VnReview
Hà Nội

Đạo luật chống vi phạm bản quyền của EU có thể “giết chết meme"

Những website như Reddit, Facebook hay Twitter có thể phải sàng lọc nội dung sau khi các nhà lập pháp Liên minh châu Âu (EU) bỏ phiếu ủng hộ điều 13 luật bản quyền gây tranh cãi trong nhiều ngày qua.

Để EU không bắt bạn, hãy thay ảnh chụp có bản quyền trong meme thành hình vẽ!

Và thứ đầu tiên sẽ biến mất khi đạo luật được thông qua đó là những bức ảnh chế (meme), chủ yếu lấy hình ảnh từ phim, gameshow, trò chơi, MV ca nhạc để thu hút người xem hoặc truyền tải thông điệp, ngụ ý nào đó. Phần lớn các meme đều dùng ảnh chụp màn hình hoặc video từ các nội dung bản quyền, nhưng người đăng tải chúng hiếm khi vướng vào pháp luật do vi phạm bản quyền.

Các nhà phê bình cho rằng luật bản quyền internet, nếu được Nghị viện thông qua sẽ "thay đổi mãi mãi thế giới internet". Về cơ bản, luật này buộc các nền tảng như Reddit hay Facebook kiểm tra và gỡ bỏ nội dung được đăng bởi người dùng nếu chứa hình ảnh, nhạc hay video có bản quyền.

Theo Business Insider, điều 13 trong luật yêu cầu các website phát triển "công nghệ nhận diện nội dung" tự động quét hình ảnh, video và bài đăng vi phạm bản quyền.

Đạo luật không nói rõ cách hoạt động của công nghệ, nhưng nó khá giống hệ thống Content ID của YouTube, trong đó YouTube nắm giữ cơ sở dữ liệu nội dung có bản quyền, sau đó quét các video tải lên của người dùng. Nếu phát hiện nội dung trùng khớp với nội dung trong cơ sở dữ liệu, video được xem là vi phạm bản quyền và bị gỡ xuống.

Trên Reddit nhanh chóng xuất hiện meme "chế giễu" điều luật ảnh hưởng đến meme của EU

Cory Doctorow, nhà hoạt động về bản quyền và phóng viên lâu năm cho rằng hệ thống của YouTube "lãng phí và mở cửa cho sự lạm dụng", khuyên châu Âu không nên ép buộc các website phát triển hệ thống giống như YouTube.

Theo Doctorow, đạo luật từ châu Âu sẽ khiến các công ty Mỹ rất tốn kém để phát triển hệ thống lọc nội dung chứa bản quyền, không chỉ video mà còn là mọi thứ từ bình luận, tweet, hình ảnh,… ngay cả khi mục đích sử dụng hay đăng tải hoàn toàn hợp pháp.

"Điều 13 phải bị dẹp bỏ"

Jim Killock, giám đốc tổ chức Open Rights Group tuyên bố "điều 13 phải bị dẹp bỏ. Nghị viện EU vẫn còn cơ hội loại bỏ đạo luật khủng khiếp này. Nó chẳng khác gì biến các hãng trực tuyến lớn thành ‘người giám sát bản quyền'".

Do không nêu rõ website nào cần áp dụng hệ thống "giám sát bản quyền", đạo luật không chỉ khiến các công ty mà người dùng cũng hoang mang.

"Nếu như vậy, việc lọc nội dung chỉ có hiệu lực khi công ty có thỏa thuận với chủ bản quyền về việc sử dụng nội dung của họ trên các nền tảng, hoặc những nơi mà họ không muốn nội dung của mình xuất hiện".

Ảnh: Internet

Những trang web như Reddit thường không có thỏa thuận với các nhà làm phim, nhiếp ảnh gia hay chủ sở hữu nội dung có bản quyền xuất hiện trong website.

Nhưng ngược lại, Axel Voss, một thành viên Nghị viện châu Âu bày tỏ quan điểm ủng hộ điều 13, cho rằng mọi người đã hiểu sai bản chất.

"Không bao giờ có ai lọc internet cả!", Voss cho biết.

Nhiều người sở hữu nội dung bản quyền cũng không thực sự quan tâm

Nhiều chủ sở hữu bản quyền khá thoải mái khi thấy nội dung của họ được dùng cho các meme hay lồng vào nội dung khác.

Antonio Guillem, nhiếp ảnh gia với bức ảnh "bạn trai phân tâm" nổi tiếng trong các meme đã nêu rõ về hành vi sử dụng nội dung bất hợp pháp:

"Sử dụng bất kỳ hình ảnh nào mà không mua giấy phép bản quyền dưới mọi hình thức đều không được phép, vì vậy mọi người sử dụng hình ảnh không có bản quyền đều vi phạm pháp luật. Nhưng chúng tôi không thực sự lo lắng về điều này, họ chỉ là những người dùng nội dung với mục đích vui vẻ. Chúng tôi sẽ không thực hiện bất kỳ hành động nào trừ khi nó bị lạm dụng cho mục đích xấu".

Tuy được các nhà lập pháp ủng hộ, nhưng điều 13 vẫn sẽ không thành luật nếu không được nghị viện châu Âu bỏ phiếu thông qua vào ngày 13/7.

Các nhóm hoạt động đang kêu gọi người dùng gửi email xin loại bỏ điềuluật ;này. Tuần trước, một nhóm 70 chuyên gia bao gồm người tạo ra internet Vint Cerf và Tim Berners-Lee, "cha đẻ" World Wide Web cũng ký vào bức thư phản đối điều 13.

Bức thư ghi rằng: "Bằng cách yêu cầu các nền tảng internet tự động lọc dữ liệu có trong nội dung mà người dùng tải lên, điều 13 có thể biến internet từ nền tảng mở, chia sẻ và sáng tạo trở thành công cụ kiểm soát người dùng một cách tự động".

Phúc Thịnh

Chủ đề khác