VnReview
Hà Nội

Trung Quốc tăng cường tích trữ và sản xuất chip để chống lại Mỹ

Theo SCMP, Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh nhập khẩu các loại linh kiện, máy móc, trang thiết bị, chip máy tính… vì lo sợ rằng thời gian tới Mỹ có thể ban hành lệnh cấm vận nhắm vào những mặt hàng này. Vào năm ngoái, sản lượng chip máy tính và các loại máy móc của Trung Quốc có mức tăng đáng kể.;

Trong một phân tích dữ liệu thương mại của Bloomberg, vào năm 2020, các doanh nghiệp Trung Quốc đã mua tổng cộng gần 32 tỷ USD trang thiết bị dùng để sản xuất chip máy tính từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và các nước khác, tăng 20% ​​so với năm 2019. Thêm vào đó, việc Huawei cùng nhiều hãng công nghệ khác trong nước tăng lượng hàng dự trữ nhằm đề phòng các lệnh trừng phạt của Mỹ, đã thúc đẩy đơn hàng nhập khẩu chip máy tính tăng giá trị lên gần 380 tỷ USD - chiếm khoảng 18% tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong năm ngoái.

Như đã biết, chính phủ Mỹ đã và đang cố gắng hạn chế tối đa khả năng tiếp cận công nghệ Mỹ của các công ty Trung Quốc thông qua các lệnh cấm vận của mình. Đây là lý do tại sao Bắc Kinh phải nỗ lực gấp đôi để phát triển ngành bán dẫn nội địa sau nhiều năm để chậm tiến độ. 

Các đòn trừng phạt của Mỹ dành cho Trung Quốc dưới thời chính quyền Trump đã khiến nước này lộ ra điểm "dễ bị tổn thương" trong nền kinh tế của mình, đó chính là ngành sản xuất bán dẫn. Đáng nói, đây lại là một trong những nhóm ngành then chốt trên toàn thế giới hiện nay. Do đó, tận dụng thời gian chính quyền Biden vừa lên nắm quyền, Bắc Kinh đang dốc toàn lực để thực hiện kế hoạch tự cung bán dẫn cũng như tự chủ công nghệ.

Dan Wang, nhà phân tích công nghệ tại Gavekal Dragonomics ở Thượng Hải cho biết:"Trong thời gian tới, Trung Quốc vẫn phải phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu để sản xuất chất bán dẫn. Hiện giờ, chúng ta chưa có khả năng tự cung các thiết bị để sản xuất chip trên các tiến trình tiên tiến như 7nm hay 5nm. Đất nước đang đầu tư mạnh mẽ, nhưng thành công cần đòi hỏi nỗ lực kéo dài hơn một thập kỷ".

Theo SCMP, công ty Quốc tế Sản xuất Bán dẫn Thượng Hải (SMIC) cùng một số công ty Trung Quốc khác đã tăng cường mua các loại máy móc cần thiết để sản xuất đĩa bán dẫn và chip máy tính. Báo cáo cuối năm của hiệp hội công nghệ SEMI chỉ ra rằng Trung Quốc là thị trường có lượng thiết bị sản xuất bán dẫn lớn nhất trong năm 2020. Hơn nữa, việc Huawei cùng nhiều hãng công nghệ khác trong nước tăng lượng chip dự trữ nhằm đề phòng các lệnh trừng phạt của Mỹ, đã khiến chip nhập khẩu tăng 14% so với 2019. 

Trước đó, Huawei đã bị chính quyền Trump liệt vào danh sách đen của Mỹ từ tháng 5/2019, khiến công ty này gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất smartphone và thiết bị viễn thông vì chuỗi cung ứng chip cũng như linh kiện từ một số nhà cung cấp quan trọng đã đóng băng. Các động thái thắt chặt lệnh cấm sau đó của chính quyền Trump tiếp tục buộc nhiều công ty sử dụng công nghệ Mỹ ngừng hợp tác với Huawei khiến hãng smartphone Trung Quốc nhanh chóng lâm vào tình trạng thiếu linh kiện trầm trọng.

Một lý do khác khiến lượng chip nhập khẩu của Trung Quốc tăng cao là do nhu cầu mạnh mẽ của người dân trong việc sử dụng máy tính cũng như thiết bị công nghệ khác trong suốt đại dịch. Trong đó, phần lớn lượng chip này được lắp ráp vào smartphone, sau đó đến laptop. 

Năm ngoái, một trong những nước có ngành bán dẫn thu về lợi nhuận khủng trong bối cảnh nhu cầu chip toàn cầu tăng cao đó là Đài Loan. Các đơn đặt hàng của TSMC cùng nhiều hãng chip khác đều tăng vọt giúp nền kinh tế của Đài Loan lần đầu tiên đạt mức tăng trưởng vượt qua Trung Quốc sau 30 năm. Nhu cầu chip trong năm 2020 tăng cao đến nỗi nhiều nhà sản xuất xe hơi trên toàn cầu đã lâm vào tình trạng thiếu chip và thậm chí một vài công ty phải tạm dừng sản xuất. 

Theo dự đoán của các chuyên gia, nhu cầu chất bán dẫn vẫn sẽ tiếp tục tăng cao trong năm nay. Tháng 12/2020, Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn đã đưa ra dự báo rằng doanh số chip bán ra trên toàn cầu sẽ tăng 8,4% trong năm 2021. Và các các công ty sản xuất chip hàng đầu như TSMC, Intel và Samsung dự kiến sẽ lại có một năm kinh doanh khởi sắc. Trong khi đó, các công ty Trung Quốc vẫn phải tiếp tục phụ thuộc vào nguồn chip nhập khẩu khi mà sản lượng bán dẫn trong nước còn khá hạn chế. Điều này sẽ giúp Tokyo Electron Electron Ltd và ASML Holding N.V, hai công ty bán dẫn hiện đang hợp tác với Trung Quốc, sẽ có doanh thu tăng đáng kể trong năm nay. 

Vào tháng 3, chính phủ Trung Quốc sẽ công bố chi tiết về kế hoạch kinh tế 5 năm của mình, trong đó nêu rõ tự chủ công nghệ là mục tiêu hàng đầu của nước này. Trọng tâm của chiến lược cũng là nội dung liên quan đến các vấn đề như tự sản xuất chip, giảm sự phụ thuộc vào công nghệ của nước ngoài, lấy lại thị phần đã mất và giúp công ty Trung Quốc chiếm thế thượng phong. 

Chí Tôn

Chủ đề khác