VnReview
Hà Nội

Mặt tối ngành công nghệ Trung Quốc: Lao vào vì lương cao, tháo chạy vì khủng hoảng

Các công ty công nghệ Trung Quốc vẫn là điểm đến ao ước của nhiều lao động trẻ, sinh viên mới tốt nghiệp vì mức lương cao và nhiều danh vọng.;

Bị đồng tiền làm mờ mắt

Tình trạng kiểm soát nhân viên qua các hệ thống AI đang làm dấy lên mối lo ngại về thiên vị và phân biệt đối xử. Jia Kai, phó giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Điện tử Trung Quốc, đặt câu hỏi: "Việc quản lý nhân viên bằng công nghệ đang vượt ra khỏi khuôn khổ của đạo đức xã hội. Nếu một công nhân bị cảm và chưa hoàn thành công việc đúng tiến độ, liệu AI có phát hiện được và cho phép người này có thêm thời gian không". Theo ông, câu trả lời là không. "Những gì hệ thống máy tính có thể nắm bắt được chỉ là một phiên bản đơn giản hóa hành vi của con người".

Tuy nhiên, bất chấp "góc tối" này, nhiều người trẻ vẫn đổ xô vào các công ty công nghệ hàng đầu vì bị thu hút bởi mức đãi ngộ. Theo báo cáo thu nhập mới nhất của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, lao động ngành Internet đứng đầu bảng với thu nhập trung bình năm 2020 là 177.544 NDT (hơn 28.000 USD), tăng 10% so với năm trước, cao hơn thu nhập trung bình trong ngành tài chính và cao gấp đôi so với thu nhập của nhân viên trong lĩnh vực bất động sản. 

Lương cao là lí do nhiều người ngại bỏ việc, kể cả khi bị giám sát (ảnh: Nikkei)

"Vì các công ty trả nhiều tiền cho nhân viên, họ tự cho mình quyền tăng khối lượng công việc tùy thích", chuyên gia Li bình luận. 

Tuy nhiên, việc trúng tuyển vào các công ty công nghệ lớn cũng không hề dễ dàng. Cuộc cạnh tranh này khốc liệt đến mức những người có bằng thạc sĩ vẫn phải chi 8.000 NDT (hơn 1.200 USD) để học một lớp dạy kèm riêng giúp họ vượt qua các cuộc phỏng vấn. 

Chạy đua để được nhận

Với tốc độ phát triển liên tục và nhanh chóng, ngành công nghệ Trung Quốc ngày càng "khát nhân sự", các công ty không ngại đề xuất những mức lương khủng nhằm thu hút người tài. Tuy vậy, đãi ngộ cao đồng nghĩa rằng ứng viên được tuyển phải có năng lực thực sự và quan trọng hơn hết là chấp nhận cống hiến hết mình cho công ty. Vì tiêu chuẩn đầu vào khắt khe dẫn đến đội ngũ nhân viên ít ỏi, nên mỗi khi công ty có một khối lượng lớn công việc cần hoàn thành, các chuyên viên công nghệ thường phải ở lại làm thêm giờ. 

Ông Li cho biết rằng trong nhiều trường hợp, để kịp tiến độ ra mắt một sản phẩm hay dịch vụ nào đó, các nhóm nghiên cứu công nghệ với số thành viên có hạn thường phải làm việc không ngừng nghỉ trong nhiều ngày liền. Xiao Miao, chuyên gia "săn đầu người" cho các công ty Internet, nhận định: "Nguồn cung nhân sự chất lượng cho ngành công nghệ vẫn đang thiếu hụt. Các doanh nghiệp, đặc biệt là những công ty mới thành lập, phải liên tục săn lùng nhân tài"

Theo Xiao, mặc dù hàng năm có một lượng lớn đơn xin việc, nhưng rất khó để tìm được một ứng viên phù hợp với tiêu chuẩn. "Kể cả khi được nhận, không ít trường hợp phải từ chức hoặc bị sa thải vì áp lực công việc quá cao", ông nói thêm.

Một nhân viên làm việc lúc hai giờ sáng tại Công viên Phần mềm Zhongguancun ở Bắc Kinh

Đương đầu với khủng hoảng

Cindy Yang, người gần đây đã gia nhập Tencent Holdings, phải trải qua 6 vòng phỏng vấn khắt khe và đánh bại nhiều đối thủ, hầu hết đều sở hữu thành thích học thuật ưu tú và tốt nghiệp từ các trường đại học hàng đầu thế giới. "Phần lớn công ty công nghệ đều hỏi rằng bạn có sẵn sàng làm thêm ngoài giờ không. Nếu bạn tỏ ra ngần ngại hoặc chần chừ, bạn sẽ bị loại", Yang cho biết. Hiện tại, cô đang làm việc từ 10h đến 22h mỗi ngày. "Mọi thành viên trong nhóm của chúng tôi đều cảm thấy khủng hoảng", cô thừa nhận. 

Theo một báo cáo năm 2020 do Maimai thực hiện, độ tuổi trung bình của nhân viên tại các công ty công nghệ Trung Quốc đều dưới 30. Điều này cho thấy rằng môi trường làm việc nơi đây khắc nghiệt như thế nào. Chẳng hạn như tại Tencent, cứ nửa năm một lần, nhân viên sẽ nhận được kết quả đánh giá qua một cơ chế tính điểm riêng. Những người điểm thấp nhất sẽ bị sa thải. ByteDance và Kuaishou cho phép nhân viên nghỉ cuối tuần nhưng hai tuần một lần theo cơ chế "chẵn lẻ", tuần làm việc sẽ tăng lương gấp đôi. Trong khi đó, Pinduoduo yêu cầu nhân viên tại các cơ sở mới làm việc tối thiểu 300 giờ mỗi tháng. 

Lịch làm việc dày đặc như vậy nhanh chóng khiến nhiều người đuối sức và từ bỏ chỉ sau một thời gian ngắn. Báo cáo của LinkedIn năm 2018 chỉ ra rằng công nhân trong ngành công nghiệp Internet Trung Quốc dành trung bình 1,47 năm trước khi chuyển sang công ty khác. Tony Yang, một cựu kỹ sư của ByteDance, đã nghỉ việc sau hai năm làm việc theo lịch trình "chẵn lẻ".

Anh làm việc từ 11h sáng đến nửa đêm mỗi ngày và thường trực 24/7 để giải quyết các vấn đề hệ thống. "Tôi cảm thấy không khỏe khi kết thúc công việc. Tôi bị thừa cân và thỉnh thoảng bị suy nhược tinh thần. Đôi khi, tôi đột ngột hét lên và muốn đập phá mọi thứ", người đàn ông 31 tuổi nói.

Không chỉ do áp lực công việc lớn tại ByteDance, Yang nhận ra rằng việc bản thân bị căng thẳng còn xuất phát từ những kỳ vọng quá cao của mình. "Nhiều người theo đuổi ngành công nghệ vì mơ ước giàu sang cũng như địa vị của nó. Khi thấy những người cùng độ tuổi với mình đã leo lên những vị trí cấp cao với thu nhập nhiều con số, bạn sẽ cảm thấy rất áp lực và thúc đẩy bản thân làm việc liên tục", anh chia sẻ. 

Mặc dù ByteDance cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý cho nhân viên, nhưng Yang cho biết rằng anh thậm chí không có thời gian cho việc này. "Quỹ thời gian của tôi gần như đã dành hết cho công việc", Yang than thở. Sau một thời gian ngắn nghỉ ngơi, anh gia nhập một công ty Internet khác. "Tôi vẫn rất bận rộn ở công ty mới, nhưng lịch trình làm việc ít căng thẳng hơn nhiều so với thời gian ở ByteDance", anh cho biết. 

"Khi một ngành có tiềm năng phát triển lớn xuất hiện, các công ty sẽ dồn tất cả nguồn lực sẵn có của mình để phát triển trong lĩnh vực này. Ngành công nghiệp Internet là một ví dụ điển hình cho điều này". Jack Qiu, giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết. "Các công ty tìm cách tăng doanh thu cận biên thông qua việc tăng giờ làm việc và thúc đẩy cường độ lao động của nhân viên. Và nhiều công cụ công nghệ cao trong sản xuất được tạo ra nhằm tối đa năng suất"

"Nó không đáng"

Cách đây hai năm, David Yu nhận được lời mời làm kỹ sư từ Pinduoduo với mức lương gấp đôi công ty cũ cùng quyền chọn mua cổ phiếu. Tuy nhiên, chàng trai 27 tuổi đã từ chối lời đề nghị sau khi xem lịch trình làm việc: phải tăng ca qua đêm nhiều lần trong tháng để theo dõi các lỗi hệ thống, làm việc tối thiểu 13 tiếng mỗi ngày và cuối tuần làm việc theo hình thức "chẵn lẻ".

Yu cũng không đồng ý với cách mà công ty sử dụng công nghệ như một công cụ để ép nhân viên làm việc. "Mặc dù hiệu suất công việc trong công ty được nâng cao nhờ các thuật toán, nhưng họ không quan tâm nhân viên phải chịu áp lực lớn như thế nào", Yu chia sẻ. 

Sau 5 năm làm việc cho ba công ty Internet của Trung Quốc, Danny Sun rút ra kết luận rằng: "Nó không đáng". Anh quyết định từ bỏ công việc với mức lương ổn định và trở thành một blogger toàn thời gian trên nền tảng chia sẻ video Bilibili. "Bạn khó có thể thăng chức ở những công ty này. Các doanh nghiệp lớn hầu hết đã IPO, có nghĩa lợi nhuận tài chính cho nhân viên không còn sinh lợi như trước", Sun nói. "Trừ khi bạn đạt được vị trí thật sự cao, nếu không, bạn chỉ là một con ốc vít nhỏ trong cỗ máy lớn".

Chí Tôn

Chủ đề khác