VnReview
Hà Nội

Không chịu thua Mỹ, Trung Quốc cũng ấp ủ dự án Hyperloop để giảm tắc đường

Dân số quá đông là một thách thức rất lớn cho cơ sở hạ tầng giao thông của Trung Quốc.

Tình trạng tắc nghẽn giao thông

Các thành phố lớn của Trung Quốc đang rất cần một giải pháp cho tình trạng tắc nghẽn giao thông. Hàng triệu chiếc xe lưu thông cùng lúc bóp nghẹt bầu không khí vốn đã rất ô nhiễm, đồng thời làm tăng thời gian di chuyển, đặc biệt là trong giờ cao điểm.

Động thái mới nhất để giải quyết cơn ác mộng giao thông đô thị này: các công ty do nhà nước hậu thuẫn đang chi mạnh tay vào những startup công nghệ hyperloop của Mỹ như Arrivo và Hyperloop Transportation Technologies, với mức đầu tư lần lượt là 1 tỷ USD và 300 triệu USD. Với nguồn tài chính đáng kể, Trung Quốc có thể vươn lên dẫn lợi thế trong cuộc đua mở ra tuyến đường hyperloop hoàn chỉnh đầu tiên.

Tàu đệm từ trường siêu tốc

Cả Arrivo và Hyperloop Transportation Technologies đều ấp ủ những kế hoạch lớn lao dù cách tiếp cận của mỗi công ty không giống nhau. Công ty vận tải Arrivo tập trung vào giảm tải cho đường cao tốc bằng cách tạo ra tuyến đường riêng biệt, cho phép phương tiện di chuyển với tốc độ lên tới 200 dặm mỗi giờ (320km/h) bằng cách sử dụng "đường trượt nâng đệm từ" trong những ống chân không khép kín. (Chưa rõ là ở trên hay dưới mặt đất)

Arrivo chưa thông báo kế hoạch chi tiết xây dựng một hệ thống hyperloop tại Trung Quốc, nhưng đồng sáng lập Andrew Liu có nói với Bloomberg rằng, khoảng 1 tỷ USD đang được tài trợ có lẽ sẽ;"đủ để xây dựng 3 hệ thống hyperloop thương mại toàn thành phố dự kiến dài khoảng 6-9 mét (9.5-14.4km) mỗi khu vực". Công ty vẫn chưa công bố cụ thể sẽ xây dựng trên những thành phố nào.

Trong khi đó, Hyperloop Transportation Technologies đã quyết định được địa điểm đặt tuyến đường khép kín đầu tiên. Cũng giống như thiết kế tàu đệm từ quen thuộc bên trong một ống chân không, nhưng chỉ có hành khách, không bao gồm phương tiện cá nhân, sẽ di chuyển với vận tốc lên đến 750 dặm/giờ (1200 km/h). Phần lớn nguồn đầu tư 300 triệu USD sẽ dùng để xây dựng một truyến đường thử nghiệm dài 6,2 dặm (10 km) ở tỉnh Quý Châu. Thông cáo báo chí cho biết, điều này đánh dấu thỏa thuận thương mại thứ ba cho HyperloopTT sau Abu Dhabi và Ukraine tính từ đầu năm đến nay.

Giải pháp đắt đỏ

Xây dựng hyperloop rất tốn kém. Những khoản đầu tư trên đã cho chúng ta thấy việc tạo nên một hệ thống, dù chỉ để thử nghiệm, cũng vô cùng đắt đỏ. Song, việc đem đến lựa chọn giao thông tốc độ cao thay thế xe hơi chỉ là một trong nhiều cách nhằm đối phó với ùn tắc giao thông tại các trung tâm đô thị. Đơn cử, Trung Quốc đã cố gắng giải quyết vấn nạn này bằng cách hạn chế phương tiện tham gia giao thông trong ngày dựa trên biển số, phát triển mạng lưới chia sẻ xe đạp, thậm chí là kết hợp dữ liệu của các dịch vụ đi chung xe với đèn giao thông thông minh.

Theo một báo cáo gần đây của nhà cung cấp dịch vụ dựa trên địa điểm AutoNavi của Trung Quốc, các giải pháp này xem ra vẫn đang hoạt động tốt: phân tích của trang Quartz cho thấy, lưu lượng tham gia giao thộng ở Hàng Châu và Thâm Quyến đã giảm lần lượt 12.5% và 9%, mặc dù dân số tăng 3% và 5%.

Thêm tiền, thêm vấn đề

Có nhiều trở ngại cần vượt qua trước khi hyperloop có thể có tác động đáng kể ở Trung Quốc. Đó là chi phí của việc sử dụng hệ thống, nếu bị định giá quá cao (nhằm trang trải chi phí cơ sở hạ tầng khổng lồ), tỷ lệ người dân đón nhận loại hình giao thông này sẽ quá thấp để thấy được hiệu quả rõ rệt.

Năng lực của hệ thống tàu đệm từ siêu tốc cũng sẽ phải thỏa mãn được số dân ngày càng tăng của các siêu đô thị. Đó không phải là điều đơn giản – tàu của HyperloopTT chỉ chứa được 28 – 40 người cùng lúc, trong khi Thâm Quyến hiện đang có khoảng 3 triệu xe hơi.

Chúng ta chưa thể khẳng định liệu những khoản đầu tư này của Trung Quốc có thành công hay không. Nhưng đem đến những cải tiến mới cho phương pháp vận tải ở các thành phố lớn – đặc biệt là khi những cải tiến này thân thiện với môi trường – hiếm khi là một ý tưởng tồi.

P.Trang

Chủ đề khác