lộ rằng đó là do chi phí bản quyền gói kênh mới thấp hơn các kênh truyền hình trước đây. Như vậy, có thể thấy giá cả chính là một trong những nguyên nhân chính khiến VTVCab và Q.net không thể tiếp tục hợp tác.

Được biết, lĩnh vực truyền hình trả tiền ngày càng cạnh tranh gay gắt, doanh thu của nhiều đơn vị có tăng nhưng lợi nhuận lại giảm do chi phí mua bản quyền truyền hình và duy trì hạ tầng ngày càng tăng cao, cước thuê bao không tăng, thậm chí để cạnh tranh thì các đơn vị lại tung ra các gói cước giá thấp để hút khách. Có lẽ chính vì áp lực giá và chi phí đã khiến VTVCab "cực chẳng đã" phải làm mếch lòng khách hàng. Có điều, rất có thể họ phải trả giá đắt cho sự liều mình này, khi hàng triệu khách hàng đang đòi tẩy chay.

Ánh Mai

Chủ đề khác