VnReview
Hà Nội

Ai đang sở hữu Internet toàn thế giới?

Internet là dịch vụ quan trọng bậc nhất thế giới với hàng tỉ người dùng. Nhưng chính xác thì ai đang sở hữu Internet?

Trong hơn hai thập kỷ qua, mạng internet đã phát triển và mở rộng để trở thành một phiên bản hoàn toàn khác biệt so với phiên bản gốc khiêm nhường của nó. Việc tìm hiểu internet là gì và cơ chế vận hành của nó có thể cực kỳ khó hiểu.

Nhưng ai mới là người thực sự sở hữu internet? Vì một số lý do mà câu hỏi này cũng khá khó để trả lời. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu một số câu trả lời khả thi nhất cho câu hỏi này.

Internet là gì?

Internet là mạng lưới kết nối một số lượng máy tính khổng lồ với nhau. Mỗi máy tính được kết nối với internet có thể gửi thông tin đến các máy tính khác trong mạng. Internet hoạt động thông qua hệ thống đường dây kết nối và các công nghệ viễn thông không dây, như tháp viễn thông và vệ tinh, để kết nối các máy tính với nhau.

Những mạng máy tính nhỏ bắt đầu xuất hiện từ khoảng cuối thập niên 50 và trong thập niên 60 của thế kỷ trước. Sau đó, với sự xuất hiện của bộ chuyển mạch, các mạng máy tính lớn hơn bắt đầu được phát triển trong các trường đại học, viện nghiên cứu của chính phủ và một số công ty. Đến đầu thập niên 90, một mạng internet riêng tư có thể truy cập trên toàn cầu đã khả dụng.

Và rất nhanh sau đó, nó đã phát triển thành mạng internet mà chúng ta đang sử dụng ngày nay.

Không có bất kỳ ai sở hữu toàn bộ Internet

Theo một cách hiểu thì mạng Internet có nhiều khái niệm chứ không chỉ mỗi cơ sở vật chất. Không có ai được cấp bằng sáng chế hay quyền sở hữu toàn bộ internet. Thay vào đó, từng phần của internet (như trung tâm dữ liệu, đường truyền, vệ tinh, bộ định tuyến…) được sở hữu bởi vô số cá nhân, công ty và cơ quan chính phủ. Người sáng tạo ra World Wide Web, là Sir Tim Berners-Lee, cũng nổi tiếng vì đã từ chối nhận bằng sáng chế internet để giữ cho nó luôn được miễn phí và bất kỳ ai cũng có thể truy cập.

Để trả lời câu hỏi "Ai đang sở dữu internet?", chúng ta có thể hỏi một câu khác cụ thể hơn như "Ai đang sở hữu cơ sở hạ tầng của internet?"

Vậy thì ai đang sở hữu cơ sở hạ tầng của Internet?

Những nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) lớn sở hữu và cung cấp phần lớn các phần của cơ sở hạ tầng internet.

Trong đó bao gồm điểm truy cập, hệ thống cáp mạng và bộ định tuyến… Ngày nay, chúng ta có khoảng 1,1 triệu kilomet cáp ngầm dưới biển, tương đương 28 lần chiều dài đường xích đạo!

Vì cáp điện thoại và cáp internet thường được dùng chung, nên nhiều công ty viễn thông như (AT&T, Spring và CenturyLink) sở hữu phần lớn cơ sở hạ tầng mạng internet.

Nhà cung cấp dịch vụ internet cấp 1

ISP cấp 1 xây dựng hầu hết cơ sở hạ tầng chính của internet, sở hữu hầu hết địa chỉ IPv4 trên toàn cầu. Những nhà cung cấp cấp 1 thường cho những công ty ISP nhỏ hơn thuê lại cơ sở hạ tầng và sau đó mới đến tay người dùng internet đầu cuối.

Hiện có rất nhiều ISP cấp 1, có thể kể đến một số công ty như Level 3, Cogent, Telia Carrier, NTT, GTT, Tata Communications và Telecom Italia.

Google, Microsoft, Facebook và Amazon cũng bắt đầu mua và phát triển hệ thống cáp quang xuyên lục địa. Chỉ riêng 4 công ty này đã sở hữu khoảng 1/10 số cáp ngầm dưới biển. Một số chuyên gia nhận định điều này khá nguy hiểm vì nó cho phép những công ty này vốn đã có quá nhiều quyền lực nay lại có thể kiểm soát internet.

Ai đang kiểm soát và điều tiết internet?

Phần lớn internet không được kiểm soát và nó tự điều tiết. Không có bất cứ tổ chức đơn lẻ hay tập trung nào quản lý mạng internet. Chính cấu trúc cơ sở hạ tầng của internet khiến việc điều tiết nó cực kỳ khó.

Thông tin được đóng thành "gói" và chuyển qua rất nhiều tuyến khả dụng. "Internet Protocol" cung cấp các thiết bị kết nối có khả năng nhận và hiểu dữ liệu. Vì những gói dữ liệu này có thể gửi bằng nhiều tuyến khác nhau, nên IP rất dễ tìm một con đường mới để dữ liệu có thể đến được địa chỉ cuối.

Một số chính phủ đã cố gắng điều tiết internet trong phạm vi pháp lý của họ vì những lý do khác nhau, thường liên quan đến nội dung độc hại và bất hợp pháp. Tuy vậy, những quy định thường chỉ nằm ở cấp độ nội dung (tức là dừng hoạt động một trang web) hoặc ở cấp độ người dùng (như khởi tố hình sự).

Bằng cách này, các chính phủ có thể điều tiết internet thông qua luật pháp. Ví dụ như luật chống vi phạm bản quyền số hay nội dung bất hợp pháp… Một số nước cùng thực hiện kiểm duyệt để chặn một phần nội dung trên internet khỏi không gian mạng của họ.

Một điểm thú vị khác của việc kiểm soát internet là dữ liệu được tuyền qua cơ sở hạ tầng thuộc sở hữu của nhiều nhóm khác nhau. Một số nhà cung cấp dịch vụ lớn hoàn toàn có thể không cho phép hoặc tính phí khi truyền dữ liệu qua hạ tầng của họ. Dù vậy, các công ty ISP lớn đã cùng ký một thỏa thuận ngang hàng cho phép người dùng internet của bất kỳ nhà cung cấp nào cũng được sử dụng cơ sở hạ tầng của nhà cung cấp khác mà không phải trả thêm phí.

Tổ chức xác định tiêu chuẩn internet

Có một số nhóm gồm các cá nhân và tổ chức quan trọng được lập ra để xác định và thúc đẩy các tiêu chuẩn cho internet. Một trong số đó là WC3 hay còn gọi là World Wide Web Consortium. WC3 công bố những tiêu chuẩn phát triển web nhằm đảm bảo khả năng truy cập web, cơ sở hạ tầng internet và quản lý dữ liệu được chuẩn hóa trong toàn ngành.

Một tổ chức khác cũng không kém phần quan trọng là ;ICANN (The Internat Corporation for Assigned Names and Numbers). Tổ chức này điều phối và duy trì một số cơ sở dữ liệu chính nhằm đảm bảo rằng internet hoạt động ổn định và an toàn.

Ngoài ra còn có nhiều tổ chức khác như  Internet Assigned Numbers Association (IANA), Internet Engineering Task Force (IETF), Internet Architecture Board (IAB), Internet Research Task Force (IRTF) và IEEE Standards Association. Mỗi tổ chức đều có một vai trò riêng trong việc điều tiết sự phát triển của internet theo các tiêu chuẩn, trực tiếp giám sát các cở sở hạ tầng quan trọng, hoặc bảo trì cơ sở dữ liệu trung tâm nhằm đảm bảo internet hoạt động liên tục.

ISP và tính trung lập của mạng

Khái niệm về tính trung lập của mạng xuất phát từ ý kiến cho rằng mọi nhà cung cấp dịch vụ internet nên đối xử công bằng với mọi dữ liệu. Ví dụ như ISP không nên ưu tiên một số dữ liệu nhất định cao hơn những dữ liệu khác để khiến người dùng hứng thú hơn với một số nhà cung cấp nội dung nhất định.

Tính trung lập của mạng được ủng hộ nhưng cũng vấp phải nhiều chỉ trích, và những cuộc chiến pháp lý liên quan đến nó vẫn đang diễn ra trên toàn thế giới. Những người ủng hộ lập luận rằng những nhà cung cấp nội dung nhỏ hơn có thể bị "đè bẹp hoàn toàn" nếu nhà mạng không có sự trung lập, từ đó dẫn đến sự độc quyền nội dung trên mạng internet. Nhiều nước đã thành lập các cơ quan chống độc quyền để đảm bảo rằng không một nhà cung cấp internet nào có thể chiếm thế độc quyền trên thị trường.

Nhưng dù vậy, nhiều chuyên gia công nghệ cho rằng những "gã khổng lồ công nghệ" (như Google, Amazon, Facebook…) đã có phần lớn quyền lực và tầm ảnh hưởng trên internet. Ví dụ, Google và Facebook hiện đã chiếm hơn 70% lưu lương truy cập trên toàn cầu. Ngoài ra, Amazon Web Services (AWS) của Amazon cũng chiếm khoảng một phần ba internet.

Ai là người sở hữu dữ liệu?

Trong những năm gần đây, quyền sở hữu dữ liệu, hay quyền sở hữu tài sản trí tuệ, đã làm nảy sinh nhiều cuộc tranh luận lớn. Cuộc tranh luận xung quanh thói quen thu thập hàng loạt thông tin về các cá nhân của những công ty công nghệ lớn đã làm dấy lên câu hỏi "Ai mới thật sự là người sở hữu những dữ liệu đó?"

Ví dụ, thông tin về thói quen trực tuyến của bạn sẽ được các trang web thu thập (như Facebook chẳng hạn). Dữ liệu này có thể được bán lại cho bên thứ ba để đề xuất quảng cáo hiệu quả hơn.

Khi đặt ra câu hỏi rằng "Ai đang sở hữu internet?", việc xác định ai đang sở hữu dữ liệu tạo ra từ internet cũng rất quan trọng, vì đây chính là nguồn tạo ra lợi nhuận, thông tin và khả năng kiểm soát internet.

Quyền sở hữu dữ liệu rất phức tạp và thật sự không có một quy tắc cố định nào về việc ai thật sự sở hữu bất kỳ dữ liệu nào. Tuy vậy, nói một cách hợp pháp thì những người sở hữu nền tảng tạo ra dữ liệu (như Facebook) có thể sở hữu những dữ liệu đó.

Vậy, cuối cùng thì người sở hữu internet là?

Nói một cách ngắn gọn thì internet thuộc về một số công ty lớn. Phần lớn cơ sở hạ tầng internet thuộc sở hữu của một số rất nhỏ các công ty viễn thông lớn.

Khi hỏi rằng ai là người có quyền lực trên internet, thì, một lần nữa, câu trả lời là một nhóm rất nhỏ các công ty lớn. Dù các chính phủ cố gẳng điều tiết những khía cạnh nhất định của internet, luật pháp vẫn không thể bắt kịp sự phát triển của internet. Như vậy, có thể nói rằng hiện chỉ có khoảng 4 đến 5 công ty đang kiểm soát hầu hết mạng internet.

Việc xác định quyền sở hữu dữ liệu phức tạp hơn so với đường dây cáp, đặc biệt là khi luật pháp mỗi nơi một khác. Nhưng khi nói đến quyền sở hữu dữ liệu trên internet, lại một lần nữa, câu trả lời là cũng chính những công ty trên (ít nhất là hấu hết các loại dữ liệu).

Minh Bảo (Theo MOU)

Chủ đề khác